Toan tính bí hiểm của Trung Quốc khi tiếp tục mua vũ khí Nga

Trung Quốc đang cho thấy nhiều dấu hiệu sẽ mua tiếp hệ thống tên lửa phòng không S-400 cũng như tiêm kích Su-35 của Nga, mục đích của hành động trên là gì khi số lượng tiếp nhận đã đủ để họ tiến hành sao chép?

Phía Nga cho biết trong tháng 10/2018 họ sẽ bàn giao nốt cho Trung Quốc 5 chiếc Su-35SK trong hợp đồng ký năm 2015, đi kèm với đó là các thành phần cuối cùng của tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf.

Phía Trung Quốc sau khi tiếp nhận những vũ khí này đã ngay lập tức biên chế cho các đơn vị quân đội và triển khai trong rất nhiều hoạt động tập trận đối kháng.

Sau quá trình đánh giá tính năng, Bắc Kinh thông báo ý định có thể sẽ đặt mua tiếp một lô hàng vũ khí trên với số lượng ít nhất là ngang bằng hoặc thậm chí nhiều hơn.

Hành động này của Trung Quốc được nhận xét là khá khó hiểu, khi họ cho biết tính năng thực tế của Su-35SK và S-400 không có gì nổi trội hơn vũ khí nội địa của họ.

Lấy ví dụ, Trung Quốc đã chế tạo thành công tiêm kích J-11D, nó có động cơ kiểm soát vector lực đẩy 3 chiều như AL-41F1S nhưng lại được lắp đặt radar mảng pha quét chủ động ưu việt hơn nhiều loại N035 Irbis-E thụ động của Su-35SK.

Bên cạnh đó, Trung Quốc mới đây còn công bố hình ảnh tổ hợp tên lửa phòng không nâng cấp HQ-9C có tầm bắn tương đương S-400, ngoài ra còn cả HQ-19 và HQ-26 tầm bắn lớn hơn nhiều so với đạn 40N6.

Trước đó có nhận định cho rằng Trung Quốc mua vũ khí Nga chỉ nhằm mục đích sao chép, nhưng với hành động trên thì khả năng này có vẻ chưa chính xác vì số lượng mua về đã quá đủ để "mổ xẻ", không cần thiết phải mua thêm.

Mục đích thực sự của Trung Quốc khi mua tiếp vũ khí tối tân của Nga được cho là nhằm phục vụ hoạt động diễn tập đối kháng, mô phỏng lực lượng của đối phương.

Trung Quốc đang đi theo mô hình huấn luyện của Mỹ nhằm giúp cho các quân nhân có trải nghiệm tốt hơn trong điều kiện chiến tranh hiện đại.

Nhưng thay vì chỉ đơn giản là sơn lại màu sắc hay số hiệu của vũ khí, họ đi mua những hệ thống thật về và biên chế cho những đơn vị đóng vai trò "quân xanh".

Thông qua các cuộc tập trận, Trung Quốc sẽ có cơ sở đối chứng để hiệu chỉnh tính năng vũ khí do mình sản xuất sao cho không thua kém sản phẩm nhập ngoại.

Quan trọng hơn, các đơn vị "quân đỏ" sẽ có điều kiện đánh giá thật chính xác những đối thủ tiềm tàng có trong trang bị các loại vũ khí do Nga sản xuất.

Thông qua hoạt động tập trận đối kháng như trên, quân đội Trung Quốc còn xây dựng được giáo trình và cách đánh sao cho thật phù hợp khi gặp đối thủ biên chế vũ khí Nga nhằm tạo ưu thế trên chiến trường.

Đây là động thái cực kỳ đáng lưu ý của quân đội Trung Quốc, không chỉ với những quốc gia có nhập khẩu vũ khí Nga mà thậm chí ngay cả Moskva cũng chẳng thể bỏ qua.

Tuy rằng đang trong thời kỳ hợp tác hữu nghị nhưng đừng quên rằng giữa Trung Quốc với Liên Xô từng xảy ra chiến tranh biên giới và Bắc Kinh hiện đang tuyên bố chủ quyền với một vùng lãnh thổ rộng lớn của Nga ở khu vực Viễn Đông.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-toan-tinh-bi-hiem-cua-trung-quoc-khi-tiep-tuc-mua-vu-khi-nga/777398.antd