Tọa đàm 'Nhà báo Nguyễn Thành Lê với báo chí cách mạng Việt Nam'

Chiều 10-6, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Báo Nhân Dân tổ chức tọa đàm 'Nhà báo Nguyễn Thành Lê với báo chí cách mạng Việt Nam'. Đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam dự và phát biểu ý kiến tại tọa đàm.

Đồng chí Thuận Hữu phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: NGUYÊN MINH.

Đồng chí Thuận Hữu phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: NGUYÊN MINH.

NDĐT- Chiều 10-6, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Báo Nhân Dân tổ chức tọa đàm “Nhà báo Nguyễn Thành Lê với báo chí cách mạng Việt Nam”. Đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam dự và phát biểu ý kiến tại tọa đàm.

Cùng dự tọa đàm có các nhà báo lão thành: Hà Đăng, Phan Quang; đại diện Ban Đối ngoại T.Ư, Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Nam, huyện Duy Tiên, đại diện gia đình nhà báo Nguyễn Thành Lê, cùng đông đảo phóng viên báo chí tới dự và đưa tin.

Chủ trì tọa đàm gồm các đồng chí: Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Đinh Như Hoan, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; Trần Bá Dung, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam; Phạm Song Hà, Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Chính trị - Xã hội, Chủ tịch Liên chi hội nhà báo Báo Nhân Dân.

Đây là hoạt động giáo dục truyền thống, lịch sử và mang tính nghề nghiệp của Hội Nhà báo Việt Nam, được tổ chức thường niên từ năm 2012 đến nay về các nhà báo nguyên lãnh đạo cấp cao của Hội. Đồng thời là dịp tưởng nhớ, tri ân Nhà báo Nguyễn Thành Lê nhân dịp 100 năm ngày sinh của ông.

Các đồng chí chủ trì tọa đàm.

Nhà báo Nguyễn Thành Lê, tên khai sinh là Lê Thanh Thủy, sinh ngày 17-6-1920 tại xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên (nay thuộc thành phố Phủ Lý), tỉnh Hà Nam. Nhà báo Nguyễn Thành Lê từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Nguyên Ủy viên T.Ư Đảng; Nguyên Ủy viên Hội đồng Nhà nước; Nguyên Trưởng ban Đối ngoại T.Ư; Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội; Người Phát ngôn của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris về Việt Nam 1968-1973 và tham gia nhiều sự kiện ngoại giao quan trọng khác của Đảng, Nhà nước.

Trong lĩnh vực hoạt động báo chí, ông từng giữ nhiều vị trí quan trọng: Nguyên Tổng Biên tập Báo Giải phóng, Chủ nhiệm báo Độc lập, Chủ bút báo Cứu quốc, Nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân. Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam (khóa I, khóa II) trong những giai đoạn đầu thành lập Hội. Ông là người có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam nói chung trên nhiều cương vị khác nhau, Hội Nhà báo Việt Nam nói riêng. Ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.

Phát biểu tại tọa đàm, đồng chí Thuận Hữu khẳng định: đối với các thế hệ nhà báo Việt Nam, Nhà báo Nguyễn Thành Lê thực sự là một tấm gương điển hình cần tuyên truyền, tri ân, học tập trên nhiều phương diện. Thông qua tọa đàm, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân Dân mong muốn tạo điều kiện để các nhân chứng, các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau có cơ hội gặp gỡ, trao đổi ý kiến, ghi nhận những đóng góp quan trọng của Nhà báo Nguyễn Thành Lê với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam, trên các phương diện: Người chiến sĩ kiên cường trên mặt trận tư tưởng và chính trị; cây bút chính luận sắc bén; Nhà phát ngôn, nhà hoạt động quốc tế kiên cường; Nhà báo, nhà ngoại giao xuất sắc; Nhà nghiên cứu lý luận - nhà ngoại giao; Nhà lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam từ những ngày đầu…

Quang cảnh tọa đàm.

Tại tọa đàm, các bài tham luận, các ý kiến là các nhân chứng lịch sử, cộng sự của Nhà báo Nguyễn Thành Lê lúc sinh thời, các nhà nghiên cứu, giảng dạy lịch sử và lịch sử báo chí Việt Nam… đã làm nổi bật hình ảnh và những cống hiến to lớn của Nhà báo Nguyễn Thành Lê với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam, trong chỉ đạo nhiều tờ báo lớn, trong đó có những đóng góp với Báo Nhân Dân nói riêng, những bài học kinh nghiệm về hoạt động quản lý báo chí và nghiệp vụ báo chí, nhất là bài học về báo chí chính luận và đối ngoại.

* Trước đó, vào sáng cùng ngày, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức Hội thảo “Xây dựng danh mục nhân vật truyền thông". Đây cũng là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa nhân kỷ niệm 95 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2020).

Hội thảo được tổ chức với mục đích nhằm trao đổi, thảo luận về các tiêu chí lựa chọn và đề xuất danh mục các nhân vật tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho lĩnh vực báo chí - truyền thông ở Việt Nam, trong khuôn khổ nhiệm vụ xây dựng Bộ Địa chí Quốc gia (Tập Truyền thông).

Tiến sĩ Trần Bá Dung, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu, nhà báo, các nhà khoa học đã thảo luận về các tiêu chí, điều kiện, với sự thẩm định thận trọng, nghiêm túc, khoa học, bảo đảm tính Đảng, tính lịch sử, chân thực, khách quan, phản ánh đúng sự đóng góp của các nhà báo được giới thiệu với báo chí Việt Nam.

Các tiêu chí lựa chọn nhân vật báo chí truyền thông tiêu biểu các giai đoạn: 1930 - 1945, 1945 - 1954, 1954 - 1975, 1975 - 1986… nêu ra tại hội thảo khẳng định, trong giai đoạn lịch sử nào, báo chí cũng có vai trò cực kỳ to lớn trên mặt trận tư tưởng và chiến đấu, xây dựng, củng cố đất nước.

TIN: THANH HÀ, ẢNH: NGUYÊN MINH.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/44808902-toa-dam-%E2%80%9Cnha-bao-nguyen-thanh-le-voi-bao-chi-cach-mang-viet-nam%E2%80%9D.html