Tội ác kinh hoàng tại lò thiêu người qua lời kể nhân chứng

'Sẽ không bao giờ tôi quên những khuôn mặt bé nhỏ của những đứa trẻ tôi đã nhìn thấy thịt da chúng cuộn dúm lại dưới bầu trời lặng câm', Elie Wiesel viết.

Ngày hôm nay, dù phát xít đã thất trận, nhưng những tội ác của chế độ diệt chủng in hằn nỗi đau lên quá nhiều người. Elie Wiesel (1928 - 2016), tác giả đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1986, là một trong những nạn nhân của phát xít. Năm 1944, ông và gia đình bị đưa vào trại tập trung của Đức quốc xã.

Trong trại, Elie Wiesel đã phải nhìn mẹ mình, đứa em út đáng yêu, những người thân của mình bị đưa vào lò thiêu. Elie Wiesel cũng buộc phải chứng kiến nỗi đau đớn của cha mình ngày này qua ngày khác, sự hấp hối và cả cái chết của cha.

Đêm - cuốn sách được bình chọn là hay nhất của văn chương viết về Holocaust.

Đêm - cuốn sách được bình chọn là hay nhất của văn chương viết về Holocaust.

Sau này, Elie Wiesel đã viết những cuốn hồi ký về cuộc sống của chính ông trong trại tập trung: Night, Dawn, Day, The Oath. Night (Đêm) là tác phẩm quan trọng nhất của ông, mới được dịch giả Bảo Chân chuyển ngữ tiếng Việt.

Trong lời mở đầu cho một lần phát hành, chính tác giả viết: “Nếu trong suốt cuộc đời, tôi chỉ được viết một cuốn sách duy nhất, thì có lẽ sẽ là cuốn sách này”. Tác giả cho rằng, muốn hiểu những cuốn sách sau của ông, nhất thiết phải đọc Đêm.

Cuốn sách là hồi ức của Elie Wiesel, về những điều kinh hoàng mà ông đã trải qua. Ngay trong đêm đầu tiên bị đưa tới trại tập trung, ông đã chứng kiến những bi kịch cuộc đời. “Sẽ không bao giờ tôi quên được đêm ấy, đêm đầu tiên ở trại, cái đêm dài nhất trong cuộc đời tôi cùng với bảy lần bị giam giữ. Sẽ không bao giờ tôi quên làn khói ấy. Sẽ không bao giờ tôi quên những khuôn mặt bé nhỏ của những đứa trẻ tôi đã nhìn thấy thịt da chúng cuộn dúm lại dưới bầu trời lặng câm".

"Sẽ không bao giờ tôi quên những ngọn lửa đã thiêu rụi mãi mãi đức tin của tôi. Sẽ không bao giờ tôi quên sự tĩnh lặng của cái đêm đã tước đoạt vĩnh viễn trong tôi khát vọng sống. Sẽ không bao giờ tôi quên những khoảnh khắc đã giết chết Đức Chúa trong tôi cùng linh hồn tôi, và những giấc mơ của tôi trở nên hoang vắng. Sẽ không bao giờ”, Elie Wiesel viết.

Tác giả kể lại những gì mắt thấy, tai nghe về trại tập trung, lò thiêu. Đó là một thế giới cuồng loạn, lạnh lẽo, ở đó nhân văn nghĩa là phi nhân, ở đó, những người đàn ông vận đồng phục có kỷ luật và học thức đến để giết người. Trong lúc ấy những đứa trẻ ngơ ngác và những người già kiệt sức đến nơi ấy để bị giết. Đó cũng là nơi chốn của chia lìa, “trong đêm tối bùng lên ngọn lửa, sự đứt lìa tất cả các mối liên hệ, sự tan vỡ của cả một gia đình, một cộng đồng”.

Tác giả Elie Wiesel.

Trong cuốn hồi ký này, tác giả là một chứng nhân lịch sử. Ông cho rằng, người sống sót mong muốn trở thành chứng nhân. Đó là nhiệm vụ của người sống sót, phải làm chứng cho những người đã chết, nhất là cho thế hệ tương lai biết về ký ức đau thương mà tập thể người đã trải qua.

Tập thể đau thương ở đây chính là người Do Thái. Ngày nay, nhờ vào nhiều tài liệu xác thực, có thể thấy lực lượng SS quốc xã đã cố thiết lập một xã hội không còn người Do Thái. Ở những vùng đất như Ukaraina, Cộng hòa Litva, Nga, Đội cơ động hủy diệt (Einsatzgruppen) đã thực thi những giải pháp tận cùng bằng việc dùng súng máy sát hại hơn một triệu người Do Thái.

Tất cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em đều bị sát hại rồi bị ném vào những hố chôn tập thể khổng lồ, những hố chôn do chính những người bị sát hại đào xới. Sau đó, những đơn vị đặc biệt sẽ đào các xác chết lên để đốt ngay ngoài trời. Người Do Thái đã bị giết chết đến hai lần như vậy.

Có người nói, Elie Wiesel sống sót qua sự hủy diệt là để viết nên cuốn sách này. Đêm được xem là tác phẩm hay nhất của văn chương Holocaust. Cuốn sách được ông viết ra cũng để ngăn cho lịch sử không xóa những dấu tích của tội ác.

Y Nguyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/toi-ac-kinh-hoang-tai-lo-thieu-nguoi-qua-loi-ke-nhan-chung-post944483.html