Tôi đã trở thành bác sĩ như thế nào?

Khi trở thành bác sĩ, bạn chỉ có hai lựa chọn, đó là bơi hay chìm. Bạn phải học cách bơi, vì nếu không, sẽ kéo theo nhiều người chết chìm với mình.

Ở tuổi mười sáu, khi được hỏi tại sao muốn theo đuổi nghề y, những lý do mà bạn thường đưa ra đại loại như sau: "Vì mẹ/bố tớ là bác sĩ", "Vì tôi khá thích Holby City" hoặc "Vì tôi muốn xóa sổ ung thư".

Lý do thứ nhất và thứ hai nghe thật lố bịch. Còn cái thứ ba sẽ là một lý do hoàn hảo, nếu bạn trả lời với thái độ sốt sắng một chút và người nghe bỏ qua thực tế rằng xóa sổ ung thư là việc của các nhà nghiên cứu khoa học chứ không phải của các bác sĩ.

Về phần mình, tôi chẳng nhớ việc quyết định theo nghề y là do tôi chủ động, hay nó cũng chỉ như những thứ được thiết lập mặc định trong cuộc sống của tôi.

Tôi lớn lên trong một gia đình Do Thái (thích tiệc tùng dịp lễ lạt hơn là thờ cúng); đi học ở một ngôi trường mà thực chất giống như một cái nhà máy xúc xích được dựng lên để đều đặn cho xuất xưởng các bác sĩ, luật sư hoặc thành viên nội các; và bố tôi là một bác sĩ.

 Tác giả Adam Kay từng có 6 năm học ngành Y trước khi trở thành bác sĩ làm việc dưới hệ thống Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh. Ảnh: Tim Andersen.

Tác giả Adam Kay từng có 6 năm học ngành Y trước khi trở thành bác sĩ làm việc dưới hệ thống Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh. Ảnh: Tim Andersen.

Vì các trường đại học y khoa thường có số lượng đăng ký đầu vào vượt gấp mười lần chỉ tiêu, nên họ phải tổ chức phỏng vấn tất cả thí sinh, chỉ những thí sinh nào xuất sắc vượt qua cuộc phỏng vấn mới được trao cho một chỗ ngồi trong giảng đường đại học.

Với giả định là các thí sinh đều đang "phá đảo" A-Level theo đúng lộ trình, quyết định của các trường y căn cứ những tiêu chí phi-học-thuật.

Điều này tất nhiên nghe rất hợp lý, phải có tâm lý đủ mạnh mới hành nghề bác sĩ được - để đưa ra quyết định dưới một áp lực khủng khiếp, để thông báo tin dữ cho người nhà đang đau khổ của bệnh nhân, để hàng ngày đối mặt với cái chết.

Các bác sĩ tương lai phải sở hữu cái gì đó thuộc về bản tính, không cần ghi nhớ, không phải đắn đo: "Lương y" là người có trái tim lớn và động mạch chủ giãn nở, để sự tử tế và lòng nhân ái bao la được bơm tỏa đi khắp nơi.

Như bạn có thể tưởng tượng được, việc nhét vào đầu kiến thức về giải phẫu học và sinh lý học cơ thể người, cộng với mọi vấn đề trục trặc có thể xảy ra ở từng bộ phận và chức năng, là nhiệm vụ cực khủng.

Nhưng cảm giác phấn khích khi nghĩ đến một ngày nào đó mình sẽ trở thành bác sĩ - một bước ngoặt lớn trong cuộc đời, như việc bạn có thể tự đổi tên cho giống siêu anh hùng hay một tay tội phạm quốc tế - đã thúc đẩy tôi tiến lên, vượt qua sáu năm trời ròng rã hòng đạt được mục tiêu.

Và ngày đó cũng tới, tôi chính thức trở thành bác sĩ trẻ. Cuối cùng cũng đến lúc tôi giã từ giảng đường đại học cùng cái đầu ngồn ngộn kiến thức, sẵn sàng áp dụng lý thuyết vào thực tiễn. Tôi giống một chiếc lò xo không thể nén chặt hơn được nữa.

Vì vậy, tôi cảm thấy như bị quật cho một cú thật mạnh khi nhận ra rằng mình đã bỏ ra một phần tư cuộc đời mài đũng quần ở trường y mà họ chẳng mảy may chuẩn bị cho tôi về sự tồn tại của Jekyll và Hyde trong lốt một bác sĩ nội trú.

Những công việc hàng ngày ở bệnh viện không có gì quá khó khăn, chỉ là chúng chán đến mụ mị đầu óc và mất thời gian muốn phát rồ. Mỗi sáng, việc đầu tiên sau khi bạn chường mặt đến bệnh viện là "đi buồng", tháp tùng nhóm bác sĩ trực thong thả rảo qua từng bệnh nhân mà họ đang theo dõi điều trị.

Bạn lẽo đẽo bám theo sau như một chú vịt con bị thôi miên, đầu nghểnh sang một bên ra vẻ lắng nghe, tay hí hoáy ghi lại mọi chỉ thị từ các bậc đàn anh đàn chị - đặt lịch MRI (chụp cộng hưởng từ), hỏi ý kiến khoa Thấp khớp, xếp giờ ECG (đo điện tim)).

Sau đó, bạn dành thời gian còn lại của một ngày làm việc (thường thì bạn sẽ phải làm thêm 4 giờ nhưng không được trả lương) để hoàn thành hàng chục, đôi khi lên tới hàng trăm công việc - không điền các biểu mẫu thì cũng gọi điện thoại tới chỗ này chỗ kia.

Cuốn sách Chạy trời không khỏi đau ghi lại những khoảnh khắc vui buồn của Adam Kay trong khoảng thời gian làm bác sĩ. Ảnh: Wings Books.

Vào ban đêm, bác sĩ nội trú được phát một chiếc máy nhắn tin nhỏ nhắn mà mọi người gọi yêu là chiếc "bíp bíp", cùng trách nhiệm coi sóc từng bệnh nhân lưu trú trong bệnh viện.

Ngặt nỗi số lượng bệnh nhân đông như một trò đùa. Các bác sĩ nội trú cao cấp và bác sĩ thực tập chuyên khoa trực đêm sẽ xuống A&E (Khoa cấp cứu và tai nạn) để thăm khám và tiếp nhận bệnh nhân, trong khi bạn một mình chèo chống con tàu mang tên: khu điều trị nội trú.

Một con tàu khổng lồ và mọi thứ nháo nhào cả lên như đang có cháy, nhưng thực tế là không một ai dạy bạn cách lèo lái nó. Khi còn trong trường y, bạn đã được dạy cách kiểm tra tim mạch, bạn thuộc làu chức năng sinh lý của động mạch vành; nhưng ngay cả khi bạn nhận biết được mọi dấu hiệu và triệu chứng của một ca đau tim, lần đầu tiên đối mặt với nó trong thực tế vẫn thật sự rất khác biệt.

Chiếc "bíp bíp" của bạn kêu bíp bíp liên tục, bạn chạy vào hết phòng bệnh này tới phòng bệnh khác, hết điều dưỡng này gọi tới điều dưỡng khác gọi, hết ca khẩn cấp này tới ca khẩn cấp khác - cứ thế suốt đêm, không hề ngơi nghỉ.

Các đồng nghiệp đàn anh đàn chị đang ở A&E tập trung xử lý các trường hợp khẩn cấp cụ thể, thí dụ như viêm phổi hoặc gãy chân. Các bệnh nhân của bạn cũng có mức độ khẩn cấp tương tự, nhưng họ là bệnh nhân nội trú tại bệnh viện, nghĩa là sức khỏe của họ đã có những trục trặc gì đó từ trước rồi.

Triệu chứng này chồng tình trạng kia chồng căn bệnh nọ, hầm bà lằng như chiếc burger "tự chọn nhân theo ý bạn": Một bệnh nhân bị viêm phổi sau khi phải nhập viện vì suy gan, một bệnh nhân khác gãy chân do ngã khỏi giường sau một cơn động kinh. Bạn tả xung hữu đột, như thể một mình "bao thầu" cả khoa A&E nhưng lại không được chỉ dẫn phải làm thế nào cho đúng.

Bạn chỉ có hai lựa chọn: Một là bơi, hai là chìm. Và bạn phải học cách bơi, vì nếu không, bạn sẽ kéo cả núi bệnh nhân chết chìm cùng với mình. Éo le thay, tôi lại thật sự tìm thấy niềm vui trong hoàn cảnh ấy.

Đành rằng nghề bác sĩ cực như trâu, đành rằng tới giờ võng mạc của tôi vẫn còn đầy sẹo vì phải nhìn những thứ không nên nhìn, nhưng lúc ấy tôi đã là một người thầy thuốc.

Adam Kay / Wings Books và NXB Kim Đồng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/toi-da-tro-thanh-bac-si-nhu-the-nao-post1186212.html