Tọa đàm trực tuyến 'Phát huy hiệu quả mô hình trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình'

Sáng 29/11, báo Kinh tế & Đô thị và Sở Y tế Hà Nội phối hợp tổ chức buổi Tọa đàm trực tuyến trên báo điện tử Kinh tế và Đô thị về: 'Phát huy hiệu quả mô hình trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình'.

Căn cứ Kế hoạch số 143/KH-UBND của UBND TP về Nâng cao chất lượng hoạt động của Trạm Y tế theo nguyên lý y học gia đình trên địa bàn TP; Kế hoạch số 25/KH-KTĐT của báo Kinh tế & Đô thị về Phối hợp tuyên truyền về công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân Thủ đô; Báo Kinh tế và Đô thị và Sở Y tế Hà Nội phối hợp tổ chức buổi Tọa đàm trực tuyến trên báo điện tử Kinh tế và Đô thị về: “Phát huy hiệu quả mô hình trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình” trên báo điện tử www.kinhtedothi.vn.

Các khách mời chụp ảnh lưu niệm.

Các khách mời chụp ảnh lưu niệm.

Tham dự buổi Tọa đàm có các vị đại biểu, các vị khách quý:
- Về phía đại diện Sở Y tế Hà Nội có: Ông Vũ Duy Hưng - Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Hà Nội
- Về tuyến Bệnh viện có: ông Lê Thanh Hải - Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Châm cứu Trung ương; ông Lê Hoàng Tú - Phó Giám đốc BV Đa khoa Hà Đông.

- Về phía TTYT tuyến huyện có: Ông Hoàng Lưu Sa - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn; ông Nguyễn Gia Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đan Phượng.

- Về trạm y tế tuyến xã có: Bà Trần Thị Mai Hương - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tân Hội; ông Trần Trọng Thắng - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Mai Đình.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Lại Bá Hà cho biết: “Để nâng cao chất lượng y tế cơ sở, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, trong thời gian qua, ngành y tế Hà Nội đang tích cực triển khai, nhân rộng mô hình Trạm Y tế theo nguyên lý y học gia đình trên địa bàn toàn TP.

Qua thời gian triển khai, mô hình này bước đầu đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân, khẳng định vai trò “người gác cổng” của hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu. Tuy nhiên, để mô hình này hoạt động hiệu quả vẫn còn nhiều nút thắt cần phải tháo gỡ.

Trong buổi tọa đàm trực tuyến hôm nay với chủ đề “Phát huy hiệu quả mô hình trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình”, chúng tôi mong muốn lăng nghe tiếng nói từ cơ sở và những người trong cuộc nhằm chia sẻ với bạn đọc, người dân hiểu hơn về mô hình này.

Cùng với đó, nêu lên những bất cập, đề xuất các giải pháp để mô hình trạm y tế xã phường hoạt động theo nguyên lý y học gia đình mang lại hiệu quả thiết thực nhất”.

KHÁCH MỜI THAM DỰ

Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế HN

Ông Vũ Duy Hưng

Phó Giám đốc BV Đa khoa Hà Đông

Ông Lê Hoàng Tú

Trạm trưởng Trạm Y tế xã Mai Đình

Ông Trần Trọng Thắng

Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Châm cứu Trung ương

Ông Lê Thanh Hải

Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tân Hội

Bà Trần Thị Mai Hương

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đan Phượng

Ông Nguyễn Gia Phúc

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn

Ông Hoàng Lưu Sa

Nội dung giao lưu trực tuyến

Bạn đọc Nguyễn Thành Vinh (Đông Anh) hỏi:

Trước đây, do điều kiện khó khăn, người dân khi có bệnh mới đến bệnh viện; còn hiện nay, khi chưa có bệnh, người dân đã được quản lý, chăm sóc sức khỏe ngay tại địa phương. Nhưng thực tế, người dân vẫn chưa hiểu tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe ban đầu. Việc đẩy mạnh truyền thông là khâu quan trọng, là tuyến gần dân nhất, ông bà có những giải pháp gì trong quản lý sức khỏe người dân trên địa bàn?

Ông Nguyễn Gia Phúc trả lời:

Công tác truyền thông trong việc quản lý, chăm sóc sức khỏe ngay tại địa phương rất quan trọng. Thời gian qua, ngành Y tế Thủ đô đã có nhiều giải pháp trong công tác truyền thông. Qua đó, tuyến y tế cơ sở đã có các bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ; quảng bá hình ảnh, các danh mục chuyên môn kỹ thuật TYT, cơ sở y tế đã làm được… Nhờ đó, nhân dân biết đến hình ảnh của TYT nhiều hơn. Bởi trong quá trình chăm sóc sức khỏe nhân dân, họ thấy rõ hiệu quả thực sự tại tuyến y tế cơ sở khi các bác sĩ có năng lực chuyên môn tốt. Phải qua đánh giá thực tế của người dân thì mô hình này tại các TYT mới phát triển được. Khi phát triển được số lượng bệnh nhân tăng lên thì mới có cơ chế chi trả, từ đó, mới duy trì được mô hình này.

Bạn đọc Nguyễn Bích Phượng (bichphuong@gmail.com) hỏi:

TP Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu hết năm 2019, đạt tối thiểu 45% trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình, năm 2020, đạt 80% và năm 2021 đạt 100%. Với tiến độ như hiện nay, liệu có đạt được mục tiêu không, thưa ông (Sở Y tế)?

Ông Vũ Duy Hưng trả lời:

Trước khi tham mưu, chúng tôi đã rà soát cụ thể, đưa ra dự thảo kế hoạch, mời các quân huyện và tt y tế lên cho ý kien, xin ý kiến sở ngành. Bởi nếu không có nguồn lực thì sẽ không làm được, chúng ta phải hiểu rõ năng lực, nhân lực, hiện trạng trang thiết bị đang ở đâu. Trong 2019, chúng tôi đã triển khai kế hoạch từ 25/6/2019, đến nay đã được 85% kế hoạch năm, còn 1 tháng rưỡi chắc chắn chúng ta sẽ hoàn thành 45% chỉ tiêu trong 2019.

Còn sau khi hoàn thành nhiệm vụ 2019, dựa trên cơ sở kinh nghiệm, chúng tôi sẽ tíep tục đôn đốc các đơn vị, trong các năm tiếp theo. Dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND, chúng tôi sẽ hoàn thành nhiệm vụ được UBND giao.

Bạn đọc Trương Nam Thành (Cầu Giấy, Hà Nội) hỏi:

Trước đây, do điều kiện khó khăn, người dân khi có bệnh mới đến bệnh viện; còn hiện nay, khi chưa có bệnh, người dân đã được quản lý, chăm sóc sức khỏe ngay tại địa phương. Nhưng thực tế, người dân vẫn chưa hiểu tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe ban đầu. Việc đẩy mạnh truyền thông là khâu quan trọng, là tuyến gần dân nhất, ông bà có những giải pháp gì trong quản lý sức khỏe người dân trên địa bàn?

Ông Trần Trọng Thắng trả lời:

Mảng truyền thông rất quan trọng, phải đưa lên làm ưu tiên hàng đầu. Làm sao cho việc khám chữa bệnh tại mô hình trở thành nhận thức chung từ đó mới có thể tạo thành thói quen cho người dân.

Ông Hoàng Lưu Sa - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn:

Truyền thông có rất nhiều hình thức, nhưng truyền thông miệng của người dân đến các phòng khám, trạm y tế là hết sức quan trọng, nó sẽ đúng là tiếng thơm ắt sẽ biết đến. Đối với các trung tâm y tế, trạm y tế không có đơn vị chuyên biệt làm truyền thông, chúng tôi đang muốn thành lập một tổ chuyên biệt nhưng không phải làm truyền thông mà hỗ trợ khách hàng. Chúng ta có thể học tập các bệnh viện tư nhân để có thể hỗ trợ cho người bệnh. Nhưng sẽ có cách làm khác là quản lý sâu về bệnh mãn tính. Để người dân có thể quan tâm đến sức khỏe của chính họ từ đó họ sẽ quan tâm đến các vấn đề khác.

Bà Trần Thị Mai Hương - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tân Hội:

Đối với Tân Hội sau khi triển khai 1 năm đã có sự quan tâm của Đảng ủy Ủy ban triển khai đến các chi bộ, xen kẽ giới thiệu mô hình trong các cuộc họp. Chúng tôi đẩy mạnh truyền thông trực tiếp cho người bệnh đến khám. Công bố rõ danh sách bác sỹ sẽ khám tại trạm y tế theo từng ngày để bệnh nhân có thể nắm được lịch.

Vũ Duy Hưng - Phó trưởng phòng nghiệp vụ y, Sở Y tế Hà Nội:

Công tác truyền thông làm sao đẩy mạnh, đại diện các trạm y tế, trung tâm y tế, bệnh viện TW và TP đã nói về công tác truyền thông. Chúng tôi nhận thức rõ nếu làm mà không có truyền thông sẽ thất bại, vì người ta không biết để đến.

Thứ nhất, ngoài truyền thông trên báo đài, loa truyền thanh, cần truyền thông ngay từ cơ sở, như chị Hương nói, lãnh đạo cần nhận thức để đưa vấn đề truyền thông vào nghị quyết của đảng, ban ngành đoàn thể, tổ dân phố, để tuyên thông trực tiếp. Theo tôi, công tác truyền thông phải làm đồng bộ nếu không thì sẽ không thành công

Chúng tôi cũng thấy rằng không phải cứ trạm y tế nào cũng thành công, chúng tôi có tiến hành kiểm tra, thì thấy 1 số trạm vì truyền thông chưa tốt nên chưa thành công.

Tôi thấy rằng không phải 100% trạm là thành công, do đó, công tác truyền thôn là rất quan trọng, từ cơ sở đến quân huyện, TP… phải làm truyền thôn tốt. Tôi rất vui trong dịp này được cùng với báo phối hợp truyền thông cho người dân hiểu biết thế nào là bs gia đình, quản lý sức khỏe, hi vọng báo tiếp tục hỗ Sở Y tế trong công tác truyền thông.

Bạn đọc Nguyễn Duy (duyhn13@gmail.com) hỏi:

Tư vấn cho người dân như thế nào về việc nên khám ở tuyến nào?

Ông Lê Hoàng Tú trả lời:

Thực trạng một số người dân có điều kiện đang làm quá tải các tuyến trên một cách không cần thiết. Theo chúng tôi, khi người dân đã đăng ký mô hình, thì bên cạnh việc quan tâm, theo dõi tình hình sức khỏe của người dân, các trạm y tế xã cần tuyên truyền cho người dân, thông qua các hình thức tuyên truyền cộng đồng và hỗ trợ của báo chí.

Về bản chất, để người dân tin tưởng vào chất lượng y tế ở các tuyến dưới, các trạm y tế xã hay tuyến cơ sở nói chung cần xây dựng thương hiệu cho mình, bằng cách nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất và chất lượng chuyên môn của bác sĩ. Thực tế lượng bệnh nhân tại các tuyến cơ sở hiện nay cũng đã tăng cao.

Bạn đọc Dương Kiều My (Long Biên, Hà Nội) hỏi:

Nhiều ý kiến cho rằng, Sở Y tế nên nghiên cứu, đề xuất bỏ chức năng khám chữa bệnh của một vài trạm y tế, đặc biệt những trạm trong nội thành Hà Nội và lân cận nội thành, để tránh lãng phí, theo ông có nên không?

Ông Vũ Duy Hưng trả lời:

Không chỉ ở Sở Y tế, bản chất việc này Bộ Y tế đã biết từ lâu. Về xây dựng tiêu chí quốc gia đối với y tế xã, đã có quy định cụ thể trong Quyết định 4667 của Bộ Y tế.

Với các trạm y tế, thì đối với công tác khám chữa bệnh, chủ trương của Bộ là không bỏ, nhưng một số kĩ thuật có thể triển khai hoặc không thể triển khai.

Nếu cắt khám chữa bệnh thì sẽ không đảm bảo về khám chữa bệnh sức khỏe ban đầu. Ví dụ như ở quận Tây Hồ không quá xa bệnh viện Xanh Pôn, nhưng nếu xảy ra trường hợp đẻ rơi thì phải đưa vào trạm y tế ngay để xử lý.

Hay cách đây mấy năm có vụ cướp trên đường Nguyễn Thái Học chỉ cách bệnh viện Xanh Pôn 500m, nhưng cần đưa nạn nhân vào trạm y tế phường Điện Biên để chữa trị ngay nếu không sẽ không đảm bảo tính mạng cho người dân.

Tôi cho rằng không thể bỏ công tác khám chữa bệnh ban đầu tại các trạm y tế, còn việc thực hiện các kĩ thuật cao cấp sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của người dân và quy định của Bộ Y tế theo phân vùng.

Nếu bỏ trạm y tế, ai sẽ làm công tác phòng chống dịch, quản lý sức khỏe cho người dân, ai sẽ làm công tác đảm bảo dinh dưỡng, tiêm chủng mở rộng...

Qua đây, tôi hy vọng truyền thông sẽ tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ về vai trò của các trạm y tế hơn nữa.

Bạn đọc Nguyễn Ngọc Thùy (nnguyenthuy@gmail.com) hỏi:

Để giải quyết những khó khăn, bất cập như ông, bà (TTYT, TYT xã) vừa nêu ra, ông có đề xuất giải pháp nào để phát huy hiệu quả tốt nhất đối với mô hình này?

Ông Vũ Duy Hưng trả lời:

Về nguồn nhân lực: Đầu tiên, phải khẳng định tại sao phân kỳ là trong năm nay phải đặt mục tiêu 45%, sang năm 80% và sau là 100%, vì cơ sở vật chất có đảm bảo hay không nên cần phải phân kỳ đầu tư.

Về hiện trạng nhân lực tại các trạm y tế, hiện ngành y tế có 502/584 xã phường có bác sĩ định biên tại trạm y tế, trong số này, có 400 bác sĩ đa khoa. Yêu cầu của kế hoạch triển khai là phải có bác sĩ đa khoa để đủ điều kiện đi học chứng chỉ bác sĩ gia đình.

Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục củng cố đào tạo cung cấp nguồn nhân lực để đảm bảo thực hiện theo đúng kế hoạch.

Về thanh toán BHYT, định mức thấp: Việc thanh toán hiện nay được thực hiện theo quy định về tài chính do Bộ Y tế hướng dẫn đối với thanh toán BHYT ở tuyến cơ sở. Chúng tôi đã kiến nghị với Bộ về một số khúc mắc còn tồn tại trong quá trình thanh toán BHYT.

Về cơ cấu giá, hiện có 7 cấu phần, với y tế cơ sở là những đơn vị có nguồn NSNN cấp về lương, nên 30% nhân lực tại các trạm không được được tính trong tiền lương, do đây là hướng dẫn của Bộ Y tế. Hiện chúng tôi đã có đề xuất đối với Bộ Y tế để đảm bảo mặt tài chính tại trạm y tế.

Về CNTT, trong thời đại 4.0, ngành y tế đang chuyển mình thực hiện tăng cường áp dụng CNTT, tuy nhiên, ngay lập tức thì quá trình này chưa thể trơn tru ngay được. Ngành Y tế đã nhận thực được và đang có kế hoạch báo cáo UBND cho phép được đấu thầu rộng rãi đối với các đơn vị có đủ khả năng xây dựng phần mềm quản lý sức khỏe và phần mềm quản lý nói chung với các trạm, phần mềm bệnh án điện tử với các bệnh viện.

Chúng tôi phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Bộ y tế về bệnh án điện tử, nhất là các yếu tố an toàn bảo mật, đặc biệt là với vấn đề riêng tư về sức khỏe của người bệnh.

Với ngành, chúng tôi đã nhận thức rõ điều này và sẽ nỗ lực đảm bảo đáp ứng CNTT trong thời gian tới. Trong giai đoạn chuyển giao, Sở đang yêu yêu cầu áp dụng thông tư 27 theo hồ sơ giấy. Việc áp dụng CNTT đang thực hiện song song, khi ổn sẽ bỏ hồ sơ giấy.

Về bác sĩ tuyến trên, tuyến dưới: Trong 3 năm, các cán bộ tuyến trên xuống thì phải cầm tay chỉ việc. Bên cạnh công tác khám chữa bệnh, các bác sĩ tuyến trên phải hướng dẫn bác sĩ ở tuyến cơ sở nâng cao trình độ. Chúng tôi hy vọng khi kiến thức các bác sĩ cơ sở được nâng lên, thì người dân sẽ tin tưởng hơn. Chúng tôi cũng chỉ đạo khi nào các trạm thấy không còn cần thiết nữa, các bác sĩ tuyến trên mới rút đi.

Về thu lao, chúng tôi đang triển khai Đề án 1816 và Quyết định 14 của Thủ tướng về luân phiên cán bộ, TP cũng quan tâm bố trí kinh phí cho các bác sĩ thực hiện theo nghĩa vụ, trong đó lồng ghép vào QĐ 143, đưa kinh phí vào cho các bác sĩ thực hiện nhiễm vụ ở trạm y tế xã.

Nhưng chúng tôi nhận thấy cần hỗ trợ hơn nữa, về xăng xe, hoặc công tác phí từ bệnh viện hoặc trung tâm, chúng tôi sẽ xem xét đề xuất phù hợp với TP trong điều kiện hiện nay.

Về việc nhiều bác sĩ được trải thảm đỏ nhưng vẫn khó tuyển, điều này xảy ra không phải chỉ ở trạm y tế, kể cả bệnh viện T.Ư, TP, cũng phải đối mặt với tình trạng này.

Để đảm bảo nguồn nhân lực cho tuyến y tế cơ sở, cần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh thì có người bệnh đến thì sẽ có kinh phí từ nguồn bảo hiểm và dịch vụ, các bác sĩ tại trạm an tâm hơn.

Thứ hai, phải thông qua tuyển dụng, ngành đang đề xuất thông qua xét tuyển, không thi tuyển tại các trạm y tế. Tiếp tục đào tạo liên thông từ y sĩ lên bác sĩ tại các trạm y tế cơ sở.

Bạn đọc Phan Thu Thủy (thuythuy0912@gmail.com) hỏi:

Là một bệnh viện tuyến TP rất tích cực trong việc hỗ trợ tuyến dưới, ông có thể đánh giá những khó khăn, thuận lợi khi tham gia mô hình này? Bệnh viện đã hỗ trợ những nội dung gì cho tuyến dưới và ông có kỳ vọng khi tuyến dưới được đầu tư, sẽ giảm quá tải cho tuyến trên?

Ông Lê Hoàng Tú trả lời:

Bản thân tôi là 1 lãnh đạo đã có cơ hội nhiều năm làm việc tăng cường tại các trạm y tế xã, vì vậy phần nào thấu hiểu được các thuận lợi và khó khăn của quá trình triển khai mô hình ở tuyến dưới.

Ông Lê Hoàng Tú phát biểu tại buổi tọa đàm.

Về phía BV Đa khoa Hà Đông - tiền thân là BV Đa Khoa Hà Tây cũ, hiện là một trong các BV tuyến 1 thuộc quản lý trực tiếp của Sở Y tế - thường xuyên hỗ trợ cho các tuyến dưới.

Một thuận lợi rõ nét là sự hỗ trợ, tạo điều kiện thường xuyên của Sở, cũng cấp nguồn kinh phí tối thiểu cho các hoạt động ở tuyến dưới.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu thốn nguồn nhân lực, cả về số lượng và chất lượng. Từ đây, cá nhân tôi mong muốn sự hỗ trợ hơn nữa của T.Ư, bao gồm việc đảm bảo kinh phí, thù lao cho đội ngũ y bác sĩ tuyến dưới, để họ có thể yên tâm công tác, tập trung vào chuyên môn.

Bên cạnh đó, cần có chính sách nâng cao năng lực chuyên mô, đặc biệt là thường xuyên cập nhật các kỹ thuật cho các y bác sĩ tuyến dưới. Thực tế điều này hiện đã được duy trì tại các tuyến cơ sở nhờ hỗ trợ của một số BV tuyến trên, tạo nên những thuận lợi nhất định.

Một hạn chế nữa là sự thiếu thống nhất trong quản lý công nghệ thông tin. Ví dụ, một bệnh nhân tuyến cơ sở chuyên lên BV chúng tôi thì chúng tôi cần nắm được các dữ liệu tiền sử bệnh, lịch sử dùng thuốc. Bản thân các cơ sở tuyến dưới cũng cần như vậy.

Bạn đọc Hoàng Minh Tuấn (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) hỏi:

Bệnh nhân thường trú tại xã A nhưng lại ở gần trạm y tế xã B thuộc huyện giáp ranh, vậy có được khám chữa bệnh BHYT tại xã B hay không, hay bắt buộc phải đúng tuyến xã?

Ông Hoàng Lưu Sa trả lời:

Các bệnh nhân thường trú tại xã A nhưng lại ở gần trạm y tế xã B thuộc huyện giáp ranh thì theo quy định đã đưa ra là có thể khám chữa bệnh bình thường.

Đơn cử như huyện Sóc Sơn có 6 trạm y tế giáp ranh. Chúng ta chỉ cần khảo sát xong gửi danh sách về bảo hiểm y tế họ sẽ chi trả đúng với quy định.

Bạn đọc Nguyễn Trọng Hòa (tronghoa112@gmail.com) hỏi:

Để Trạm y tế xã trở thành "cánh tay nối dài" của bệnh viện tuyến quận huyện trong khám chữa bệnh ban đầu. Theo ông, cần khắc phục những khó khăn gì ?

Ông Hoàng Lưu Sa trả lời:

Nhân lực là vấn đề then chốt của y tế cơ sở, các bệnh viện cần có cơ chế. Việc bệnh viện tự chủ nhưng nhân lực không có thì không có người khám chữa. Tại huyện Sóc Sơn chúng tôi triển khai ở phòng khám, kết hợp với 2 đơn vị, từ đó lượng bệnh nhân trừ hao sẽ chia đôi kinh phí để có thể hỗ trợ cho các bác sỹ. Để thực hiện đúng với đề án thì rất khó vì nguồn kinh phí khá hạn hẹp.

Bạn đọc Nguyễn Anh Tú (Giảng Võ, Hà Nội) hỏi:

Là một BV tuyến trung ương rất tích cực trong việc hỗ trợ tuyến dưới trong triển khai mô hình, ông có thể đánh giá những khó khăn, thuận lợi hiện nay?

Ông Lê Thanh Hải trả lời:

Bản thân tôi là người trực tiếp xuống Trạm Y tế xã Tân Hội ngay từ buổi đầu triển khai mô hình. Đây là 1 trong 26 điểm của Bộ Y tế. Quá trình triển khai đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Lượng bệnh nhân đến trạm tăng hơn, người dân tăng sự tin tưởng vào y tế tuyến dưới. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa 2 bên diễn ra trôi chảy.

Ông Lê Thanh Hải trả lời bạn đọc.

Khi đã giảm tải y tế cơ sở, các bác sĩ trung ương sẽ có thời gian nghiên cứu, những thành tự nghiên cứu đó sẽ được đưa về áp dụng tại cơ sở.

Tuy nhiên, có 1 điều bản thân tôi cũng như các bệnh viện tuyến trên hết sức băn khoăn, lo lắng. Đó là nguồn nhân lực sau khi chúng tôi rút đi. Nếu sau khi các bác sĩ tuyến trên rút đi, các bác sĩ tuyến cơ sở vẫn đảm bảo được chuyên môn, khám chữa bệnh tốt như khi phối hợp thì đó là thành công của mô hình. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực vẫn đang là 1 vấn đề.

Ngoài ra, những khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đại diện các cơ sở y tế tuyến dưới đã phát biểu khá đầy đủ.

Bạn đọc Ngô Hoàng Bảo Ly (baoly2911@gmail.com) hỏi:

Là tuyến y tế gần dân nhất, ông, bà có thể cho biết những thuận lợi, khó khăn đối với cơ sở mình?

Bà Trần Thị Mai Hương trả lời:

Qua 1 năm hoạt động mô hình trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình cũng có nhiều thuận lợi và khó khăn.

Thuận lợi là được sự quan tâm của Bộ Y tế, Sở Y tế, UBND xã. Sau khi triển khai được sửa lại cơ sở vật chất, đến nay rất khang trang, sạch đẹp. Trang thiết bị được đầu tư mới từ văn phòng đến trang bị y tế.

Nhân lực tại trạm có 11 cán bộ cũ, có bác sĩ tuyến huyện được cử về luôn phiên khám và điều trị. Thuốc năm 2019 có đầy đủ các loại thuốc 140/249 loại theo quy định. Về quản lý sức khỏe toàn dân đã quản lý được 97% dân số trong xã.

Bà Trần Thị Mai Hương phát biểu tại buổi tọa đàm.

Khó khăn là nhiều người dân chưa hiểu rõ khám chữa bệnh gia đình nên khâu tuyên truyền khá vất vả. Về ứng dụng CNTT, trạm sử dụng 3 phần mềm nhưng không kết nối với nhau, tốn nhân lực để sử dụng. Phần mềm chưa kết nối với bệnh viện tuyến trên nên khó khăn trong việc theo dõi bệnh nhân.

Ngoài ra, bác sĩ từ tuyến trên về thực hiện nhiệm vụ chỉ được tính 70% chi phí, điều này khiến nhiều bác sĩ có ý kiến.

Hiện tại, trung bình 50 đến 60 bệnh nhân đến khám chữa bệnh nhưng nhân lực không được tăng, dẫn tới nhiều khó khăn.

Với Tân Hội, nổi bật nhất 2019 là triển khai được mô hình trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình, với các bệnh nhân tăng huyết áp và tiểu đường điều trị được nhiều hiệu quả. Cũng trong năm đã triển khai được hạng mục y học cổ truyền.

Ông Nguyễn Gia Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đan Phượng: Áp dụng Trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Đan Phượng được sự chỉ đạo sát sao của huyện cũng như sự quan tâm đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất của huyện.

Đến nay, TTYT huyện Đan Phượng đã xây dựng 10 Trạm y tế. Theo kế hoạch, đến 2020, TTYT huyện Đan Phượng xây dựng 16/16 TYT. Với sự đầu tư kinh phí là hơn 29 tỷ đồng, các Trạm y tế của huyện Đan Phượng đã được bố trí các buồng phòng chức năng, hiện đại đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh (KCB) của Nhân dân.

Nhờ triển khai mô hình tốt, nên các Trạm y tế của huyện được Nhân dân tin tưởng, hưởng ứng và cảm ơn vì họ được hưởng lợi rất nhiều. Bởi thay vì trước đây, Nhân dân phải đi lên tuyến trên KCB vừa mất chi phí cao lại vừa mất thời gian đi lại, chờ đợi.

Ngoài ra, khi triển khai mô hình trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình, TTYT huyện Đan Phượng được các BV tuyến T.Ư (Bệnh viện Châm cứu T.Ư, Bệnh viện E), hàng tuần về hỗ trợ các trạm y tế KCB về bệnh tiểu đường, châm cứu, cầm tay chỉ việc, đào tạo cho cán bộ cơ sở…

Tuy nhiên, các trạm y tế còn gặp nhiều khó khăn khi nhân lực y bác sĩ còn thiếu trong khi đó, trạm y tế có rất nhiều chương trình, hoạt động nên các trạm y tế không thể làm nhiều việc song song. Khó khăn đó là các bác sĩ của BV tuyến trên không thể về hỗ trợ các trạm y tế hàng ngày.

Một số trạm y tế đã triển khai theo nguyên lý, lượng bệnh nhân cũng có tăg lên nhiều so với trước nhưng lượng bệnh nhân tăng chưa như kỳ vọng. Ngoài ra, thanh toán bảo hiểm y tế còn nhiều khó khăn. Các dịch vụ chuyên sâu chưa thể thanh toán bằng bảo hiểm y tế.

Ông Trần Trọng Thắng - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn):

Như các đơn vị khác được sự quan tâm từ các cấp, việc triển khai mô hình nguyên lý y học gia đình đã được xã triển khai từ 2014. Trong quá trình triển khai có nhiều thuận lợi nhưng cũng có không ít khó khăn.

Đây là mô hình mới nên kinh phí luôn là vấn đề đầu tiên. Đối với trạm y tế Mai Đình cũng là cơ sở vật chất, nhân lực, thiết bị. Nhưng từ các năm trước trạm đã được huyện Sóc Sơn hỗ trợ đào tạo nhân lực cũng như đầu tư trang thiết bị cùng sự giúp đỡ của bệnh viện tuyến trên.

Năm 2019, mô hình nguyên lý y học gia đình được quan tâm hơn từ các cấp nên khi triển khai người dân được hưởng lợi rất nhiều. Có những ngày trên 100 bệnh nhân, trung bình là từ 60 đến 70 bệnh nhân/ngày.

Song song với đó, việc người dân được quản lý và điều trị những bệnh phù hợp với trạm y tế sẽ giúp người dân chuyển tuyến giảm đi đáng kể. Tỷ lệ chuyển tuyến hiện nay chỉ từ 5 - 9%.

Về chế độ đãi ngộ với bác sĩ tuyến trên về hỗ trợ đã đảm bảo nhưng cũng cần cho trạm y tế xã nhân lực để nhận chuyển giao công nghệ. Từ đó mới giúp mô hình nguyên lý y học gia đình phát triển bền vững được.

Trước đây khi chưa triển khai mô hình thì năng lực, trình độ của cán bộ y tế không được tăng lên nhưng sau khi triển khai mọi thứ đã được cải thiện từ đó mang lại lợi ích cho người dân.

Chúng ta cần liên tục nâng cao chất lượng thiết bị, cơ sở vật chất để người dân yên tâm hơn. Đồng thời gia tăng số lượng nhân sự để đảm bảo năng suất làm việc. Ưu tiên chế độ để kéo bác sĩ về với tuyến cơ sở. Tăng cường nguồn kinh phí cho hoạt động của mô hình nguyên lý y học gia đình. Với đội công tác viên y tế thôn cần có phụ cấp nhằm mang lại công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Bạn đọc Phạm Hương (Long Biên, Hà Nội) hỏi:

Việc triển khai mô hình trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình gặp những thuận lợi và khó khăn gì?

Ông Hoàng Lưu Sa trả lời:

Mô hình này được triển khai từ 2014, dù khi bắt đầu chưa có hướng dẫn cụ thể, nhưng được sự hỗ trợ của các BV tuyến trên như BV Lão khoa, BV Tim Hà Nội...

Trong quá trình triển khai đã có những thuận lợi nhất định. Tuy nhiên, khó khăn cũng không phải ít. Khi triển khai sẽ thấy được trên 6 tiêu chí: Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nguồn nhân lực, chuyên môn, tài chính và công nghệ thông tin. Ngoài ra, chúng tôi xin đề xuất thêm một số vấn đề để làm tốt mô hình trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình:

Thứ nhất về cơ sở hạ tầng: Năm 2019 khi thực hiện theo chỉ đạo của TP, huyện Sóc Sơn triển khai ở 12 trạm y tế và xây dựng thêm 1 trạm. Qua đó, vượt dự kiến trên 50% (toàn huyện có tổng 26 trạm y tế). Trong năm nay, huyện sẽ tiếp tục sửa chữa các trạm y tế chưa đạt chuẩn và cố gắng đến năm 2020 sẽ xây lại những trạm y tế xuống cấp.

Ông Hoàng Lưu Sa trả lời câu hỏi của độc giả.

Về mặt trang thiết bị: Hiện tại, các trạm y tế cơ bản đáp ứng được việc khám chữa bệnh tuyến xã. Ví dụ như các trạm y tế đều có máy sinh hóa, xét nghiệm nước tiểu, điện tim, siêu âm.

Về mặt nhân lực: Toàn huyện hiện nay có 7 - 8 bác sĩ và thường xuyên được phân công về các trạm y tế. Tuy nhiên, chúng tôi luôn gặp những khó khăn trong công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vì cần đòi hỏi chứng chỉ hành nghề.

Ở mặt chuyên môn cơ bản là phối hợp tốt khi đã phân công các bác sĩ về các trạm.

CNTT là vấn đề khó khăn của trạm y tế, việc sử dụng trên cổng của bảo hiểm không mất tiền nhưng còn nhiều các khó khăn, các phần mềm chưa đáp ứng, chưa hoàn thiện được. Hệ thống máy tính, máy in, văn phòng phẩm khá tốn kém. Đào tạo cán bộ nhập liệu, CNTT thì phải tự đào tạo.

Mặt tài chính: Dịch vụ hiện mới được thanh toán 70%, nguồn kinh phí trạm y tế đã ít nhưng dịch vụ y tế chưa thể đạt 100%.

Riêng mặt đề xuất về tiêu chí truyền thông: Đây là khâu quan trọng, huyện đã xây dựng kế hoạch truyền thông. Khi đưa 13 trạm đạt chuẩn để người dân có thể biết đến. Việc giao tiếp ứng xử tại trạm cũng được đào tạo.

Ngoài ra, đã phối hợp với các xã để phát qua loa truyền thanh, thậm chí là báo đài của thành phố đã giúp đỡ cho việc truyền thông.

Có thể thấy, khó khăn y tế nhân lực của trạm y tế xã chúng ta nên đi sâu vì đó là vấn đề khó khăn nhất. Trong thời gian này các bệnh viện tuyến huyện, T.Ư các bác sĩ rời ra ngoài nhiều vì thu nhập. Huyện Sóc Sơn đã mất 3 bác sĩ có chuyên môn. Vì thế, chúng tôi nghĩ cần phải có kế hoạch để giữ chân các bác sĩ.

Bạn đọc Trần Minh Hằng (Quận Hoàn Kiếm) hỏi:

Cách đây rất lâu, Hà Nội đã triển khai mô hình bác sĩ gia đình, vậy mô hình này có khác gì so với trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình? Vì cả 2 mô hình này đều liên quan đến tuyến gần nhất là chăm sóc người bệnh ngay ban đầu?

Ông Vũ Duy Hưng trả lời:

Về cơ bản, các chức năng nhiệm vụ của bác sĩ gia đình cũng giống như tại trạm y tế. Cụ thể, các chuyên gia khảo sát cho thấy 80% nhiệm vụ của trạm y tế là giống với bác sĩ gia đình.

Hiện nay, về việc triển khai mô hình bác sĩ gia đình tại trạm y tế. Từ cuối năm 2017 đến đầu năm 2018, Bộ Y tế đã có Quyết định 4543/QĐ-BYT về việc phê duyệt danh sách 26 xã, phường, thị trấn, tham gia mô hình Trạm y tế điểm. Tại Hà Nội đã triển khai 4 trạm y tế bao gồm: Trạm y tế Minh Châu - Ba Vì, Tân Hội - Đan Phượng, Tây Mỗ - Nam Từ Liêm, Yên Nghĩa - Hà Đông.

Trên cơ sở triển khai của Bộ và chỉ đạo của các bệnh viện tuyến Trung ương, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các bệnh viện TP giúp 4 trạm y tế này.

Ông Vũ Duy Hưng phát biểu tại buổi tọa đàm.

Sau 1 năm triển khai, sở y tế tổng kết khi có bác sĩ tuyến trên về tăng cường và triển khai nguyên lý y học gia đình, đã thu hút người dân sử dụng dịch vụ trạm y tế, khám chữa bệnh tại trạm có hiệu quả, qua đó nâng cao tỉ lệ người dân khám chữa bệnh.

Chúng tôi mạnh dạn đề xuất UBND và Thành Ủy triển khai thực hiện mở rộng mô hình này trên địa bàn TP.

Căn cứ đề xuất của Sở Y tế, TP đã xem xét và ngày 15/6/2019, UBND TP đã phê duyệt Kế hoạch số 143 về kế hoạch triển khai tram y tế theo mô hình nguyên lý y học gia đình ở địa bàn Hà Nội. Trong đó, đặt mục tiêu năm 2019 mở rộng triển khai đến 45% các trạm y tế trên địa bàn TP.

Năm 2020, tỷ lệ này sẽ là 80% và 2021 là 100% trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình.

Trong quá trình triển khai, các quận, huyện đã tích cực tham gia, 100% quận huyện xây dựng kế hoạch, các trạm y tế được giao đã xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể.

Một số nội dung chính bao gồm: Phải tăng cường công tác tuyên truyền. Từ trước đến nay, bệnh nhân khi có bệnh thường trực tiếp đến bệnh viện, thậm chí ở tuyến Trung ương. Do đó, phải tăng cường tuyên truyền khi có mô hình mới, người dân được quản lý điều trị tại trạm khi có bệnh.

Đây sẽ là thuận lợi lớn bởi người dân không tốn thời gian, có bệnh nặng thì sẽ được tuyến trên hỗ trợ, được thăm khám điều trị như ở tuyến trên.

Ngoài ra, cũng cần tuyên truyền về sử dụng bảo hiểm y tế, ở trạm y tế xã người dân được hưởng 100% mức BYHT, đây là 1 thuận lợi và giảm bớt gánh nặng cho ngân sách BHYT.

Thứ hai, mặc dù chúng tôi đã lựa chọn các trạm y tế có cơ sở tốt, nhưng trong 2019 vẫn cần sắp xếp lại buồng phòng, sửa sang lại nhằm đảm bảo cơ sở vật chất chuyên môn. Điều này đã được các quận huyện tích cực bố trí ngân sách.

Cần bố trí nhân lực, đảm bảo các trạm y tế có bác sĩ đa khoa. Hiện tỷ lệ này là 100%, đồng thời yêu cầu bệnh viện TP và tuyến huyện tăng cường cho các trạm, trên cơ sở này, các trạm sẽ tuyên truyền cho người dân. Ví dụ như thứ ba sẽ có bác sĩ bệnh viện Tim hay bệnh viện đa khoa Hà Đông về thăm khám…, người dân sẽ biết và đến các trạm để khám chữa bệnh.

Đồng thời, cũng cần đảm bảo các trạm có đủ số lượng thuốc theo Thông tư 39 của Bộ Y tế, đảm bảo khi có bác sĩ tuyến trên xuống thì các trạm có đủ thuốc chữa trị cho người bệnh.

Trên cơ sở này, các trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình đã phát huy hiệu quả. Trong 9 tháng vừa qua, đã có 1 triệu người dân tiến hành thăm khám tại các tram y tế xã. Ngoài ra, các trạm y tế cũng thực hiện tốt các chương trình y tế khác, bao gồm tiêm chủng mở rộng, chăm sóc bà mẹ trẻ em…

Bạn đọc Nguyễn Thành An (Quận Ba Đình) hỏi:

Khái niệm “nguyên lý y học gia đình” còn rất mới mẻ, xin ông cho biết rõ hơn về khái niệm này?

Ông Vũ Duy Hưng trả lời:

Đối với ngành y tế Hà Nội, chúng tôi rất quan tâm triển khai mô hình bác sĩ gia đình. Khái niệm nguyên lý y học gia đình còn mới mẻ chỉ với Việt Nam, nhưng với thế giới, từ những năm 1950 - 1960 ở châu Âu, Mỹ, Brazil... đã triển khai mô hình bác sĩ gia đình từ lâu. Trải qua việc triển khai, thống kê cho thấy có hiệu quả với chăm sóc sức khỏe ban đầu ở các nước tiên tiến.

Trên cơ sở đó, ngành y tế Việt Nam đã triển khai mô hình bác sĩ gia đình với tuyến y tế cơ sở. Nguyên lý bác sĩ gia đình có nghĩa là việc chăm sóc sức khỏe hướng tới gia đình và cộng đồng, từng cá nhân và gia đình được chăm sóc sức khỏe ngay trong cộng đồng, việc quản lý sức khỏe được thực hiện đối với người dân từ khi sinh ra đến khi mất đi.

Ngay từ khi em bé trong bụng mẹ đã được theo dõi quản lý chăm sóc và hướng dẫn cho sức khỏe tốt, mô hình này hướng đến các đối tượng ngay từ khi sinh ra, hoặc ngay cả người cao tuổi cũng được hướng dẫn chăm sóc, hay như các bệnh nặng như ung thư cũng được hướng dẫn chăm sóc giảm nhẹ.

Tại Hà Nội, ngay từ giai đoạn 2005 - 2007, khi có sự triển khai của Bộ Y tế và Đại học Y Hà Nội về đào tạo bác sĩ gia đình, Hà Nội đã cử 41 bác sĩ đi học chuyên khoa 1 chuyên ngành bác sĩ gia đình.

Quyết định 935 của Bộ Y tế về Đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình giai đoạn 2013 - 2020 và thông tư 16 của Bộ Y tế Hướng dẫn thí điểm về bác sĩ gia đình và phòng khám bác sĩ gia đình thí điểm mô hình bác sĩ gia đình tại tỉnh, trong đó bao gồm Hà Nội, ngành y tế Hà Nội đã tích cực áp dụng mô hình bác sĩ gia đình tại các trạm y tế.

Trong giai đoạn 2014 - 2016 , ngành y tế Hà Nội đã cử trên 400 bác sĩ đa khoa đi học chứng chỉ về y học gia đình, trên cơ sở đó, sau khi đào tạo và được học về nguyên lý bác sĩ gia đình tại Đại học Y Hà Nội, các bác sĩ sẽ được bố trí làm việc tại các trạm y tế.

Kinh Tế Đô Thị

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/toa-dam-truc-tuyen-phat-huy-hieu-qua-mo-hinh-tram-y-te-theo-nguyen-ly-y-hoc-gia-dinh-358827.html