Tôi học được gì từ truyện Bi Bi và Mặt đen – truyện cổ tích thời hiện đại của nhà văn Phạm Việt Long?

Nhìn chung, bộ truyện 'Bi Bi và Mặt Đen' theo tôi là bộ sách rất có chất lượng, có tính sư phạm và giáo dục cao cho trẻ nhỏ, Bi Bi và Mặt Đen có thể góp phần cải thiện cho nền giáo dục của Việt Nam. Cảm ơn nhà văn Phạm Việt Long đã góp cho đời một bông hoa thơm, một loài quả ngọt, giúp hình thành những mầm măng mới, hài hước, trong sáng, tươi trẻ và đầy tình yêu thương.

Sẽ ra sao khi nhà văn tuổi 70 viết những câu chuyện “tuổi nhỏ”, và sẽ như thế nào khi độc giả tuổi 19 háo hức “đọc tranh” với đứa cháu của mình? Đó là tôi, và cháu tôi đang say sưa chìm đắm trong những câu chuyện cổ tích của thời hiện đại, trong bộ truyện năm tập “Bi Bi và Mặt Đen” của nhà văn Phạm Việt Long.

Năm tập truyện tuổi nhỏ, bốn vùng không gian nghệ thuật khác nhau: nông thôn, thành thị, rừng núi, vườn cổ tích và đều xoay quanh hai nhân vật chính: Bi Bi và Mặt Đen. Bạn có nghĩ rằng nó phần nào sẽ giống với những câu chuyện cổ “Tấm Cám”, “Trầu Cau”, “Dã tràng xe cát”… mà ta đã quen thuộc khi còn chưa biết đọc, biết viết qua lời kể của bố mẹ, ông bà, anh chị? Hay nó sẽ ở một tầm cao mới, trong trẻo, đầy tính nhân văn, tính giáo dục và hướng thiện? Chỉ cần lướt qua vài câu chuyện, bạn nhất định sẽ có câu trả lời.

Bộ truyện “Bi Bi và Mặt Đen” được chia thành 5 cuốn: “Bò bỉm”, “Mặt Đen tia chớp”, “Chuồn chuồn cắn rốn”, “Khám phá rừng thiêng”, “Thám hiểm vườn cổ tích”, với hơn 1000 trang sách, gần 200 mẩu chuyện nhỏ nhưng bài học lớn về tình thương, lòng nhân ái, tính ngăn nắp, cẩn thận… và trách móc nhẹ nhàng trước tính xấu, cẩu thả… Bởi thế, bộ truyện phù hợp với tuổi nhỏ, với cấp mầm non và đầu tiểu học.

Bằng giọng văn dí dỏm, hài hước, trong sáng cùng tình yêu thương vô bờ bến, ông ngoại Phạm Việt Long đã để lại dấu ấn không nhỏ trong lòng độc giả. Ẩn sau những câu chuyện đời thường, bình dị ấy là bấy nhiêu bài học nho nhỏ, thú vị, hiệu quả cho cả các bé lẫn phụ huynh. Đơn giản, đòn roi, mắng nhiếc hay buông thả cho các bé đều không phải cách dạy con phù hợp ở thời đại này. Sự tự nhìn nhận của các bé, của các bậc phụ huynh để tự điều chỉnh (hoặc có chút tác động nho nhỏ) mới là cách dạy dỗ hiệu quả nhất, sâu sắc nhất và khắc cốt ghi tâm, đời đời không đổi nhất.

“Bi Bi và Mặt Đen”- 196 câu chuyện ngắn là 196 bài học nhỏ nhưng vô cùng hữu ích cho các ông bố, bà mẹ khi dạy con. 196 mẩu chuyện, buồn có, vui có, nhưng đều thống nhất trong bài học làm người.

Tên “Bỏ bỉm” có phải khiến bạn băn khoăn? Nhưng ngay từ đầu tập sách, bạn có thể dễ dàng giải đáp được thắc mắc của mình. Đó là câu chuyện “Cái bỉm”, kể về xuất xứ chiếc bỉm các bé đang mặc, với hình ảnh người mẹ đồng ý đổi mái tóc đẹp tuyệt của mình để đổi lấy những khi con tè dầm không bị lạnh. Từ đó, dạy trẻ biết yêu thương người mẹ của mình, biết cảm thông trước những vất vả hy sinh của đấng sinh thành. Và nếu có bé nào hay tè dầm, quấy khóc, không chịu mặc bỉm, đã có “Bi Bi bỏ bỉm” đầy cảm xúc. Chắc chắn bé sẽ có giấc ngủ ngon, và vui đùa, ngoan ngoãn hơn thôi.

Hài hước hơn, ngọt ngào cổ tích hơn, nhà văn đã hóa thân vào chiếc chăn vô tri, để “chị chăn” nói chuyện với Bi Bi, để Bi Bi hiểu được tình yêu thương của bao nhiêu người được gửi gắm cả vào tấm chăn bé hay đạp xuống đất, để bé biết quý trọng, nâng niu chiếc chăn - người bạn đồng hành cho giấc ngủ ngon.

Không chỉ nhân hóa, thổi hồn vào chiếc chăn ấm áp, ông ngoại còn tô vẽ vào đồ dùng, đồ chơi, vào con vật, đồ ăn, vào thiên nhiên… để bé hiểu cảm giác của chúng khi bị “bỏ rơi”, vứt bừa bãi, để bé có điểm tựa, sự giúp đỡ khi gặp hiểm nguy, vừa cứu mình vừa giúp đời, và cũng để đưa ra bài học trách móc nhẹ nhàng cho thói xấu… Bởi thế, 196 câu chuyện, hầu như đều xuất hiện sự hóa thân ấy, nhưng mỗi truyện lại mang một màu sắc, một vẻ đẹp, một bài học riêng.

Nếu bé hay vứt đồ chơi lung tung, thiếu gọn gàng, ngăn nắp, hay không biết giữ gìn đồ đạc, bố mẹ đừng quên đọc “Bút màu chạy trốn”, “Bi Bi và đôi tất”, “Cái tăm chạy trốn”, “Đồ chơi nổi loạn”, “Quả bóng nảy tưng tưng”, “Cánh cửa vênh”, “Con lợn đất”, “Bôi bẩn”, “Hai cái áo”… để bé biết sẽ để lại hậu quả như thế nào cho các đối tượng và cho bản thân mình. Là cánh cửa bị vênh không đóng được, với tiếng két két của anh bản lề; hay là giấc mơ cả dàn nhạc hòa tấu inh tai nhức óc, con búp bê đấm thình thịch vào lưng Bi Bi còn chị Bông Bông bị ong đốt sung vù phải nhờ cô búp bê bác sỹ trở thành hiện thực?

Nếu bé không ngoan, hay tranh giành đồ ăn với các bạn, vứt đồ thừa linh tinh, bố mẹ hãy kể chuyện “Xúc xích dính mũi”, “Làm bánh rán”, “Kẹo cao su dính bết”, “Cây mọc trong bụng”… cho các bé nhé! Qua mấy câu chuyện ấy, chắc sẽ chẳng còn bé nào “tham ăn tục uống”, vội vàng hấp tấp nuốt hạt trái, quẳng vỏ giấy rác lung tung đâu.

Nếu các bé không biết yêu thương loài vật, cây cối thì sao nhỉ? “Cưỡi Bạch Tuộc ở công viên”, “Gặp gia đình chim chào mào”, “Bói cá bố nuôi con” , “Bắt dế”, “Con Vàng lập công”, “Hạ gục trâu điên”, “Bắt kẻ trộm chó”, “Bắt kẻ trộm bò”, “Mực cứu Mặt Đen”, “Bi Bi nhổ củ cải”, “Nòng Nọc, Cá Diếc - bạn của Mặt Đen”, “Cây lộc vừng dũng cảm”… chắc chắn sẽ là sự lựa chọn tối ưu của các ông bố bà mẹ. Các câu chuyện đó vừa là bài học cho những hành động trêu chọc, quậy phá con vật của trẻ nhỏ, vừa thể hiện sự dũng cảm của các “chiến sĩ công an” (Vàng và Mực, có sự giúp đỡ của Meo Meo nữa), đồng thời bày tỏ tình cảm mến yêu của các bạn nhỏ.

5 tuổi, hay nhỏ hơn và lớn hơn một chút cũng là lúc các bé học chữ, học đọc, học viết. Đừng để các bé bị vẹo xương như cô gái trong giấc mơ, hay tiếng kêu răng rắc trên lưng của Bi Bi trong truyện “Vẹo xương”. Cũng nên quan tâm, chăm chút sức khỏe cho các cháu nhỏ tránh gió độc, nhiễm lạnh, chịu mưa như trong câu chuyện “Ba ngọn gió”, “Mưa lụt”, “Ông thần lạnh”, “Bi Bi bị ho”, “Ngoáy mũi - hắt xì”… Và hãy để con dần tự lập, chứ đừng quá vội vàng như “Gà con lẻ mẹ”, các bậc phụ huynh nhé!

“Ngôi nhà ma”, và hầu hết cả tập 4 “Khám phá rừng thiêng” chắc chắn sẽ là những mẩu chuyện độc đáo, thú vị cho các bé thích tìm tòi, ưa khám phá, mạo hiểm. Đột kích căn nhà ma với “những quả bầu khô hình nậm rượu treo ngược, vẽ hốc mắt, hốc miệng, hốc mũi, trông giống cái đầu lâu, có loại vẽ lưỡi đỏ lòm thè ra”, hay tiếng kêu ghê rợn “ú…ù..ù…”, “ngáo…ngào…ngào” cùng “Cây hoa ăn thịt”, “Các tiếng động trong rừng”, “Cây thần và cậu bé”… hẳn sẽ làm các em mê mẩn, pha chút sợ hãi, âu lo.

Nhưng… câu chuyện chỉ thêm đẹp, ly kỳ, hấp dẫn và truyền gửi tới các em nhỏ những bài học khi có sự giúp đỡ của các cô Tiên Cá, cô Tiên Tôm, của gia đình Gió. “Mây có lang thang không?”, “Đám cháy rừng”, “Cứu cụ Rùa”, “Chiến đấu với mụ phù thủy”… nếu không có những nhân vật phù trợ (như Tiên, Bụt trong truyện cổ xưa) thì không biết giọng văn của tác giả, kết thúc sau mỗi mẩu chuyện sẽ như thế nào. Chắc sẽ có chút hụt hẫng, một kết thúc không mấy khả quan.

Lạc vào “Vườn cổ tích”, vào thế giới lung linh, huyền ảo, cuốn hút, bé sẽ có những liên tưởng mộng mơ, đẹp đẽ, về hoàng tử, về cô Tiên, về những đối tượng bình dị nữa… “Phượng hoàng và cây khế” trong “Vườn cổ tích” sẽ chẳng giống với “Cây khế”, chẳng còn cảnh người anh chết cháy hay rơi xuống biển, mà là một cái kết đầy sáng tạo: sau khi Phượng hoàng giúp hai anh em người nông dân lấy vàng ở đảo về, Bi Bi đã nhờ bác Gió cuốn cây khế vượt qua biển cả, tới hòn đảo Phượng hoàng sinh sống. Nó không chỉ giúp các bé có những mộng mơ đẹp đẽ về thế giới thần kỳ mà còn gợi những liên tưởng thú vị cho chúng ta - những người viết báo, nhà văn, điện ảnh.

Thời hiện đại, không còn mấy bé biết tới các trò chơi dân gian, các sinh vật nơi đồng ruộng (nếu ở thành thị), và cả những khó khăn của một gia đình nghèo. Bằng tình yêu thương đứa cháu ngoại của mình, nhà văn Phạm Việt Long đã để Bi Bi ngược về thôn quê với những vất vả. Câu chuyện “Nhà dột”, “Bắt cá”, “Vồ ếch”, `Chăn vịt”, “Bắt cua”, “Thả diều”, “Cất vó”, “Mặt Đen khéo quá”… chắc còn khá xa lạ với các bạn nhỏ thành phố, chưa từng chăn trâu, bắt tép, và ra đồng ruộng.

Cũng chính thời đại này, ti vi, điện thoại, máy tính, internet xuất hiện ngày càng nhiều, không ít bé quấy rối, nghịch đòi mẹ cha. Nhiều cha mẹ đã nhượng bộ, chiều con, khiến các em ngày càng “nghiện game”, “nghiện điện thoại, xem phim”. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới tâm lý, tính cách cũng như sức khỏe của trẻ. Trong trường hợp này, thay vì quát tháo ầm ĩ, bố mẹ hãy kể con nghe truyện “Máy móc phản ứng”, “Mắt lồi”, để con hiểu, và nếu may mắn sẽ từ bỏ được thói quen không tốt này, hoặc ít nhất cũng hạn chế sử dụng phần nào đó. Cũng chính từ các thiết bị điện tử ấy, khiến các bé mải chơi, “Đồng hồ sinh học - giấc ngủ” và “Đồng hồ sinh học - bữa ăn” là một điều tuyệt vời để giúp trẻ tự điều chỉnh đồng hồ sinh học của mình, và em có thể ăn ngủ một cách khoa học, tăng cường sức khỏe, trí nhớ hơn.

Còn một thói quen xấu ảnh hưởng tới các bé, đó là việc ăn kẹo quá nhiều, liên tục kéo theo các tình trạng lười đánh răng, lười ăn cơm, sợ uống thuốc… Hãy kể cho bé nghe những câu chuyện đánh trúng vào tâm lý tuổi nhỏ: “Răng sún”, “Suýt bị bẻ răng”, “Bắt sâu răng”, “Cơm cũng tiếp sức”, “Bi Bi lười ăn”, “Bi Bi bị nhiệt miệng”… Điều đó sẽ giúp bố mẹ khá nhiều trong việc chăm sóc các bé.

Bên cạnh những câu chuyện cảm động, truyền gửi kiến thức, những câu chuyện màu hồng cổ tích, “Bi Bi và Mặt Đen” còn kể về những câu chuyện vừa lạc quan, vừa bi kịch, vừa vui lại vừa buồn. Đó là “Bắt cá” giữa hồ nước mênh mông, các loài thi tài, từ chim, rái cá… và Mặt Đen có tài của tất cả các loài cộng lại. Đó là “Mực bị mất đuôi” kể về việc Mực bị con chuột lừa vướng phải gốc nứa giập, làm cụt mất đuôi, sau này được Bi Bi nhờ thằn lằn huấn luyện mới mọc lại. Hay như “Cây Kiêu Tham” muốn sống một mình trên vách núi mà đâm rễ vào các cây bạn, sau đó bị bão lũ cuốn bật gốc, trôi ra sông và được đưa vào nhà máy sản xuất giấy. Không biết các bạn nhỏ đang cười khi “ác giả ác báo”, hay đang xót thương khi cây bị đốn hạ, và dặn lòng sử dụng giấy tiết kiệm?

Với các bé sắp “tạm biệt gấu lisa nhé, tạm biệt thỏ trắng tinh, mai em vào lớp 1 rồi” thì chắc hẳn các ông bố bà mẹ mong muốn con học chữ, học số, học vẽ, học nhạc… Vậy đừng quên đọc “Bi Bi học chữ”, “Bi Bi học nhạc” để bé tự tin hơn, không còn cảm thấy khó khăn hay bỡ ngỡ, rụt rè. Và cũng giúp chúng ta hiểu tâm lý trẻ con hơn, trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc cho con vượt qua giai đoạn khó khăn, vượt qua những nỗi sợ, nỗi lo học đường. “Bi Bi lớn rồi”, bé nhà bạn cũng lớn rồi, hãy thêm vài lời động viên để bé tự giác hoàn thành những công việc cá nhân của mình tránh sự ỷ lại vào người lớn nhé!

“Bi Bi và Mặt Đen” không chỉ là những câu chuyện về tình yêu thương con người, yêu thương động vật, bài học về lòng vị tha, sự ngăn nắp gọn gàng mà còn khuyên nhủ trẻ không nên nói dối, cần phải biết nghe lời người lớn… Bên cạnh đó, cũng có những bài học cho chính các bậc phụ huynh. “Mặn đâu mà mặn, cay đâu mà cay” chính là một bài học cho người lớn về cách giáo dục trẻ nhỏ.

“Thương cho roi cho vọt” có còn phù hợp với cách dạy con của thời đại mới? Đòn roi nhiều cũng giống như đứa bé sử dụng thuốc kháng sinh không còn khả năng chống chịu với căn bệnh. Hơn nữa, ranh giới ngoan - hư, sống - chết nó khá mong manh, đừng để tâm hồn trắng trong, thơ dại của em vướng những vết chàm buồn tẻ, đau thương. “Đòn, roi” chẳng thế nắn hay có sức mạnh bằng những lời tâm sự, cảm thông, những mẩu chuyện về các tấm gương. Nhưng đừng so sánh, xin đừng so sánh với “con nhà người ta”, hãy để bé tự cảm nhận mình đang ở vị trí nào.

Các bậc phụ huynh ạ, hãy rèn luyện cho con lối sống kỷ luật, tự giác, trách nhiệm, biết yêu thương, ngoan ngoãn, lễ phép bằng lời nói, tâm tư, bằng tình yêu, sự kiên trì hay từ chính những câu chuyện trong bộ “Bi Bi và Mặt Đen”, để bé trưởng thành trong những vòng tay ấm áp của người thân, trong những câu chuyện “ngày xửa ngày xưa của thời hiện đại”. Bé sẽ ngoan hơn, hình thành được những phẩm chất tốt, và tự bồi dưỡng, làm giàu ngôn ngữ, viết văn, nói chuyện hài hước, lưu loát, trong trẻo, tươi xanh.

Như thế, “Bi Bi và Mặt Đen” không chỉ là câu chuyện mà ông ngoại Phạm Việt Long gửi tới những đứa cháu thân yêu của mình: Bi Bi, Na Na, Bông Bông, Mặt Đen…mà gửi tặng cho tất cả các cháu mầm non, cho các bậc làm cha làm mẹ. Thật là một cuốn truyện thiếu nhi cổ tích thời hiện đại thú vị, đầy tính nhân văn và bài học làm người, xứng đáng là bộ sách cho mỗi gia đình nhỏ mong muốn hạnh phúc to.

Nhìn chung, bộ truyện “Bi Bi và Mặt Đen” theo tôi là bộ sách rất có chất lượng, có tính sư phạm và giáo dục cao cho trẻ nhỏ, Bi Bi và Mặt Đen có thể góp phần cải thiện cho nền giáo dục của Việt Nam. Cảm ơn nhà văn Phạm Việt Long đã góp cho đời một bông hoa thơm, một loài quả ngọt, giúp hình thành những mầm măng mới, hài hước, trong sáng, tươi trẻ và đầy tình yêu thương.

Ngô Thị Mai (Sinh viên khoa Văn trường Đại học Sư Phạm Hà Nội)

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/toi-hoc-duoc-gi-tu-truyen-bi-bi-va-mat-den-%E2%80%93-truyen-co-tich-thoi-hien-dai-cua-nha-van-pham-viet-long-62990