Toan tính thực dụng của Nga khi bắt cá hai tay với cả Iran và Israel

Ông Nikolay Kozhanov, Giáo sư nghiên cứu vùng Vịnh tại Trường đại học Qatar vừa có bài phân tích về chiến lược ngoại giao thực dụng của Nga tại Trung Đông trên trang Aljazeera.

Nga đang đu dây cả Iran và Israel - Ảnh: internet

Ngày 23.1 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tới Israel dự lễ kỷ niệm 75 năm ngày Liên Xô giải phóng trại tập trung Auschwitz-Birkenau trong Thế chiến 2. Đây là chuyến đi chính thức thứ 3 của ông Putin đến Israel kể từ khi ông trở thành tổng thống năm 2001 (ông đã đến thăm 2 lần vào năm 2005 và 2012).

Ông Putin và các quan chức Nga được chào đón ở Israel với tư cách là những vị khách VIP và giới lãnh đạo Israel nói rõ rằng họ ủng hộ lập trường của Nga trong tranh cãi với một số nước Đông Âu về vai trò của Liên Xô trong việc giải phóng châu Âu khỏi ách thống trị của Đức quốc xã. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng đối với tổng thống Nga, người chú trọng chiến thắng của Liên Xô hồi Thế chiến 2 trong các bài hùng biện với người dân nước Nga.

Thủ tướng Israel Netanyahu gặp Tổng thống Nga Putin

Chỉ một tuần sau, vào ngày 30.1, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tới Moscow để gặp Tổng thống Nga. Đây là chuyến thứ 4 Thủ tướng Netanyahu tới Nga trong hơn một năm qua. Ông đã đến thăm Putin trước cuộc bầu cử ở Israel vào tháng 4 và tháng 9, với hy vọng tăng cơ hội thắng cử. Lần này, Putin cũng không làm Netanyahu phải thất vọng.

Ông Putin đã có quà khi quyết định phóng thích Naama Issahar, một công dân Israel bị bắt vì cáo buộc buôn lậu ma túy tại sân bay Moscow năm 2019. Việc giam giữ Issahar được coi là một động thái chính trị nhằm gây áp lực buộc Israel phải thả Alexey Burkov, một tin tặc người Nga phải đối mặt với việc dẫn độ sang Mỹ.

Điện Kremlin đã để cho Issahar ra khỏi tù mặc dù thực tế Burkov đã được bàn giao cho chính quyền Mỹ vào tháng 11. Phóng thích Isshar là một chiến thắng ngoại giao lớn cho Netanyahu (sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch Trung Đông). Giành được sự ve vãn của cả Mỹ và Nga vào thời điểm này, đúng là xuất sắc.

Có thể hình dung Điện Kremlin tính toán rằng tốt hơn hết là giúp Netanyahu giành được thêm nhiệm kỳ bởi dưới thời chính phủ của ông, quan hệ Nga-Israel đã phát triển mạnh mẽ - điều mà Moscow đã thúc đẩy từ những năm 1990.

Tại thời điểm này, mối quan hệ chặt chẽ với Israel, vốn là một đồng minh thân cận của Mỹ, với Liên minh châu Âu, rất quan trọng đối với Moscow vì nhiều lý do. Đầu tiên, chúng làm suy yếu các nỗ lực của phương Tây trong việc cô lập quốc tế Nga sau cuộc khủng hoảng Ukraine và đơn phương sáp nhập Crimea. Israel cũng đang đóng một vai trò cầu nối nhất định trong việc giúp Moscow đối thoại với phương Tây để bình thường hóa.

Thứ hai, Nga cần sự phối hợp chặt chẽ với Israel, nước đóng vai trò quan trọng trong việc xác định các thỏa thuận an ninh và chính trị ở Levant (đặc biệt là thông qua liên minh với Mỹ), để đảm bảo vị trí của Nga ở Syria. Sự ổn định của một chế độ được Nga hậu thuẫn ở Damascus phụ thuộc vào sự hợp tác của Israel.

Thứ ba, Nga và Israel cũng có mối quan hệ kinh tế và văn hóa mạnh mẽ, với dân số đáng kể là người gốc Do Thái ở Nga từ thời Liên Xô. Năm 2019, thương mại Nga-Israel đạt 5 tỉ USD, đưa Israel trở thành đối tác thương mại chính của Nga trong khu vực.

Đáng kể, cuộc trao đổi các chuyến thăm này diễn ra chỉ vài tuần sau khi máy bay không người lái của Mỹ ám sát tướng Iran Qassem Soleimani ở Iraq, gây ra một sự leo thang căng thẳng khác trong khu vực. Đối với Tehran vốn là đối tác chiến lược của Moscow trong khu vực, thì những chuyến thăm qua lại giữa Nga và Israel nhất định gây ra một số lo lắng.

Rốt cuộc, dư luận chứng kiến một phản ứng khá im lặng từ Điện Kremlin trước cái chết của Soleimani. Dù Moscow chính thức lên án vụ việc nhưng họ nghiêng về việc đưa ra sự hòa giải để xoa dịu căng thẳng giữa Mỹ và Iran, và dường như Nga vẫn muốn tránh xa tình hình bằng cách giữ im lặng. Điều này có thể có vẻ đáng ngạc nhiên đối với mối quan hệ chặt chẽ giữa Nga và Iran và vị trí quan trọng của Soleimani trong hệ thống phân chia quyền lực của Iran.

Tổng thống Nga Putin và tổng thống Iran Hassan Rouhani

Sự im lặng của Nga sau vụ ám sát nói trên có vẻ như Moscow cho rằng Iran đã tự mình thực hiện khiêu khích Mỹ ở Iraq và vùng Vịnh, sợ rằng vụ việc có thể dẫn đến hành động hung hăng của Iran chống lại Israel.

Vì lý do này, trong khi giới lãnh đạo Nga có thể tận hưởng mối quan hệ hợp tác với Israel và các lợi ích ngoại giao quốc tế đi kèm, Điện Kremlin vẫn cứ phải luôn phản đối quyết liệt bất kỳ hành động nào đe dọa chế độ ở Tehran.

Trong bối cảnh này, quyết định xuống thang trong danh dự của Iran sau cái chết của Soleimani bằng cách phát động các cuộc tấn công hạn chế vào các vị trí của Mỹ ở Iraq đã như một sự giải thoát cho Nga. Tuy nhiên, nguy cơ leo thang Mỹ-Iran vẫn còn cao, điều đó đồng nghĩa với việc Moscow có thể sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì hành động cân bằng giữa Tehran và Tel Aviv trong tương lai. Đu dây không phải là việc dễ, ngay cả với một nước như Nga.

Nga vừa giúp vừa đề phòng Iran

Moscow và Tehran đã hợp tác tại Syria để hỗ trợ chính phủ của Tổng thống Bashir al-Assad đánh đuổi hoặc tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các lực lượng chống chính phủ Syria. Cuộc tập trận hải quân Nga - Iran - Trung Quốc lần đầu tiên hồi tháng 12.2019 ở vịnh Oman và Bắc Ấn Độ Dương đã phản ánh sự hợp tác ngày càng tăng với Iran.

Iran là nước hưởng lợi từ việc bán vũ khí của Nga. Cuối năm 2016, Nga đã hoàn thành việc chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Iran, ký thỏa thuận trị giá 800 triệu USD giữa hai nước vào năm 2007. Tuy nhiên, tháng 5.2019, Tổng thống Putin được cho là đã từ chối yêu cầu của Iran về việc mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 tiên tiến của Nga. Tổng thống Putin từ chối vì lo lắng căng thẳng gia tăng trong khu vực vùng Vịnh, nơi một số nhà lãnh đạo Ả Rập cũng lo ngại về khả năng quân sự của Iran.

Anh Tú (dịch)

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/goc-nhin-c-121/toan-tinh-thuc-dung-cua-nga-khi-bat-ca-hai-tay-voi-ca-iran-va-israel-130980.html