'Tối hậu thư' cho các đồng minh

Trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Iran leo thang căng thẳng, chính quyền của Tổng thống Donald Trump mới đây đã lên tiếng cảnh báo rằng, ngay cả các đồng minh của Washington tại châu Âu cũng sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nếu tiếp tục các cơ chế làm ăn không phù hợp với Iran.

Hãng tin Bloomberg ngày 29-5 cho biết, hồi đầu năm nay, Anh, Pháp và Đức đã tuyên bố thiết lập Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại (Instex). Đây là một cơ chế mới nhằm hỗ trợ trao đổi thương mại với Iran để duy trì thỏa thuận hạt nhân mà Tehran đã ký với các cường quốc vào năm 2015. Điều đáng nói là cơ chế này cho phép các công ty nước ngoài làm ăn, trao đổi thương mại với Iran mà không cần sử dụng đồng đô-la Mỹ hoặc thông qua các ngân hàng của Mỹ, qua đó “né” được các biện pháp trừng phạt mà Washington áp đặt sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào năm ngoái.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp đặt trừng phạt mới với Iran ngày 8-5-2019. Ảnh: dw.com.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp đặt trừng phạt mới với Iran ngày 8-5-2019. Ảnh: dw.com.

Tuy nhiên vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ phụ trách chống khủng bố và tình báo tài chính Sigal Mandelker đã gửi tới Chủ tịch Instex Per Fischer một bức thư, trong đó cảnh báo Instex và bất cứ ai liên quan có thể sẽ bị chặn khỏi hệ thống tài chính Mỹ nếu cơ chế này có hiệu lực.

"Tôi thúc giục ngài xem xét thận trọng khả năng Instex bị trừng phạt. Việc tham gia vào các hoạt động chống lại các lệnh cấm vận của Mỹ có thể gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó có việc không thể tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ", bức thư của Thứ trưởng Tài chính Sigal Mandelker nêu rõ.

Theo nhận định của một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên, bức thư nói trên nhằm cảnh báo rằng Washington có thể trừng phạt bất cứ ai liên quan tới Instex, từ các doanh nghiệp, các quan chức hay nhân viên chính phủ, nếu họ dự định xây dựng một chương trình giúp đỡ Iran "né tránh" các lệnh cấm vận của Mỹ.

Đề cập tới nội dung bức thư của Thứ trưởng Sigal Mandelker gửi tới Chủ tịch Instex, Bộ Tài chính Mỹ ra tuyên bố nêu rõ thêm: “Các thực thể làm ăn kinh doanh với chính quyền Iran qua bất cứ hình thức nào có thể tự đặt mình vào tình thế phải đối mặt với nguy cơ lớn bị trừng phạt”.

Trước đó, trong chuyến thăm tới London vào ngày 8-5 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng từng cảnh báo rằng sự ra đời của Instex là không cần thiết, vì các biện pháp trừng phạt của Mỹ không ảnh hưởng tới việc xuất khẩu các mặt hàng liên quan tới y tế và cứu trợ nhân đạo vào lãnh thổ Iran.

Sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) hồi tháng 5-2018, Mỹ đã áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Tehran, trong đó chủ yếu tập trung vào lĩnh vực dầu mỏ. Gần đây, Washington tiếp tục gia tăng sức ép bằng cách chấm dứt miễn trừ trừng phạt đối với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu dầu thô từ Iran.

Trong khi một số quốc gia tham gia ký thỏa thuận hạt nhân Iran còn lại và Liên minh châu Âu cho rằng việc khôi phục các lệnh trừng phạt Iran không chỉ đe dọa tới chính quốc gia Hồi giáo này mà còn đối với cả những nước và các công ty vẫn đang tiếp tục hợp tác kinh tế với Tehran.

Cũng liên quan tới quan hệ Mỹ-Iran, Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei ngày 29-5 tuyên bố nước này sẽ không đàm phán về chương trình hạt nhân và tên lửa của mình với Mỹ. "Chúng ta đã nói trước rằng chúng ta sẽ không đàm phán với Mỹ, bởi vì đàm phán không có ích gì mà còn có hại", Đại giáo chủ Ali Khamenei khẳng định.

Trước đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố không loại trừ khả năng đàm phán với Mỹ nếu Washington dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran. Phát biểu trên truyền hình, ông Hassan Rouhani nhấn mạnh Iran sẽ mở cánh cửa đàm phán bất cứ khi nào Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt bất công, đồng thời thực thi đầy đủ các cam kết và quay trở lại bàn đàm phán mà chính Washington đã tự rời bỏ. Tổng thống Hassan Rouhani cũng khẳng định người dân Iran sẽ chỉ đánh giá phía Mỹ qua các hành động cụ thể như vậy.

ANH VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/su-kien/toi-hau-thu-cho-cac-dong-minh-575401