Toàn châu Á đối diện với cuộc khủng hoảng thiếu trẻ con khi người trẻ không kết hôn

Tại Singapore, có đến 80% đàn ông trong độ tuổi từ 20 đến 29 chưa kết hôn.

Ảnh: Nikkei

Đối với chuyên viên truyền thông 33 tuổi tại một công ty bất động sản ở Bắc Kinh, cô Eva Zeng, không nhất thiết cần phải kết hôn.

Cô sở hữu một sự nghiệp thành công, một căn hộ tại thủ đô mà nhiều người mơ ước, cô còn có cả ô tô riêng – như vậy cô thừa điều kiện để kết hôn. Cho đến nay, dù chưa tìm được người đàn ông nào để kết hôn, cô cho biết cô hài lòng với cuộc sống của cô.

Cô nói: “Khi tôi còn nhỏ, tôi nghĩ rằng kết hôn và sinh con là cách sống của mọi phụ nữ. Thế nhưng sau này tôi nhận ra rằng có quá nhiều cách để sống”.

Cô Zeng không hề ngại hẹn hò, bắt đầu những mối quan hệ lãng mạn và kết hôn. Thế nhưng thật khó để tìm được một người phù hợp, cô cho biết. Về phía bản thân mình, cô không muốn chỉ gật đầu cho xong với một ai đó. Cô tâm niệm: “Sự kết nối về tâm hồn quan trọng hơn tiền, thế nhưng việc đó thậm chí còn khó hơn”.

Theo báo Nikkei, những người phụ nữ như cô Zeng đại diện cho một sự thay đổi đang diễn ra khắp châu Á. Tăng trưởng kinh tế giúp cho họ có học vấn và cơ hội nghề nghiệp tốt hơn, chính vì vậy nhiều người ngại kết hôn.

Nếu nhìn từ góc độ quyền của phụ nữ, có thể thấy đây là một thắng lợi lớn. Thế nhưng các chính phủ lại đối đầu với vấn đề: Tỷ lệ sinh thấp tiềm ẩn rủi ro cực lớn đối với lực lượng lao động cũng như đẩy cao chi phí an sinh xã hội. Giờ đây, chính phủ các nước đối đầu với vấn đề phải tăng được tối đa lực lượng lao động cùng lúc đó tạo điều kiện tối đa cho các cặp đôi có con.

Tỷ lệ sinh của phụ nữ, tức số con trung bình mà mỗi phụ nữ sẽ sinh ra, tại nhiều nền kinh tế phát triển châu Á như Nhật, Hàn Quốc, Singapore đã giảm xuống dưới mức tương đương tại Mỹ hay các nước thuộc Liên minh châu Âu. Nhiều chuyên gia phân tích chỉ ra rằng các nền kinh tế mới nổi không được chuẩn bị để ứng phó với xu thế đi xuống trong tương lai.

Chuyên gia kinh tế tại NLI Research Institute, ông Makoto Saito, chỉ ra: “Chính phủ các nước mới nổi châu Á đã ưu tiên tăng trưởng kinh tế và cho đến nay khá chậm trong việc điều chỉnh hệ thống an sinh xã hội”.

Những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã hành động, nới lỏng chính sách một con. Năm 2013, chính phủ Trung Quốc cho phép các cặp đôi được có 2 con nếu một trong hai người bố mẹ là con một trong gia đình. Năm 2016, chính sách được nới lỏng hơn nữa khi mà mọi cặp đôi đều được phép có 2 con.

Thế nhưng dù số lượng trẻ được sinh ra tại Trung Quốc năm 2016 có tăng thêm 1,31 triệu em lên 17,86 triệu, con số này lại lập tức giảm khi sang năm 2017 xuống 17,23 triệu.

Lý do tại sao? Người lao động trẻ tại các thành phố lớn cho biết rằng thực sự quá khó để kiếm được người phù hợp. Trách nhiệm đối với gia đình quá lớn, hoặc đơn giản họ cảm thấy độc thân dễ chịu hơn rất nhiều.

Singapore cũng đang đối đầu với những vấn đề tương tự.

Số lượng người Singapore độc thân đã tăng nhanh chóng tại tất cả các nhóm tuổi. Năm 2017, 64,6% phụ nữ trong độ tuổi từ 25-29 chưa kết hôn, cao hơn so với tỷ lệ 52,5% vào năm 2007. Đối với đàn ông cùng độ tuổi, tỷ lệ này đứng ở mức 80,7% vào năm ngoái, cao hơn so với con số 77,5% của một thập kỷ trước.

Một người làm việc trong ngành y tại Singapore nói: “Tôi vẫn không hiểu tại sao tôi cần phải kết hôn và dựa vào một người đàn ông để có thể đảm bảo được các nhu cầu cho cuộc sống của mình”.

Cũng giống như vậy, người Thái Lan đang bắt đầu kết hôn muộn hơn. Độ tuổi kết hôn lần đầu trung bình vào năm 2010 đạt 28,3, cao hơn so với con số 25 vào năm 1960. Đối với phụ nữ, độ tuổi kết hôn lần đầu trung bình tăng lên mức 23,7 từ 22,1. Hơn một nửa phụ nữ Thái Lan có bằng đại học và đều đang đi làm, chính vì vậy họ cũng không vội kết hôn.

Tại Hồng Kông, chi phí cuộc sống quá đắt đỏ khiến người ta cũng không còn muốn kết hôn. Một đám cưới tại Hồng Kông tiêu tốn đến 360.557 đôla Hồng Kông, trong đó tính cả tiền nữ trang, hoa, chi phí đi trăng mật và ảnh cưới. Chi phí cưới xin đã tăng 9% trong năm 2017.

Các chuyên gia cảnh báo tỷ lệ người già độc thân tăng cao sẽ cần đến chi phí y tế cực kỳ lớn, đặc biệt với những người có bệnh lý nặng.

Từ Tokyo cho đến Bắc Kinh hay Singapore, thời gian tìm ra giải pháp đã hết dần.

TRUNG MẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh-quoc-te/toan-chau-a-doi-dien-voi-cuoc-khung-hoang-thieu-tre-con-khi-nguoi-tre-khong-ket-hon-3479601.html