Tỏa sáng tinh thần văn công

Những văn công Điện Biên năm xưa đã có cuộc hành trình trở lại mảnh đất in dấu bao kỷ niệm cùng đoàn công tác của Điện ảnh Quân đội nhân dân....

Máy bay hạ cánh, những hành khách đặc biệt trên chuyến bay đến với mảnh đất Điện Biên những ngày đầu xuân 2024 vỡ òa cảm xúc, bởi họ không giống như những vị khách khác, họ là những người từng có mặt ở thời khắc lịch sử 70 năm trước...

“Cô không biết có đủ sức khỏe để lên đó nữa không? Ngoài 90 tuổi rồi, nhiều bệnh lắm... À không, cứ nhắc tới Điện Biên là tinh thần lại phấn chấn! Thôi, cô sẽ đi, có lẽ cô chỉ đi được nốt lần này nữa thôi”, bà Vũ Lương, nguyên chiến sĩ văn công Đại đoàn Công pháo 351 chia sẻ với chúng tôi trước chuyến trở lại Điện Biên.

Những văn công Điện Biên năm xưa đã có cuộc hành trình trở lại mảnh đất in dấu bao kỷ niệm cùng đoàn công tác của Điện ảnh Quân đội nhân dân. Chuyến đi thật ý nghĩa và thú vị. Là văn công tham gia biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong tại Mặt trận Điện Biên Phủ năm xưa, kỷ niệm thật khó phai mờ trong tâm trí họ.

Các cựu chiến binh, văn công biểu diễn trong Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

“Theo tiếng gọi của Điện Biên, chúng tôi theo chân các đoàn quân ra mặt trận, khi vui biểu diễn, khó nhọc cũng biểu diễn, buồn trước sự ra đi của bộ đội ta ngay trước mặt... vẫn biểu diễn. Ở đâu có bộ đội, dân công, thanh niên xung phong là ở đó có văn công”, Nghệ sĩ Ưu tú Trần Ngà (Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) nghẹn ngào nói khi ký ức Điện Biên ùa về.

Cựu chiến binh Vũ Lương đã không kìm nổi những giọt nước mắt khi nhìn bức tranh panorama tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Bà nói: “Khi không biểu diễn thì chúng tôi lại đi làm đường. Chúng tôi không nhớ mình làm bao nhiêu ki-lô-mét đường, nhưng vẫn nhớ rõ hình ảnh mọi người xuống suối cào sỏi, gánh lên trên đường, tay chân nhiều khi bị sứt sát hết. Những hình ảnh được phác họa trong bức tranh lớn này là hiện thân của biết bao con người. Nhìn bức tranh, tôi thấy rất hạnh phúc và tự hào bởi được thấy lại một phần hình ảnh và đóng góp của mình trong những ngày gian nan mà hào hùng của dân tộc”.

Những cựu chiến binh ở tuổi xưa nay hiếm bước chân chậm rãi khi thăm lại chiến trường xưa. Với họ, hình ảnh những chiến sĩ ngồi bên càng pháo xem văn công biểu diễn vẫn còn in đậm trong tâm trí. Bà Vũ Lương nhớ lại: “Tối hôm trước, chúng tôi còn biểu diễn cho các chiến sĩ ngồi xung quanh bên càng pháo. Hôm sau chúng tôi quay lại thì, chao ôi, buồn quá, bởi các pháo thủ đã hy sinh hết. Hôm đó, mấy chị em văn công chúng tôi cứ ôm nhau khóc”. Hôm nay, trở lại nơi năm xưa nữ văn công Vũ Lương biểu diễn, thời gian đã làm rêu phong nhiều thứ, nhưng trong tâm thức của bà vẫn còn vẹn nguyên hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ năm nào.

“Hôm ấy, khi đang làm đường, chúng tôi nghe thông báo hô vang: Điện Biên giải phóng rồi các đồng chí ơi! Ai nấy đều bỏ cuốc, xẻng rồi ôm lấy nhau, cõng, bế nhau quay tít, sung sướng vô cùng. Có người còn khóc gọi mẹ”, Nghệ sĩ Ưu tú Trần Ngà kể.

70 năm đã qua, những bước chân trở lại chiến trường xưa cũng đã chậm dần theo năm tháng. Họ trở lại mảnh đất xưa thấm bao xương máu của đồng đội, nay đã nở những cánh hoa hòa bình... Khi máy bay cất cánh rời Điện Biên cũng là lúc nước mắt họ ứa ra. “Chào tạm biệt nhé, mảnh đất Điện Biên anh hùng. Ở lại nhé đồng đội của chúng tôi!”, cựu chiến binh Trần Ngà nấc nghẹn nói lời tạm biệt.

Bài và ảnh: NGUYỄN QUYẾT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/chien-thang-dien-bien-phu-moc-son-lich-su/ky-vat-va-ky-uc/toa-sang-tinh-than-van-cong-775870