Tôi đi cướp vợ

Tục kéo vợ là phong tục tích cực chống lại việc thách cưới cao. Người con gái cũng chủ động tham gia kéo vợ. Ngày nay tục này vẫn còn, phụ nữ cũng tự hào được 'cướp' vì họ đẹp, chăm làm mới có người cướp.

Xế chiều, phiên chợ huyện Bắc Hà đã tan. Từng tốp người ngựa đi về. Cảnh hay nhất là cảnh người vợ dắt ngựa, người chồng lắc lư trên mình ngựa. Say quá, ngựa vừa đi, anh chồng vừa gục trên mình ngựa. Bỗng như sực tỉnh, anh ngồi vùng dậy. Ở gốc cây trước dinh nhà ông Hoàng A Tưởng, anh chồng nằm ngay dưới bãi cỏ, chị vợ giương ô nhẫn lại che nắng cho chồng.

Mới ra trường đi công tác vùng cao, tôi mải mê quan sát và chụp ảnh. Bỗng có những tiếng quát to bằng ngôn ngữ Hmong. Ba người rượt đuổi theo cô gái. Người kéo tay, người đẩy lưng cô gái chạy về phía bản Phố. Người dân đứng bên đường xem, có người nói to: ”Cướp vợ “. Nghe thế tôi ngỡ như cảnh con thống lý tổ chức cướp Mỷ trong truyện của nhà văn Tô Hoài. Tôi vội đuổi theo định can thiệp. Tôi gỡ tay người đà ông ra, hô to với cô gái: “Chạy đi “. Cô gái không chạy, má đỏ bừng, miệng cười tươi, không có vẻ gì là nạn nhân bị cướp. Cô gỡ tay tôi ra, đi theo 3 người đàn ông. Xa xa, một tốp đàn ông Hmong đang chạy đến. Tốp kéo vợ cùng cô gái chạy nhanh về thôn. Bỗng cô gái trượt chân đau đớn không đi nhanh được. Một người đàn ông nhờ tôi cùng kéo cô gái đi và giải thích cái lý của người Hmong về kéo vợ. Anh còn nhắc đây là kéo vợ chứ không phải cướp vợ. Thì ra cô gái và chàng trai này yêu nhau nhưng nhà gái thách cưới cao quá: 1 con trâu, 200 lít rượu,10 sinh ngô ( khoảng 250 kg), 3 con lợn to. Chàng trai nhà nghèo không thể chuẩn bị được lễ vật bèn tổ chức “cướp vợ “. Thế là tôi cũng tham gia.

Đi được một đoạn đường ngắn, một ông vội đưa tôi chiếc áo Hmong khoác lên người. Một ông khác nói: “Không phải rồi“, lại kéo tôi ra. Bên kia, đoàn anh trai cô gái cũng chạy nhanh. Ông người Hmong lại nhờ tôi cầm tay dìu cô gái. Và ông ta cũng nhập đoàn kéo nhanh cô gái đi. Sau tôi mới biết người đi kéo vợ phải là số lẻ từ 3, hoặc 5 người. Lúc đầu tôi tham gia lại thành 4 người thì 1 ông chân tập tễnh cũng phải tham gia cho đủ 5 người. Cô gái dù đau chân đi cà nhắc vẫn nhắc: ”Anh trai khỏe lắm, sắp đến rồi”. Cô gần như quên đau, không cần chúng tôi dìu, chạy nhanh về làng. Đến cửa nhà, ông chủ nhà cầm con gà trống đỏ ra quay trên đầu cô gái ba vòng. Như vậy ma cửa đã công nhận cô gái là thành viên của gia đình. Cô trở thành con dâu. Đoàn anh trai cô dâu đuổi đến nơi định cướp lại em gái nhưng thấy lễ nhập ma xong lại bỏ về

Tục kéo vợ là phong tục tích cực chống lại việc thách cưới cao. Người con gái cũng chủ động tham gia kéo vợ. Ngày nay tục này vẫn còn, phụ nữ cũng tự hào được “cướp“ vì họ đẹp, chăm làm mới có người cướp. Đôi nam nữ đều yêu nhau mới cướp, tuy nhiên gần đây ở một số nơi họ cũng lợi dụng để “cướp” chứ không còn “ kéo“ nữa. Nếu nhìn cô gái bị cướp mặt tươi tỉnh nở nụ cười là kéo. Còn cô ta khóc, tóc bù xù, chống lại tốp người kia thì đúng là hiện tượng cướp vợ.

Trần Hữu Sơn

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/toi-di-cuop-vo-a3153.html