Tỏa sáng những nụ cười trong lò than sâu

Tôi là một kẻ nghiện bay, và có những thời gian cao điểm, mỗi tháng tôi leo lên máy bay ít nhất hai lần. Lơ lửng trên độ cao 12 ngàn mét so với mặt đất, không hiểu sao, lòng tôi lại mơ về những đường hầm âm thầm tăm tối âm sâu dưới lòng đất vài trăm mét, thậm chí hàng ngàn mét.

Thợ lò làm việc ở mức -300m so với mực nước biển. Ảnh: Phạm Học.

Từ mong muốn đó, tôi đã lặn lội tới vùng than Ostrava (Cộng hòa Czech) để thăm hầm lò khai thác than từ thế kỷ trước, ở độ sâu -300 mét so với mặt nước biển. Đáng tiếc là khu vực sâu hơn hai ngàn mét, người ta không cho phép khách tham quan được đặt chân tới. Và tôi cũng tìm tới mỏ muối Ba Lan, cũng “đi xuống âm phủ”, - 280 mét sâu, để chiêm nghiệm không gian trong lòng đất mà con người khám phá.

Sau những chuyến thám hiểm “địa ngục” thú vị ở trời Âu, tôi tìm đến nhà văn Vũ Thảo Ngọc, làm việc tại Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và bảo với chị: “Em đã chui xuống hầm lò ở châu Âu rồi, mà hầm lò Việt Nam quê hương mình thì chưa từng trải nghiệm. Em mơ ước được ít nhất một lần đặt chân xuống hầm lò than Quảng Ninh. Chị giúp em nhé.”

Và gần đây, nhà văn Vũ Thảo Ngọc gọi điện cho tôi, tặng một món quà bất ngờ, đó là chuyến đi thực tế hầm lò than Hà Lầm, Quảng Ninh và mỏ than khai thác lộ thiên ở Cọc 6. Tôi sung sướng không lời nào tả xiết, một lần nữa, cuộc sống lại cho tôi thấy rằng, cứ mơ ước đi và kiên nhẫn chờ đợi, rồi một ngày nó sẽ trở thành hiện thực.

Tôi đã lên đường từ Hà Nội đến Quảng Ninh, hơn 2 giờ đồng hồ ngồi trên xe, đi đường cao tốc êm mượt, mà trong lòng sung sướng ngây ngất như thế. Dường như nỗi sung sướng ấy đã làm mờ đi cả nỗi ám ảnh nặng nề khi tôi thăm hầm lò than ở Ostrava (Cộng hòa Czech) và cả nỗi xúc động day dứt khi tôi thăm hầm lò khai thác muối mỏ tại Ba Lan.

Nhưng giờ đây, khi ghi chép lại những dòng trải nghiệm này, tôi thấy nhất thiết mình cần kể ra hai điều khiến tôi nhớ mãi, khi thăm hầm lò than ở Czech và hầm mỏ muối Wieliczka, thành phố Krawkov ở Ba Lan.

Thợ mỏ điều khiển xe goòng vận chuyển than. Ảnh: Phạm Học

Tại hầm lò than Ostrava (Czech), tôi đã cất lên khỏi độ sâu - 300 mét một nỗi sợ hãi khôn nguôi, khi tận mắt nhìn cảnh người thợ lò châu Âu cách nay cả thế kỷ, đã phải nằm đào than trong ngách hẹp, vừa làm, chốc chốc lại ngước mắt nhìn lồng chim treo ở bên vách hầm, nếu chú chim trong lồng xỉu đi, thì lập tức được cảnh báo khí độc đã ở mức báo động chết người. Những cái bảng lớn đề tên những thợ lò đã hy sinh khi sập hầm, hình ảnh đội cứu nạn sập hầm chuyên nghiệp với trang bị đầy mình cũng vô cùng ám ảnh tôi… Ám ảnh đến nỗi, sau chuyến thực tế hầm lò than Ostrava, tôi nhìn vật dụng gì bằng thép, đều nhắc nhớ tôi nỗi nguy hiểm mà thợ lò phải trả giá, để có than, để từ than mà tạo năng lượng làm nên vật dụng này.

Tại hầm lò khai thác muối mỏ Wieliczka (Ba Lan), hình tượng những chú ngựa anh hùng đã sống, làm việc và qua đời trong hầm lò khiến tôi tràn nước mắt. Những chú ngựa kiên cường, bền sức nhất đã được đưa xuống độ sâu -180 mét, làm việc đêm ngày, có những chú ngựa đã làm việc tới 17 năm dưới lòng đất, và vĩnh viễn không bao giờ trở lên mặt đất nữa. Những chú ngựa anh hùng đã làm việc đến phút cuối cùng, và ở lại trong lòng mỏ muối mặn, được dựng tượng, trở thành biểu tượng của ý chí và hy sinh. Không phải chỉ trong chiến tranh, mà chính cả trong lao động, sức mạnh của lòng quả cảm, của đức hy sinh, vẫn hàng ngày phát lộ và tỏa sáng, soi rọi tâm hồn bao người. Tấm gương đó chẳng những đến từ những người thợ mỏ, mà còn đến từ những người bạn, những người đồng hành không lời, như những chú ngựa trong mỏ muối Ba Lan, hay những chú chim trong mỏ than Czech… Chính điều này đã dạy cho chúng ta bài học thẳm sâu nhất về sự sống và nghĩa chết.

Trở lại với sự phấn khích của tôi trong chuyến thực địa mỏ than Hà Lầm và mỏ than Cọc Sáu, không hiểu sao, nó khiến tôi bình tĩnh hơn so với những bạn đồng nghiệp là các văn nghệ sĩ lần đầu tiên đến mỏ than và ngồi quanh tôi lúc ấy. Tôi đọc thấy sự ám ảnh của họ về nỗi vất vả và hiểm nguy mà người thợ mỏ phải đối diện hàng ngày. Chắc chắn kết quả ấy được tạo nên bởi truyền thông. Còn hiện nay, theo lời anh Vũ Đình Rạo, Phó Bí thư Đảng ủy Công ty CP Than Hà Lầm, thì đơn vị đã áp dụng cơ khí hóa, tự động hóa, công nghệ thông tin cùng nhiều cải tiến thường ngày của người lao động trong sản xuất, thì hẳn rằng, những mường tượng của nhiều anh chị em trong đoàn nghệ sĩ, chưa một lần đặt chân xuống mỏ than đời mới, đã không còn khớp với thực tế nữa rồi.

Trang bị từ đầu đến chân bộ đồ bảo hộ lao động, đoàn chúng tôi được đưa xuống hầm lò đang khai thác bằng thang máy với tốc độ 3m/s. Do vậy, để xuống được độ sâu – 375 mét tính từ mặt đất thì mất chừng 3 phút. Trải nghiệm này vẫn thuộc loại khủng, khi thiết bị thang máy phơi bày các chi tiết kỹ thuật đang vận hành trước mắt chúng tôi, cảm giác như ta nhìn thấu ruột gan mình đang nhào lộn, xoay đảo tiêu hóa thức ăn vậy. Tiếng máy móc, dây tời vận hành cót két, tiếng kim loại nghiến vào nhau, tiếng nước nhỏ lách tách, những vũng nước rỉ vàng đọng dưới chân, cùng với tiếng nói đùa của một văn sĩ trong đoàn “Nào chúng ta cùng xuống địa ngục”, đã phút chốc giật phắt tôi trở về với nỗi ám ảnh về hiểm nguy mà tôi đã từng cố tình xóa đi khi đi thăm hầm lò than Ostrava. Tôi hít một hơi dài đầy phổi thứ khí ẩm lạnh, tanh mùi sắt thép sâu dưới lòng đất, và tự hỏi, ô xy ở đâu ra dưới nơi sâu hun hút này? Cảm giác sẽ thế nào khi bất chợt có một cơn địa chấn khủng khiếp gây sập hầm, một tia lửa bùng lên, hoặc một túi nước ngầm trong lòng đất bục vỡ xuyên thủng vách hầm lò? Chỉ trong một tích tắc thôi, cơn hoảng loạn có khi còn chẳng kịp đến thì thần chết đã tóm cổ chúng tôi rồi!

Thêm một hơi thở sâu nữa để xóa đi ám ảnh, thì thang máy đã đưa chúng tôi xuống độ sâu -300 mét so với thủy mực. Chúng tôi bước ra khỏi thang máy, ngỡ ngàng trước đường hầm lò khá rộng và xây dựng vách kiên cố, trông không khác gì đường hầm tàu điện ngầm quen thuộc mà tôi thường thấy ở châu Âu. Chỉ khác là mọi thứ ở đây dù kiên cố, dù bền vững, dù đang hoạt động đầy sức sống, thì đều trần xì ra, phơi lộ chính mình cùng hành động của mình, từ trong ra ngoài, không được bao bọc che chắn bởi lớp áo hào nhoáng sáng rỡ như trong quang cảnh đường tàu điện ngầm.

Thợ lò tan ca. Ảnh: Phạm Học

Người hướng dẫn, một cán bộ kỹ thuật đẹp trai như một tài tử điện ảnh, luôn miệng nhắc chúng tôi phải chú ý bước chân mình. Quả vậy, ngoài hệ thống đường ray cho xe goòng chở than, thiết bị điện, nước, thì những hệ thống chuẩn bị sản xuất trông khá phức tạp nằm ngay trên mặt lối đi, có thể làm bất cứ ai ngã bổ chửng nếu không cẩn thận nhìn kỹ trước mỗi bước chân. Chúng tôi đang ở trong một đường hầm vận chuyển than và khu vực chuẩn bị sản xuất. Đây chưa phải ở nơi nóng nhất, nơi các thợ lò làm việc căng nhất với mũi khoan chạy ngày đêm và mìn phá than. Nơi đây, dù đã vô cùng ấn tượng, nhưng chẳng thấm vào đâu so với cú thử thách xúc cảm ở tuyến đầu - nơi thợ lò khai thác than trực tiếp tại các gương than.

Chúng tôi chỉ được diện kiến và hình dung về mức độ “nóng”, khi thỉnh thoảng gặp một tốp thợ tan ca, đi ngược hướng chúng tôi trong hầm lò. Gương mặt của họ phủ bụi than đen kín, đôi mắt đen phát ra những tia sáng óng ánh như than, duy chỉ có nụ cười là phát sáng. Chào đón các thợ lò ở nơi gần thang máy đi lên là hệ thống loa với các bài hát truyền khí thế, tinh thần vui vẻ. Do quy định ngặt nghèo, nên chúng tôi không được phép hỏi chuyện các anh ở ngay dưới hầm lò. Thật đáng tiếc. Bởi làm việc dưới “địa đường” này toàn là các chàng trai sáng giá, không chỉ ở đất Quảng Ninh, mà còn hội tụ tới 14 dân tộc anh em trên cả nước. Được khai thác vàng đen trong tim trái đất, họ cũng được chăm sóc như những con cưng, và hưởng mức lương khủng. Thu nhập trung bình của thợ hầm lò tại đây đều từ 20-30 triệu đồng/tháng. Những anh thợ lò ưu tú nhất, thu nhập năm lên tới gần nửa tỷ đồng, quả là một mức thu nhập trong mơ mà các ngôi sao làng báo chí hiện nay dù cày ngày cày đêm cũng khó đạt. Với mức thu nhập đó, anh hoàn toàn có thể nuôi được cả gia đình với vợ và hai con ở mức sung túc. Một người thợ lò, chỉ cần gắn kết với nghề, làm việc ở mức tối đa đến hai mươi năm, khi nghỉ hưu, có thể tích lũy được một gia sản đáng kể, sống ung dung sung túc đến cuối đời mà không phải lo lắng gì về kinh tế. Thế mới biết, nghề than không chỉ là nguy hiểm hay vất vả, mà còn là kết quả tưởng thưởng vô cùng xứng đáng và ngọt ngào cho người kiên gan và gắn bó với nghề.

Chính vì lẽ đó khi chúng tôi gặp một anh thợ lò cùng đi lên mặt đất với chúng tôi trong thang máy từ đáy hầm lò đứng, cả nhóm văn nghệ sĩ chúng tôi đã nhìn anh với cặp mắt ngưỡng mộ. Những ống kính máy ảnh cùng hướng về anh, ai nấy trong chúng tôi đều muốn chụp cùng anh một bức ảnh. Nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt còn nguyên màu than của anh đối với chúng tôi là nụ cười đặc biệt nhất, đẹp nhất, nguyên bản nhất. Anh cũng chia sẻ thật, không chút ngập ngừng về thu nhập lên tới 30 triệu đồng/tháng của mình. Quả vậy, thu nhập như thế, ở vùng than này, trong mặt bằng sinh hoạt như thế này, thì dù lao động có vất vả mấy, nhưng tôi chắc chắn rằng, anh cũng sẽ được an tâm hơn cánh viết lách chúng tôi nhiều.

Sau trải nghiệm với hầm lò Hà Lầm, chúng tôi tiếp tục đến với khu vực khai thác mỏ lộ thiên tại mỏ than Cọc Sáu. Tại đây, cảm giác choáng ngợp đã hoàn toàn khác. Cả một vùng than mênh mông, rộng lớn và cũng sâu thẳm. Một hố sâu khổng lồ rộng chừng 6km2 chạy theo đường xoáy chôn ốc đi xuống tới độ sâu hơn 200 mét, cũng không kém cạnh nhiều so với độ sâu hầm lò đứng bên công ty Hà Lầm. Một màu than không chỉ dưới chân, dưới moong sâu, mà cả trong không gian, khi những xe xúc chạy ầm ầm nhấp nhô khắp các vành đai moong than, chở quặng than lên vành đai trên cùng, tới khu vực chế biến, sàng tuyển than.

Chúng tôi chỉ có thể đứng đó, trên những vành đai gần phía trên cùng, mà thán phục sức người, tầm nhìn con người, khi có thể vượt qua bao khó khăn để đưa than lên khỏi lòng đất phục vụ nhân sinh. Rồi xung quanh đó, sau than, những gì còn lại, được tiếp tục thu gọn, thành những vùng đồi thấp, được dần phủ xanh bởi rừng trồng keo, và những con đường dài dẫn tới nơi đây, sẽ sớm xanh tươi ngọt ngào với hàng xoài cho quả lúc lỉu… Ước mơ lao động, ước mơ khai nguồn năng lượng đen từ lòng đất, ước mơ phủ xanh thắm từng mét đất khi sản xuất khép lại từ những người con của vùng than, cho nhóm văn nghệ sĩ chúng tôi niềm tin về một nguồn tài nguyên còn vô tận ở vùng đất than này, nguồn tài nguyên trí tuệ người đất mỏ. Chính nguồn tài nguyên trí tuệ, càng khai thác, càng hiển lộ nhiều hơn, không bao giờ vơi cạn, càng giúp người đất mỏ cất cánh bay cao.

Ghi chép của Kiều Bích Hậu

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201912/toa-sang-nhung-nu-cuoi-trong-lo-than-sau-2465014/