Tội mạo danh - xưa và nay

'Mạo danh' hiểu theo nghĩa từ điển là 'mượn tên người khác để làm việc có lợi cho mình'. Hiểu rộng ra, đó là việc lấy thông tin, danh nghĩa của cá nhân hoặc tổ chức khác để làm những việc xấu như trục lợi hoặc nhằm chiếm đoạt tài sản hay bôi nhọ, xuyên tạc danh dự, nhân phẩm... của người khác.

Thời nay, với sự phát triển, đa dạng của các phương tiện truyền thông, con người thường xuyên phải đối mặt với tình trạng mạo danh. Một cú gọi điện mạo danh công an, cán bộ thuế... để lừa đảo. Một văn bản mạo danh tổ chức nào đó để bán tài liệu hay huy động “từ thiện”... Mạo danh là loại tội phạm rất đáng lên án, loại bỏ.

Xin tóm tắt câu chuyện thứ nhất có tên Lãnh Thanh mạo danh Thái tử gắn liền với tích chuyện Bao Công, tức Bao Chửng (990-1062) xử án dưới thời vua Tống Nhân Tông (Trung Quốc).

Đây là vụ án có thật mang tính kinh điển đến mức trở thành “mẫu gốc” rồi đi vào dân gian để trở thành các truyền thuyết, tiểu thuyết, kịch bản sân khấu nổi tiếng. Theo thời gian, nó được khúc xạ để tỏa ra những ánh sáng ý nghĩa khác nhau nhưng vẫn giữ cái “hằng số” văn hóa nền tảng là ở đâu con người cũng khát khao, hướng tới lẽ phải, sự công bằng, căm ghét cái giả, cái xấu.

Minh họa: QUANG CƯỜNG

Vua Tống Nhân Tông (lên ngôi năm 1022, tại vị 42 năm) vô cùng đau khổ vì có nhiều phi tần, cung nữ nhưng không có con nối dõi. Chuyện nối nghiệp trở thành đại sự quốc gia. Bỗng năm nọ, cả triều đình xôn xao với chuyện lạ có thật: Hoàng tử lưu lạc tìm về gặp hoàng đế.

Một thanh niên tên Lãnh Thanh, xưng hoàng tử, đi cùng một đạo sĩ tên Cao Kế An xin vào cung bái kiến hoàng thượng. Lãnh Thanh nói với quân cấm vệ có mẹ là Vương thị, vốn là cung nữ, từng được “lâm hạnh” và được vua ban “Long phụng tú” (tấm lụa dành cho cung phi che bụng lúc vua sủng ái). Có tướng mạo khôi ngô, ăn nói dõng dạc, phong thái sang trọng nên hầu như ai cũng tin người này phải có dòng dõi cao quý. Thậm chí khi đến công đường, viên quan phụ trách phủ Khai phong thấy “phong độ” Lãnh Thanh cũng bất giác đứng lên thi lễ... Nhà vua nửa ngờ nửa vui.

Chuyện vua có con với cung nữ là dễ xảy ra, vì biết bao cung nữ nay vào cung mai ra cung là chuyện thường. “Long phụng tú” là thật. Mà con người thế kia, trông cũng đã thấy “con rồng cháu phượng”. Lạy trời, đây là “giọt máu rồng” rơi vãi nay tìm về. Nếu thật thì “đại hồng phúc”. Nhưng sao đến bây giờ mới tìm về... Vua truyền chỉ Bao Chửng xem xét...

Bao Công cho người về quê Lãnh Thanh xác định nhân thân. Đúng là mẹ Lãnh Thanh tên Vương thị có 3 năm là cung nữ, sau đó xuất cung, về quê lấy một người bán thuốc tên Lãnh Tự, đẻ con gái đầu tên Lãnh Diễm, con trai tiếp tên Lãnh Thanh. Điều tra qua Vương thị thì Lãnh Thanh từ nhỏ không chịu học hành, ăn chơi đua đòi, bỏ nhà ra đi. Truy về “Long phụng tú”, Vương thị té ngửa, đã bị mất từ bao giờ...

Như thế, Lãnh Thanh “mạo danh” đã rõ. Nhưng mục đích của y là gì? Hắn thừa biết nếu chuyện bị lật tẩy thì là tội “khi quân” với hình phạt vô cùng thảm khốc. Phải có kẻ bày mưu tính kế...

Gặp Bao Công, Lãnh Thanh lớn tiếng xưng danh hoàng tử. Với những chứng cứ hiển nhiên, không khó để một người tài năng như Bao Chửng bóc mẽ sự thật. Lãnh Thanh cúi đầu khai đã làm theo lời Cao Kế An. Nguồn cơn được hé mở: Thấy Lãnh Thanh có dáng vẻ quý nhân, lại có “bảo bối” tấm lụa “Long phụng tú”. Cả triều đình đang khao khát có người kế vị.

Với bản chất của kẻ say mê quyền lực, Kế An nghĩ đến trò giả làm hoàng tử. Một khi Lãnh Thanh làm hoàng đế, Kế An sẽ là nhất phẩm đại thần... Thế là với những hiểu biết về triều chính, Kế An huấn luyện cho Lãnh Thanh cách ứng xử, đi đứng, ăn nói như một bậc tôn vương. Nếu chẳng may bị lộ thì giả điên. Còn được thì vô cùng... Một kẻ ít học, hai tay trắng, vô nghề nghiệp như Lãnh Thanh dễ dàng nghe theo!

Câu chuyện thật này nổi tiếng đến mức ở mọi thời trên đất Trung Hoa phong kiến trở thành bài học phổ quát chung, vì trong cuộc đời mỗi người, ai cũng có thể gặp chuyện “mạo danh”.

Câu chuyện thứ hai, năm 1920, một phụ nữ đến tòa tuyên bố bà là công chúa Alias Anastasia-thành viên cuối cùng trong gia đình Sa hoàng Nicholas Ramanov. Có ngoại hình giống công chúa Anastasia, bà ta đã thuyết phục được nhiều người. Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất vừa kết thúc. Mọi việc còn ngổn ngang. Tòa cũng “quan liêu”, chỉ hỏi những hiểu biết xung quanh về gia đình Ramanov và cuộc sống hoàng gia, người này đều trả lời đúng, trôi chảy.

Tòa công nhận và trao khoản tiền thừa kế... Mãi về sau này, xét nghiệm ADN, sự thật mới hé mở. Tên thật của kẻ mạo danh là Anderson, vốn chỉ là kẻ lang thang, cơ nhỡ, có thời gian giúp việc cho gia đình Ramanov. Sự thật là cả gia đình hoàng tộc Nicholas Ramanov bị sát hại vào năm 1918.

Qua hai câu chuyện, kết hợp với sự phân tích các vụ mạo danh thời nay (không xét đến việc “mạo danh” tích cực của hoạt động điều tra, tình báo cách mạng...), các chuyên gia khuyến nghị:

Kẻ mạo danh bao giờ cũng vì một mục đích cá nhân nào đó về vật chất, địa vị... Đó thường là những kẻ tham lam, mà lòng tham với chúng thì không có đáy. Như nhân vật Cao Kế An ở trên, đang là kẻ giàu có, tiền của không thiếu, chỉ thiếu địa vị. Về con người, kẻ mạo danh thường không phải là người tử tế, không có nghề nghiệp ổn định, thiếu liêm sỉ.

Nhân vật Lãnh Thanh hay Anderson là như vậy. Về hành vi, dựa trên sự hiểu biết nhất định về đối tượng bị mạo danh nên kẻ xấu tạo ra cái giả y như thật về hình thức: Hình dáng, điệu bộ, giọng nói... Chúng thường tạo cớ để “bảo hiểm” niềm tin. Càng nhiều cớ, cơ hội thành công càng lớn. Như Lãnh Thanh dựa vào “Long phụng tú” làm “của tin”... Về hậu quả, sớm muộn kẻ xấu cũng bị phơi bày chân tướng, nhưng trước đó thì người tử tế, lương thiện, cả tin bị lừa, tổn thương cả vật chất lẫn tinh thần...

Một vài bài học rút ra:

Không nên để lộ, lọt thông tin cá nhân, nhất là ngày nay không nên chia sẻ hình ảnh, thông tin nhạy cảm trên mạng xã hội. Cảnh giác với những hình thức “giống như thật” đến một cách bất ngờ. Cần đặt ra câu hỏi: Giữa họ (kẻ mạo danh) có mục đích gì, có quan hệ gì với “ta”. Trong quá khứ, “ta” đã từng làm gì, có sự kiện gì liên quan... Về nghệ thuật điều tra, bao giờ kẻ mạo danh, dù “hiểu biết”, tinh vi đến đâu cũng để lộ ra “gót chân Asin”. Nên Bao Công chỉ cần hỏi xoáy: Sao chị ngươi không xưng công chúa mà ngươi lại dám xưng hoàng tử, là Lãnh Thanh cứng họng!

Càng ở thời mở cửa hội nhập, xã hội càng văn minh thì hiện tượng mạo danh càng đa dạng, phức tạp. Nhưng tất cả chúng ta, nếu ai cũng “chính danh”, thẳng thắn, chân chính, vô tư, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, tự làm giàu hiểu biết về mọi mặt thì kẻ xấu cũng khó dám mạo danh, lừa gạt!

NGUYÊN THANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/pho-bien-giao-duc-phap-luat/toi-mao-danh-xua-va-nay-776264