TỌA ĐÀM 'TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG 2018: MÔN HỌC LỊCH SỬ'

Sáng ngày 10/5, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức tọa đàm 'Triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018: Môn học lịch sử'. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thị Mai Hoa chủ trì tọa đàm.

Toàn cảnh tọa đàm

Toàn cảnh tọa đàm

Tham dự tọa đàm có các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng thẩm định Quốc gia môn Lịch sử cùng các chuyên gia, nhà giáo, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực lịch sử.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, nội dung của tọa đàm hôm nay bàn vấn đề đang được cử tri rất quan tâm hiện nay và có nhiều ý kiến gửi tới Quốc hội. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục mong muốn thông qua buổi tọa đàm hôm nay sẽ thu thập được nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất cụ thể của các chuyên gia về vấn đề này, đó là môn Lịch sử trong được triển khai như thế nào trong chương trình giáo dục phổ thông; giải pháp nào để khẳng định vị thế của môn Lịch sử; đồng thời triển khai thành công Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, và để môn Lịch sử thực sự có vị trí, điều kiện bảo đảm chất lượng; những định hướng triển khai trong thời gian tới.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa tại tọa đàm

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh, những vấn đề liên quan đến môn Lịch sử không chỉ trong dịp này, năm nay mà trong suốt thời gian qua cũng đã được xới xáo, với nhiều vấn đề đặt ra. Trước Kỳ họp thứ 3, đã có nhiều ý kiến của cử tri và các cá nhân, tổ chức gửi tới Quốc hội về vấn đề này; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục được phân công nghe, tổng hợp các ý kiến, báo cáo Quốc hội về vấn đề mà cử tri quan tâm. Qua tổng hợp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, các ý kiến gửi tới tập trung vào một số nội dung chính: quan điểm đưa môn Lịch sử trở thành môn học tự chọn (cơ sở khoa học, cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn), đặc biệt là đặt môn Lịch sử trong tương quan với các môn học khác, liên hệ với việc thiết kế chương trình môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông và việc dạy học môn Lịch sử ở một số nước trên thế giới, đề xuất giải pháp và kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

Để tận dụng tổng hợp được tối đa ý kiến của các đại biểu, chuyên gia tại tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận ngắn gọn, đi thẳng vào những nội dung chính, bảo đảm thời gian; đồng thời mong muốn các ý kiến góp ý về chương trình Môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông mới với tinh thần đổi mới và hội nhập; so sánh, đánh giá về chương trình Môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 với những lần trước, gần nhất là Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006, đặc biệt là những điểm nhấn, đổi mới về thời lượng, thiết kế chương trình, quan điểm dạy tích hợp ở Tiểu học và Trung học cơ sở, dạy phân hóa Trung học phổ thông...

Tại tọa đàm, các đại biểu đã tích cực trao đổi, thảo luận về các nội dung liên quan đến Chương trình môn Lịch sử 2018; đưa ra quan điểm về việc đưa môn Lịch sử trở thành môn học tự chọn; đánh giá về vai trò của môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông và việc dạy môn học Lịch sử ở một số nước trên thế giới; đề xuất giải pháp và kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan…/.

Thu Phương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=64378