'Tôi muốn mang làn gió mới của nghệ thuật sân khấu đến với khán giả Việt Nam'

Vở kịch 'Cậu Vanya' của nhà văn Nga A.P Chekhov do đạo diễn sân khấu đương đại nổi tiếng của Nhật Bản Tsuyoshi Sugiyama và đội ngũ chuyên gia sân khấu hàng đầu Nhật Bản tham gia dàn dựng.

Vở diễn quy tụ nhiều diễn viên của Nhật Bản và Việt Nam tham gia như: Hemi Che, Matsuda Takashi, NSND Lê Khanh, NSƯT Đức Khuê, Thu Quỳnh…sẽ công diễn tại sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ vào tối 30-11. Đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama đã chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử về quá trình dàn dựng vở diễn hơn 3 tháng tại Việt Nam.

Đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama.

Phóng viên (PV): Tại sao anh lại chọn Việt Nam để dàn dựng vở kịch “Cậu Vanya”?

Đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama: Trước khi dàn dựng vở diễn này, đoàn diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ đã sang Nhật Bản 3 tháng. Chúng tôi đã bàn bạc và đi đến quyết định sẽ cùng hợp tác để biểu diễn tại Việt Nam vở “Cậu Vanya”. Trước đây, chúng tôi đã diễn cùng nhau vở “Chim én”. của Chekhov, vở diễn này nhận được nhiều giải thưởng. Vì thế, tôi nghĩ sẽ phải làm thêm một vở của Chekhov nữa bởi chưa tác phẩm nào của tác giả này được biểu diễn tại Việt Nam. Hơn nữa, tôi muốn mang làn gió mới của nghệ thuật sân khấu đến với khán giả Việt Nam. “Cậu Vanya” biểu diễn tại Hà Nội ngày 30-11 và 1,2-12; Quảng Ninh ngày 4-12; Hải Phòng ngày 6-12 và sau đó chinh phục khán giả Nhật Bản trong năm 2019.

PV: Vở diễn của tác giả người Nga mà công diễn tại Việt Nam, anh có phải Việt hóa tác phẩm này?

Đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama: “Cậu Vanya” của Chekhov được viết vào thế kỷ 19 ở nước Nga nhưng thông điệp và sức sống của vở kịch vẫn còn giá trị và phù hợp đối với thế hệ trẻ ở Việt Nam cũng như Nhật Bản.

Đây là vở kịch mang tính cổ điển. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ dàn dựng để khán giả lớn tuổi và trẻ tuổi đều có thể cảm nhận được vở kịch mang một sắc thái khác. Chúng tôi sẽ sử dụng sự sáng tạo riêng của kịch nghệ vào trong vở diễn này. Tôi không dựng kịch theo tính kịch hiện thực như những tác phẩm của Chekhov đã viết mà thể hiện sự sáng tạo đặc biệt.

Nếu khán giả chỉ đọc sách kịch của Chekhov sẽ cảm nhận cốt truyện hơi ảm đạm, đau buồn nhưng tôi muốn sẽ truyền đạt đến khán giả sức sống mới, mục đích sống thông qua từng nhân vật trong vở diễn. Khi xem, khán giả sẽ cảm nhận được điều đó. Tôi hy vọng sẽ đem đến sự bất ngờ cho công chúng Việt Nam.

Cảnh trong vở “Cậu Vanya”.

PV: Anh làm thế nào để khắc phục bất đồng ngôn ngữ khi dàn dựng vở diễn này với các diễn viên Việt Nam?

Đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama: Lúc đầu tôi cũng nghĩ ngôn ngữ là rào cản khá lớn nhưng dần dần khi làm việc với các diễn viên Việt Nam, nghệ thuật đã giúp chúng tôi tìm được tiếng nói chung. Tôi thấy, nếu là rào cản ngôn ngữ thôi thì chúng tôi sẽ vượt qua cái đó nhưng khi làm việc cùng nhau, chúng tôi nhận thấy những nhân vật trong vở diễn có ảnh hưởng đến cuộc sống hiện nay nên diễn viên không chỉ có học lẫn nhau về ngôn ngữ mà còn học nhau về cách diễn, sự sáng tạo. Vì thế không có rào cản ngôn ngữ trong vở kịch này.

Tôi thấy diễn viên Việt Nam rất tài năng, các bạn có sự sáng tạo riêng, phù hợp với vở kịch này.

PV: Vở kịch của Nga, đạo diễn Nhật và diễn viên Việt Nam, công diễn tại Việt Nam dường như không ăn nhập với nhau. Anh làm thế nào để khắc phục vấn đề này?

Đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama: Văn hóa Nhật và Nga cũng có điểm tương đồng, Nhật Bản và Việt Nam cũng có những điểm tương đồng nhất định, trong khi đó Nga và Việt Nam có những điểm mà trong văn hóa rất giống nhau. Tôi thấy 3 tam giác này tuy rằng không có liên kết nhưng thực ra có rất nhiều điểm chung.

Bản thân tôi có thời gian sinh sống và học tập tại Nga, trong đoàn diễn của Việt Nam có nhiều nghệ sĩ đã từng học ở Nga nên chúng tôi tìm thấy rất nhiều điểm chung. Vì thế, vở diễn “Cậu Vanya” không chỉ là một tác phẩm sân khấu đơn thuần mà còn thể hiện sự gắn kết giữa 3 quốc gia thông qua nghệ thuật.

PV: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

KHÁNH HUYỀN (thực hiện)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/toi-muon-mang-lan-gio-moi-cua-nghe-thuat-san-khau-den-voi-khan-gia-viet-nam-555746