Tọa đàm 'Chia sẻ cùng thầy cô' năm 2022: Góp tiếng nói gìn giữ truyền thống 'tôn sư trọng đạo'

Nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của các chuyên gia giáo dục được chia sẻ tại Tọa đàm 'Chia sẻ cùng thầy cô' năm 2022 diễn ra chiều 15/11 đã góp tiếng nói gìn giữ truyền thống 'tôn sư trọng đạo' trong thời đại mới khi mà mối quan hệ giữa thầy – trò, học sinh thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc.

"Chia sẻ cùng thầy cô"

Chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2022), Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long tổ chức Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2022 diễn ra trong 2 ngày 15 và 16/11 tại Thủ đô Hà Nội nhằm cổ vũ, động viên và tri ân các thầy giáo, cô giáo công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, có nhiều cống hiến, đóng góp vào sự nghiệp giáo dục của nước nhà.

Trong khuôn khổ chương trình, tọa đàm "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2022 đã diễn ra chiều 15/11. Đây là diễn đàn để các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục cùng 68 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu đại diện cho đội ngũ giáo viên cả nước cùng chia sẻ câu chuyện về những khó khăn, những bài học kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy, sự tiếp nối truyền thống "Tôn sư trọng đạo" của các thế hệ thầy và trò, những yêu thương, ân tình của thầy và trò ở mọi miền Tổ quốc trong hành trình "trồng người".

Phát biểu khai mạc tọa đàm, anh Nguyễn Kim Quy – Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam mong muốn Tọa đàm "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2022 thông qua những gửi gắm, tâm huyết của các thầy, cô sẽ lan tỏa hơn nữa câu chuyện về sự yêu thương, chân thành, nỗ lực dìu dắt, cảm hóa những học trò của mình trên con đường chinh phục tri thức và hoàn thiện nhân cách. Đó sẽ là sự khơi gợi mạnh mẽ để các bạn thanh niên, sinh viên, học sinh tiếp tục phát huy truyền thống "Tôn sư trọng đạo", thể hiện những hành động thiết thực để tri ân thầy cô giáo, sẽ không ngừng phấn đấu, rèn luyện để không phụ công những người lái đò thầm lặng.

Tọa đàm "Chia sẻ cùng thầy cô" thu hút nhiều ý kiến của chuyên gia, thầy cô giáo. Ảnh PT

Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của các chuyên gia giáo dục đã góp tiếng nói gìn giữ truyền thống "tôn sư trọng đạo" trong thời đại mới khi mà mối quan hệ giữa thầy – trò, học sinh thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Việt Nam nhấn mạnh, nghề giáo là nghề cao quý tạo ra năng lực, nhân cách và cả tương lai cho học trò. Giáo viên phải giúp học sinh biết cách hòa nhập tập thể, tôn trọng lợi ích tập thể, cộng đồng; Phải biết gieo nhu cầu mới và quan trọng là biết tổ chức cho học sinh thực hiện dần yêu cầu giáo dục đó. Thầy cô phải khách quan việc nhìn nhận đánh giá thiếu sót của học sinh, giúp học sinh thấy rõ những lợi – hại để tự lựa chọn cách ứng xử sao cho hợp chuẩn mực chung xã hội.

Tiếp nối truyền thống "tôn sư trọng đạo" trong thời đại mới

Trong thời đại mới, làm thế nào để gìn giữ truyền thống "tôn sư trọng đạo"?. Tại tọa đàm, PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa các khoa học giáo dục – Đại học giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, để gìn giữ truyền thống "tôn sư trọng đạo cần phải hiểu rõ được vai trò của người thầy và những đáp ứng trong thời đại mới. Mặc dù, trong xã hội nhấn mạnh đến yếu tố kinh tế, tinh thần doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp... nhưng hạt mầm quan trọng nhất vẫn là nghề làm thầy. Bởi bản thân nghề giáo viên là nghề duy nhất có thể tạo ra ảnh hưởng sâu sắc ở người học. Sau này người học có trở thành những nhà toán học, nhân viên... Người thầy sẽ rất tự hào nếu mình có thể thay đổi, tầm ảnh hưởng đến thế giới quan, nhân sinh quan của người trẻ.

Trong bối cảnh hiện nay giáo viên phải đối mặt với nhiều áp lực và xã hội yêu cầu năng lực, trình độ và phẩm chất của giáo viên ngày càng cao. Người giáo viên chuyển từ tiếp cận dạy nội dung sang dạy năng lực, chuyển từ dạy chữ sang dạy người thì họ là người dạy cho người học bằng nhân cách của chính mình. Họ cũng phải là tấm gương sáng về nhân cách mới dạy được. Xã hội cũng đòi hỏi người học phải là công dân của thế kỷ 21. Vậy nên thầy cô trước khi muốn tạo ra công dân thế kỷ 21, bản thân họ cũng phải tự nâng cấp năng lực của mình để trở thành người có khả năng đào tạo.

Đội ngũ nhà giáo chính là đội ngũ tiên phong dẫn đầu trong thế kỷ 21. Ảnh minh họa

PGS.TS Trần Thành Nam cũng cho rằng, mặc dù giáo viên ngày càng phải đáp ứng nhiều yêu cầu và trách nhiệm trong giảng dạy nhưng nghề này cho phép mỗi thầy cô được thỏa sức sáng tạo, cập nhật liên tục kiến thức trong mỗi bài học. Chỉ nghề giáo mới tạo cho chúng ta cơ hội để thử ngay những ý tưởng mới mẻ. Nghề giáo không còn là người dạy mà như một người cố vấn, huấn luyện viên, người thân trong gia đình... Hơn hết, đội ngũ nhà giáo chính là đội ngũ tiên phong dẫn đầu trong thế kỷ 21.

"Có nhiều người đã nói, một cuốn sách, một cây bút, một đứa trẻ và một người thầy có thể tạo nên sự thay đổi của bất cứ một nền kinh tế hay quốc gia nào. Chúng ta đang cần rất nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao, người thầy lại là người gieo hạt mầm hứng thú, đào tạo con người để phục vụ nền kinh tế yêu cầu nhiều về năng lực, phẩm chất đạo đức. Vì vậy nghề giáo không có gì quan trọng hơn thế" – PGS.TS Trần Thành Nam

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, để trở thành những nhà giáo ở trong bối cảnh hiện nay cần phải có năng lực tốt và có một động cơ cao để giúp cho người học. Những chính sách hỗ trợ cho giáo viên là điều rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Ít nhất phải đảm bảo cho cuộc sống của chính các người thầy về thu nhập, được tôn trọng, sáng tạo... để vượt qua những khó khăn, yên tâm với nghề.

Phương Thuận

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/toa-dam-chia-se-cung-thay-co-nam-2022-gop-tieng-noi-gin-giu-truyen-thong-ton-su-trong-dao-172221115194107204.htm