Tọa đàm trực tuyến về 'Bảo đảm ATTP bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội'

Sáng 9/8, tại Hà Nội, thực hiện Kế hoạch số 253/KH-UBND ngày 26/12/2017 của UBND Thành phố về Công tác ATTP Thành phố Hà Nội năm 2018; Kế hoạch số 25/KH-KTĐT của báo Kinh tế & Đô thị về Phối hợp tuyên truyền về công tác bảo đảm ATTP Thành phố Hà Nội năm 2018, báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở Y tế tổ chức buổi Tọa đàm trực tuyến về 'Bảo đảm ATTP bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội'.

Có thể nói, tình trạng ngộ độc thực phẩm luôn rình rập tại bếp ăn tập thể trong các khu công nghiệp, khu chế xuất..., nhất là vào mỗi dịp hè, hoặc thời điểm giao mùa nóng nực, oi bức như thế này. Dù đã có nhiều nỗ lực trong quản lý, kiểm soát ATTP, song vẫn còn đó những khó khăn, bất cập, còn đó những nỗi lo của người tiêu dùng, của công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất về mỗi bữa ăn hàng ngày.

Các đại biểu tham gia buổi giao lưu.

Tham dự buổi Tọa đàm hôm nay, có sự hiện diện của các vị đại biểu, các vị khách quý:
1. Đồng chí Trần Văn Chung – Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội
2. Bà Hoàng Thị Minh Thu –Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội
3. Ông Ngô Đình Loát - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản Hà Nội.
4. Ông Đỗ Tiến Đản – Trưởng Văn phòng Đại diện Ban quản lý các khu công nghiệp & Chế xuất Hà Nội
5. Ông Võ Việt Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP tập đoàn thực phẩm an toàn Nam Hà Nội
6. Bà Nguyễn Thị Hoàng Mai - Đại diện quản lý Bếp ăn tập thể Công ty TNHH Denso Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội
7. Bà Trần Kiều Hương – Đại diện Công ty TNHH Dịch vụ ăn uống Ba Sao
8. Bà Hà Linh Chi - Đại diện Công ty TNHH Panasonic Appliances Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội

Phát biểu khai mạc chương trình tọa đàm “Đảm bảo ATTP bếp ăn tập thể tại các KCN trên địa bàn TP Hà Nội”, Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Lại Bá Hà nêu rõ, việc đảm bảo ATTP bếp ăn tập thể tại các KCN trên địa bàn Thủ đô đã và đang là một vấn đề nóng được nhiều người quan tâm, trong đó có lãnh đạo TP Hà Nội.

Trong thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng, từ Sở Y tế và báo Kinh tế & Đô thị đã tham gia tích cực vào việc giải quyết cũng như tuyên truyền về vấn đề đảm bảo ATTP bếp ăn tập thể tại các KCN trên địa bà Hà Nội.

Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế&Đô thị phát biểu tại buổi tọa đàm.

Nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền về vấn đề vệ sinh ATTP, báo Kinh tế & Đô thị tổ chức chương trình tọa đàm “Đảm bảo ATTP bếp ăn tập thể tại các KCN trên địa bàn TP Hà Nội” tạo cơ hội để các cơ quan chức năng, DN… nêu bật những kết quả đã đạt được trong công tác tuyên truyền, giám sát về vấn đề ATTP bếp ăn tập thể tại các KCN trên địa bàn TP. Bên cạnh đó, tọa đàm cũng mong muốn nhận được chia sẻ của các DN về những khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn tại KCN. Qua đó, thông tin tới người dân về trách nhiệm của ngành y tế, đặc biệt là các DN trong việc cung cấp bữa ăn cho công nhân.

KHÁCH MỜI THAM DỰ

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội

Ông Trần Văn Chung

Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội

Bà Hoàng Thị Minh Thu

Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản Hà Nội

Ông Ngô Đình Loát

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP tập đoàn thực phẩm an toàn Nam Hà Nội

Ông Võ Việt Dũng

Đại diện Công ty TNHH Dịch vụ ăn uống Ba Sao

Bà Trần Kiều Hương

Trưởng Văn phòng Đại diện Ban quản lý các khu công nghiệp & Chế xuất Hà Nội

Ông Đỗ Tiến Đản

Đại diện Công ty TNHH Panasonic Appliances Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội

Bà Hà Linh Chi

Đại diện quản lý Bếp ăn tập thể Công ty TNHH Denso Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội

Bà Nguyễn Thị Hoàng Mai

Nội dung giao lưu trực tuyến

Bạn đọc Phan Văn Mai (vanmai3209@gmail.com) hỏi:

Ngành y tế có giải pháp gì để quản lý tốt hơn công tác đảm bảo ATTP trong các khu công nghiệp và chế xuất trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Trần Văn Chung trả lời:

Đây là buổi tọa đàm rất có ý nghĩa với sự có mặt của các cơ quan quản lý và phía DN, từ đó có nhiều thông tin giá trị, trợ giúp nhiều trong công tác quản lý ATTP trong thời gian tới.

Qua tọa đàm, với các cơ quan quản lý cần tập trung triển khai văn bản chỉ đạo của TP. Phối hợp, tăng cường sự chỉ đạo của Ban quản lý khu công nghiệp với các bếp ăn trong khu công nghiệp. Cuối mỗi năm có rà soát, rút kinh nghiệp giữa Sở và Ban quản lý khu công nghiệp.

Bên cạnh đó, cần tăng cường đảm bảo cơ sở vật chất tại bếp ăn, khu công nghiệp cần tạo điều kiện bếp ăn triển khai đúng chuẩn, chỉ có bếp ăn đủ điều kiện mới cho hoạt động.

Cán bộ tham gia trực tiếp chế biến, bếp ăn cần rà soát, có bồi dưỡng kiến thức về ATTP, khám sức khỏe theo định kỳ.

Về nguồn gốc thực phẩm, lãnh đạo TP đã chỉ đạo trực tiếp các sở ngành rất sát sao về vấn đề này, nguồn gốc rất quan trọng cho cán bộ công nhân viên khu công nghiệp. Trong thời gian tới cầntăng cường đảm bảo truy suất, truy suấ tận cơ sở trồng trọt, chế biến. Đề nghị các đơn vị có liên quan cần phối hợp đồng bộ truy suất tận cơ sở.

Đối với DN, qua các đợt kiểm tra đã có sự phối hợp tốt với các đoàn kiểm tra do vậy đã có kết quả đáng ghi nhận khi các vụ ngộ độc lớn trong 3 năm qua là không có.

Bạn đọc Nguyễn Văn Hoàng (hoangvan.2010@gmail.com) hỏi:

Quy định việc thanh, kiểm tra ATTP phải báo trước và phải được chấp thuận của chủ doanh nghiệp, rất khó kiểm tra đột xuất. Vậy chất lượng thanh, kiểm tra có bị ảnh hưởng. Liệu những cuộc kiểm tra này có phản ánh đúng thực chất việc thực hiện quy định ATTp của cơ sở?

Ông Trần Văn Chung trả lời:

Qua các ý kiến của các DN đưa ra, chúng tôi cũng có ý kiến về công tác thanh kiểm tra cũng như truy xuất nguồn gốc thực phẩm là 1 công tác cần được tăng cường trong thời gian tới. Thời gian qua, Sở Y tế hàng năm đã chỉ đạo Chi cục có những văn bản tham mưu cho Sở Y tế trình UBND TP về Kế hoạch đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hàng năm, trong đó có vấn đề về thanh, kiểm tra, chỉ đạo thanh kiểm tra liên ngành và chuyên ngành, theo các lĩnh vực y tế, nông nghiệp và công thương, riêng thanh, kiểm tra chuyên ngành theo lĩnh vực Y tế, Sở Y tế đã giao hàng năm cho Thanh tra Sở Y tế và Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cùng với các quận, huyện thanh kiểm tra theo phân cấp tại quyết định số 16 của UBND TP phân theo các cấp: TP, quận, huyện/thị xã, xã phường. Theo đó, bếp ăn tập thể thuộc phân tuyến ngành Y tế. tuyến TP quản lý. Chúng tôi đã thực hiện kiểm tra theo định kỳ và thanh kiểm tra đột xuất khi có các dấu hiệu phản ánh, hoặc chỉ đạo của cấp trên. Bình thường, chúng tôi trực tiếp kiểm tra định kỳ mỗi cơ sở trung bình mỗi năm 1 lần đúng theo Chỉ thị số 20 của Thủ tướng về việc chấn chỉnh hoạt động thanh kiểm tra DN, không gây phiền hà cho DN, Kiểm tra định kỳ không quá 1 lần, 1 năm đối với 1 cơ sở. Tuy nhiên, cơ sở có dấu hiệu vi phạm hoặc có chỉ đạo của cấp trên hoặc có chỉ đạo thanh kiểm tra đột xuất, chúng tôi vẫn đi kiểm tra đột xuất và số lần thanh kiểm tra đột xuất là không không chế số lần trong năm.

Những cơ sở bị thanh kiểm tra đột xuất hoặc thanh kiểm tra định kỳ có dấu hiệu vi phạm chúng tôi đều đã xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật theo Nghị định 178. Trong năm 2017, Hà Nội là một trong những tỉnh, TP có tỷ lệ thanh, kiểm tra cũng như xử phạt cao trên toàn quốc. Năm 2017 toàn TP xử phạt được trên 38 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2018, Hà Nội xử phạt trên 17 tỷ đồng.

Về phối hợp truy xuất nguồn gốc, chúng tôi đã phối hợp rất chặt chẽ với các ban ngành, điển hình là ngành y tế phối hợp với các ngành như Công an. Trong khi kiểm tra, những đấu hiệu vi phạm nghiêm trọng đều có lực lượng Công an vào cuộc. Điển hình năm 2013 rầm rộ vụ rượu 29 gây chết 6 người ở quảng Ninh, Sở Y tế đã kịp thời chỉ đạo Chi cục phối hợp với Công an đến cơ sở rượu 29 kiểm tra và niêm phong kho hàng có dấu hiệu vi phạm. Khi kiểm tra, có dấu hiệu dương tính về Methanol, chủ cơ sở đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự… Hà Nội làm rất nghiêm về thanh, kiểm tra cũng như xử phạt vi phạm. Một số buổi thanh, kiểm tra chúng tôi đều mời các cơ quan báo chí, Đài truyền hình đi cùng để nêu những hành vi vi phạm lên các phương tiện thông tin đại chúng các cơ sở vi phạm. Việc này chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Chưa có giai đoạn nào tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm lại được quan tâm đầy đủ, đúng lúc như hiện nay, nhất là từ khi có Chỉ thị 10 của Thành ủy Hà Nội về tăng cường vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác an toàn thực phẩm.

Ông Ngô Đình Loát đề nghị:Một là khi kiểm tra sâu hơn, xử lý nghiêm khắc, phạt tiền nặng, đề xuất công an khởi tố, công an, thông tin đến các cơ quan truyền thông.

- Đối với các DN, hiện nay chúng ta đang thực hiện chương trình giám sát, giám sát những sản phẩm có mặt trên thị trường tiêu thụ tại Hà Nội để giám sát các chỉ tiêu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đối với các mẫu vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là tồn dư các chất hóa học, chúng tôi đang truy xuất nguồn gốc đến tận cùng. Tất nhiên, tận cùng là theo khai báo của họ thôi, vì qua các công đoạn, thực phẩm rất nhiều khâu trung gian và ngành nông nghiệp thì quy định truy xuất sản phẩm mất an toàn vệ sinh thực phẩm là trách nhiệm của DN, cơ quan chỉ giám sát việc đó. Tuy nhiên, qua thực tiễn, và thực tế, tất cả các mẫu mất an toàn vệ sinh thực phẩm đối với chỉ tiêu hóa học, các chất tồn dư ảnh hưởng đến cơ thể là thực hiện truy xuất 100%. Nhưng rõ ràng, truy xuất có thể đến công đoạn 2, công đoạn 3 rồi sau đó cứ mất dần đi đâu đó rất khó để kiểm soát đến tận cùng. Không tìm được con cá này nuôi ở ao nào, hộ nào, ăn thức ăn gì thì rất khó. Hiện nay, truy xuất đến tận hộ nuôi đầu, nhưng chúng ta phải có những thông tin theo dõi sản xuất rất sâu thì chúng ta mới có thể truy xuất tận cùng được. Hiện nay, ngành nông nghiệp khi giám sát các chất tồn dư độc hại phải đi tận Thanh Hóa, vùng nuôi thủy sản; lên Sa Pa vùng nuôi cá… để truy xuất tận gốc sản phẩm là có. Đó là mặt truy xuất nguồn gốc.

Hiện nay, chúng ta đang bàn đến việc nguồn gốc, chất lượng hàng hóa, mặc dù các cơ quan vào cuộc rất quyết liệt nhưng vẫn do ý thức người sản xuất kinh doanh vẫn trà trộn thực phẩm sản xuất mất an toàn, vẫn xảy ra. Đối với ngành nông nghiệp thực hiện thanh tra, kiểm tra rất quyết liệt. Ngoài thanh tra Sở có thanh tra các chi cục, 6 tháng đầu năm phạt gần 600 triệu riêng tiền phạt để xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm, trong đó có gian lận thương mại hoặc mua bán quá đát, không có nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra còn tịch thu, tiêu hủy. Công tác thnah tra, kiểm tra các đơn vị của TP vào cuộc rất quyết liệt, trong đó ngành nông nghiệp có xử phạt nghiêm. Hiện nay, chúng ta công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm đã thực hiện. Tuy nhiên, có quy định của thanh tra, kiểm tra.

Bạn đọc Nguyễn Thị Phương (nguyenphuong.K29@yahoo.com) hỏi:

Khó khăn nhất trong kiểm soát ATTP tại bếp ăn của các công ty là gì?

Bà Hà Linh Chi trả lời:

Khó khăn chung chính là vấn đề ý thức của bên nhà thầu cung cấp thực phẩm, bởi nhiều khi những giấy tờ chứng minh sẽ không đảm bảo phản ánh chính xác được độ an toàn của thực phẩm. Công ty đã sử dụng các biện pháp để kiểm soát độ an toàn của thực phẩm ví dụ như test thực phẩm. Nhưng biện pháp này mang tính xác suất rất cao. Vì vậy, Công ty rất mong muốn bên cơ quan chức năng có chế tài cho nhà cung cấp để tránh trường hợp các nhà cung cấp thực phẩm sử dụng giấy tờ ma.

Bà Trần Kiều Hương cho biết thêm: Hiện nay, nhiều khi những giấy tờ, hồ sơ của nhà thầu chưa hoàn toàn tạo được sự tin tưởng về chất lượng của sản phẩm. Chính vì vậy, bên cạnh những biện pháp kiểm tra của Công ty thì quan trọng nhất chính là ý thức của bên nhà thầu cung cấp nguyên liệu, cần có ý thức chung trong việc bảo đảm an toàn cho bếp ăn tập thể.

Bạn đọc Trần Duy (Duytran09@gmail.com) hỏi:

Mô hình bếp ăn một chiều ở các công ty được thực hiện ra sao nhằm đảm bảo ATTP?

Bà Trần Kiều Hương trả lời:

Hiện nay, Công ty đang cung cấp dịch vụ cho các khu công nghiệp (KCN) như KCN Thăng Long, KCN Mê Linh, KCN Nội Bài,… Chính vì các bếp ăn của Công ty rải rác như vậy nên Công ty sử dụng cả những nhà cung cấp địa phương và có sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ với nguồn nguyên liệu đầu vào. Dự kiến, trong thời gian tới Công ty sẽ có kho trung chuyển để giải quyết được vấn đề vận chuyển này.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Bạn đọc Bùi Văn Vinh (buivinh2009@yahoo.com) hỏi:

Nhiều DN hiện nay không có diện tích đất để xây dựng bếp ăn tập thể nên đã đặt suất ăn từ bên ngoài, xin hỏi làm thế nào để người lao động chủ động biết được đơn vị cung cấp suất ăn đó có đảm bảo hay không? Ông chia sẻ về đạo đức kinh doanh hiện nay?

Ông Đỗ Tiến Đản trả lời:

Về vấn đề này, các cơ quan quản lý có trách nhiệm khuyến cáo, BQL đã tổ chức cùng Sở Y Tế chỉ đạo và hướng dẫn các DN trong việc này. Tuy nhiên, trách nhiệm cuối cùng là lãnh đạo các DN. DN nước ngoài thuê đất tại các KCN chủ động trong vấn đề quy mô sản xuất, hay diện tích xây dựng bếp ăn tập thể cũng như kế hoạch cân đối mua thực phẩm.

Ông Võ Việt Dũng cho biết thêm: "Tôi cho rằng, các DN đều dựa vào những chuẩn mực định lượng cũng như dịch vụ, uy tín đối với các đối tác. Thứ nhất, các sản phẩm của DN chúng tôi giao cho các đối tác đểu có nhãn mác, không có chuyện tráo đổi. Thứ 2, nhân viên đều phải có đồng phục, biển tên, phiếu đánh giá dịch vụ, để bên phía nhận dịch vụ tích vào có ý kiến phản hồi, coi như phiếu chấm công hàng ngày và binh bầu hàng tuần."

Bà Trần Kiều Hương chia sẻ:"Điều đầu tiên chính là việc nâng cao ý thức cho mọi người. Cần có quy trình, có sự đào tạo cho nhân viên công ty, cho nhà thầu cung cấp thực phẩm để tự bản thân họ nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc xây dựng dịch vụ an toàn và đảm bảo. Bên cạnh đó cũng rất cần đến những công cụ hỗ trợ như những chế tài, chính sách . Và các cơ quan ban ngành, các cơ quan truyền thông cũng có vai trò rất lớn trong việc tuyên truyền, nâng cao ý thức về vấn đề bảo đảm ATTP của các bếp ăn tập thể."

Bạn đọc Nguyễn Thị Minh Hòa (minhhoa.2008@gmail.com) hỏi:

Khâu giám sát việc ký kết mua thực phẩm về Hà Nội hiện nay như thế nào?

Ông Ngô Đình Loát trả lời:

Hiện nay, trong nội dung ký kết giữa TP Hà Nội và 21 tỉnh, TP đã rất rõ nội dung trách nhiệm của các tỉnh và trách nhiệm của TP Hà Nội. Đối với sản phẩm nhập vào Hà Nội, các tỉnh, TP có trách nhiệm giám sát quá trình sản xuất ban đầu, sơ chế, đóng gói. Sau đó, cung cấp danh sách các đơn vị đáp ứng quy định để cung cấp cho TP Hà Nội.

Bên cạnh đó, TP Hà Nội tổ chức các chương trình kết nối, xúc tiến để đưa các sản phẩm đã được các tỉnh kiểm soát để đưa vào các kênh phân phối, cửa hàng, siêu thị được các cơ quan có thẩm quyền của TP Hà Nội kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện trong kinh doanh thực phẩm.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng thực hiện việc lấy mẫu giám sát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm tại nơi tiêu thụ để kiểm tra các chất còn tồn dư, các chất độc hại hay chất vi sinh vật có đảm bảo theo quy định hay không.

Bạn đọc Phạm Hoàng Nam (namhoang2089@yahoo.com.vn) hỏi:

Lĩnh vực quản lý nông, lâm, thủy sản rất rộng, tính phực tạp cao nhưng dường như nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, thưa ông?

Ông Ngô Đình Loát trả lời:

Câu hỏi của độc giả rất xác đáng, vì ngay từ Luật An toàn thực phẩm đã phân công cho ngành Nông nghiệp quản lý quá trình sản xuất thực phẩm. Quá trình quản lý từ điều kiện trồng trọt, chăn nuôi, vật tư, phân bón, thuốc thú ý; từ quá trình sản xuất, thu hái, sơ chế, chế biến,... tức là cả một quy trình rất rộng. Chính vì vậy, nội dung, trách nhiệm quản lý rất lớn.

Ông Ngô Đình Loát trả lời câu hỏi của độc giả.

Trong khi đó, bộ máy con người để thực hiện công tác đang rất thiếu và yếu. Mặc dù là Thủ đô nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn còn lớn. Tuy nhiên, quy mô sản xuất nhỏ lẻ vẫn còn nhiều. Theo phân công, đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý các cơ sở quy mô sản xuất nhỏ lẻ thuộc cấp xã là chính.

Hiện nay, Nghị định 15 hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm quy định đối tượng không phải cấp đủ điều kiện an toàn thực phẩm là rất nhiều; chủ yếu lại thuộc cấp xã. Trong khi đó, con người chuyên trách tại cấp xã lại chưa được bố trí. Vì thiếu cán bộ chuyên trách, nên lực lượng giúp cho chính quyền cấp xã chủ yếu dựa vào cán bộ chuyên môn ngành nông nghiệp. Cũng do quy mô sản xuất nhỏ lẻ còn nhiều, theo quy định, đối tượng này chỉ phải ký cam kết sản xuất kinh doanh thực phẩm.

Việc ký cam kết kinh doanh thực phẩm rất dễ, nhưng giám sát và kiểm tra thực hiện sau khi ký lại là vấn đề lớn do thiếu lực lượng và rất khó để thực hiện triệt để. Đây là tồn tại rất lớn đối với công tác quản lý ở cấp xã.

Bạn đọc Nguyễn Minh Vy (minhvy@gmail.com) hỏi:

Trong quá trình thị trường thực phẩm biến động về giá cả, việc đảm bảo chất lượng bếp ăn cho cán bộ công nhân viên tại các khu công nghiệp, chế xuất như thế nào?

Bà Trần Kiều Hương trả lời:

Bà Trần Kiều Hương phát biểu.

Với các công ty thì vấn đề giá trần khá là khó khăn bởi trong thực đơn sẽ có những thực đơn chỉ 18 nghìn nhưng vẫn sẽ phải đảm bảo định lượng cho suất ăn. Bên cạnh đó, công tác vận chuyển nhiều khi cũng là một vấn đề khó khăn bởi các bếp ăn của Công ty phân bố rải rác chứ không tập trung lại một chỗ, khiến cho số lượng tổng lớn nhưng số lượng đơn lẻ lại không nhiều. Chính vì vậy mà nhiều nhà thầu cung cấp nguyên liệu sẽ chưa đáp ứng được.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Mai trả lời thêm: Mỗi DN cung cấp bếp ăn tập thể đều có một kinh phí nhất định để đảm bảo phục lợi ích cũng như đảm bảo cung cấp chất dịch dưỡng cho công nhân với giá 26.000 đồng.

Bà Hà Linh Chi chia sẻ thêm: Về nguồn gốc thực phẩm cung cấp cho bếp ăn của Công ty, khi các nhà thầu cung cấp thực phẩm đều phải đảm bảo nguồn gốc bằng các chứng từ, văn bản chứng minh. Bên cạnh đó, quá trình sử dụng, bảo quản thực phẩm cũng được Công ty hết sức chú trọng. Công ty đã đưa vào sử dụng các kho lạnh để đảm bảo chất lượng, độ tươi sống của thực phẩm. Và đặc biệt sẽ không có thực phẩm tồn sau 24h (kể cả thực phẩm tươi sống lẫn thực phẩm đã qua chế biến). Trong thực đơn, các ngày liên tiếp sẽ không sử dụng những loại thực phẩm giống nhau để đảm bảo sự phong phú của thực đơn và tránh việc sử dụng thực phẩm tồn dư từ hôm trước.

Bạn đọc Võ Minh Thi (minhthivo1212@yahoo.com.vn) hỏi:

Có thực trạng các công ty tại các khu công nghiệp cung cấp các bữa ăn giá rẻ cho công nhân, nhiều lo ngại về nguồn thực phẩm an toàn. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Ông Đỗ Tiến Đản trả lời:

Việc tính toán, gia giảm suất ăn cần phải được linh hoạt, việc đệ trình các đề xuất có cơ sở đối với DN nước ngoài cần được tăng cường, dù quy trình vẫn còn phức tạp. Cơ bản là chủ doanh nghiệp cần quan tâm tới đời sống người lao động, có chế độ phù hợp với từng vị trí lao động và có ý thức trong bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Bạn đọc Ngô Bích Huệ (bichhuengo@gmail.com) hỏi:

Liên quan đến chất lượng nguồn gốc thực phẩm, về phía Công ty CP tập đoàn thực phẩm an toàn Nam Hà Nội có ý kiến như thế nào?

Ông Võ Việt Dũng trả lời:

Dưới góc độ của DN cung cấp thực phẩm nông nghiệp, tôi cho rằng, trước những vấn đề về tầm quan trọng và vai trò của ATTP, ngành nông nghiệp đã có chương trình chiến lược sản xuất thực phẩm theo chuỗi giá trị. Xuất phát từ việc sản xuất thực phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường, đồng thời có sự gắn kết với các chính sách hỗ trợ, luật pháp trong vấn đề về vệ sinh ATTP, thời gian vừa qua, nhiều DN sản xuất thực pham đã tiến hành tổ chức kinh doanh theo chuỗi. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ tích cực từ phía các cơ quan chức năng, việc sản xuất thực phẩm theo chuỗi đã đạt được nhiều kết quả khả quan, như việc thực phẩm truy được nguồn gốc, qua đó giúp thực phẩm tiêu thụ được tại các hệ thông siêu thị tiện ích, bếp ăn trường học.

Ông Võ Việt Dũng trao đổi tại buổi tọa đàm.

Tuy nhiên, để việc phát triển hệ thống sản xuất thực phẩm theo chuỗi, tôi cũng đề nghị các cơ quan chức năng cũng cần có những hỗ trợ cụ thể để giúp các DN sản xuất thực phẩm theo chuỗi có thể tiêu thụ rộng rãi trên thị trường. Hiện, các DN sản xuất thực phẩm theo chuỗi phải đầu tư rất nhiều từ nguồn nhân lực, trình độ và tài chính trong việc thu mua cũng như vận chuyện hàng hóa sao cho đảm bảo vệ sinh ATTP. Bếp ăn tập thể được xem là một trong những nhóm yếu thế, bởi giá một xuất ăn còn thấp và không có sự thay đổi, trong khi giá thực phẩm thì thường xuyên có sự biến đổi. Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp để tạo điều kiện cho các DN có sự kết nối để cung cấp chuỗi thực phẩm an toàn.

Bên cạnh đó, đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường biện pháp chế tài, kiểm tra một cách thực chất để tạo ra sự khác biệt giữa các DN sản xuất thực phẩm theo chuỗi và những nơi sản xuất như bình thường.

Bạn đọc Trương Thu Hồng (hongthu@yahoo.com.vn) hỏi:

Chất lượng nguồn gốc thực phẩm là vấn đề luôn được người tiêu dùng quan tâm và lo ngại, Hà Nội kiểm soát thế nào nhằm đảm bảo ATTP cho người dân nói chung và ATTP trong các bếp ăn tập thể khu công nghiệp nói riêng?

Ông Ngô Đình Loát trả lời:

Hiện nay, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề lớn, được toàn xã hội quan tâm. Đối với TP Hà Nội, mỗi ngày có trên 10 triệu dân sinh sống. Do đó, nhu cầu về thực phẩm là rất lớn.

Để giải quyết “bài toán” thực phẩm, Thủ đô Hà Nội vẫn tự sản xuất nông nghiệp tương đối lớn. Hiện nay, Hà Nội sản xuất nông nghiệp, cung cấp khoảng 60%, còn lại 40% nhập từ ngoại tỉnh. Đối với các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, TP Hà Nội đã xây dựng các chương trình, đề án để sản xuất vùng tập trung. Đối với các vùng này, chúng ta đang kiểm soát rất tốt, có các lực lượng của nông nghiệp trên địa bàn các xã giám sát, quản lý sản xuất trước khi ra thị trường. Đối với 40% phần nhập khẩu từ ngoại tỉnh, TP Hà Nội đã ký kết với 21 tỉnh, TP phía Bắc cung cấp thực phẩm về TP Hà Nội. TP Hà Nội đã cùng với Bộ NN&PTNT có chương trình để cung cấp thực phẩm cho Thủ đô.

Hiện nay, các công ty sản xuất kinh doanh thực phẩm thuộc TP quản lý, chúng tôi đang thực hiện kiểm tra, đánh giá, phân loại và chứng nhận an toàn thực phẩm cũng như kiểm soát tốt. Sản phẩm đầu vào được gắn mã QR code, để thực hiện việc theo dõi nguồn gốc cũng như chất lượng sản phẩm. Chính vì vậy, các công ty, tập thể có thể lựa chọn những đơn vị có uy tín.

Bạn đọc Nguyễn Thị Hoa (hoanguyen1209@gmail.com) hỏi:

Trong thời gian qua, Ban Quản lý và Sở Y tế đã thực hiện Quy chế phối hợp như thế nào; việc triển khai kế hoạch của UBND TP về ATTP, Ban Quản lý ra sao?

Ông Đỗ Tiến Đản trả lời:

Ban Quản lý được giao 9 KCN trên 8 quận huyện TP, bao gồm 147.000 lao động trong đó có 1.200 lao động nước ngoài. Năm 2015 BQL đã ký với Sở Y tế quy chế phối hợp và cho đến nay đã thực hiện tốt các nhiệm vụ chỉ đạo, chế độ báo cáo và thông tin thường xuyên. Hàng năm, chúng tôi tổ chức 2 đợt tập huấn về bếp ăn tập thể, ATTP, trong đó đối tượng là các chủ DN, chủ cơ sở đến dự trao đổi thông tin về nghị định, chính sách liên quan.

Ông Đỗ Tiến Đản phát biểu tại buổi tọa đàm.

Các kế hoạch của TP gần đây, ví dụ như kế hoạch 252 của UBND TP Hà Nội, BQL đã có văn bản chỉ đạo các DN bao gồm 3 đối tượng là cơ sở, nhà cung cấp và người lao động. Vào các thời điểm thực phẩm được sử dụng nhiều như cận Tết 2018 và tháng 4 vừa qua là tháng hành động về vệ sinh, an toàn lao động, BQL đều có văn bản chỉ đạo DN và báo cáo khi có vấn đề xảy ra.

Bạn đọc Nguyễn Thu Mai (nguyenth.mai@yahoo.com.vn) hỏi:

Qua các đợt kiểm tra, những vi phạm nào là nghiêm trọng nhất, thưa bà?

Bà Hoàng Thị Minh Thu trả lời:

Bà Nguyễn Minh Thu trả lời câu hỏi của độc giả.

Những vi phạm chủ yếu trong đợt kiểm tra năm 2018 vừa qua, thứ nhất, cơ sở chưa thực hiện chế độ ghi chép sổ kiểm thực ba bước và lưu mẫu thức ăn hoặc có thực hiện nhưng không đúng quy định. Thứ hai, các cơ sở không có biện pháp ngăn ngừa phòng chống chuột và động vật gây hại. Thứ ba, bếp ăn của cơ sở chưa bố trí, sắp xếp theo nguyên tắc 1 chiều. Thứ tư, cống rãnh nơi chế biến không thông thoát, ứ đọng. Thứ năm, chưa tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho công nhân trực tiếp chế biến thực phẩm.

Bạn đọc Phạm Hương (huongphambavi@gmail.com) hỏi:

Chỉ trong một thời gian ngắn vừa qua, tại địa điểm của trường đào tạo nhân lực ở Vân Canh, Hoài Đức đã xảy ra tới 2 vụ ngộ độc tập thể sau khi ăn tại bếp ăn tập thể? Phía Chi cục ATVSTP Hà Nội đã xử lý những vi phạm này như thế nào và có các biện pháp gì để siết chặt quản lý ATTP Bếp ăn tập thể?

Bà Hoàng Thị Minh Thu trả lời:

Từ đầu năm đến nay, Chi cục đã đi kiểm tra 96 bếp ăn tập thể khu công nghiệp, thấy tình hình năm được cải thiện hơn những năm trước. Cụ thể, 100% các cơ sở có địa điểm sạch sẽ, không bị ảnh hưởng bởi nguồn ô nhiễm. 100% có đủ hồ sơ nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, 100% có đủ dụng cụ chứa đựng, chia gắp thức ăn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, trên 98% cơ sở có số công nhân trực tiếp chế biến thực phẩm được khám sức khỏe và xác nhận kiến thức.

Tuy nhiên, vẫn còn 9 cơ sở vi phạm và Chi cục đã xử phạt 49,5 triệu đồng. Bên cạnh đoàn thanh tra của Chi cục, thanh tra Sở Y tế Hà Nội cũng đã kiểm tra 37 bếp ăn tập thể và cũng phạt 5 cơ sở với số tiền 36 triệu đồng.

Bạn đọc Nguyễn Hà Linh (halinh23@gmail.com) hỏi:

Ông có thể cho biết thực trạng quản lý ATTP bếp ăn tập thể KCN trên địa bàn hiện nay?

Ông Trần Văn Chung trả lời:

Ông Trần Văn Chung phát biểu tại buổi tọa đàm.

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 65.955 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm với 4.256 bếp ăn tập thể (trong đó có 457 bếp ăn tập thể khu công nghiệp). Trong những năm qua công tác quản lý ATTP các bếp ăn tập thể đã được chú trọng quan tâm đặc biệt, thời gian qua, Sở Y tế đã tham mưu cho TP ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác quản lý ATTP tại các bếp ăn tập thể và thực hiện quy chế phối hợp với Ban quản lý khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội trong công tác thanh tra, kiểm tra, tập huấn nâng cao kiến thức ATTP cho các cơ sở, phân công trách nhiệm rõ trong công tác quản lý ATTP bếp ăn tập thể khu công nghiệp.

Tuy nhiên, thời gian qua vẫn xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể mà nguyên nhân chủ yếu do các bệnh truyền qua thực phẩm tại các bếp ăn tập thể do chưa thực hiện các quy định điều kiện bảo đảm về ATTP, đặc biệt nguồn gốc nguyên liệu chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ, nhận thức của người chế biến còn hạn chế.

Kinh Tế Đô Thị

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/toa-dam-truc-tuyen-ve-dam-bao-attp-bep-an-tap-the-tai-cac-khu-cong-nghiep-tren-dia-ban-ha-noi-322702.html