Tỏa sáng tấm gương người bộ đội cụ Hồ

Chiến tranh đã đi qua, những người lính trên các chiến trường năm nào cũng buông cây súng, trở về với cuộc sống bình dị giữa đời thường. Thế nhưng, dù là trong thời chiến hay thời bình, phẩm chất người lính cụ Hồ trong mỗi người cựu chiến binh luôn luôn tỏa sáng. Điển hình như đồng chí Nguyễn Văn Ba, Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố 12B Lý Nam Đế (phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm).

Ký ức một thời hoa lửa

Trong một buổi chiều muộn chúng tôi đến tổ dân phố 12B Lý Nam Đế tìm gặp ông Nguyễn Văn Ba. Vừa hay thời điểm này, ông cũng mới đi thăm vợ ốm trong bệnh viện về. Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ treo đầy các loại bằng khen của phường, quận, thành phố trao tặng, ông Ba vui vẻ kể: Ông sinh năm 1954 trong một gia đình nghèo ở Nam Định. Năm 1972, khi vừa tròn 18 tuổi, theo tiếng gọi của Tổ quốc ông lên đường nhập ngũ và trở thành một chiến sỹ lái xe của Cục Điện ảnh quân đội.

Kể về cơ duyên trở thành lính lái xe, ông cho biết, ông đi B từ năm 1972, đến tháng 12 năm ấy đơn vị ông bị máy bay B52 ném bom khiến 1/3 quân số hi sinh. Sau này, những người còn sống sót trong trận bom năm ấy được tập hợp lại, một nhóm đi học hạ sĩ quan, nhóm còn lại gồm 21 người trong đó có ông Ba được Tổng cục chính trị đưa về đào tạo thành những người lính quay phim và lính lái xe.

Ông Nguyễn Văn Ba chia sẻ về những kỷ vật thời lính.

Ông Nguyễn Văn Ba chia sẻ về những kỷ vật thời lính.

Kể từ đấy, ông Ba chính thức trở thành một thành viên của Điện ảnh quân đội. Những tưởng, cái nghiệp lái xe ấy không liên quan gì tới chiến sự, nhưng chính ông Ba lại là người kinh qua rất nhiều chiến trường khi đưa các đoàn làm phim đến nơi trận địa nguy hiểm, ác liệt để ghi lại những thước phim chân thực nhất.

Hồi tưởng về khoảng thời gian oanh liệt năm xưa ông Ba ngậm ngùi: “Thời gian trước giải phóng, công việc của chú là chở anh em quay phim đến Quảng Bình rồi lại đón những người bị thương quay trở lại miền Bắc an dưỡng. Hồi ấy, đoạn từ vĩ tuyến 17 trở vào, bom đạn bắn ác liệt lắm, không đi được xe vào mà phải đi bộ, có rất nhiều chiến sĩ đã hi sinh ngay trên đường đi.

Cái nghiệp lính lái xe cho đoàn làm phim gian nan nhưng cũng ấm áp tình đồng chí lắm. Vì nhiệm vụ của đoàn là ghi lại tư liệu, hình ảnh của bộ đội thực tế chiến đấu, nên thường xuyên được tạo điều kiện đi đầu trong các cuộc hành trình. Thông thường, đi cùng quay phim là 2 xe tăng, mỗi khi xe của đoàn bị kẻ địch bắn sẽ được 2 xe này chắn đạn giúp. Nhiều khi hoàn thành công việc nhìn lại mới thấy đạn đã găm đầy thành” – ông Ba kể.

Trong cuộc đời làm lính của mình ông đã cùng các nghệ sĩ điện ảnh quân đội trực tiếp chứng kiến, tham gia nhiều trận đánh ác liệt dọc đường 14 từ Tây Nguyên đến Thủ Đức, Đồng Dù, giải phóng Sài Gòn. Tiếp đó, giai đoạn 1977-1979, ông lại cùng đoàn làm phim tư liệu tham gia các trận đánh Pôn Pốt trên tuyến biên giới tỉnh Tây Ninh - An Giang, rồi theo các cánh quân giải phóng đất nước Campuchia. Cuối năm 1979, ông Ba trở ra Bắc cùng đoàn làm phim tư liệu tại các cao điểm 400 Lộc Bình, Lạng Sơn; cao điểm 690 Cao Bằng; Thanh Thủy, Hà Giang. Năm 1995, ông Ba cùng gia đình chuyển về cư trú tại khu tập thể 12B Lý Nam Đế và nghỉ hưu với quân hàm Trung tá chuyên nghiệp vào tháng 1/2009.

Giữ vững phẩm chất người lính giữa thời bình

Thấm nhuần lời dạy của Bác “Làm anh bộ đội trong thời chiến thì phải thi đua chiến đấu; hòa bình rồi thì phải thi đua lao động, sản xuất, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội”, cựu chiến binh Nguyễn Văn Ba trở về với đời thường vẫn giữ trọn vẹn phẩm chất cao đẹp của người lính cụ Hồ.

Với tâm niệm cán bộ cơ sở phải luôn đi đầu, nêu gương, miệng nói tay làm để tăng sức thuyết phục, lôi cuốn các hộ dân làm theo, cựu chiến binh Nguyễn Văn Ba đã có những việc làm hết sức thiết thực, cụ thể. Nhiều năm nay, người dân tổ dân phố 12B Lý Nam Đế, phường Hàng Mã đã quen với hình ảnh cựu chiến binh Nguyễn Văn Ba ngày ngày quét dọn rác tại sân chơi dành cho trẻ nhỏ. Sáng thứ Bảy hằng tuần, ông lại cùng Chi hội Phụ nữ làm vệ sinh ngõ, hè phố góp phần giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp.

Được biết gia cảnh của ông Ba hiện nay khá khó khăn khi người vợ mắc bệnh hiểm nghèo, thế nhưng ông vẫn cố gắng thu vén việc nhà, dành thời gian tham gia công tác cộng đồng, xã hội. Từ năm 2014, cựu chiến binh Nguyễn Văn Ba liên tục tham gia cấp ủy địa bàn dân cư, làm Phó Bí thư chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố.

Với tâm niệm cán bộ cơ sở phải luôn đi đầu, nêu gương, miệng nói tay làm để tăng sức thuyết phục, lôi cuốn các hộ dân làm theo, cựu chiến binh Nguyễn Văn Ba đã có những việc làm hết sức thiết thực, cụ thể. Nhiều năm nay, người dân tổ dân phố 12B Lý Nam Đế, phường Hàng Mã đã quen với hình ảnh cựu chiến binh Nguyễn Văn Ba ngày ngày quét dọn rác tại sân chơi dành cho trẻ nhỏ. Sáng thứ Bảy hằng tuần, ông lại cùng Chi hội phụ nữ làm vệ sinh ngõ, hè phố góp phần giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp. Ông Ba còn dành thời gian rảnh rỗi chăm lo, tu sửa từng món đồ chơi tại sân chơi tập thể để các trẻ nhỏ đi học về có chỗ vui chơi.

Đối với khu dân cư ông sống, vận động các hộ kinh doanh hàng ăn, quán nước buổi sáng ngừng sử dụng bếp than tổ ong gây ô nhiễm môi trường được xem là vấn đề nan giải nhất. Thế nhưng, bằng tâm huyết và sự nhiệt tình của mình cựu chiến binh Nguyễn Văn Ba cùng các thành viên trong Ban Công tác Mặt trận tổ dân phố đã đến từng hộ tuyên truyền, vận động ký cam kết. Đến tháng 11-2018, các hộ dân trong tổ dân phố 12B Lý Nam Đế đã ngừng hẳn việc sử dụng bếp than trong sinh hoạt.

Hơn 10 năm trở về địa phương cũng là quãng thời gian cựu chiến binh Nguyễn Văn Ba gắn bó và có nhiều đóng góp cho các phong trào thi đua tại địa bàn dân cư. Kể từ khi về đây sinh sống, tổ dân phố của ông thực sự trở thành một nơi bình yên, không trộm cắp, không tệ nạn xã hội, thậm chí cũng hiếm khi thấy cảnh vứt rác bừa bãi hay các quảng cáo, tờ rơi xuất hiện.

Khi hỏi về những việc mình đã làm, ông Ba chỉ cười xòa: “Tôi xuất thân là lính cụ Hồ, tính cách của người lính nó ngấm vào người rồi, thấy việc gì có ích cho xã hội thì tôi làm thôi, chẳng có gì để kể công cán. Với một phần là đã nhận nhiệm vụ Đảng, chính quyền giao phó thì phải dốc sức mà làm”.

Trong những năm góp sức cho địa phương, kỷ niệm sâu sắc nhất đối với ông Ba là vào cuối năm 2008, lúc này ông mới về hưu thì ở khu dân phố xảy ra một vụ trộm cướp. Thời điểm này 2 tên cướp do bị công an vây bắt nên đã sử dụng vũ khí (dao tông) để chống trả. Chính ông phối hợp với người dân và lực lượng chức năng đánh gục, khống chế được đối tượng này. Với thành tích trên ông đã được Quận trao tặng bằng khen, vinh danh, là người có công trong việc trấn áp đối tượng chống người thi hành công vụ.

Bên cạnh đó, năm 2016 ông còn được Quận tặng Bằng khen "Người tốt việc tốt". Năm 2017, được Thành phố vinh danh là Công dân ưu tú. Năm 2018, ông vinh dự được Thành phố trao tặng Bằng khen "Người tốt việc tốt". Những việc làm giản dị, thiết thực của cựu chiến binh Nguyễn Văn Ba chính là minh chứng thiết thực trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Chiến tranh đi qua, trở về với cuộc sống thường ngày nhiều bộn bề, lo toan nhưng những người lính như ông Ba vẫn luôn sống hết mình bằng hành động giản dị, cao đẹp. Chính những nghĩa cử đó đã góp phần không nhỏ vào công cuộc bảo vệ sự bình yên cho Tổ quốc cũng như tỏa sáng thêm phẩm chất người lính cụ hồ trong lòng người dân.

Lê Thắm

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/toa-sang-tam-guong-nguoi-bo-doi-cu-ho-90149.html