Tôi đi tu: [Bài I] Chọn chùa và chuyện quá tam ba bận

Về hưu có lương, có tích lũy, con cái đã phương trưởng nhưng vẫn nhiều suy tư - Chết là hết ư? Liệu tôi có được đầu thai? Kiếp sau của tôi sẽ thế nào?

Như thấu hiểu, Trần Doanh, biên tập viên của Báo NNVN gửi biếu tôi cuốn sách “21 bài học cho thế kỷ 21” của Yuval Noah Harari, nhà khoa học lịch sử nổi tiếng nhất thế giới hiện nay, tại trang 383, ông viết “Nếu không có sự tập trung và sáng tỏ mà thực hành này mang lại tôi đã không thể viết được "Sapiens" (Lược sử loài người) hay "Homo Deus" (Lược sử tương lai). Và tôi theo ông.

 Chùa Ba Vàng.

Chùa Ba Vàng.

Chọn chùa

Không dễ dãi như anh Hai Nam Bộ “Ra đi gặp vịt thì lùa, gặp duyên thì kết gặp chùa thì tu”, công việc đầu tiên của tôi là chọn chùa.

Ngôi chùa đầu tiên mà tôi nghĩ đến là Yên Tử bởi Yên Tử không những là đất của Phật tổ Việt, là nơi có ngôi chùa đồng độc đáo ở độ cao 1.068m, cao nhất Việt Nam mà còn là nơi có rừng thông cổ thụ, được trồng từ thời Phật hoàng Trần Nhân Tông mà tôi rất thích.

Năm 1996, tôi từng được viếng thăm ngôi chùa này, ngày ấy đi bộ từ chùa Trình vào chùa Giải oan mất cả tiếng để bắt đầu cuộc chinh phục độ cao nghìn mét và khi được len lỏi giữa tàng rừng cổ thụ ấy thì người leo núi như được tiếp thêm sinh khí, diệu khí.

24 năm sau, 10 phần thâm sâu, ảo diệu của Yên Tử chỉ còn hai, ba. Một khu nghỉ dưỡng cao cấp khổng lồ có giá phòng lên tới 6 triệu/đêm, mọc lên đúng với nơi ngày trước tôi từng ngắm những cánh hoa mơ trắng muốt, những gốc mơ sần sùi, u cục làm nên thương hiệu mơ Yên Tử hàng trăm năm.

Những cụ tổ thông vẫn còn đấy nhưng chẳng còn sinh khí để phát chẩn cho chúng sinh vì chúng sinh ngày nay chủ yếu lướt trên đầu các cụ tổ, ít ai chịu lập bập gậy trúc.

Ở bãi giữ xe, một bác bán gậy trúc chuyên dùng leo Yên Tử cho biết, mỗi ngày bán được tầm 30 - 50 cái. Có tổng cộng 5 người bán, vị chi mỗi ngày chỉ còn khoảng vài ba trăm người giữ được nét xưa.

Từ Yên Tử có con đường mới tinh, láng cóng băng qua các vỉa than đen bóng chạy thẳng sang chùa Ba Vàng nên chỉ cần hơn nửa tiếng là xe tôi đã ì ạch leo dốc chùa.

Ấn tượng đầu tiên là khi leo đến cua dốc nhất, do phải giảm tốc độ để tránh xe cướp cua ngược chiều, xe mất trớn, bỗng từ đâu xô ra 5 thanh niên đồng phục, lực lưỡng nhất loạt chèn 4 khúc gỗ vào 4 bánh xe. Một người khác nhảy lên cướp ngay vô lăng, còn 4 người ghé vai vào đuôi xe. Sau hồi còi bim bim, xe nặng nhọc từ từ vượt dốc.

Chùa như một hòn non bộ khổng lồ, sơn son thếp vàng, rực rỡ sắc màu và hơn hớn như cô gái cập kè đôi mươi. Vượt qua cái thác nước nhân tạo, trước cửa tam quan là cái hồ nước uốn lượn và giữa hồ có ngôi chùa một cột. Theo thuật phong thủy thì hồ nước này có chức năng “đón tài lộc” cho chùa.

Sân chùa rộng thênh thênh, ở góc sân có nhiều cây kiểng cổ thụ, thấy có bảng ghi là của tướng này, tướng kia trồng kỷ niệm.

Em gái bạn tôi là TS Phật học, khuyên "trâu còn về tắm ao nhà, sao anh không về Đại Tuệ". Với tôi, ngôi chùa lợp cỏ 600 năm tuổi trên núi Đại Huệ không quen nhưng cũng chẳng lạ vì năm 1969, khi còn học cấp 3 Nam Đàn 1, tôi đã theo chúng bạn leo lên đấy.

Từ chùa này có thể nhìn thấy trọn các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, TP Vinh (Nghệ An) và cả hòn Mắt, hòn Ngư giữa biển Đông. Điều lạ là ngôi chùa nằm trên đỉnh núi nhưng có giếng nước mà sư gọi là giếng thần không bao giờ cạn và rừng thông cứ xanh mướt, vi vu quanh năm.

Ngôi chùa xưa không còn, mà thay vào đấy là cả một quần thể nhiều chùa. Người ta đang xây dựng Đại Tuệ thành ngôi chùa lớn nhất, hoành tráng nhất xứ Nghệ. Con đường xưa len lỏi giữa lau lách và các vườn hồng nay chuẩn bị thành đại lộ, sườn núi toen hoẻn, lở lói.

Ngày xưa lên thăm chùa chúng tôi phải cơm đùm cơm gói, ra đi lúc gà mới gáy về tới lúc đã nhọ mặt người, nay chỉ cần 20 phút xe đã đỗ sịch trước tam quan.

Cái giếng thần xưa nay khô khốc, không hiểu người ta bơm nước từ đâu lên vì chỉ riêng nước phục vụ cho khu toilet 5 sao cũng chẳng phải chuyện nhỏ. Bên dương trạch của chùa có hồ nước, nhỏ hơn hồ nước chùa Ba Vàng nhưng cùng chức năng quán tài lộc.

Núi Đại Huệ (Nam Đàn, Nghệ An) bị lở lói vì làm đường lên xây chùa Đại Tuệ.

Ngôi chùa giữa rừng

Hơn 1 tháng long đong tìm chùa mà tôi vẫn chưa bén duyên Phật. Thầy phong thủy bảo, mệnh tôi là Trường lưu thủy, thân vượng, không nên tìm đến chùa nguyên thủy (chùa tổ), chùa có hồ nước, biển rộng, sông dài vì càng dư thủy.

Không tìm chùa trên núi cao vì quanh năm chói chang, hỏa thủy tương khắc; không tìm chùa nơi đồng bằng - đại dịch thổ, đất mềm lại thêm ướt thì kém bền vững. Tìm được chùa có nhiều cây cối, đại lâm mộc tương sinh với trường lưu thủy là miếu địa.

Có được định hướng rồi nhưng không thể lái xe chạy lòng vòng kiếm, tôi nghĩ ra cách tìm trước trên Google Earth. Một ngày, hai ngày rồi ngày thứ ba tôi vẫn dán mắt vào màn hình nhưng chẳng tìm được ngôi chùa nào ưng ý, chỉ thấy những cánh rừng rưng rưng còn sót lại loang lổ.

Tà Pao, một địa danh lướt qua, gợi trí tò mò. Tà nghĩa là gì, gốc từ của dân tộc Mạ, hay Stieng, hay Chăm… mà gợi tính liêu trai đến vậy? Chẳng biết, chỉ biết ở Tánh Linh (Bình Thuận) có thôn Tà Pao, đèo Tà Pao, thác Tà Pứa; ở Tân Phú (Đồng Nai) có đường Tà Lài, xã Tà Lài. Từ thị trấn Tân Phú tôi dí con trỏ theo đường Tà Lài chừng 15km là đã đến xã Tà Lài nhưng đây không có chùa mà chỉ có khu du lịch sinh thái.

Tiếp tục men theo sông Đồng Nai vào xã Nam Cát Tiên, một biểu tượng chùa hiện lên có tên Pháp Sơn thiền tự. Tôi chuyển qua chế độ xem 3D, khuôn viên chùa rộng chừng 10ha, tọa dưới chân núi nhỏ còn nguyên cây rừng xanh, trước mặt là cánh đồng lúa chín vàng, xa hơn nữa là con sông Đồng Nai uốn lượn. Đặc biệt ngôi chùa lợp ngói xanh, lại tàng dưới tán cây. Hơn cả mơ ước.

Hủy. Lại hủy.

Ngày 5/3/2020, thấy trên website của chùa có thông tin nhận đăng ký khóa tu 10 ngày, tôi đăng ký ngay theo mẫu có sẵn và chỉ 2 ngày sau đã nhận được hồi âm “Mô Phật. Quý vị đã được sắp xếp vào khóa tháng 3 từ ngày 14/3 đến 25/3, phía dưới email là tất cả các thông tin mà một thiền sinh cần chuẩn bị cho khóa tu của mình.

Tôi háo hức đợi và âm thầm chuẩn bị nhưng chỉ 2 ngày trước khi lên chùa, bất ngờ nhận được thông báo hủy khóa tu do Covid-19 và đi kèm với câu "Rất mong quý vị thông cảm" là lời chúc “Luôn an lành trong chánh pháp”.

Từ đó tuần nào tôi cũng vào web của chùa xem thông tin tuyển sinh và lại đăng ký thành công khóa 5/2020 từ ngày 13/5 đến 24/5.

Lại một bất ngờ, thằng em con ông chú họ từ Đăk Lăk xuống Bệnh viện Ung bướu TP.HCM mổ ung thư đại tràng. Lương công nhân, vợ mới bỏ, phố phường thì xa lạ, bệnh viện thì như nêm cối, cực chẳng đã, ngày 9/5 tôi phải gửi email xin được không tham gia khóa tu như đăng ký.

Ngày 23/6 chùa lại nhận đăng ký khóa mới và như thông lệ đường link đăng ký sẽ tự động biến mất khi đã nhận đủ số lượng. Để chắc ăn tôi đã phải bỏ bữa tắm ở bãi biển Mỹ Khê trong xanh.

Đúng 7 giờ, tôi đã sẵn sàng điện thoại trên tay nhưng loay hoay mãi vẫn không vào được. 8 giờ, rồi 9 giờ, rồi đến 12h vẫn tắc. Tôi gửi một tin nhắn cho email của chùa hỏi nguyên nhân và được trả lời ngay - Bị quá tải. Mãi đến 8 giờ tối, tôi mới đăng ký được và ngày 25/6 nhận được hồi âm “BTC hoan hỷ chấp nhận đơn đăng ký tham dự khóa 7/2020 từ ngày 6/7 đến 17/7”.

Đúng hẹn, ngày 30/6 tôi gửi email tái xác nhận có tham gia. Quá tam ba bận.

Mặc dù có xe đưa đón tại TP.HCM với giá vé chỉ 120.000 đồng/người nhưng bà xã tôi cứ nhất quyết bắt tôi phải tự lái xe lên chùa.

Lý do đơn giản vì bả bắt tôi phải mang theo lỉnh kỉnh đủ thứ, nào phải mang đủ 10 bộ quần áo Pijama cho 10 ngày, nào phải mang 12 lon sữa Ensure và một hộp chà là vì buổi tối không được ăn gì mà tôi lại hay bị chứng giảm đường huyết, nào phải mang đệm vì nhà chùa chỉ có giường cứng, phải mang ghế vì tôi không ngồi được kiết già, phải mang theo bình nước nóng vì chứng đau dạ dày không thể dùng nước nguội.

Nghệ vàng, nghệ đen, gừng lát phòng ăn uống không tiêu; bình xịt Symbicort phòng suyễn; cao Ác ti sô phòng khó ngủ… Đấy là chưa kể dầu gội, sữa tắm, khăn bông, gối ôm, dép đi trong nhà…

Quang Ngọc

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/toi-di-tu-bai-i-chon-chua-va-chuyen-qua-tam-ba-ban-d271730.html