Tọa đàm 'Nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới'

Ngày 18/11, tại Hà Nội, Báo Người Đại biểu (Văn phòng Quốc hội) phối hợp với Tổng cục Dân số/ Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) tổ chức Tọa đàm trực tuyến 'Nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới'.

Quang cảnh buổi Tọa đàm “Nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới”.

Khách mời tham gia Tọa đàm gồm: Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; Ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội; PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội; GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội – Đại học Kinh tế quốc dân; Ông Nguyễn Văn Tân, nguyên Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình.

Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Trung ương về công tác dân số trong tình hình mới, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt; tuổi thọ trung bình tăng nhanh; tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh…

Tuy nhiên, vấn đề chất lượng dân số cũng đang đứng trước các thách thức như: mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể, mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh và đã ở mức nghiêm trọng; tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện; chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số; quản lý di cư còn nhiều bất cập…

Buổi tọa đàm nhằm trao đổi, thu nhận ý kiến các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà quản lý, cử tri về những thành tựu đáng ghi nhận mà công tác dân số đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời tìm ra những tồn tại và đề ra những giải pháp để thực hiện Nghị quyết 21 - NQ/TW công tác dân số trong tình hình mới.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tại buổi tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội:cho biết:Trong nửa thế kỷ qua, nước ta thực hiện chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình. Đây là thành tựu vĩ đại, bảo đảm được mức sinh thay thế trong 10 năm gần đây. Tuy nhiên, hôm nay tôi muốn nói đến bối cảnh của công tác dân số, và tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới.

Hiện nay bối cảnh công tác dân số đã có nhiều thay đổi. Nước ta đã đạt ngưỡng 100 triệu dân, chất lượng dân số từng bước được nâng lên. Thế nhưng, so với yêu cầu thực tiễn cuộc sống, đáp ứng tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quá trình hội nhập thì chất lượng dân số này vẫn rất đáng suy nghĩ.

Ở Việt Nam bắt đầu xuất hiện câu chuyện cơ cấu chất lượng dân số theo vùng miền rất có vấn đề. Chăm sóc của chúng ta cho thế hệ tương lai rất lớn, nhiều chính sách nhưng đồng bào dân tộc, miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, do điều kiện địa lý tác động nên gặp rào cản lớn. Sinh con tại nhà, cô đỡ thôn bản không có, tỉ lệ mất sau sinh còn cao. Tình trạng chênh lệch tỉ số giới tính khi sinh còn rất lớn. Nếu như năm 2017, tỉ số giới tính khi sinh giảm còn 112 bé trai/100 bé gái, nhưng năm 2018, tỉ số này tăng cao lên gần 115 bé trai /100bé gái.

Đánh giá bối cảnh công tác dân số hiện nay, công tác tổ chức bộ máy làm dân số đang có vấn đề. Công tác thông tin truyền thông phải đẩy lên, bộ máy phải được củng cố chứ không thu hẹp. Nếu không chăm lo công tác dân số, chúng ta sẽ chịu đựng “gánh nặng” về cơ cấu dân số, chất lượng dân số trong tương lai. Bởi dân số là một trong ba vấn đề của quá trình sản xuất. Lao động, công cụ lao động, tư liệu lao động quyết định yếu tố phát triển sản xuất nhưng ở ta, nhân lực chất lượng thấp dẫn đến năng suất lao động, tốc độ tăng trưởng ảnh hưởng.

Phải coi nâng cao chất lượng dân số như vấn đề hết sức bức bách. Rất mong các nhà dân số học, Tổng cục Dân số phải quay lại nghiên cứu, đưa Luật Dân số trình lên Quốc hội. Nếu làm được luật, xây dựng được cơ chế chính sách phát triển dân số, không phải tăng dân số, cho phép sinh quá giới hạn mà là tăng chất lượng dân số. Luôn phải giữ được mức sinh thay thế, là yếu tố có tính chất quyết định, không được rời bỏ, coi đây là công cụ để phát triển dân số.

Thứ hai, phải sinh ra những đứa trẻ phát triển, đáp ứng cuộc sống tốt nhất, đáp ứng phát triển nguồn nhân lực tốt nhất. Phải trở lại vấn đề sàng lọc trước khi sinh. Muốn có dân số tốt phải kiểm soát từ khi bắt đầu hình thành thai nhi, đang có ý kiến kể cả kiểm tra sức khỏe của các cặp vợ chồng... Dân số tăng theo tỉ lệ mức sinh thay thế nhưng phải quản được 2 vấn đề: Tăng quá cao thì kìm xuống, còn không chịu tăng thì phải khuyến khích, có chính sách để sinh đạt 2 con nhằm cân đối lực lượng dân số, không để xảy ra tình trạng dân số di cư quá nhiều từ nông thôn lên thành thị.

Đô thị cũng như nông thôn, nếu bảo đảm mức sinh thay thế thì dòng chuyển dịch tự do lao động ít đi, nếu không sẽ nảy sinh ra nhiều vấn đề xã hội, nhà ở cho lao động thu nhập thấp, nhà ở cho người nhập cư, tệ nạn xã hội, giao thông... Cho nên, đất nước phát triển, nền kinh tế tăng trưởng tốc độ cao thì chất lượng nguồn nhân lực phải đáp ứng nhu cầu.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đều khẳng định, chiến lược dân số là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước; một trong những vấn đề hàng đầu tác động trực tiếp đến nền kinh tế - xã hội; là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Nói cách khác, dân số vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Vì vậy, đầu tư cho công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình là đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp rất cao.

Muốn vậy, công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. Chính sách dân số phải bảo đảm cân bằng, hài hòa giữa quyền và nghĩa vụ của mọi người dân; giữa việc tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi với thực thi nghiêm kỷ cương pháp luật; giữa việc mở rộng, ứng dụng các kỹ thuật mới với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.

GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội – Đại học Kinh tế quốc dân phát biểu tại tạo đàm.

PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội phát biểu tại tọa đàm

Nam Nguyễn

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/toa-dam-nang-cao-chat-luong-dan-so-trong-tinh-hinh-moi-n16603.html