'Tôi mong muốn được giới thiệu, quảng bá những nét đẹp văn hóa dân tộc mình'

Hiện nay, phát triển du lịch cộng đồng là một hướng đi hiệu quả trong xây dựng NTM, vừa có thể tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn, vừa góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người dân nông thôn. Đặc biệt, với sự tham gia của doanh nghiệp, mô hình du lịch cộng đồng ngày càng phát huy lợi thế, tạo được dấu ấn đậm nét trong lòng du khách, cũng như giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Phóng viên Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh đã có cuộc trò chuyện với anh Tằng Văn Dào, chủ Homestay A Dào, bản Phạt Chỉ, xã Đồng Văn (Bình Liêu) về con đường đưa du lịch cộng đồng đến với du khách.

Anh Tằng Văn Dào, người tiên phong về làm du lịch cộng đồng ở Bình Liêu, Quảng Ninh.

- Chào anh, anh có thể giới thiệu một chút về Homestay A Dào của mình?

+ Homestay A Dào được xây dựng và đưa vào hoạt động năm 2017, nằm tại thôn Phạt Chỉ, xã Đồng Văn (Bình Liêu). Homestay A Dào được thiết kế và bài trí theo lối kiến trúc nhà sàn của đồng bào người Dao, quy mô khoảng 30 khách nghỉ.

- Xin anh cho biết, xuất phát từ đâu mà anh có ý tưởng xây dựng Homestay A Dào?

+ Bản Phạt Chỉ, xã Đồng Văn, là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Dao. Nơi đây có những thửa ruộng bậc thang, vành đai biên giới với mốc 1327 được nhiều du khách tìm đến cùng với những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Dao, rất thích hợp cho việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Dù vậy, thời gian qua, việc làm du lịch gắn với khai thác, phát huy những giá trị về văn hóa truyền thống theo hướng lấy người dân làm chủ thể, lấy chất liệu dân tộc làm chủ đạo dường như chưa được khai thác. Ấp ủ mong muốn phát triển du lịch vừa để người dân được giao lưu với các nền văn hóa, tăng thêm sự hiểu biết, đồng thời giữ gìn và tôn vinh bản sắc văn hóa, khôi phục nét văn hóa đặc trưng của người Dao, quảng bá cảnh đẹp của quê hương cũng như tăng thu nhập cho người dân, vợ chồng tôi đã xây dựng Homestay A Dào này. Bản thân tôi là người Dao nên rất mong muốn được giới thiệu, quảng bá với du khách thập phương những nét đẹp văn hóa dân tộc mình. Sau khoảng 2 năm hoạt động, khách đến với Homestay A Dào ngày càng nhiều hơn, qua đó cho thấy chúng tôi đang đi đúng hướng. Điều đặc biệt là du khách đến, tham quan, trải nghiệm những sản phẩm đặc trưng của đồng bào dân tộc Dao đều thích thú và khen ngợi rất nhiều.

- Theo anh, điều gì ở Homestay A Dào khiến du khách thích thú khi đến đây?

+ Homestay A Dào có cách bài trí đặc biệt, mang đậm nét phong cách đồng bào dân tộc Dao như: Các bàn ghế ăn là những bàn chữ nhật ghế băng dài; chỗ ngủ là sàn nhà trải nệm, một số vật dụng trang trí đều là đồ dùng hàng ngày của người Dao… Ngoài ra, du khách khi đến đây còn được trải nghiệm các hoạt động may vá, thêu thùa của phụ nữ người Dao, thưởng thức những món ăn dân dã, truyền thống của đồng bào dân tộc như: Thịt nấu gừng, ngan, gà bản, rau bản…

Khách du lịch đến Homestay A Dào và trải nghiệm nhiều hoạt động cùng với đồng bào dân tộc Dao bản Phạt Chỉ.

- Được biết, ngoài làm du lịch, anh còn thành lập CLB du lịch cộng đồng để hỗ trợ người dân cùng nhau phát triển. Vậy xin anh cho biết mục đích khi xây dựng CLB này và hướng duy trì, phát huy hiệu quả của CLB?

+ CLB du lịch cộng đồng xã Đồng Văn gồm 20 thành viên, trong đó, có "thủ lĩnh" đứng ra làm đầu mối tiếp nhận đoàn khách và điều tiết các thành viên trong CLB làm nhiệm vụ hướng dẫn viên, đồng thời cùng hỗ trợ nấu ăn, phục vụ du khách khi các đoàn muốn thưởng thức chương trình văn nghệ, hoặc trải nghiệm văn hóa dân tộc như thêu thùa, may vá, tham gia trò chơi dân gian... Với cách làm như vậy, các thành viên của CLB đều tham gia làm du lịch và có nguồn thu ổn định từ làm du lịch cộng đồng.

Ngoài ra, khi thực hiện mô hình Homestay và CLB du lịch cộng đồng này, tôi mong muốn có thể chuyển tải thông điệp: “Hãy phát triển du lịch từ những thứ bình dị, gần gũi, thân thuộc nhất”. Đó có thể đơn giản là những vật dụng quen thuộc hàng ngày của đồng bào dân tộc, những phong tục, tập quán, những bộ trang phục rực rỡ... Đôi khi phát triển du lịch không ở đâu xa, chỉ cần chúng ta biết cách khai thác được chất liệu để làm du lịch, với tôi, chất liệu này đến từ bản sắc của đồng bào dân tộc mình. Để hướng đi này được lâu dài, bền vững, điều quan trọng chính là tạo thu nhập cho người dân và tuyên truyền cho người dân hiểu rằng, những nét văn hóa truyền thống đó chính là điều mà du khách muốn, là “cần câu cơm” thoát nghèo cho đồng bào.

- Anh có thể cho biết, việc mạnh dạn đầu tư làm du lịch ở bản đã góp phần như thế nào trong xây dựng NTM ở địa phương anh sinh sống?

+ Việc phát triển du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng sẽ mang lại hiệu quả tích cực, tạo thêm nguồn sinh kế, đem lại thu nhập, cải thiện đời sống của bà con nông dân, góp phần xây dựng NTM thành công. Hiện tại, Homestay của chúng tôi đang duy trì việc làm ổn định cho 2 lao động bản địa, thu nhập bình quân của các lao động này 3,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra chúng tôi còn kinh doanh những sản vật địa phương, sản phẩm OCOP như một cách tạo nguồn thu cho người dân…

- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Nguyên Ngọc

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/du-lich/201903/toi-mong-muon-duoc-gioi-thieu-quang-ba-nhung-net-dep-van-hoa-dan-toc-minh-2435627/