'Tôi đánh giá cao tinh thần và trình độ của nhân viên cứu hộ mỏ ở Việt Nam'

Trong những năm qua, Tập đoàn Năng lượng và Khoáng sản Nhật Bản (JOGMEC) đã cử chuyên gia sang hỗ trợ kỹ thuật an toàn, đào tạo lý thuyết và hướng dẫn kỹ thuật cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Ông Matsukane Takao là Đội trưởng Đội cứu hộ của Công ty Than Kushino Nhật Bản, được JOGMEC ủy thác làm Trưởng đoàn chuyên gia giám sát.

Phóng viên Báo Quảng Ninh Cuối tuần đã có cuộc phỏng vấn với ông về công tác đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ ở các mỏ than hiện nay.

Ông Matsukane Takao.

- Thưa ông, ông đến Quảng Ninh, Việt Nam công tác từ khi nào?

+ Tôi đến Quảng Ninh Việt Nam lần đầu tiên năm 2010. Thời điểm đó, chúng tôi sang Việt Nam theo từng đợt để hỗ trợ kỹ thuật, ứng cứu sự cố cho các mỏ, cho Trung tâm Cấp cứu mỏ của Vinacomin. Đến năm 2017, chúng tôi không luân phiên sang theo từng đợt nữa mà ở hẳn tại Việt Nam cho đến bây giờ. Chúng tôi sẽ ở Việt Nam lâu dài theo chương trình hợp tác với Vinacomin.

- Công việc cụ thể của ông ở đây như thế nào, thưa ông?

+ Ở Nhật Bản, tôi là Đội trưởng Đội cứu hộ. Chúng tôi được phân công sang Việt Nam để hỗ trợ việc cơ giới hóa khai thác trong các mỏ, hỗ trợ ứng cứu sự cố và chuyên môn cho Trung tâm Cấp cứu mỏ.

JOGMEC là tập đoàn dầu khí, khí ga và khoáng sản kim loại hàng đầu của Nhật Bản. Trong những năm qua, Vinacomin đã hợp tác một số chương trình kỹ thuật với JOGMEC và đều mang lại những hiệu quả thiết thực. Vinacomin và chúng tôi cũng đã ký kết hợp tác đào tạo thuộc dự án nâng cao năng lực sản xuất than và kỹ thuật đảm bảo an toàn. Công ty CP Than Kushiro là công ty con, đơn vị trực tiếp thực hiện các chương trình tại Vinacomin. JOGMEC còn giúp đỡ Vinacomin trong việc duy trì dự án đào tạo cả ở Nhật Bản và các mỏ than Việt Nam cũng như nghiên cứu hợp tác tại các dự án cải tạo và phục hồi môi trường mỏ, hoàn nguyên môi trường sau khai thác, xử lý đất đá, nước thải, chuyển giao kỹ thuật khai thác than, v.v..

Chuyên gia Matsukane Takao (thứ hai, phải sang) trò chuyện với cán bộ Trung tâm Cấp cứu mỏ Vinacomin.

- Thưa ông, công nghệ khai thác là yếu tố liên quan trực tiếp đến công tác an toàn. Ông có nghĩ vậy không?

+ Đúng vậy. Ở Nhật Bản, chúng tôi quan tâm đến vấn đề này hơn 40 năm rồi. Công nghệ khai thác than đã ngày càng được cơ giới hóa, hiện đại hóa, tự động hóa với trình độ ngày càng cao thì độ an toàn cũng được nâng lên tốt hơn. Ví dụ như việc đến bây giờ khi các bạn đã đưa giàn chống tự hành loại lớn vào sử dụng thì vấn đề an toàn trong khai thác tại các mỏ than cũng được đảm bảo hơn.

- Vấn đề này ở Việt Nam so với Nhật Bản thì sao, thưa ông?

+ So sánh vấn đề này rất khó bởi chúng tôi đã đi trước các bạn được 40 năm rồi. Xin chỉ nói về lực lượng của các bạn ở đây. Trung tâm Cấp cứu mỏ của Vinacomin đã tham gia các đoàn kiểm tra của Tập đoàn, phối hợp với các đơn vị kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động, công tác phòng cháy chữa cháy, phòng chống mưa bão tại các đơn vị của Vinacomin. Qua đó, cán bộ an toàn đã phát hiện những sơ hở, thiếu sót, các lỗi vi phạm và các nguy cơ mất an toàn…, từ đó kiến nghị để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, hiệu quả.

Trung tâm Cấp cứu mỏ Vinacomin đã trở thành đơn vị cấp cứu mỏ chuyên nghiệp với trên 200 cán bộ, đội viên, đặt 3 trạm cấp cứu mỏ tại 3 vùng: Hạ Long, Cẩm Phả và Uông Bí - Đông Triều. Nhằm chuẩn bị đầy đủ về thiết bị và nhân sự, sẵn sàng tham gia giải quyết hiệu quả trước mọi tình huống, 3 trạm thuộc Trung tâm luôn tập trung đào tạo huấn luyện chiến sĩ theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, đầu tư nhiều thiết bị chuyên dùng hiện đại như: Máy thở, máy cứu sinh, máy đo khí, máy liên lạc, máy đo gió, mặt nạ phòng độc, các loại xe ô tô chuyên dụng, xe cứu hộ đa năng, xe công trình, các tổ hợp Nitrogen JXZD200 để dập những đám cháy lớn và các loại máy tập, rèn luyện thể lực cho chiến sĩ, v.v..

Tuy nhiên, do phải khai thác ngày càng xuống sâu hơn, điều kiện khai thác hầm lò ngày càng khó khăn, phức tạp nên các mỏ hầm lò luôn tiềm ẩn nguy cơ sự cố, tai nạn. Vì vậy, tôi thấy quan trọng nhất ở Việt Nam là những quy định về an toàn phải được tuân thủ tuyệt đối. Thêm nữa, rất cần sự thay đổi ý thức của công nhân mỏ. Khi có ý thức cao về an toàn thì họ sẽ hành động đúng, không để tai nạn xảy ra cho mình và đồng nghiệp.

Chuyên gia Matsukane Takao (ngoài cùng, bên phải) và nhóm chuyên gia Nhật Bản hội ý về chuyên môn.

- Thưa ông, trong thời gian làm việc ở Việt Nam, ông có nhận xét gì về lực lượng cấp cứu mỏ mà mình đang cộng tác?

+ Tôi được làm việc cùng các bạn, được xem các bạn diễn tập hội thao, xem các điều lệnh đội ngũ, cứu nạn cứu hộ, thủ tiêu sự cố trong hầm lò, sơ cứu nạn nhân ban đầu, lập và chỉ huy cứu nạn trên sơ đồ... Qua đó, tôi nhận thấy ý thức của công nhân thật tuyệt vời. Các bạn ấy tuân thủ nguyên tắc một cách chuẩn chỉ. Thực tế, các bạn đã thực hiện tốt công tác huấn luyện, nâng cao thể lực, kỹ năng cho cán bộ và đội viên, sẵn sàng ứng cứu giải quyết sự cố, tìm kiếm cứu nạn, kiểm tra, phòng ngừa nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn lao động và sự cố có thể xảy ra trong sản xuất, sẵn sàng cứu hộ cứu nạn cả trong hầm lò, các khu vực khai thác lộ thiên, các đập chắn bãi thải, v.v.. Vinacomin luôn cùng với các đơn vị sản xuất thành viên thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động.

Tôi còn nhớ vào năm 2014, Vinacomin điều động hàng chục thợ lò tinh nhuệ, có kinh nghiệm xử lý các sự cố trong hầm mỏ thuộc Trung tâm Cấp cứu mỏ từ Quảng Ninh và 13 chuyên gia, kỹ sư giàu kinh nghiệm trong cấp cứu mỏ từ Hà Nội vào Lâm Đồng để tiếp ứng cứu nạn sập hầm thủy điện Đạ Dâng, góp phần giải cứu thành công 12 công nhân bị mắc kẹt.

Thêm nữa, chúng tôi có hiểu biết và kỹ năng gì đều truyền đạt hết cho các bạn. Các bạn không những tiếp thu nhanh mà còn biết cải biến để phù hợp với điều kiện, tình hình sản xuất ở các mỏ của các bạn. Bởi vậy, có thể nói rằng, chính chúng tôi sau một thời gian ở đây đã phải quay trở lại học tập các bạn. Tôi đánh giá cao tinh thần, trình độ của nhân viên cứu hộ mỏ ở Việt Nam.

Tuy nhiên, theo tôi, để có thể ứng phó xử lý sự cố tốt hơn cần thường xuyên tổ chức các hội thao, diễn tập để chất lượng chuyên môn của nhân viên cứu hộ từng bước tăng lên. Điều quan trọng nhất là nhân viên cứu hộ phải nắm được và thường xuyên báo cáo áp suất bình oxy, báo cáo khí mỏ, thường xuyên tổ chức đi mỏ lấy và phân tích mẫu khí mỏ phục vụ công tác thông gió, phòng cháy nội sinh mỏ, đảm bảo an toàn trong sản xuất hầm lò.

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Phạm Học (Thực hiện)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201812/toi-danh-gia-cao-tinh-than-va-trinh-do-cua-nhan-vien-cuu-ho-mo-o-viet-nam-2410781/