Tỏa sáng nhân cách Hồ Chí Minh

* Cả nước kỷ niệm 64 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh và 40 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ

* Sáng 2-9, hơn 31.000 lượt người vào Lăng viếng Bác (SGGP).- Tối 2-9, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ ngoại giao, Đài Truyền hình Việt Nam đã tổ chức cầu truyền hình trực tiếp “Kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” tại 4 điểm cầu: Hà Nội, Nghệ An, Huế và TPHCM- những nơi đã lưu giữ bước chân của Người lúc sinh thời. Tham gia chương trình có đồng chí Nguyễn Văn Chi - Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đồng chí Tô Huy Rứa - Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, cùng đông đảo các vị lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các đồng chí lão thành cách mạng và đại diện nhân dân các địa phương. Lịch sử khó lặp lại lần thứ hai “40 năm đã qua đi. Có biết bao biến cố, biết bao sự kiện xảy ra trong cuộc đời mỗi con người. Thế nhưng có một điều lạ là hình ảnh Bác, tấm gương đạo đức, Di chúc của Bác vẫn sống mãi trong tâm khảm của người dân Việt Nam: Từ bậc cách mạng lão thành cho đến những thanh thiếu niên sinh ra trong thời kỳ chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã bước vào thời kỳ đổi mới. Điều kỳ diệu ấy cho thấy nhân cách Hồ Chí Minh đã mang tầm lịch sử, đã làm thành một bầu khí quyển tinh thần bao bọc, tiếp sức cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, tiến tới thắng lợi sau cùng”- Mở đầu phần giao lưu, GS Trần Văn Bính, đến từ Học viện Chính trị Quốc gia TPHCM, xúc động nói. Lý giải vì sao ngay câu đầu tiên trong bản Di chúc, Bác đã khẳng định: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”, GS Trần Văn Bính phân tích: “Tôi tin rằng sự khẳng định chắc chắn ấy, Bác có được dựa trên cơ sở niềm tin vững chắc từ trái tim và trí tuệ của Người. Trí tuệ sáng suốt của Bác đã phân tích rất khách quan tương quan lực lượng của ta và của địch. Ngoài ra, Bác cũng rất tin sức mạnh của chiến tranh nhân dân, vào nghệ thuật lãnh đạo của Đảng và sức mạnh của toàn dân tộc, đặc biệt là sự hậu thuẫn của lương tri thế giới”. Trả lời câu hỏi “Điều gì đã làm nên nhân cách Hồ Chí Minh?”, GS phân tích: “Nhân cách Hồ Chí Minh là kết tinh phẩm chất của dân tộc - một dân tộc cần cù lao động và giàu tình yêu thương. Ai đến với Bác cũng thấy mình được cảm hóa, được học làm người. Ở Bác tỏa sáng phẩm chất của Con Người Việt Nam. Văn hóa Hồ Chí Minh là văn hóa khoan dung, văn hóa hòa bình. Văn hóa của Người cũng đã mở đầu cho văn hóa, văn minh của một thời đại mới: Thời đại Hồ Chí Minh. Giáo sư khẳng định: “Lịch sử khó lặp lại lần thứ hai. Khó có quốc gia nào trên thế giới vinh dự có được một vị lãnh tụ có trí tuệ, tình cảm bao la, khoan dung như Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Nghĩa nặng tình sâu khắp mọi miền Ai đã đi qua những ngày tháng 9-1969, hẳn sẽ không thể nào quên được tiếng hát của nghệ sỹ Song Thao với bài hát “Trông cây lại nhớ đến Người” trên sóng phát thanh ngày ấy... 40 năm sau, tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP Vinh, tỉnh Nghệ An), NSƯT Song Thao xúc động: “Trong 3 lần may mắn được gặp Bác thì có 2 lần tôi vinh dự được hát cho Bác nghe. Lần đầu là trong chuyến về thăm quê của Bác vào năm 1961. Lần sau, tôi được vào Phủ Chủ tịch hát cho Bác nghe những bài dân ca Nghệ Tĩnh lời cổ. Lần nào cũng vậy, Bác rất chăm chú, xúc động khi được nghe làn điệu dân ca của quê hương mình”. NSƯT Song Thao vẫn nhớ lời căn dặn của Bác: “Các cháu hát dân ca lời cổ, phải hiểu tấm lòng của tổ tiên, ông bà ta ngày trước…”. “Những lời căn dặn của Bác đến giờ vẫn in đậm trong trái tim tôi, mãi không thể quên” - bà nghẹn ngào. Dù ở đâu thì quê hương Nghệ An vẫn luôn canh cánh trong tim Người. Bác đã có 9 bài báo, 31 bức thư và trên hết là 2 lần về thăm quê vào tháng 6-1957 và tháng 12-1961. Trong lần đầu về thăm quê hương, Bác đã làm 2 câu thơ nói lên tình cảm của mình với quê hương Nghệ An thân thương, ruột thịt: “Quê hương nghĩa nặng tình cao/ 50 năm ấy biết bao nhiêu tình”. Trong bức thư cuối cùng Bác gửi cho quê hương Nghệ An vào ngày 21-7-1969 - bức thư được người dân Nghệ An xem như bản di chúc mà Bác dành riêng cho quê hương của mình, Người căn dặn: “Nghệ An là một tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, có nhân dân cần cù lao động và rất cách mạng. Rất mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”. Mong muốn tha thiết của Bác không chỉ là tình cảm mà thực sự là niềm tin của Bác… Tại điểm cầu tỉnh Thừa Thiên - Huế, Anh hùng Lực lượng vũ trang Hồ Vai, người vinh dự được Bác Hồ đặt tên, cũng không thể quên được 4 lần gặp Bác và hành trình học theo Bác suốt cả cuộc đời của mình. Lần đầu gặp Bác tại Đại hội Anh hùng - Chiến sĩ thi đua miền Nam lần thứ nhất, Bác hỏi thăm về đồng bào miền Nam ruột thịt, về các cháu thiếu niên nhi đồng. “Bác rất mừng khi nghe tin đồng bào chiến sĩ miền Nam vẫn kiên gan bền chí đánh giặc, còn tất cả chúng tôi, những người con lần đầu gặp Bác, ai cũng vui, xúc động đến chảy nước mắt” - ông Hồ Vai nhớ lại. Đến giờ, lời căn dặn của Bác với Anh hùng Hồ Vai luôn được ông coi như là một phương châm sống: “Cháu trở thành người cán bộ rồi, trở về miền Nam lãnh đạo nhân dân, tiếp xúc với nhân dân, cái gì “trái” phải tránh, cái gì “phải” thì dù khó khăn đến đâu cũng phải làm bằng được”… Điều đặc biệt là sau khi Anh hùng Hồ Vai trở về với đồng bào của mình, những người dân làng ông đều mong muốn được đổi thành họ Hồ, được làm con cháu của Bok Hồ, của “ông nội” Hồ kính yêu… Trong di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ khát vọng: “Còn non, còn nước, còn người Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay” Thực hiện Di chúc của Bác, TPHCM là một trong những địa phương luôn năng động, đi đầu trong mọi lĩnh vực. Tại đầu cầu TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân bày tỏ: “40 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM đã phát huy truyền thống, nỗ lực vượt qua khó khăn và đạt được những thành tựu quan trọng. Trong năm 2009, thời điểm nền kinh tế thế giới nói chung và đất nước nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng của TP vẫn cao gấp 1,5 lần tốc độ tăng trưởng của cả nước. Hiện tại, TP đã nâng mức chuẩn nghèo cao hơn mức chuẩn nghèo của cả nước. Trong thời gian sắp tới, TP sẽ tập trung phát triển công nghiệp chế biến, điện tử, tin học, dịch vụ, thương mại, tài chính ngân hàng và sẽ đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, tăng cường liên kết, hợp tác với những địa phương trong cả nước phát huy tốt sức mạnh nội lực, kết hợp với sức mạnh ngoại lực để phát triển kinh tế đất nước”. * Kỷ niệm 64 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 và 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sáng 2-9, đồng chí Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa và đoàn đại biểu Thành ủy – HĐND – UBND – UBMTTQVN TPHCM do đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy dẫn đầu, đã đến dâng hoa, thắp hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bàn thờ Bác trong khuôn viên Khu lưu niệm Bến Nhà Rồng (Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TPHCM). Cũng trong ngày 2-9 và nhiều ngày trước, hàng chục đoàn đại biểu các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị và đông đảo đồng bào TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phía Nam đã đến thăm bảo tàng, dâng hoa, thắp hương tưởng nhớ Bác. Nhân dịp này, Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh TPHCM, đã tổ chức trưng bày và khai mạc chuyên đề “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 40 năm thực hiện những lời căn dặn của Người”. Chuyên đề giới thiệu đến người xem hơn 170 tư liệu, hình ảnh, hiện vật, trong đó có những hiện vật quý báu lần đầu tiên được đưa ra trưng bày. Tại TPHCM cũng diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng ngày lễ lớn của dân tộc. Tại công viên 23-9, tối 1 và 2-9 diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Quốc khánh; Trung tâm ca nhạc Lan Anh rộn ràng với đêm Ca múa nhạc - thời trang “Em đẹp nhất đêm nay” tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam; tại cầu Phú Mỹ vừa được khánh thành chiều 2-9 diễn ra chương trình văn nghệ, bắn pháo hoa nghệ thuật phục vụ nhân dân TP nhân ngày Quốc khánh. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Giang tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát động phong trào ủng hộ, giúp đỡ các hộ nghèo về giống gia súc, phản nằm và màn. Cuộc phát động sẽ kết thúc vào tháng 6-2010, dự kiến sẽ hỗ trợ gia súc và phản nằm cho 100% hộ nghèo (trên 38.000 hộ) trong tỉnh với mức 1 con trâu hoặc bò, hoặc từ 2-3 con dê sinh sản/hộ. 40 năm, trên 20 triệu lượt người về thăm quê Bác Trong ngày 2-9, mặc dù trời mưa, hàng ngàn lượt người từ khắp nơi vẫn đổ về Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) viếng thăm quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm nào cũng vậy, đây là một trong những thời điểm khu di tích có lượng người về thăm viếng đông nhất. Theo thống kê chưa đầy đủ của Khu di tích Kim Liên, trong vòng 40 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi vào cõi vĩnh hằng, đến nay đã có trên 20 triệu lượt người về viếng thăm quê Bác. Đặc biệt, kể từ năm 1990, khi UNESCO tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, lượng người về thăm viếng quê Bác ngày càng đông, đặc biệt là các ngày lễ 19-5, 2-9, tết… Sáng 2-9, nhiều đường phố quanh khu vực Lăng Bác đã đông nghịt người. Bà con Hà Nội và các vùng lân cận, trong đó có không ít đồng bào từ các địa phương cách xa Hà Nội đã về Thủ đô trước mấy ngày nhân dịp lễ Quốc khánh 2-9. Theo Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ trong buổi sáng đã phục vụ hơn 31.000 lượt đồng bào vào Lăng viếng Bác. LƯU – HƯƠNG – THẢO

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/chinhtri/2009/9/201608/