Toán học giúp Việt Nam bắt kịp xu thế thời đại - AI: Chương 2 - Học sinh Việt Nam sợ toán như... sợ cọp

Chương trình Toán phổ thông hiện nay quá nặng so với năng lực tiếp nhận của học sinh. Bên cạnh đó, việc dạy và học Toán hiện thiếu sự tương tác; không gắn với thực tiễn, khiến nhiều học sinh sợ toán.

GS Đỗ Đức Thái, Chủ biên chương trình môn Toán trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, từng nhiều lần chia sẻ, khi xây dựng chương trình môn Toán mới, ông và các cộng sự đã làm khảo sát với hơn 1.000 học sinh các tỉnh đồng bằng Bắc bộ và 70% trong số đó đã phát biểu rằng môn Toán rất khó, cảm thấy sợ học Toán và thậm chí có em còn nói rằng mỗi giờ Toán là một nỗi hãi hùng, các em không thể kết nối việc học cùng trải nghiệm...

Nguyên nhân là do chương trình Toán phổ thông hiện nay quá nặng so với năng lực tiếp nhận của học sinh. Bên cạnh đó, việc dạy và học Toán hiện thiếu sự tương tác; không gắn với thực tiễn.

Các chuyên gia cho rằng, việc giúp học sinh yêu thích môn Toán ngay từ cấp Tiểu học, từ lớp 1 là yếu tố sống còn vì nếu các em không thấy ý nghĩa thiết thực của việc học Toán, yêu thích môn Toán thì các em sẽ không học.

Nhưng thực tế, không ít học sinh Tiểu học không thích học Toán, tư duy thụ động, máy móc, không làm được Toán nâng cao… Phương pháp giáo dục kiểu “cưỡng bức”, hoặc theo các “khuôn mẫu” hiện nay đang diễn ra tại rất nhiều trường học, là một trong những nguyên nhân chính của vấn đề này.

Cho rằng, xã hội Việt Nam rất quan tâm đến môn Toán, và có rất nhiều tài năng Toán, nhưng GS. Ngô Bảo Châu cảm thấy tiếc khi có những em học sinh rất thông minh, rất tài năng ở nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng nhắc đến môn Toán lại rất sợ, khi đối diện với những con số và các công thức thì toát mồ hôi, thậm chí sợ Toán như… sợ cọp.

Có tài năng, thông minh nhưng lại sợ tính toán, sợ con số, sợ công thức thì đôi khi sẽ mất đi rất nhiều cơ hội để phát triển. "Vậy nên, chúng ta phải có giải pháp để tất cả mọi người đừng sợ Toán nữa. Nói cách khác là làm sao để học sinh dù không xuất sắc, không giỏi Toán, nhưng cũng không sợ Toán. Đồng thời, học Toán một cách vui vẻ, tích cực, đủ để rèn luyện tư duy giải quyết các bài Toán hằng ngày trong cuộc sống”, ông nhấn mạnh.

GS. Ngô Bảo Châu cho rằng, cách dạy Toán ở Việt Nam có gì đó sai sai, đó là bắt các em làm những bài toán tính toán rất “cơ bắp”, rất dài với nhiều chữ số, biểu thức mà không biết để đi đến đâu và chẳng để làm gì. Nhiều thầy cô thì hay giao cho học sinh các bài toán mẹo. Đây là điều rất phản tư duy khoa học.

“Việc làm Toán chuyên nghiệp có nguyên tắc là không có mẹo, làm được gì thì chúng ta phải giải thích được tại sao làm được như thế. Việc học Toán là phải làm sao để những thứ trông có vẻ phức tạp, rối rắm, trở nên đơn giản, sáng rõ. Đó là vẻ đẹp của Toán học mà chúng ta cần hướng đến trong việc dạy Toán cho học sinh thay vì những cuộc thi đua”, GS. Ngô Bảo Châu phân tích.

Theo GS. Ngô Bảo Châu, việc dạy học Toán cho trẻ em nói chung có thể không cần rộng, sâu hay giỏi, chỉ cần đủ hiểu biết để không sợ toán thì đã hành trang rất quý cho cuộc sống sau này. Bởi, “sợ Toán là thiệt thòi rất lớn trong cuộc đời”, GS. Ngô Bảo Châu bày tỏ và cho rằng, cần trao cho tất cả học sinh cơ hội để hiểu và thích học Toán.

Về phương pháp dạy Toán ở phổ thông, ông cho rằng, xây dựng chương trình học Toán phải biết cái gì cần phải học, cái gì “bỏ đi cũng được”. Việc chọn cái gì để dạy rất quan trọng. Trong phổ thông có vài điểm mà theo ông rất quan trọng cần phải dạy, ví dụ ở tiểu học là phân số, THCS cần hiểu thế nào là giải phương trình bậc 2...

Tham chiếu trải nghiệm của bản thân, GS. Ngô Bảo Châu kể: “Trong chương trình thời tôi đi học, tôi thấy có những cái hoàn toàn thừa mà chẳng hiểu sao lại rất quan trọng, ví dụ như 7 hằng đẳng thức đáng nhớ. Tôi không nhớ được 7 hằng đẳng thức đáng nhớ đó là cái gì và đến giờ tôi vẫn không thể giải thích được tại sao lại phải “đáng nhớ” đến thế”.

Về việc làm thế nào để trẻ thấy mục tiêu của việc học Toán, GS. Ngô Bảo Châu cho rằng không quá cần thiết trong việc làm thế nào để học sinh nhận thức học Toán để làm gì. Trẻ con không cần bắt chúng phải nhận thức quá nhiều, làm sao để trẻ học thấy vui đã là thành công rồi. Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ sẽ thấy vui một kiểu, biện pháp này có thể lôi cuốn được đứa trẻ này nhưng lại không lôi cuốn được đứa trẻ khác.

Ông cũng chỉ ra một quan niệm “hơi tiêu cực” của phụ huynh và học sinh Việt Nam là học để đi thi, với môn Toán càng đặc biệt trở nên tiêu cực hơn khi thay đổi cách thức thi từ tự luận sang thi trắc nghiệm. Điều này thể hiện rõ tâm thế “học để đối phó kỳ thi” thay vì học để phát triển tư duy.

“Tôi nghĩ việc thi trắc nghiệm cũng là bình thường, có thể giúp kỳ thi nhẹ nhàng hơn, việc chấm bài thi cũng dễ dàng hơn. Thế nhưng, có một bộ phận người học nảy sinh tâm lý tìm kiếm các giải pháp để đối phó cách thức thi này, nói cách khác họ không tập trung vào giải Toán mà chỉ rèn kỹ năng để thi trắc nghiệm tốt”, Giáo sư nói và bộc bạch: “Bản thân tôi nghĩ việc thi trắc nghiệm không xấu nhưng đáng bàn ở cái cách mà phụ huynh và nhà trường đối phó với việc thi đó. Học sinh trong 3 năm THPT chỉ học để thi trắc nghiệm, làm hỏng tư duy Toán học của các em. Đó là mặt tiêu cực của tâm lý nặng nề về thi cử ở Việt Nam”.

Tuy nhiên, GS. Ngô Bảo Châu cũng cho rằng phải hết sức cân nhắc khi lên án việc học để thi. Tại sao trẻ em Việt Nam về cơ bản là học Toán tốt so với mặt bằng thế giới? Nghĩa là tâm lý học để thi cử có cả cái tốt và cái không tốt. Có thể phương pháp là phải bàn nhưng ý thức việc học Toán là quan trọng cần được trân trọng. Nhưng cái không tốt là việc thay đổi đột ngột về phương pháp thi cử ảnh hưởng rất nhiều đến việc học.

Tiếp lời người bạn cùng đồng hành phát triển Câu lạc bộ Toán Kỳ lân (Unicorn Math Club - UMC) - tìm kiếm và bồi dưỡng tài năng Toán học, GS. Phùng Hồ Hải, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, cho rằng: “Có thể vì quá trân trọng môn Toán, nên kỳ thi nào chúng ta cũng đẩy nó lên mức cao nhất, vô tình tạo gánh nặng cho môn Toán. Điều đó khiến người làm Toán như tôi thấy rằng, nó làm mất cái hay của môn Toán, thay vào đó là thiên về sự nặng nề, tra tấn. Thực sự là như thế!”.

Cũng liên quan đến tâm lý học để thi, theo GS. Phùng Hồ Hải, quan điểm hạn chế nhất của dạy học Toán ở Việt Nam không phải lỗi ở việc thi, bởi nếu 10 chọn 1 không có cách nào khác ngoài việc thi, chỉ có điều chúng ta thi cái gì, kỳ thi yêu cầu cái gì và chúng ta chuẩn bị cho kỳ thi đó như thế nào.

“Cách mà học sinh chuẩn bị cho kỳ thi, quá trình để đỗ trong kỳ thi đó làm hỏng tư duy của những người vốn giỏi, thi xong họ không còn giỏi nữa và ra nước ngoài thì không thể cạnh tranh được vì học sinh ở nước ngoài ít thi hơn, họ dành thời gian cho những cái để thông minh hơn”, GS. Phùng Hồ Hải bày tỏ lo ngại và cho rằng, cần phải có những cảnh báo để không đi vào thái quá, làm mất hết bản chất của việc dạy học Toán mà chúng ta mong muốn. Cách mà cha mẹ coi con mình như “công cụ” để giải tỏa những mong muốn của bản thân mình thì cần phải có chiến lược tuyên truyền để thay đổi quan niệm của phụ huynh.

“Thời bé tôi và GS. Ngô Bảo Châu là nhóm những người phải đi nhiều nhất nhưng so với các em bây giờ thì thực sự tôi “choáng” và “chóng mặt” với việc quanh năm các em phải tham dự các kỳ thi. Vấn đề là cha mẹ các em sốt sắng đến mức đáng ngại về việc cho con mình đi thi. Kỳ thi lẽ ra là sân chơi, để các em thể hiện khả năng, đam mê của mình nhưng còn bây giờ nhiều em đi thi là vì động cơ, định hướng thái quá của cha mẹ”, GS. Phùng Hồ Hải nêu thực trạng và bày tỏ sự tiếc nuối cho các em có năng lực lại bị ép quá khiến các em không “lớn” được nữa.

Nhìn nhận về việc dạy Toán ở Việt Nam, ông Phạm Tuấn Anh cho rằng, hàng chục năm nay, hệ thống giáo dục chuyên Toán dường như chỉ có một mục đích là phát hiện tài năng Toán để cuối cùng đưa được 6 bạn tốt nhất đi thi Olympic Toán quốc tế.

Bao nhiêu năm nay thành quả của đội tuyển Việt Nam đi thi Olympic Toán là niềm vui, niềm hạnh phúc, niềm hãnh diện của cả đất nước. Những người đi thi được giải vàng Toán quốc tế trở thành những cái tên yêu ở mọi nhà.

Tuy nhiên, mô hình này có nhiều vấn đề chính cần cải thiện. Đơn cử, chương trình chuyên Toán hiện được thiết kế theo hướng dạy làm Toán đẹp, Toán khó, Toán đi thi Olympic chứ không chú trọng dạy Toán ứng dụng vào đời sống hàng ngày, giải quyết những vấn đề dân sinh trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, việc lựa chọn học sinh vào trường chuyên cũng chưa tối ưu nên bỏ lỡ nhiều tài năng Toán.

Đặc biệt, chương trình chuyên Toán của Việt Nam nói riêng, các trường chuyên nói thêm, và giáo dục Việt Nam nói chung nhất là đối với các nhóm tài năng thì nói chung là chưa có chiến lược nào đáng kể cho đầu ra.

Lý do của việc này có hai mặt, một là trình độ của nền kinh tế cũng còn khiêm tốn, hai là quan hệ quốc tế và hiểu biết về thị trường lao động tri thức quốc tế của các thày làm chính sách giáo dục cũng còn chưa cập nhật với thế giới.

Từ thực tế đó, ông Phạm Tuấn Anh đưa ra những hình dung về chương trình Toán quốc gia có thể giáo dục Toán cho học sinh ngay từ lớp 1 và dạy Toán theo cách vui lấy niềm vui học, hứng khởi của học sinh làm mục tiêu chính. Ít ra trong 5 năm tiểu học hoặc lâu hơn nữa không lấy thành tích làm đầu.

Đồng thời, xây một mô hình kim tự tháp với đáy là rất nhiều người thích hoặc không sợ học Toán. Những học sinh có năng khiếu và say mê Toán trên trung bình sẽ tự lựa chọn đi tiếp lên các mức cao hơn của mô hình Kim tự tháp và học loại Toán cao hơn một chút. Ở đỉnh cao của mô hình sẽ là nhóm làm Toán khó- những bài toán mà loài người đã cố giải hàng trăm năm nay. Tất cả các cấp thấp hơn sẽ là Toán dân sinh, Toán kinh tế, Toán ứng dụng vào mọi mặt của đời sống.

Ở thời đại của công nghệ, ông Phạm Tuấn Anh cho rằng, tất cả học sinh giỏi Toán cũng cần giỏi tiếng Anh và có hiểu biết thế giới để sau này họ sẵn sàng ra nước ngoài học thêm, làm Toán tiếp, hoặc làm cho các công ty công nghệ hàng đầu thế giới.

"Thị trường lao động thế giới luôn “đói” những người lao động tri thức có Toán, tiếng Anh, cùng kiến thức phù hợp với đời sống hiện đại", Giám đốc Dự án Minh Việt nhấn mạnh.

Do đó, phải có những hình thức giáo dục Toán mở và linh hoạt, có lộ trình từ thấp đến cao và cả sang ngang để cho phép học sinh vào ra thoải mái, nếu không thích một hướng đi nhất định thì có thể chuyển sang một hướng đi khác, để được thử xem tài năng thiên phú của họ nếu có thì ở lĩnh vực nào.

“Toán thực sự là một thế mạnh của Việt Nam, và cuộc cách mạng mạnh mẽ đang diễn ra trên khắp toàn cầu là cơ hội không thể bỏ qua để Việt Nam bắt kịp với thế giới. Để làm được điều này, Việt Nam cần có một lực lượng lao động tri thức có những kỹ năng tương đồng với thế giới, nhất là Toán và tiếng Anh”, ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh và cho biết, đó cũng là lý do ông sáng lập Trường Toán Minh Việt (Minh Việt School of Math - MVSM)- trường Toán nâng cao bằng tiếng Anh cho học sinh phổ thông, ra mắt ngày 5/11/2022 và khai giảng năm học đầu tiên vào tháng 6/2023.

[Megastory] Toán học giúp Việt Nam bắt kịp xu thế thời đại - AI

[Megastory] Toán học giúp Việt Nam bắt kịp xu thế thời đại - AI: Chương 1 - Toán học đào tạo những nhân tài giải quyết vấn đề

[Megastory] Toán học giúp Việt Nam bắt kịp xu thế thời đại - AI: Chương 3 - Khát vọng trở thành cường quốc về toán học

Hồ Hạ / baodautu.vn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/megastory-toan-hoc-giup-viet-nam-bat-kip-xu-the-thoi-dai-ai-chuong-2-hoc-sinh-viet-nam-so-toan-nhu-so-cop-post322812.html