Toàn cảnh ảnh hưởng do hạn hán ở Lào Cai

Do ảnh hưởng của ELNino, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều đợt nắng nóng kéo dài gây khô hạn và khan hiếm nguồn nước cung cấp cho sản xuất và sinh hoạt ở các địa phương.

Do nắng nóng kéo dài, lượng mưa trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã rất ít, có nơi không có mưa, khiến mực nước tại các khe suối đầu nguồn đa phần ở mức thấp, nguồn nước mạch nhỏ bị suy giảm, cạn kiệt, nên không đủ cung cấp cho công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu và cấp nước sinh hoạt.

Toàn tỉnh có 107 hồ chứa thủy lợi, hiện nay, mực nước ở hầu hết các hồ chứa ở dưới mức trung bình nhiều năm, trong đó có 13 hồ chứa ở "mực nước chết" hoặc dưới "mực nước chết", gồm: Hồ Thác Bạc (thị xã Sa Pa); hồ Khuổi Lếch, huyện Bảo Yên; hồ Na Ri, hồ Tảo Giàng 1, hồ Củm Hoa, hồ Thịnh Ổi, hồ Na Nối (huyện Mường Khương); hồ Tống Tư (huyện Văn Bàn); hồ Vĩ Kẽm (huyện Bát Xát); hồ Đồng Tâm, hồ An Tiến, hồ Cốc Tủm (huyện Bảo Thắng); hồ Ông Lừu (thành phố Lào Cai).

Si Ma Cai là địa phương bị hạn nặng nề nhất, toàn huyện có 400 ha/1.800 ha lúa; hơn 330 ha ngô và hơn 91 ha quế bị thiệt hại do nắng hạn (trong đó hơn 219 ha ngô thiệt hại ở mức trên 70%). Đối với cây ăn quả, cây dược liệu, cây gia vị (tổng diện tích khoảng 1.500 ha) bị thiệt hại chưa thể đo đếm, ước tính sản lượng sẽ giảm trên 70% so với năm 2022.

Trên địa bàn thị xã Sa Pa hiện có 307 cơ sở nuôi cá tầm, cá hồi. Cá được nuôi nhiều nhất tại xã Ngũ Chỉ Sơn (108 cơ sở) và xã Tả Van (107 cơ sở). Nắng nóng kéo dài, lượng mưa ít khiến nhiều cơ sở nuôi ghi nhận tình trạng cá hồi, cá tầm bị chết với tổng trọng lượng hơn 1,5 tấn.

Không chỉ thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, nước phục vụ sinh hoạt của người dân vùng cao Lào Cai cũng đang cạn kiệt.

Nguồn nước khu vực đầu nguồn công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn ở các địa phương vùng cao đa số lấy nước từ các mạch nước ngầm lộ thiên, hệ thống cấp nước tự chảy; do nắng nóng kéo dài, lượng mưa thiếu hụt làm lưu lượng đầu nguồn suy giảm, làm suy giảm nguồn nước đầu mối đối với 109 công trình đang hoạt động, dẫn đến không đủ cung cấp nước theo thiết kế.

Hạn hán kéo dài đang tác động nghiêm trọng tới đời sống, sinh hoạt của nhiều hộ dân. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 9.013 hộ/133.844 hộ ở vùng nông thôn rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt.

Riêng tại huyện Mường Khương, hiện có gần 100 công trình cấp nước sinh hoạt bị cạn kiệt nguồn nước khiến hơn 4.000 hộ bị thiếu nước sinh hoạt.

Ngày 15/5/2023, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Văn bản khẩn số 2188 chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai các biện pháp cấp bách như: Tăng cường công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi, tận dụng mọi nguồn nước tích trữ trong các ao, hồ, vùng trũng thấp; huy động Nhân dân nạo vét, sửa chữa hệ thống mương, sử dụng hiệu quả các máy bơm hiện có phục vụ chống hạn. Tăng cường huy động nhân lực cơ quan chuyên ngành và hệ thống khuyến nông, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp trữ nước, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm; chuyển đổi diện tích cây trồng phù hợp; tăng cường phổ biến, hướng dẫn người dân sử dụng các thiết bị lọc đơn giản để nâng cao chất lượng nước phòng ngừa dịch bệnh…

 Các địa phương đang hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích lúa đã cấy bị hạn không thể phục hồi sang trồng cây khác.

Các địa phương đang hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích lúa đã cấy bị hạn không thể phục hồi sang trồng cây khác.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/toan-canh-anh-huong-do-han-han-o-lao-cai-post369292.html