Tôi đã tiết kiệm điện như thế nào khi làm việc ở nhà mùa dịch

Khi làm việc ở nhà, tiền điện có thể tăng cao nếu như bạn không biết cách sử dụng các thiết bị hợp lý.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, công ty đã cho tôi làm việc ở nhà vào đầu tháng 4. Là một người dành nhiều thời gian cho công việc và chủ yếu ở văn phòng nên tôi chỉ thường về nhà vào buổi tối để ngủ. Vì thế, mỗi tháng tôi đóng dưới một triệu đồng tiền điện

Tuy nhiên, khi làm việc ở nhà, dĩ nhiên tôi sử dụng nhiều thiết bị hơn. Để hạn chế việc hóa đơn tiền điện “tăng chóng mặt” vào cuối tháng, tôi đã làm những cách sau.

Hẹn giờ bật, tắt máy lạnh

Tôi đang dùng máy lạnh của Hitachi, loại thường nên đã mua thêm bộ điều khiển hồng ngoại Tuya S06 để có thể điều khiển, hẹn giờ bật, tắt máy lạnh bằng smartphone. Ngoài ra, tôi có thể điều khiển thiết bị bằng giọng nói qua chiếc loa Google Home Mini.

Trong khoảng thời gian này, nhiệt độ TP.HCM dao động từ 26-30 độ. Buổi sáng trời mát nên tôi chỉ bật quạt gió, mở cửa cho thoáng. Đến khoảng 12h trưa, nhiệt độ lên cao, máy lạnh sẽ tự động bật, ở mức 25 độ đến 18h thì tắt.

 Hẹn giờ bật, tắt máy lạnh hợp lý có thể giúp tiết kiệm điện.

Hẹn giờ bật, tắt máy lạnh hợp lý có thể giúp tiết kiệm điện.

Sau khoảng thời gian này, tôi thường mở cửa nhà cho thông thoáng và bật quạt. Đến khoảng 21h, máy lạnh sẽ tiếp tục được bật và tự động tắt vào lúc 4h sáng. Để tiết kiệm điện tôi điều chỉnh máy lạnh ở nhiệt độ vừa phải, khoảng 25-27 độ vào ban đêm. Nhờ đó máy lạnh hoạt động ít hơn và giảm tiêu thụ điện năng.

Bên cạnh đó, tôi thường đóng kín cửa phòng, để chắc chắn rằng hơi lạnh không bị thất thoát quá nhiều. Điều này cũng giúp tăng tuổi thọ cho máy và tiết kiệm chi phí tiền điện hàng tháng.

Nếu bạn muốn đi ra ngoài nhưng không quá lâu thì đừng nên tắt máy lạnh. Máy sẽ tiêu tốn một lượng điện đáng kể để khởi động cũng như tạo độ lạnh phòng lại từ đầu.

Chế độ tiết kiệm pin trên máy tính, TV

Đa số máy tính, TV đời mới đều có chế độ tiết kiệm điện. Khi bật chế độ này, các thiết bị sẽ giảm độ sáng màn hình, hiệu suất xuống mức khá hoặc thấp theo tùy chỉnh. Công việc của tôi chủ yếu dùng những ứng dụng văn phòng, mạng xã hội nên máy tính vẫn có thể đáp ứng tốt khi bật chế độ tiết kiệm điện.

Đa số máy tính hiện đại đều có tính năng tiết kiệm pin.

Đối với TV đời mới, bạn hãy thử tìm chế độ tắt màn hình vẫn nghe được âm thanh, bạn vẫn có thể nghe nhạc trên YouTube và đi làm việc nhà trong khi màn hình tắt để tiết kiệm điện.

Các thiết bị kết nối bên ngoài máy tính như máy in, webcam, loa… cũng cần điện năng để hoạt động. Lượng điện năng mà các thiết bị này tiêu thụ cũng rất đáng kể. Một máy in trung bình tiêu thụ khoảng 5-8 W ở chế độ chờ và khoảng 30 W khi hoạt động. Vì thế, nếu không có nhu cầu sử dụng các thiết bị này, tôi thường ngắt nguồn và tắt đi để tránh hao hụt điện năng.

Những lúc rời bạn làm việc, bạn có thể tắt đi màn hình máy tính hoặc chọn chế độ sleep để khi quay lại làm việc, máy vẫn còn lưu các cửa sổ làm việc.

Những điều lưu ý khác

Từ khi làm việc ở nhà, tôi đã dùng đến đèn LED thay cho đèn huỳnh quang. Theo Victorian Energy Saver, đèn LED có khả năng tiết kiệm điện 80% so với đèn huỳnh quang. Bóng đèn LED cũng cho hiệu quả chiếu sáng tốt trong khi mức tiêu thụ năng lượng ít và tuổi thọ dài hơn.

Đèn LED tiết kiệm điện gấp nhiều lần đèn huỳnh quang.

Tủ lạnh là thiết bị liên tục hoạt động. Nó cũng là một trong những đồ gia dụng tiêu tốn nhiều điện năng nhất. Để làm mát hiệu quả, tôi để nhiệt độ ngăn lạnh khoảng 4-5 độ và nhiệt độ ngăn đá là -15 độ đến -18 độ.

Đồng thời, người dùng cần kiểm tra kỹ tủ lạnh, đảm bảo không bị khe hở hoặc vết nứt làm không khí lạnh thoát ra ngoài.

Lê Trọng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/toi-da-tiet-kiem-dien-nhu-the-nao-khi-lam-viec-o-nha-mua-dich-post1073265.html