Tòa trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh

Sau một buổi làm việc, trưa 14/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử 2 bị cáo trong vụ án điều khiển sà lan đâm sập cầu Ghềnh bất ngờ tạm hoãn.

9h sáng nay (14/11), Tòa án Nhân dân TP. Biên Hòa mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy và Điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy”. Hai bị cáo là Phan Thế Thượng (63 tuổi, ngụ phường An Bình, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) và Trần Văn Giang (36 tuổi, ngụ huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng).

Luật sư đặt vấn đề tại sao cầu Ghềnh không có trụ chống đâm va?

Luật sư đặt vấn đề tại sao cầu Ghềnh không có trụ chống đâm va?

Tại phiên tòa, Luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TPHCM) - người bào chữa cho các bị cáo, đã đề nghị hoãn phiên tòa và trả hồ sơ điều tra bổ sung bởi tòa không triệu tập người tham gia giám định thiệt hại để giải thích kết luận giám định.

Luật sư cũng cho rằng các trụ chống đâm va tại cầu Ghềnh không được chủ sở hữu tuân theo đúng quy định của pháp luật. Hậu quả này cho thấy có dấu hiệu hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại điều 144 Bộ luật Hình sự.

“Tại sao cầu Đồng Nai Lớn (tức cầu Ghềnh) không xây dựng trụ chống va mặc dù năm 2013, 2015 đều có duy tu sửa chữa, mỗi lần sửa chữa giá trị không nhỏ, lên tới 11 tỷ. Trong khi cầu Đồng Nai nhỏ lại có trụ chống va ở các chân cầu. Như vậy quy chuẩn xây dựng cầu đường, ngành đường sắt có làm đúng quy định pháp luật hay không?”, luật sư Trần Hải Đức đặt vấn đề.

Luật sư đặt câu hỏi: Nếu cầu Ghềnh có trụ chống đâm va thì liệu có làm sập cầu hay không?

Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - nguyên đơn bị thiệt hại, cho rằng, đây là vấn đề kỹ thuật nên không trả lời. Tuy nhiên vị này khẳng định, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giữ nguyên trạng cây cầu này từ thời Pháp, công ty vẫn thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng, khai thác chạy tàu và đều được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, cấp phép.

Luật sư đặt câu hỏi với đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - đơn vị bị thiệt hại

Trước các câu hỏi của luật sư về cách định giá tài sản bị thiệt hại, ông Lê Phi Long, đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng số tiền hơn 21 tỷ đồng thiệt hại là chi phí duy tu bảo dưỡng cộng dồn của các năm trước đây.

Tuy nhiên luật sư lập luận, cầu Ghềnh được xây dựng từ năm 1904, hiện đã hết giá trị sử dụng, do đó biên bản giám định thiệt hại chưa được rõ ràng mà là do ngành đường sắt tự đưa ra; hiện cũng chưa có văn bản nào của Bộ Tài chính giám định giá trị thực của cầu Ghềnh, do đó yêu cầu bồi thường thiệt hại của ngành đường sắt đưa ra chưa có căn cứ.

Ngoài vấn đề xác định thiệt hại, một số tình tiết khác cũng chưa được làm rõ như người bị thiệt hại, mức bồi thường và một số thủ tục tố tụng.

Sau phần xét hỏi buổi sáng, Hội đồng xét xử đã tuyên trả hồ sơ vụ án, điều tra bổ sung. Cụ thể, Hội đồng xét xử yêu cầu làm rõ việc giám định lại giá trị của cầu Ghềnh để làm căn cứ bồi thường thiệt hại, làm rõ yêu cầu bồi thường thiệt hại của các nạn nhân bị thương trong vụ sập cầu.

Tòa cũng yêu cầu cơ quan tố tụng làm rõ yêu cầu bồi thường thiệt hại từ các nguyên đơn bởi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam yêu cầu bồi thường hơn 21 tỷ đồng nhưng phần thiệt hại lại thuộc về các công ty con trực thuộc Tổng công ty đều là các pháp nhân độc lập./.

Sáng 14/11, Tòa án Nhân dân TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai xét xử 2 bị cáo Phan Thế Thượng và Trần Văn Giang liên quan đến vụ tai nạn sà lan đâm sập cầu Ghềnh, xảy ra vào tháng 3/2016.

Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Biên Hòa truy tố bị cáo Phan Thế Thượng 2 tội: “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” và “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy”. Còn bị cáo Trần Văn Giang bị truy tố tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy”.

Theo cáo trạng, khoảng 11h30 ngày 20/3/2016, Trần Văn Giang không có bằng thuyền trưởng nhưng được Phan Thế Thượng thuê điều khiển tàu kéo đẩy sà lan trên sông Đồng Nai theo hướng đi lên thượng nguồn. Đến khu vực cầu Đồng Nai Lớn (tức cầu Ghềnh, thuộc địa phận TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), lúc này thủy triều đang lên mạnh, dòng chảy xoáy. Khi sà lan cách trụ cầu khoảng 50m, Giang tăng ga tàu kéo để đẩy sà lan đi qua khoang thông thuyền thì tàu bị chết máy; Giang bỏ vị trí lái xuống hầm máy để khởi động lại máy, sà lan quay ngang. Khi máy nổ, Giang quay lại vị trí lái thì sà lan đã trôi gần tới trụ cầu số 2. Sà lan sau đó đã va chạm với trụ cầu số 2 làm gãy sập xuống sông nhịp số 2 và nhịp số 3 cầu Ghềnh; chìm tàu kéo và lật sà lan. Một số người trên cầu bị rơi xuống sông nhưng may mắn không có thiệt hại về người.

Phương tiện tàu kéo sau đó được xác định đã hết hạn chứng nhận an toàn kỹ thuật và môi trường.

Xuân Lượng/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: http://vov.vn/phap-luat/toa-tra-ho-so-yeu-cau-dieu-tra-bo-sung-vu-sa-lan-dam-sap-cau-ghenh-695437.vov