Tọa đàm về nhà báo Trần Công Mân với báo chí cách mạng Việt Nam

Những bài viết của nhà báo Trần Công Mân với thể loại sở trường là ngôn luận, chính luận, tiểu luận đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

Trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2018, sáng 18/3, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với báo Quân đội nhân dân tổ chức buổi tọa đàm: Nhà báo Trần Công Mân với báo chí cách mạng Việt Nam.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Thiếu tướng, Nhà báo Trần Công Mân sinh năm 1925 tại Kỳ Anh - Hà Tĩnh, ông mất năm 1998. Tháng 11/1945, ông được phân công phụ trách chính trị trong lực lượng Giải phóng quân Hà Tĩnh khi mới tròn 20 tuổi.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở chiến dịch Điện Biên Phủ, chuyển sang làm báo, Thiếu tướng, Nhà báo Trần Công Mân từng giữ các chức vụ Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, Phó Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam.

Những bài viết của nhà báo Trần Công Mân trên Báo Quân đội nhân dân với thể loại sở trường là ngôn luận, chính luận, tiểu luận đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự, như: Phê phán thói quan liêu, hách dịch, cửa quyền; vấn đề "chạy" chức, "chạy" quyền; vấn đề giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa...

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại buổi tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu đánh giá, những bài viết có sức nặng của Thiếu tướng, Nhà báo Trần Công Mân với bút danh Tuấn Minh, Trần Công thể hiện tài năng làm báo hiếm có. Đặc biệt, bài “Mở cửa” và việc khẳng định những nguyên tắc xã hội chủ nghĩa”, đăng trên trang nhất báo Quân đội nhân dân ngày 2/10/1989 với bút danh Tuấn Minh đã được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh viết thư khen.

Điều mà các đồng nghiệp đánh giá cao nhất ở Nhà báo Trần Công Mân là sự mẫn cảm, nhạy bén với những tình thế mới đang ló rạng, nhưng lại đón nhận và xử lý vấn đề một cách điềm tĩnh, chủ động và đầy bản lĩnh.

Đại tá Đỗ Phú Thọ, Phó Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân cho biết: “Nhà báo Trần Công Mân dám dấn thân để tìm tòi những cái mới. Những tác phẩm của đồng chí viết cách đây hơn 20 năm nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự. Ví dụ như vấn đề chỉnh đốn đảng, đấu tranh chống diễn biến hòa bình, đấu tranh với những quan điểm sai trái, bảo vệ quan điểm và đường lối của Đảng. Chúng tôi học được từ đồng chí rất nhiều. Chúng tôi nguyện mang sức lực, trí tuệ và bản lĩnh chiến sỹ để giữ gìn và phát triển báo Quân đội nhân dân trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay”./.

Thành Trung/VOV1

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/toa-dam-ve-nha-bao-tran-cong-man-voi-bao-chi-cach-mang-viet-nam-740920.vov