Toàn phúc hoa - thuốc tiêu viêm bình suyễn

Toàn phúc hoa còn có tên kim phí hoa, kim phí thảo. Toàn phúc hoa là hoa của cây thuộc chi Inula sp., họ Cúc (Asteraceae).

Theo Đông y, toàn phúc hoa vị đắng cay, tính hơi ấm; vào phế tỳ, vị, phế, đại trường. Tác dụng tiêu viêm bình suyễn, giáng khí hành thủy. Trị các chứng ứ tắc đờm dãi, hen suyễn, đau tức vùng ngực (viêm khí phế quản xuất tiết), nôn nấc (ẩu thổ ách nghịch), cổ trướng phù nề. Liều dùng và cách dùng: 5-12g mỗi ngày; bằng cách nấu hầm, sắc hãm, vắt ép nước.

Một số cách dùng toàn phúc hoa làm thuốc

Chữa vị khí hư nhược, đàm trọc ngăn trở, ngực đầy tức: toàn phúc hoa 12g, nhân sâm 10g, sinh khương 10g, đại giả thạch 6g, cam thảo 10g, bán hạ 10g, đại táo 10 quả. Sắc uống. Tác dụng bổ trung, giáng trọc trừ đàm ẩm trấn nghịch.

Chữa ho hen nhiều đờm (đàm nghịch): toàn phúc hoa 12g, bán hạ 10g, tế tân 6g. Sắc uống.

Chữa đàm ngăn trở gây khí nghịch, nôn ra đờm, bụng ngực đầy trướng: toàn phúc hoa 12g, trần bì 12g, sa sâm 12g, phục linh 12g, sinh khương 12g, bán hạ 8g, cam thảo 4g. Sắc uống.

Trị thương hàn đã giải nhưng vẫn còn triệu chứng ngực tức đầy, ợ ngược, nôn nấc: toàn phúc hoa 12g, bán hạ 8g, chích thảo 6g, đại giả thạch 12g, nhân sâm 12g, sinh khương 12g, phục linh 12g, đại táo 5 quả. Sắc uống.

Toàn phúc hoa.

Toàn phúc hoa.

Món ăn thuốc có toàn phúc hoa

Cháo toàn phúc hoa: toàn phúc hoa 10g, đan sâm 15g, uất kim (nghệ) 10g, gạo tẻ 100g. Dược liệu sắc lấy nước, bỏ bã, cho gạo đã vo sạch vào nấu cháo, cháo chín cho thêm hành củ đã thái lát hoặc giã vụn. Ăn khi đói vào sáng và chiều tối, đợt dùng 7 ngày. Món này rất tốt cho người đau dây thần kinh liên sườn (đau tức vùng ngực do ngã, chèn ép...).

Nước ép toàn phúc hoa: toàn phúc hoa 1 nắm, nghiền nát vắt ép lấy nước, uống với chút rượu. Thích hợp cho người bị bí tiểu do rối loạn vận động bài tiết (do lạnh, do thuốc men, ăn uống...).

Cá chép hầm với toàn phúc hoa: cá chép 1 con 600-700g, toàn phúc hoa 10g. Cá làm sạch, rạch bụng, cho toàn phúc hoa vào trong bụng cá, hầm nhừ, thêm gia vị ăn. Món này dùng tốt cho người bị cổ trướng (phù to) vùng bụng.

Kiêng kỵ:Người bị tiêu chảy, lỏng lỵ không dùng.

TS. Nguyễn Đức Quang

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/toan-phuc-hoa-thuoc-tieu-viem-binh-suyen-n177266.html