Toàn cảnh Metro Bến Thành - Suối Tiên đoạn trên cao ngày bắt đầu chạy thử

Cuối tháng 4 vừa qua, Ban quản lý Đường sắt Đô thị TP. HCM (MAUR) phối hợp với nhà thầu Hitachi tổ chức vận hành chạy thử trên cao tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên.

 Đoàn tàu rời ga Suối Tiên bắt đầu chuyên tham quan trải nghiệm

Đoàn tàu rời ga Suối Tiên bắt đầu chuyên tham quan trải nghiệm

Đoàn tàu Metro Bến thành - Suối Tiên vào ga đón khách tham quan trải nghiệm

Lộ trình vận hành chạy thử dài 12,3km, đoạn trên cao, từ ga Suối Tiên qua nhiều ga khác dọc tuyến thuộc TP. Thủ Đức. Sau đó đi ngược lại và kết thúc tại ga Suối Tiên. Lộ trình này nằm trong giai đoạn số 5 và 6 trong số 8 giai đoạn thử nghiệm theo kế hoạch.

Giếng trời lấy sáng, điểm nhấn tại ga Bến Thành

Được biết, là tuyến metro đầu tiên triển khai trong quy hoạch hệ thống bao gồm 8 tuyến đường sắt đô thị của TP. HCM, dự án tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được khởi công từ cách đây hơn 10 năm. Có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng huy động từ vốn vay ODA Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước, tuyến dài gần 20 km (3 ga ngầm - 2,6km và 11 ga trên cao - 17,1km), từ ga Bến Thành - quận 1 đến depot Long Bình - TP. Thủ Đức.

Kỹ sư của nhà thầu Hitachi đang kiểm tra các hạng mục thi công trên công trường ga Nhà hát TP

Theo kế hoạch ban đầu, dự án Metro bến Thành - Suối Tiên dự kiến hoàn thành xây dựng toàn tuyến vào năm 2017, đưa vào khai thác năm 2018. Tuy nhiên vì những vấn đề về chậm giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và nhiều sự cố thi công, dự án được xác định đưa vào vận hành thương mại từ quý IV/2023.

Đoạn ngầm tuyến metro từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát TP.

Dự án có 4 gói thầu chính: CP1. Xây dựng đoạn đi ngầm (từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát TP dài 515m và từ ga Nhà hát TP đế ga Ba Son dài 1.315m); CP2. Xây dựng đoạn đi trên cao và depot: dài 17,1 km từ ga Ba Son đến địa bàn Bình Dương; CP3. Mua thiết bị cơ điện, đường ray, toa xe và bảo dưỡng; CP4. Hệ thống công nghệ thông tin cho Văn phòng Công ty Khai thác vận hành.

Bên trong ga ngầm Nhà hát TP

Đại diện Ban quản lý Đường sắt Đô thị TP (MAUR) cho biết, năng lực vận chuyển của tuyến metro này lên đến 930 khách/đoàn tàu, dự kiến có 300 chuyến/ngày và đạt 1 triệu khách/ngày vào năm 2040. Với tốc độ chạy từ 40-60km/giờ, lộ trình Bến Thành - Suối Tiên dài 19,7km sẽ chỉ mất khoảng 30 phút (cứ 5 phút có một chuyến xuất bến và tàu dừng ở mỗi ga bình quân 1,5 phút để đón và trả khách).

Đại diện của MAUR giới thiệu khách tham quan tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên

"Tính đến tháng 4, tiến độ tuyến Metro Metro Bến Thành - Suối Tiên đã hoàn thành đạt khoảng 95%, trong đó, gói thầu CP1a đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát TP đạt 99,4%. Gói thầu CP1b đoạn ngầm từ Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son 99,73%. Gói thầu CP2 đoạn trên cao và depot chiều dài 17,1 km từ ga Ba Son đến địa bàn Bình Dương 97,34%. Gói thầu CP3 Mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng 88,3%. Tất cả các ga trên cao gần như đã hoàn thành đến 98%", vị đại diện này chia sẻ thêm.

Ga Nhà hát TP đã hoàn thành trên 99% khối lượng công việc sẵn sàng đón khách tham quan

Từ cuối năm 2022, tuyến metro này cũng đã triển khai nhiều đợt chạy thử nghiệm để kiểm tra các hệ thống tiếp cung cấp điện, hệ thống đường ray, hệ thống bảo vệ tàu tự động (ATP) của hệ thống tín hiệu (Signalling) nhằm đánh giá khả năng bảo vệ tàu và hành khách khi có vật cản hoặc sự cố bất ngờ.

Các nhà ga trên cao đã hoàn thiện hơn 97% khối lượng công việc (ảnh: nhà ga Thảo Điền)

Tháng 4 vừa qua, trong buổi kiểm tra thực địa tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên, Thủ tướng Chính phủ đã giao các cơ quan, đơn vị cố gắng hoàn thành dự án vào dịp 02/9/2023, trước 1 quý so với dự kiến. "Năm 2023 là dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Bởi vậy, việc phấn đấu hoàn thành thi công của dự án tàu metro số 1 là một điểm nhấn quan trọng trong quan hệ ngoại giao hữu nghị giữa hai nước", Thủ tướng cho biết.

Hành khách chuẩn bị tham gia trải nghiệm vận hành tại ga Suối Tiên

Cũng tại buổi kiểm tra thực địa, Thủ tướng Chính phủ đã trao đổi với Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio, cảm ơn Đại sứ đã góp phần thúc đẩy để Nhật Bản sắp triển khai cụ thể việc cho vay ODA thế hệ mới với Việt Nam; đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng hạ tầng giao thông chiến lược, trong đó có đường sắt tốc độ cao; góp phần đưa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nhật Bản ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn.

Đối với hoàn thiện quy hoạch hệ thống metro của TP. HCM phù hợp định hướng phát triển mới, sẽ sớm nghiên cứu dự án Metro Bến Thành - Tân Kiên theo tinh thần vay vốn ODA thế hệ mới của Nhật Bản, rút kinh nghiệm từ dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên để triển khai nhanh hơn.

Các chuyên gia của nhà thầu Hitachi vận hành tàu rời ga Suối Tiên

Tại chuyến vận hành thử nghiệm, đại diện của MAUR cho biết, bên cạnh mục tiêu chạy thử đoàn tàu, đơn vị còn tạo điều kiện cho người dân và các tổ chức được tiếp cận tàu Metro, qua đó thấy được tiềm năng phát triển khác của TP. HCM trong tương lai khi đoàn tàu được đưa vào khai thác chính thức.

Hành khách thích thú ghi lại hành trình trải nghiệm tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên

Ông Nguyễn Văn Hòa (53 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh), một hành khách tham gia hào hứng cho biết, tàu đẹp và rất hiện đại. "Đã từng được đi tàu điện ngầm ở nhiều quốc gia trên thế giới nên tin rằng, tuyến metro này khi đưa vào khai thác chính thức cũng sẽ không thua kém hạ tầng giao thông ở các nước phát triển như Singapore hay Châu Âu", ông Hùng nói.

Nhà thầu tăng tốc hoàn thành thi công các cầu vượt bộ hành trên xa lộ Hà Nội

Hiện nay, MAUR đang nỗ lực, phối hợp các nhà thầu, đơn vị tư vấn đẩy nhanh tiến độ dự án để hoàn thành 100% công tác thi công bao gồm lắp đặt các thiết bị còn lại, hoàn thiện kiến trúc các nhà ga và cầu bộ hành trên toàn tuyến, sớm đưa công trình vào sử dụng.

MAUR cũng đang khẩn trương làm các bước thử nghiệm với toàn bộ các hệ thống tự động, bảo vệ và giám sát đoàn tàu kết hợp với các thiết bị tại các nhà ga. Đồng thời phối hợp tự đào tạo, chuyển giao công nghệ và khai thác thử đoàn tàu và phối hợp các cơ quan liên quan thẩm định, nghiệm thu hệ thống phòng cháy chữa cháy, môi trường…

Đoàn tàu về ga Suối Tiên kết thúc chuyến tham quan

Theo các chuyên gia, không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế TP, tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên sau khi được đưa vào khai thác, tiếp tục nối dài đến TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) theo quy hoạch của Chính phủ, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại giữa TP. HCM - Đồng Nai - Bình Dương. Kỳ vọng thu hút thêm lượng hành khách vận chuyển, góp phần giảm tình trạng quá tải kết nối vùng khu vực Đông Bắc TP và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong tương lai.

Nam Phương

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/toan-canh-metro-ben-thanh-suoi-tien-doan-tren-cao-ngay-bat-dau-chay-thu-20180504224283893.htm