Tôi muốn sống để nuôi con

Tại khu chạy thận nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, giữa những người bệnh nằm ngồi la liệt chờ vào ca chạy thận sớm, chúng tôi gặp bà Đoàn Thị Mỹ Tiên (50 tuổi, ngụ xã Trà Cổ, H.Tân Phú) trong bộ dạng mệt mỏi. Bị suy thận giai đoạn cuối do biến chứng từ bệnh tiểu đường, 2 năm nay bà Tiên phải chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần.

Cứ cách ngày, bà Đoàn Thị Mỹ Tiên được chồng đưa đến Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (TP.Biên Hòa) để chạy thận nhân tạo. Ảnh: Phương Liễu

Người ta hay nói chạy thận nhân tạo thì… “nhà giàu cũng khóc”, nên với những người nghèo như gia đình bà Tiên thì đây là một sự khó khăn không thể chia sẻ cùng ai và cũng không biết nhờ cậy vào ai, vì gia đình bà đã mang ơn quá nhiều người.

Ngồi rũ rượi trên xe lăn, toàn thân bà Tiên đen sạm. Da ở mặt và cổ bong tróc từng mảng như vảy cá, đôi bàn tay thô ráp như bị cháy xém. Chốc chốc, bà lại nhăn mặt đau đớn, lấy tay nhấn vào ngực như để “đánh thức” trái tim đang muốn ngừng đập. Như những người chờ chạy thận khác, bụng bà Tiên trướng to, căng như quả bóng, người nhìn có cảm giác chỉ cần mũi kim chích nhẹ nó sẽ nổ tung, chốc chốc bà lại nhăn mặt đau đớn.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về tài khoản số: 0963065222, Trần Phát Vinh, Ngân hàng Quân đội. Số điện thoại của ông Vinh (chồng bà Tiên): 0963.065222.

Trên tay của bà Tiên là chuỗi những cục u to nhỏ nổi khắp 2 cánh tay. Đã có những cục u ở tay bị viêm sưng bóng lưỡng, có cục u vỡ ra rồi lại lành, giờ khô cứng lại. Nói chuyện với chúng tôi được mấy câu, bà Tiên lại phải dừng để thở. Do cầu thông động - tĩnh mạch ở tay của bà bị hỏng vì biến chứng sưng viêm, bác sĩ phải làm cầu động - tĩnh mạch ở bẹn, nên việc đi lại của bà rất khó khăn, ngay cả chuyện vệ sinh cũng phải có người bế.

Ông Trần Phát Vinh, chồng bà Tiên cho biết, do nhà xa nên ông bà phải đi thật sớm, về được đến nhà đã tối nên chạy thận về ngồi chưa ấm chỗ, hôm sau đã phải chuẩn bị khăn gói lên đường, bởi thế ông không có thời gian làm gì được nữa.

Khi được hỏi đi lại vất vả, sao ông bà không thuê chỗ ở lại Biên Hòa cho tiện việc chạy thận, ông Vinh cho biết: “Phần vì không có tiền thuê nhà trọ, phần vì vợ chồng tôi có người con bị bệnh down, lại thêm tật nguyền nên phải về để chăm sóc cháu. Mỗi lần tôi đưa vợ đi chạy thận, tôi phải nhốt thằng bé tật nguyền ở nhà một mình nên cũng rất lo lắng”.

Hiện nay, dù đã được bảo hiểm y tế (BHYT) đỡ đần 80% chi phí chạy thận nhưng vì bà Tiên nhiều bệnh tật, lắm biến chứng nên mỗi tháng phải tốn từ 5-6 triệu đồng cho việc chạy thận và thuốc men điều trị những bệnh khác. Nói trong hơi thở mệt nhọc, bà chỉ mong được thẻ BHYT chi trả 100% chi phí để gia đình vơi bớt khó khăn, để bà có cơ hội được sống, để đứa con tật nguyền còn có mẹ ở bên.

Thu Hà

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/ban-doc/202311/toi-muon-song-de-nuoi-con-07563a7/