Tọa đàm 'Đưa Luật Quốc phòng năm 2018 vào cuộc sống': Tập hợp sức mạnh, triển khai đồng bộ, khoa học

Sáng 27-6, Cục Dân quân tự vệ (DQTV), Bộ Tổng Tham mưu và Báo Quân đội nhân dân phối hợp tổ chức tọa đàm với chủ đề 'Đưa Luật Quốc phòng năm 2018 vào cuộc sống'.

Tham gia tọa đàm có các đồng chí: Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; Trung tướng Phùng Khắc Đăng, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng trị sự-Trưởng ban Phật giáo quốc tế, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; các tướng lĩnh, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; chỉ huy các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường trong quân đội...

Thiếu tướng Phạm Quang Ngân, Cục trưởng Cục DQTV cùng Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân đồng chủ trì cuộc tọa đàm.

 Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: PHẠM THÁI HƯNG.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: PHẠM THÁI HƯNG.

Khẳng định sự cần thiết phải xây dựng Luật Quốc phòng năm 2018

Luật Quốc phòng năm 2005 sau hơn 10 năm thực hiện đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội (KT-VH-XH). Tuy nhiên, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến bảo vệ Tổ quốc và quốc phòng chưa được thể chế và cụ thể hóa; một số nội dung của Luật Quốc phòng năm 2005 chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) liên quan về quốc phòng; nhiều nội dung đang được điều chỉnh ở văn bản QPPL tính pháp lý chưa cao, chưa được điều chỉnh, hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ. Quá trình thực hiện Luật Quốc phòng năm 2005 bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay.

Xuất phát từ những vấn đề trên, ngày 8-6-2018, Luật Quốc phòng số 22/2018/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019. Đây là cơ sở quan trọng tạo hành lang pháp lý cho sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới... Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu tập trung làm rõ những vấn đề cụ thể, quan trọng, như: Mục đích, quan điểm chỉ đạo việc xây dựng Luật Quốc phòng; sự cần thiết phải đưa ngay luật vào cuộc sống và những hỏi cấp thiết từ cơ sở; nội dung cơ bản và những quy định mới của Luật Quốc phòng năm 2018; phát huy sức mạnh tổng hợp trong xây dựng nền công nghiệp quốc phòng trong Luật Quốc phòng; kết hợp quốc phòng với KT-XH và KT-XH với quốc phòng; vai trò công tác quốc phòng ở bộ, ngành Trung ương, địa phương; giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQPAN) cho thế hệ trẻ trong giai đoạn mới; bồi dưỡng kiến thức QPAN cho chức sắc tôn giáo...

Các tham luận đều khẳng định sự cần thiết phải ban hành Luật Quốc phòng năm 2018. Từ thực tế công tác tại cơ sở, đồng chí Nguyễn Thành Trung, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS phường Ngọc Thụy, quận Long Biên (Hà Nội) phát biểu, nêu rõ Luật Quốc phòng năm 2018 đã khắc phục được những khó khăn, bất cập của Luật Quốc phòng năm 2005 ảnh hưởng đến triển khai công tác QS, QP ở địa phương, nhất là về vấn đề tổ chức, nội dung, hình thức tuyên truyền luật; về chế độ, chính sách đối với lực lượng DQTV, dự bị động viên…

Đề cập về mục đích, quan điểm chỉ đạo việc xây dựng Luật Quốc phòng năm 2018, trong tham luận của mình, Thiếu tướng Phạm Quang Ngân nêu rõ: "Luật Quốc phòng nhằm góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới. Do đó, việc xây dựng luật bảo đảm giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với quân đội nhân dân, công an nhân dân, DQTV và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”.

TS Cao Đức Thái, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đưa ra những đề xuất sát thực nhằm chống lại sự xuyên tạc các văn bản quy phạm pháp luật về QPAN của các thế lực thù địch. “Để thống nhất về nhận thức và hành động, việc xã hội hóa những thông tin qua việc các cá nhân, tổ chức sử dụng internet, mạng xã hội sẽ mở rộng hoạt động tuyên truyền về QPAN nói chung và Luật Quốc phòng nói riêng”, TS Cao Đức Thái nêu quan điểm.

Làm rõ nội dung cơ bản, một số quy định mới

Luật Quốc phòng năm 2018 được coi là bộ luật cơ bản về QP, QS, bảo vệ Tổ quốc, điều chỉnh các văn bản pháp luật khác về QP, QS có liên quan. Một số quy định mới, quan trọng, cốt lõi của Luật Quốc phòng năm 2018 được bổ sung, đó là: Chính sách của Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ và phát triển công nghiệp quốc phòng, để phù hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; quy định về phòng, chống chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng; quy định về phòng thủ quân khu; quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; quy định về đối ngoại vào trong xây dựng tiềm lực khu vực phòng thủ; quy định về bình đẳng giới trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; quy định về tính lưỡng dụng trong các dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng, công trình công nghiệp, giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn và công trình khác để sẵn sàng chuyển sang phục vụ quốc phòng, phòng thủ dân sự; quy định về ban chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương; quy định về hạn chế quyền con người, quyền công dân trong thực hiện lệnh thiết quân luật, giới nghiêm... Những nội dung cụ thể về điểm mới trong luật đã được Thiếu tướng Lương Quang Cương, Phó cục trưởng Cục DQTV nêu rõ trong tham luận tại cuộc tọa đàm.

Phát huy sức mạnh tổng hợp xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, an ninh (CNQPAN) là một chủ trương chiến lược của Đảng được quy định trong Luật Quốc phòng năm 2018. Bàn về vấn đề này, Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Chính ủy Tổng cục CNQP, phân tích: “Con người là yếu tố then chốt trong quá trình phát triển, do đó, cần đẩy mạnh các chương trình đào tạo và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao, các chuyên gia giỏi cả trong và ngoài nước cho xây dựng và phát triển CNQPAN. Bên cạnh đó, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, nhất là Tổng cục CNQP tiếp tục quán triệt và bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ theo các nghị quyết của Đảng về đẩy mạnh phát triển CNQPAN…”.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh lại nhấn mạnh về một khía cạnh trong xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần, đó là: Để thực hiện Luật Quốc phòng hiệu quả, việc bảo đảm tốt chính sách đối với người có công, chính là nhằm tạo tiềm lực chính trị tinh thần trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Do đó, việc ban hành các chế tài quy phạm pháp luật về công tác chính sách đối với người có công cần phải được tiến hành đồng bộ…

Trong tham luận gửi đến tọa đàm, đồng chí Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên, khẳng định: Những kết quả trong việc kết hợp QPAN với KT-XH, KT-XH với QPAN thời gian qua ở địa phương rất đáng ghi nhận. Do đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hưng Yên xác định việc nâng cao chất lượng, hiệu quả kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QPAN trên địa bàn tỉnh là vấn đề rất quan trọng trong thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tỉnh Hưng Yên sẽ có những chủ trương, biện pháp, kế hoạch nhằm cụ thể hóa những nội dung Luật Quốc phòng sao cho sát thực tế với địa phương...

Phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, tạo sức lan tỏa

Làm thế nào để đưa Luật Quốc phòng nhanh chóng đi vào cuộc sống? Giải đáp câu hỏi đó, các đại biểu dự tọa đàm và gửi bài tham luận đến ban tổ chức đều khẳng định trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Song song với đó, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương phải có những chủ trương, biện pháp, kế hoạch nhằm cụ thể hóa, phù hợp với điều kiện thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Bên cạnh đó, quá trình triển khai thực hiện, ở từng cấp, từng ngành, địa phương phải kịp thời phát hiện những khó khăn, bất cập để có những biện pháp khắc phục.

Trung tướng Phùng Khắc Đăng cho rằng: “Muốn thực hiện hiệu quả Luật Quốc phòng năm 2018, phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Để đạt được điều đó, trước hết mỗi tập thể, cá nhân trên cương vị, chức trách, nhiệm vụ của mình phải thể hiện rõ vai trò tiền phong, gương mẫu trong quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm những vấn đề liên quan đến QS, QP. Đó là yếu tố quan trọng, tạo sức lan tỏa trong xã hội”. Còn đồng chí Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định: “MTTQ là nơi quy tụ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, muốn thực hiện hiệu quả sự nghiệp QS, QP của Đảng, trong đó có Luật Quốc phòng thì phải dựa vào sức mạnh của khối đại đoàn kết này”.

Nói về vai trò của báo chí, truyền thông đối với công tác tuyên truyền Luật Quốc phòng năm 2018, đồng chí Đỗ Chí Nghĩa, Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân đề xuất: “Mỗi cơ quan báo chí phải nắm chắc chủ trương, quan điểm của Đảng được quy định trong luật để có kế hoạch tuyên truyền cụ thể, sát với từng đối tượng; trong đó các cơ quan báo chí quân đội phải làm nòng cốt trong tuyên truyền Luật Quốc phòng… Có như vậy mới đưa luật nhanh chóng vào cuộc sống”.

Đồng quan điểm trên, Thượng tọa Thích Đức Thiện khẳng định: “Việc nâng cao nhận thức, bồi dưỡng kiến thức QPAN cho chức sắc tôn giáo hiện nay là cấp thiết. Qua đó, nhằm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao tinh thần cảnh giác và lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho các chức sắc, tín đồ tôn giáo để thực hiện tốt những nhiệm vụ chính trị của đất nước, góp phần ổn định đời sống nhân dân, trật tự xã hội và phát triển đất nước”.

Kết luận cuộc tọa đàm, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn nhấn mạnh: "Để luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, trước hết các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị cần phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng cho mọi cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân hiểu rõ Luật Quốc phòng và nhiệm vụ QS, QP, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với chức năng là kênh thông tin chính thống của Đảng, Nhà nước, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Báo Quân đội nhân dân sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của các bộ, ngành Trung ương, địa phương tổ chức tuyên truyền việc quán triệt, triển khai thực hiện Luật Quốc phòng. Qua đó tìm tòi và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong thực hiện nhiệm vụ QS, QP nói chung, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện luật, đề xuất với cấp có thẩm quyền những giải pháp khắc phục. Kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ QS, QP sẽ là động lực to lớn tạo ra hiệu ứng tích cực, thiết thực góp phần thúc đẩy các cấp, các ngành, từ Trung ương đến cơ sở thực hiện hiệu quả Luật Quốc phòng năm 2018"...

HỒNG KHÁNH CHI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/toa-dam-dua-luat-quoc-phong-nam-2018-vao-cuoc-song-tap-hop-suc-manh-trien-khai-dong-bo-khoa-hoc-580991