Tôi đã viết trường ca 'Lê Lợi mài gươm' bằng niềm tự hào dân tộc

Trường ca 'Lê Lợi mài gươm' của tôi được Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam phát hành quý II-2020. Chỉ hơn một tháng sau khi phát hành, tôi nhận được rất nhiều điện thoại của các nhà văn, các nhà phê bình lý luận văn học, các nhà nghiên cứu khoa học lịch sử và bạn đọc khắp miền đất nước.

Nhà thơ, nhà báo Mai Nam Thắng, phụ trách Báo Quân đội Nhân dân cuối tuần viết: “Mình đã đọc một mạch hết 114 trang của tập trường ca LÊ LỢI MÀI GƯƠM, đọc cả danh sách tác phẩm đã xuất bản và gần 50 giải thưởng các loại của tác giả in kín đặc 2 trang bìa và mép gấp nữa. Xong, thầm nghĩ ông này HAY và KHÔN. HAY là bởi tác giả không bắt người đọc “đi tàu suốt” từ đầu chí cuối tác phẩm, mà cứ nhẩn nha khi thì ngồi ô tô vi vu vun vút. Khi đi ngựa lộc cộc gõ móng. Khi gò lưng đạp xe. Lại khi nhảy lên tàu hỏa rầm rập rầm rập... Ý văn học là tập trường ca rất linh hoạt thể loại giọng điệu. Khi tung tẩy thơ tự do phóng khoáng, khi đồng dao 4 chữ dân gian, khi lục bát mượt mà uốn lượn, khi thơ văn xuôi khúc chiết từng câu... Đọc trường ca phải như thế mới thú!”. Nhà văn Trần Hiệp: “Mình đọc đi đọc lại. Đánh dấu những chỗ tâm đắc. Đánh dấu đỏ, gạch dưới các câu thơ. Chỗ nào cũng muốn đánh dấu. Chỗ nào cũng muốn gạch dưới. Hay quá. Đọc trường ca mà như đọc một cuốn tiểu thuyết sử thi. Mình viết ngay sáu trang cảm xúc”. Nhà văn Hoàng Hùng, Chủ tịch Hội Nghiên cứu Khoa học Lịch sử Thọ Xuân - Yên Định cũng không giấu được cảm xúc. Ông chia sẻ: “Đọc một mạch. Đọc liên tục. Không thể dứt được. Đọc trường ca mà có cảm giác hay hơn đọc một tiểu thuyết lịch sử. Có nhân vật, có tâm lý nhân vật. Nhân vật nào cũng sắc sảo. Hình tượng Lê Lợi lồng lộng, đẹp đẽ, uy phong, có tầm cỡ. Đọc quá thích”. Nhà văn Ngô Xuân Tiếu phát biểu: “Xứng đáng tầm cỡ một trường ca. Quá nhiều kiến thức. Quá nhiều tư liệu. Cách kết cấu trường ca gọn gàng, chặt chẽ. Chuẩn mực về thể loại. Chuẩn mực về câu chữ. Chuẩn mực về văn phong. Quá tuyệt!”. Nhà phê bình lý luận văn học, Lê Xuân Soan khẳng định, “Lê Lợi mài gươm” thật sự thuyết phục. Một trường ca mang âm hưởng anh hùng ca hào hùng. Từ chương một đến chương năm, chương nào cũng cuốn hút”. Tiến sĩ, nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình lý luận văn học Nguyễn Thanh Tâm, cán bộ biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội viết: “Lê Lợi mài gươm” là bản hùng ca về non sông đất Việt. “Lê Lợi mài gươm” khởi phát từ ngọn nguồn thiêng liêng, hào hùng của dân tộc, đánh thức những suy tư, cảm xúc ở hiện tại nối kết vừa lịch sử. Giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật mà “Lê Lợi mài gươm” mang đến sẽ là yếu tố quan trọng và thuyết phục đưa tác phẩm này vào danh sách những trường ca chất lượng không chỉ của năm 2020”...

Trường ca “Lê Lợi mài gươm” được manh nha từ rất lâu. Từ những năm 2000, tôi mới viết được một vài phần của một vài chương. Năm 2005, Tạp chí Xứ Thanh in một trích đoạn chương “Lê Lợi mài gươm”. Dư luận ngày đó đánh giá rất tốt. Nhưng trường ca vẫn dang dở. Năm 2011, khi đi dự trại sáng tác do Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tổ chức tại Quảng Ngãi, tôi đưa nhà văn Nguyễn Thế Tường, quê Quảng Bình, đọc mấy chương. Nhà văn Nguyễn Thế Tường thốt lên: “Quá hay! Ông viết trường ca này quá hay. Đặt ngay tên trường ca là “Lê Lợi mài gươm” đi. Mấy năm tiếp, tôi bận ra các đầu sách khác nên ý tưởng này bị bẵng đi một thời gian. Đến năm 2017, khi Đại hội Hội Khoa học Lịch sử Thọ Xuân - Yên Định tổ chức, nhà văn Hoàng Hùng, người trước đó đã đọc một số chương “Lê Lợi mài gươm” cứ oang oang trước đại hội: “Nguyễn Minh Khiêm có trường ca viết về Lê Lợi hay lắm. Tôi đọc tuyệt lắm. Sao chưa thấy xuất bản?” Và ông giục tôi xuất bản. Tháng 8 năm 2018, ông Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa điện về hỏi thăm, động viên tôi sáng tác.

Sự quan tâm, chia sẻ của bạn bè, anh em đồng nghiệp, của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tác động mạnh đến tâm lý sáng tác của tôi, tiếp cho tôi một năng lượng, một cảm hứng, một sự phấn chấn, một niềm tin, một nội lực để hoàn thành trường ca “Lê Lợi mài gươm”. Một điều quan trọng nữa là, trong thời gian gần đây, Trung Quốc tìm mọi cách gây áp lực, thể hiện tham vọng xâm lấn, tranh chấp chủ quyền ở biên giới, ở biển đảo của đất nước ta. Niềm tự hào dân tộc, ý thức tự tôn dân tộc, tiếng gọi bảo vệ độc lập dân tộc trỗi dậy mãnh liệt trong tôi. Niềm cảm hứng bừng lên, tôi viết trường ca “Lê Lợi mài gươm”. Phông kiến thức về lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán, ý chí bảo vệ non sông đất nước, niềm kiêu hãnh ông cha đánh giặc, sức mạnh đoàn kết, truyền thống anh hùng bất khuất, bách chiến bách thắng, giữ vững giang sơn gấm vóc, xây dựng Tổ quốc giàu đẹp, vững mạnh, hạnh phúc... tất cả trong dòng chảy thăng hoa của cảm xúc ùa lên mặt chữ. Trường ca “Lê Lợi mài gươm” đã ra đời như thế.

Trường ca “Lê Lợi mài gươm” là tinh thần xứ Thanh, niềm tự hào xứ Thanh chống giặc ngoại xâm, là tinh thần tự lập tự cường của dân tộc Việt Nam chống giặc ngoại xâm.

Nguyễn Minh Khiêm

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/toi-da-viet-truong-ca-le-loi-mai-guom-bang-niem-tu-hao-dan-toc-78423