Tôi đã biến việc ly hôn thành cơ hội để 'tái cấu trúc' đời mình

Sóng gió hôn nhân dồn đến đúng vào tuổi 35, khi đó, tôi đã có hai đứa con gái, rất kháu khỉnh, dễ thương. Nhưng, với lòng tự trọng của một phụ nữ đã làm mẹ, tôi đã quyết 'tái cấu trúc' đời mình.

Tôi cưới chồng vào tuổi đời 27, không phải cái tuổi còn trẻ, để hồn nhiên và “manh động” với một cuộc hôn nhân nữa. Người đàn ông mà tôi lấy làm chồng là một cán bộ làm trong cơ quan nhà nước, lại cùng quê với tôi. Sau khi cưới, anh ấy vẫn công tác tại Hà Giang. Còn tôi, với chuyên môn là một giảng viên dạy tiếng Anh, tôi vẫn tiếp tục làm việc tại Hà Nội. Ngoài việc dạy tại một Học viện, tôi còn mở lớp dạy thêm tiếng Anh tại nhà, rồi dịch phim nước ngoài.

Chúng tôi dự định, chồng cứ công tác tại Hà Giang thêm ba năm nữa, rồi chuyển xuống Hà Nội. Ngược lại, tôi làm vợ, khi rảnh công việc tại Hà Nội, là về quê nội thăm mẹ chồng, gần gũi chồng nhiều hơn. Tôi cũng thoáng những lo lắng vì khoảng cách dễ làm loãng tình yêu của vợ chồng.

Để thuận tiện cho việc chuyển chồng xuống Hà Nội công tác lâu dài, việc đầu tiên là tôi gom góp, vay mượn thêm, mua lại một căn nhà tập thể đã cũ. An cư mới lạc nghiệp, nên tôi và chồng quyết nhanh việc mua lại căn nhà cũ ấy.

Có nhà rồi, sau cưới 2 năm, tôi có bầu đứa con đầu lòng. Công việc của chồng tại Hà Giang đang rất thuận lợi. Chồng tôi lúc ấy tính việc chuyển xuống Hà Nội muộn hơn dự định, vì đang ở trong danh sách quy hoạch cán bộ của cơ quan.

Tôi cũng bình tâm, ủng hộ chồng theo đuổi mục tiêu công việc. Khi con gái lớn được 2 tuổi, tôi lại có bầu lần hai. Chồng tôi, mỗi tháng, xuống Hà Nội 2 lần, để thăm vợ bầu, con nhỏ. Tôi cảm thấy mình đang hưởng những giọt hạnh phúc của hôn nhân, dù hai người hai nơi, mình là phụ nữ thì phải chịu nhiều vất vả thật.

Tôi sinh đứa con gái thứ hai, mẹ chồng đã thở dài: “Vậy là hai bươm bướm!”. Bà nội cũng tỏ ra không yêu thương hay chơi đùa với cháu nhiều khi tôi mang con về thăm bà.

Khi chồng tôi được lên chức phó phòng tại một Sở, tôi thấy anh ấy đã khang khác đối với mình. Anh ấy thưa xuống Hà Nội thăm vợ con hơn, có hỏi lí do thì cũng bảo bận. Thế nhưng, bạn bè tôi đã kể cho tôi nghe khi anh có tý chức, thường xuyên có nhiều đối tác mời nhậu nhẹt, chiêu đãi. Tôi âm thầm theo dõi các động thái tiếp theo của chồng. Bí mật mang con về Hà Giang, nhờ bà ngoại trông giúp, tôi lặng lẽ nhìn chồng nhiều lần say sưa tại các nhà hàng sang trọng. Sau khi nhậu say, anh ấy không về nhà ngay, mà “xả từ A đến Z”.

Tôi vẫn im lặng, để xem lại cuộc hôn nhân mỗi người một nơi của mình. Thâm tâm vẫn tìm mọi cách nhanh chóng hợp nhất gia đình tại Hà Nội, hoặc nếu cần, tôi bán nhà về Hà Giang.

Tôi khuyên chồng hãy tỉnh táo trước mọi cuộc nhậu, bởi việc công vụ dễ sai khi bị gài, rồi dẫn dắt tình huống của các “đối tác”. Chồng tôi nghe mấy lời thế, còn quát: “Cô thì biết gì mà nói”.

"Ly hôn, tôi đã một mình nuôi hai đứa con". (Ảnh: minh họa, nguồn: internet)

Rồi, chồng đổ đốn nhiều hơn với cuộc vui thâu đêm. Nói thật, đây là giai đoạn, anh ấy không có một xu nào đưa phụ giúp tôi nuôi con. Tôi biết, tình trạng này sẽ làm cuộc hôn nhân đến bờ vực phá sản!
Tôi về nhà nội, nói chuyện thẳng thắn với mẹ chồng để mẹ có lời khuyên can đứa con trai duy nhất của mình. Lạ đời, mẹ chồng lại trả lời như tát nước vào mặt tôi, như thế này: “Cô đẻ hai đứa con gái, nó phải đi kiếm thằng cu là đúng rồi!”.

Đến nước này, tôi quyết định ly hôn. Tôi thảo luận với anh ấy, mình sẽ nuôi hai con, nhà là tài sản chung nhưng anh ấy không đòi chia tài sản này. Anh ấy đồng ý, tôi ra tòa, làm mấy thủ tục. Xong, tôi dẫn hai đứa con gái về chào bà nội, để xuống Hà Nội sinh sống. Bà nội nói một câu làm tôi đau đớn: “Để xem, không có chồng, mẹ con nhà này có phải ăn cám không?”. Tôi có thể nhịn trước lời độc địa của bà, nhưng ý chí không cho phép mình “ăn mày” cuộc đời này được.

Tôi lao vào công việc như một cách giải tỏa nỗi buồn sau hôn nhân đổ vỡ. Tôi đi làm về, còn dịch phim đến 2 giờ sáng. Toàn bộ tiền kiếm được, tôi chi tiêu cho cuộc sống và việc học của hai đứa con. Còn nữa, tôi gửi tiết kiệm tại ngân hàng.

Tôi tuyệt đối không xao nhãng việc dạy con các kĩ năng, tính tự lập trong cuộc sống. Ơn trời, hai đứa con của tôi có lực học tốt, lần lượt tốt nghiệp một trường đại học tại Hà Nội. Hai đứa con, chỉ với cách giáo dục của tôi, chúng đều ngoan, rất thương mẹ, không hư hỏng. Ra trường, đứa lớn làm cho một doanh nghiệp nước ngoài. Đứa thứ hai, nay đang học thạc sĩ. Tối đến, hai đứa thay nhau dạy thêm tiếng Anh tại nhà.

Tôi kể thật, từ khi ly hôn đến nay, bố của hai đứa con gái chưa bao giờ tặng chúng một quyển sách, chứ đừng nói đến việc thêm cho chúng vài đồng để đóng học phí. Tôi cứ cần mẫn kiếm tiền, nuôi hai đứa học, không để thiếu thốn so với bạn bè.

Khi con gái thứ hai đi làm, tôi bán căn nhà cũ, đổi sang căn nhà mới, rộng hơn. Tôi bố trí 2 phòng để tiện dạy thêm tại nhà. Tôi đã nghỉ hưu tại cơ quan, giờ cứ thong dong việc dạy thêm để có tiền. Vì dạy có uy tín, nên học trò các cấp theo học thêm tại nhà, ngày một đông.

"Tôi thấy cuộc đời đang như câu hoa Nguyệt Quế" (Ảnh: Sam Nương)

Tôi không cho phép mình kém sắc. Không cưa sừng làm nghé, không “cặp kè”, tôi sống nguyên tắc như thế, từ khi ly hôn đến nay. Một phần, tôi làm nghề giáo. Một phần, tôi cần phải là tấm gương của hai đứa con gái.

Cuộc sống của ba mẹ con tôi, hiện không phải là giàu, nhưng an nhàn và vui vẻ. Điều quan trọng là khi về hưu, tôi đã có một căn hộ khang trang, hai đứa con học hành đến nơi đến chốn. Tôi đã không “ăn cám” như bà mẹ chồng dự đoán. Ngược lại, tôi thấy cuộc đời đang như cây hoa Nguyệt Quế trên sảnh thượng, do mình chăm sóc, một sáng mát lành, hoa khoe sắc trắng.

Tôi nghĩ rằng, an nhiên sống vui, sống khỏe là một cách để biến cuộc đời sau ly hôn thành những buổi sáng đẹp trời, nhiều niềm vui là tốt rồi. Tôi cũng chẳng hận chồng cũ làm gì cho mệt tâm.

Sam Nương

Nguồn Thế Giới Trẻ: http://thegioitre.vn/tam-su/toi-da-bien-viec-ly-hon-thanh-co-hoi-de-tai-cau-truc-doi-minh-56421.html