Tới Mỹ đi chợ Việt Nam

Những ngày trên đất Mỹ - nơi cách xa nửa vòng trái đất - chúng tôi càng trân trọng và tự hào hơn về tinh thần yêu nước của người Việt Nam. Nơi đất khách, quê người, bản sắc văn hóa Việt vẫn được tôn vinh, gìn giữ… Tất cả những yếu tố đó dường như được tập trung, vun đắp và thể hiện rõ nét tại các khu chợ Việt.

Bang của người Việt

Chúng tôi dừng chân tại San Diego - một trong hai thành phố lớn của tiểu bang đông dân nhất Hoa Kỳ (bang California với trên 36 triệu người). San Diego là một trong những nơi có khí hậu đẹp nhất, vừa có biển, vừa có núi, không khí mát lạnh quanh năm. Bang California, đặc biệt là tại quận Cam (Orange) tập trung nhiều người Việt. Vì vậy, không khó nhận thấy bản sắc văn hóa Việt nơi đây. Thậm chí, người Việt đã mua lại gần hết các chợ trong vùng. Các hệ thống chợ như Vons, Ralph... dần dần phải di chuyển khỏi khu vực này do không có khách.

Từ thành phố San Diego đến quận Cam mất khoảng 2 giờ đồng hồ chạy xe trên đường cao tốc. Bắt đầu vào khu trung tâm, cảnh quan hai bên đường đã cho chúng tôi cảm xúc vô cùng đặc biệt, vừa hiện đại lại rất quen thuộc. Quen thuộc bởi nhiều biển hiệu không chỉ mang tên Việt Nam mà còn được viết bằng chữ quốc ngữ, từ hàng phở, hàng bún, hủ tiếu, đến cửa hàng chuyển tiền, phòng khám nha khoa, văn phòng luật sư hay cửa hiệu làm nail… “Một Việt Nam thu nhỏ, một Sài Gòn trên đất Mỹ”, anh bạn đi cùng tôi thốt lên.

Bà Vicky Uyen, người Nha Trang, sống tại San Diego - bộc bạch: “Rời Việt Nam gần 25 năm trước, ban đầu tôi nghĩ, làm sao mình sống được ở Mỹ? Nhớ Nha Trang nhiều lắm… Vậy mà, đến giờ, tôi vẫn chưa một lần về Việt Nam. Thực tế, tôi không chỉ may mắn có nhiều người thân xung quanh, mà còn may mắn được sống ở nơi có cộng đồng người Việt Nam, làm vơi đi nỗi nhớ quê nhà”.

Thật tình cờ cùng người nhà đưa cháu đi học, tôi được tham quan trường Đại học California tại Irvine - nơi sinh thành của cố Tổng thống Richard Nixon. Cả một ngọn đồi lớn là trường học và ký túc xá; riêng nhà xe có 4 tầng, mỗi tầng rộng trên 1.000m2...

Ông Tommy Nguyen - Sĩ quan quân đội Mỹ - cho biết: Cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ ngày càng phát triển, sống tập trung ở một số vùng Nam California như: Los Angeles, quận Cam và San Diego. Từ năm 2014 đến nay, Thị trưởng của nhiều thành phố ở quận Cam là người gốc Việt như: Tạ Đức Trí - Thị trưởng của thành phố Westminster, Michael Võ - Thị trưởng thành phố Fountain Valley, Bảo Nguyễn - Thị trưởng thành phố Garden Grove… Nhiều người Mỹ ở đây đã ngưỡng mộ văn hóa Việt và sống hòa nhập vào cộng đồng người Việt.

Chợ Việt ở Mỹ - Đậm đà bản sắc dân tộc

Chúng tôi đến nhiều chợ Việt Nam tại bang California, từ chợ tại thành phố San Diego đến Little Sài Gòn. Bản sắc văn hóa Việt, hàng hóa Việt, người Việt được thể hiện rõ nét. Có khác chăng chỉ là cách giao tiếp, bán hàng rất văn minh, lịch sự và sạch sẽ.

Người Việt đi chợ, vừa mua bán, vừa trao đổi thông tin về Việt Nam

Các khu chợ Việt Nam ngoài hoạt động mua bán thông thường, còn râm ran những câu chào, trao đổi về thông tin bằng tiếng Việt, từ tình hình kinh tế đến văn hóa – xã hội…

Riêng quận Cam đã có hơn 20 chợ Việt. Chợ được tạo thành một hệ thống như: Viễn Đông Supermarket, 99 Supermarket… Nhiều chợ do người Việt bỏ vốn làm chủ và tất cả nhân viên trong chợ đều là người Việt Nam.

Khu chợ ấn tượng nhất phải kể đến là chợ Phước Lộc Thọ – thể hiện rất rõ không gian văn hóa tâm linh đến ẩm thực. Ngay khu mặt tiền là ba tượng Phước - Lộc - Thọ rất lớn. Bước vào cửa chính là điện thờ Quan Công. Lối dẫn vào điện thờ được kết đèn lồng truyền thống như phố cổ Hội An…

Chợ trời thuộc khu Little Saigon lại mang đến cho người xa xứ cảm giác như đang đi chợ Bến Thành hay chợ trời Nha Trang... Được biết, khu chợ hình thành ngay khi người Việt đến Mỹ định cư, cung cấp đầy đủ các mặt hàng cần thiết cho người Việt Nam sinh sống ở đây.

Khu chợ ABC trong Little Saigon tuy nhỏ hơn chợ Phước Lộc Thọ, nhưng lúc nào cũng tấp nập người mua bán, không chỉ vì hàng hóa đa chủng loại, gần gũi với người Việt, mà còn là nơi hội tụ ẩm thực 3 miền Bắc - Trung - Nam như: Phở, bánh cuốn Bắc, các loại bánh Huế, chè Hiển Khánh, nem Nha Trang, bún cá Nha Trang, phở, hủ tiếu Sài Gòn… Mừng hơn, tại các gian hàng thực phẩm, chúng tôi vẫn bắt gặp những mặt hàng “Made in Viet Nam” như: Nước mắm, mì gói, cháo, phở ăn liền, các loại gia vị, cà phê… Đặc biệt, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nước mắm của người Việt, đầu năm 2016, người Việt Nam ở Mỹ đã sản xuất nước mắm thương hiệu “Number One”…

Dù đang ở Mỹ, nhưng đến đâu, chúng tôi cũng được gặp người Việt, nghe, nhìn thấy tiếng Việt và dễ dàng nhìn thấy những hàng hóa cũng như các món ăn đặc sản của người Việt Nam.

Quỳnh Mỹ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/toi-my-di-cho-viet-nam-81661.html