Toan tính của Mỹ khi liên tục điều tàu sân bay giám sát Trung Quốc

Việc triển khai tàu sân bay USS Carl Vinson tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là động thái khẳng định hiện diện thường trực của Mỹ ở khu vực, răn đe hành động của Trung Quốc.

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson được triển khai tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thế chỗ của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan. USS Carl Vinson và đội tàu hộ tống sẽ đảm nhận nhiệm vụ giám sát hoạt động của Hải quân Trung Quốc trong mùa hè này, theo South China Morning Post.

Các chuyên gia quân sự nhận định việc liên tục triển khai các nhóm tác chiến tàu sây bay tại khu vực cho thấy Mỹ muốn tăng cường hiện diện quân sự, nhắm tới cách hành xử ngày càng hung hăng của quân đội Trung Quốc tại Biển Đông và eo biển Đài Loan.

Hiện diện thường trực, răn đe Trung Quốc

Trước khi nhận nhiệm vụ tại Tây Thái Bình Dương, nhóm tác chiến của USS Carl Vinson vừa trải qua đợt nâng cấp kéo dài 17 tháng. Tàu sân bay này tiếp nhận nhiều tiêm kích F-35C Lightning II và máy bay lên thẳng đa nhiệm CMW-22B Osprey.

Tuần trước, USS Carl Vinson tiến hành cuộc tập trận với các đơn vị tác chiến khác gần quần đảo Hawaii. Theo thông báo của Hải quân Mỹ hôm 22/6, cuộc tập trận ở Hawaii là bước chuẩn bị cho nhiệm vụ tại Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Hoạt động của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson là thông điệp khẳng định hiện diện quân sự thường trực của Mỹ tại khu vực, trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh không có dấu hiệu hạ nhiệt, Viện Hải quân Mỹ viết trên website.

 Mỹ liên tục triển khai các nhóm tác chiến tàu sân bay tới Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm răn đe Trung Quốc. Ảnh: Getty.

Mỹ liên tục triển khai các nhóm tác chiến tàu sân bay tới Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm răn đe Trung Quốc. Ảnh: Getty.

Các quan chức Mỹ gần đây liên tục nhắc tới Trung Quốc như một mối đe dọa ngày càng cấp thiết đối với quân đội Mỹ.

Lui Li Shih, cựu chuyên gia huấn luyện tại Học viện Hải quân Đài Loan, cho biết việc triển khai hai nhóm tác chiến tàu sân bay tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trở thành một thực tiễn quân sự, kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump đưa Trung Quốc vào danh sách đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ.

Lập trường quân sự cứng rắn dưới thời ông Trump được chính quyền người kế nhiệm Joe Biden tiếp nối.

"Việc triển khai hai nhóm tác chiến tàu sân bay, hoặc một nhóm tàu sân bay và một nhóm viễn chinh được hỗ trợ bởi tàu tấn công đổ bộ, tại khu vực trở thành hoạt động thường xuyên của Mỹ trong hai năm qua", ông Lu nói.

Sau khi rời Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan được triển khai tới Trung Đông để hỗ trợ quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan, thay thế nhóm tác chiến tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower.

Chuyên gia Lui cho biết một điều đáng lưu ý là khả năng quân đội Mỹ di chuyển lực lượng, trang thiết bị và khí tài quân sự một thời hiện diện ở Afghanistan tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong tương lai.

Một quan chức Hải quân Mỹ giấu tên cho biết một số trang thiết bị, bao gồm xe tải quân sự và khí tài phi sát thương cỡ lớn, sẽ được quyên tặng cho các tổ chức địa phương ở Afghanistan.

Những vũ khí tối tân và phức tạp hơn, như các hệ thống tên lửa hay máy bay, sẽ được đưa tới các căn cứ không được tiết lộ của Mỹ.

Trung Quốc theo sát tàu sân bay mới của Mỹ

Zhou Chenming, chuyên gia từ Viện Khoa học Quân sự Yên Vương tại Bắc Kinh, cho biết sau khi kết thúc nhiệm vụ tại Afghanistan, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan sẽ trở về căn cứ của nó tại Yokosuka, Nhật Bản.

Dù vậy, chuyên gia này nhận định các tàu sân bay lớp Nimitz như USS Ronald Reagan hay USS Carl Vinson không phải mối đe dọa đối với quân đội Trung Quốc.

Thay vào đó, chuyên gia này cho biết chỉ tàu sân bay thế hệ mới nhất là USS Gerald Ford mới thực sự đáng lo ngại.

USS Gerald Ford là chiếc tàu sân bay đầu tiên thuộc lớp Ford, được trang bị những công nghệ tối tân, như hệ thống phóng máy bay điện từ (EMALS).

USS Gerald Ford đã hoàn tất thử nghiệm chống nổ đầu tiên hôm 18/6, một phần trong quy trình "thử nghiệm chống sốc toàn tàu" (FSST).

Tàu sân bay USS Gerald Ford tiến hành thử nghiệm chống sốc toàn tàu. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Trong thử nghiệm FSST đối với USS Gerald Ford, quân đội Mỹ kích nổ lượng thuốc nổ gần 20 tấn TNT sát tàu sân bay. Vụ nổ gây ra chấn động tương đương động đất 3,9 độ.

Mục tiêu của thử nghiệm là nhằm đánh giá tàu sân bay có thể tiếp tục thực hiện các yêu cầu của nhiệm vụ dưới điều kiện khắc nghiệt hay không, mô phỏng theo tình trạng thực tế trên chiến trường.

"Trung Quốc đã thử nghiệm FSST với tàu chiến cỡ nhỏ và cỡ vừa, nhưng chưa làm với tàu cỡ lớn như tàu sân bay Liêu Ninh hay Sơn Đông", ông Zhou cho biết.

Lúc này, giới chức và chuyên gia quân sự Trung Quốc đang theo dõi sát sao thử nghiệm với các hệ thống trên tàu sân bay USS Gerald Ford, trong đó có thử nghiệm FSST.

"Thử nghiệm FSST liên quan tới rất nhiều vấn đề kỹ thuật và tính toán kỹ lưỡng, đòi hỏi nhiều năm chuẩn bị. Tàu sân bay thế hệ mới kế tiếp của Trung Quốc với hệ thống phóng điện từ tương tự cũng sẽ cần FSST, có thể học hỏi từ kinh nghiệm của tàu sân bay lớp Ford của Mỹ", ông Zhou nói.

Lúc này, các thành viên Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ đang kêu gọi Washington đầu tư thêm cho ngân sách hải quân, để đáp ứng nhu cầu tăng cường hoạt động của tàu sân bay đối phó với các thách thức, trong đó có Trung Quốc.

"Chúng ta không có thời gian để lãng phí. Việc tái triển khai USS Ronald Reagan từ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tới Trung Đông là ví dụ mới nhất cho thấy chúng ta không có đủ tàu sân bay và đang yêu cầu Hải quân Mỹ quá nhiều với ngân sách quá ít", Thượng nghị sĩ Jim Inhofe, lãnh đạo Ủy ban Quân vụ Thượng viện, cho biết.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/toan-tinh-cua-my-khi-lien-tuc-dieu-tau-san-bay-giam-sat-trung-quoc-post1230132.html