Tòa phúc thẩm 'truy' nguồn gốc hơn 400 tỷ đồng bị kê biên trong vụ Việt Á

Mẹ và vợ của Phan Quốc Việt, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á tiếp tục khẳng định, số tiền hơn 400 tỷ đồng trong 54 sổ tiết kiệm bị kê biên không liên quan tới hành vi phạm tội trong vụ kit xét nghiệm Việt Á.

Ngày 16/5, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội tiếp tục phần xét hỏi đối với các bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á.

Trong các nội dung kháng cáo, bà Đàm Thị Trinh và bà Hồ Thị Thanh Thủy (mẹ và vợ của bị cáo Phan Quốc Việt) trình bày mong muốn về việc được nhận lại số tiền 432 tỷ đồng trong 54 sổ tiết kiệm, trong đó 52 sổ đứng tên bà Trinh và 2 sổ đứng tên con trai của bị cáo Việt.

Các bị cáo trong phiên xét xử phúc thẩm.

Các bị cáo trong phiên xét xử phúc thẩm.

Theo bà Trinh, trong quá trình làm ăn, từ năm 2008 đến 2018, Việt đã nhiều lần vay mượn tiền, vàng, USD, quy đổi ra khoảng 400 tỷ đồng. Đây là số tiền 2 vợ chồng bà tích cóp được từ các hoạt động kinh doanh, làm lụng nhiều năm và được gia đình cho của hồi môn 1.000 cây vàng.

Do đó, sau 2 lần Việt chuyển trả, bà đã mang đi trả nợ, còn lại chia ra các khoản để gửi tiết kiệm vào 52 sổ tiết kiệm trên, với tổng trị giá 412 tỷ đồng.

Bà Hồ Thị Thanh Thủy cũng đề nghị tòa phúc thẩm xem xét, hủy bỏ kê biên đối với 2 sổ tiết kiệm trị giá 20 tỷ đồng đứng tên các con chung với Phan Quốc Việt, cho rằng số tiền này không liên quan tới vụ án.

Trả lời về nội dung này, Phan Quốc Việt khai, số tiền trên bị cáo chuyển cho người thân vào năm 2021, để trả nợ khoản tiền đã vay mượn để làm ăn khi khó khăn

Theo bị cáo Việt, đây là tiền có nguồn gốc từ các hoạt động kinh doanh của Việt Á, nhưng công ty đã hoạt động từ lâu, và còn có nhiều hoạt động kinh doanh các sản phẩm khác, do đó không đồng tình khi tòa cấp sơ thẩm xác định đây là tài sản có được từ việc bán kit xét nghiệm.

Cùng với đó, Phan Quốc Việt cũng mong muốn Hội đồng xét xử xem xét lại bối cảnh và bản chất của hành vi phạm tội. Theo bị cáo Việt, trước hoàn cảnh dịch bệnh chưa từng có tiền lệ, khó có thể không phạm tội, và “đến bây giờ cũng không được ai hướng dẫn phải chống dịch như thế nào để không vi phạm pháp luật”.

Giải thích về nội dung kháng cáo của mẹ bị cáo Việt, Hội đồng xét xử cho biết, cấp sơ thẩm xác định số tiền Tổng giám đốc Công ty Việt Á có được và chuyển cho mẹ mình có nguồn gốc từ tiền thu lợi bất chính thông qua kinh doanh kit xét nghiệm, vì thế tuyên tiếp tục phong tỏa để bảo đảm nghĩa vụ thi hành án.

Theo Hội đồng xét xử, việc Phan Quốc Việt vay tiền của mẹ, nếu có thì đây là quan hệ dân sự khác, còn về bản chất số tiền mà bị cáo có được là do thu lợi bất chính, nên phải thu hồi.

Trình bày quan điểm về vấn đề này, bà Đàm Thị Trinh tiếp tục đề nghị được xin lại số tiền trong các sổ tiết kiệm và cho rằng “không biết số tiền đó là bất hợp pháp hay không, chỉ biết cho con vay nợ rồi sau đó chuyển tiền để trả”.

Cũng tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Trần Thanh Phong, cựu Phó phòng Tài chính Kế toán, CDC tỉnh Bình Dương kháng cáo xin được miễn trách nhiệm hình sự.

Theo bị cáo Phong, trong vụ án này, ông Nguyễn Thành Danh, cựu Giám đốc CDC Bình Dương đã được tòa sơ thẩm tuyên miễn trách nhiệm hình sự. Bản thân bị cáo chỉ là cấp dưới, làm theo mệnh lệnh của cấp trên, và không được hưởng lợi gì, nên mong tòa xem xét phần kháng cáo này.

Huệ Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/toa-phuc-tham-truy-nguon-goc-hon-400-ty-dong-bi-ke-bien-trong-vu-viet-a-d215276.html