'Tôi muốn tắt nắng đi' - ở Los Angeles, bóng râm cũng ưu ái người giàu

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thành phố Los Angeles - vốn được biết đến như thiên đường đầy ánh nắng - đang đối mặt với sự bất bình đẳng bóng râm trong những ngày nắng nóng.

Ánh nắng tràn ngập luôn là điểm thu hút khách du lịch của Los Angeles. Tuy nhiên, những ngày gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu và bất bình đẳng xã hội, bóng râm được xem như một mặt hàng quý giá ở thành phố này.

Giờ đây, thay vì dùng ánh nắng mặt trời để thu hút khách du lịch, các quan chức Los Angeles đang đối phó với ánh nắng như một mối hiểm họa gây khủng hoảng cho thành phố, theo bài viết trên New York Times.

Biển báo là bóng mát duy nhất ở một trạm xe buýt tại khu Jefferson Park, Los Angeles. Ảnh: New York Times.

Chính quyền thành phố đang gấp rút đưa bóng râm tới 750 trạm dừng xe buýt bằng cách trồng cây xanh, dùng bạt hoặc dù để che nắng do những tuyến đường đông đúc nhất của thành phố thường nằm ở những khu vực nóng nhất. Ngoài ra, Los Angeles cũng đã thuê nhân viên lâm nghiệp đầu tiên và đưa ra mục tiêu trồng 90.000 cây có bóng mát trước năm 2021. Những cây cọ đã làm nên biểu tượng của thành phố nhưng không cung cấp nhiều bóng mát có thể sẽ được thay thế trong kế hoạch này.

Những cây cọ, biểu tượng của Los Angeles. Ảnh: New York Times.

Bất bình đẳng về số lượng cây

“Có thể bạn chưa nghĩ đến, nhưng bóng râm là một vấn đề bình đẳng”, Thị trưởng Eric M. Garcetti nói tại một sự kiện về những sáng kiến khí hậu, bao gồm cả việc tạo ra thêm bóng mát, ở Los Angeles.

Một cái cây đang được trồng trong một buổi lễ ở Los Angeles bởi Thị trưởng Eric M. Garcetti (ngoài cùng bên phải) và cô Rachel Malarich, cán bộ lâm nghiệp đầu tiên của Los Angeles (trái). Ảnh: New York Times.

“Hãy nghĩ về những cư dân lớn tuổi ở Los Angeles di chuyển chủ yếu bằng phương tiện công cộng phải đứng dưới cái nắng gay gắt giữa tháng 7 để chờ xe buýt trên con đường nhựa nóng. Họ xứng đáng có được cảm giác thoải mái như những người cùng tuổi sống ở khu khác trong thành phố”, ông Garcetti chia sẻ.

Số bóng cây ở những khu vực khác nhau của Los Angeles có sự khác biệt rất rõ ràng. Trong những khu dân cư giàu có như Bel-Air hay Beverly Hills, các con đường được che phủ bởi nhiều hàng cây xanh mướt. Ngược lại, trong các khu dân cư nghèo như Nam Los Angeles, người dân phải đứng chờ xe buýt dưới ánh nắng thiêu đốt.

Khu Chinatown ở Los Angeles. Ảnh: New York Times.

Ánh nắng mặt trời đã từng là một đặc điểm riêng được sử dụng để thu hút những người từ khắp nước Mỹ và xa hơn nữa đến định cư ở Los Angeles. Việc phòng thương mại thành phố phân phát các cuốn sách và cẩm nang trên khắp đất nước miêu tả miền Nam California là một thiên đường đầy ánh nắng đã giúp thúc đẩy Los Angeles phát triển thành một đô thị lớn.

“Người ta đến đây để tận hưởng ánh Mặt Trời”, ông Christopher Hawthorne, kiến trúc sư trưởng của thành phố vừa được bổ nhiệm vào năm ngoái nói. “Chúng tôi đã bán ánh nắng mặt trời như một món hàng”.

Ông Christopher Hawthorne, kiến trúc sư trưởng của thành phố. Ảnh: New York Times.

Khi thế giới ấm dần lên, vấn đề bóng mát đã thu hút nhiều sự chú ý của các nhà quy hoạch đô thị. Nhà văn Sam Bloch trong một bài báo trên Tạp chí Địa điểm năm nay viết về Los Angeles đã gọi “bóng râm là chỉ số thể hiện sự bất bình đẳng, một yêu cầu đối với sức khỏe cộng đồng, và một nhiệm vụ cho các nhà quy hoạch và thiết kế đô thị”.

"Hãy tắt nắng đi"

Nhiều năm qua, ông Hawthorne, từng là nhà phê bình kiến trúc của The Los Angeles Times, đã suy nghĩ về không gian công cộng thiếu bóng râm của thành phố. Khi nói về chủ đề này, ông Hawthorne thích gợi lại tựa đề của một cuốn truyện ngắn của nhà văn Timothy Turner năm 1942 về Los Angeles: Hãy tắt nắng đi.

“Ngày nay, chúng ta đều có thể cảm nhận được ý nghĩa tựa đề này”, ông Hawthorne nói với New York Times. “Có những lúc mọi người ở Los Angeles ước mình có thể tắt nắng đi, và những ngày như vậy càng nhiều lên do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu”.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Hawthorne cho biết: “Chúng tôi có những thiết kế đô thị và bóng râm tuyệt đẹp. Tuy nhiên, chúng không được phân bổ một cách công bằng”.

Một người bán hàng rong sử dụng ba chiếc ô để che chắn chiếc xe hàng của cô ở Westlake. Ảnh: New York Times.

Những người Los Angeles có thu nhập cao đi khắp nơi trong những chiếc xe gắn điều hòa, để lại những chiếc xe buýt và vỉa hè oi bức phần lớn cho những người có mức sống thấp hơn. “Do tác động của biến đổi khí hậu, hiện tại thành phố này ít thân thiện với người đi bộ hơn so với khi tôi đến đây năm 2004”, ông Hawthorne chia sẻ với New York Times. Vì vậy, ông Hawthorne đang nỗ lực mang lại bóng mát cho gần 750 điểm dừng xe buýt có nhiều người sử dụng nhất.

Tài nguyên mọi người phải được hưởng

Các nhà nghiên cứu tại Đại học California đã dự báo rằng Los Angeles có thể sẽ có nhiều ngày nắng nóng cực độ, tức từ 35 độ C trở lên, so với trước đây. Khu trung tâm Los Angeles đang phải trải qua khoảng 7 ngày nắng nóng cực độ mỗi năm. Tuy nhiên, con số đó có thể tăng lên 22 vào năm 2050 và hơn 50 ngày vào cuối thế kỷ. Và đương nhiên là nhiệt độ không cần đạt đến mức 35 độ mới trở thành gánh nặng cho những khu vực nghèo thiếu bóng râm của thành phố.

Cũng như ông Hawthorne, cô Rachel Malarich, cán bộ lâm nghiệp đầu tiên của Los Angeles mà ông Garcetti đã tuyển dụng hồi đầu năm, đang cố gắng mang lại bóng mát cho những cộng đồng ít được sự quan tâm của thành phố, đặc biệt là ở Nam Los Angeles và Đông Los Angeles.

Cô Rachel Malarich. Ảnh: New York Times

“Những cộng đồng này nên có quyền hưởng cùng tài nguyên mà các cộng đồng khác có”, cô Malarich nói. “Tôi không muốn có một đám cây nhỏ. Chúng ta cần tìm không gian cho những cây lớn”.

Tuy nhiên, đối với một số cộng đồng đã từng bị thành phố bỏ quên, trồng cây mới là một việc khó khăn. Người dân phàn nàn rằng thành phố đã trồng cây và sau đó không cắt tỉa chúng khiến cây trở thành mối nguy hiểm trong khu phố.

Việc thiếu cây xanh ở một số khu vực nghèo hơn cũng có liên quan đến các chính sách trong quá khứ. Trong nhiều năm, thành phố giữ càng ít cây càng tốt ở một số khu vực vì các cảnh sát lo ngại rằng cây cối có thể là nơi cất giấu ma túy và súng.

Cô Malarich đã cho New York Times xem bản đồ bóng râm của thành phố trong một cuộc phỏng vấn. Các khu vực giàu có như Tây Los Angeles và khu phố Los Feliz có màu xanh đậm với độ che phủ của cây xanh đến 35%. Ngược lại, khu Nam Los Angeles có màu xanh rất nhạt, nghĩa là độ che phủ chỉ từ 10% đến 12%.

Tán cây rậm rạp trong khu phố Los Feliz giàu có ở Los Angeles. Ảnh: New York Times.

Cô Malarich cho biết cây cối cũng là một vấn đề sức khỏe cộng đồng. Cô chỉ ra các nghiên cứu cho thấy rằng cộng đồng có nhiều cây xanh thì tỷ lệ hen suyễn cũng thấp hơn. Bên cạnh đó, cây xanh cũng giảm các ca nhập viện trong các đợt nắng nóng và cải thiện sức khỏe tâm thần. “Mọi người nên có quyền hưởng những lợi ích đó”, cô nói.

Như Trần
Theo New York Times

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/toi-muon-tat-nang-di-o-los-angeles-bong-ram-cung-uu-ai-nguoi-giau-post1021222.html