Tới năm 2020 phấn đấu 100% hộ dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa được sử dụng điện lưới quốc gia

Đây là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Hội nghị toàn quốc xây dựng nông thôn mới (NTM) tại các thôn, bản khó khăn gắn với giảm nghèo bền vững do Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tổ chức sáng ngày 27/7 tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.

Tới năm 2020 phấn đấu 100% hộ dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa được sử dụng điện lưới quốc gia

Vẫn còn 1.922 xã đạt dưới 10 tiêu chí

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia, sau hơn 8 năm tích cực triển khai thực hiện Chương trình NTM, đến nay cả nước đã có 3.370 xã đạt chuẩn NTM (chiếm khoảng 37,76% số xã), bình quân cả nước đạt 14,26 tiêu chí/xã; 53 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM.

Tuy nhiên, kết quả đạt chuẩn NTM vẫn còn thấp, còn 46 tỉnh với tổng số 2.139 xã đặc biệt khó khăn, trong đó có nhiều tỉnh có trên 100 xã đặc biệt khó khăn, có 103 xã đạt dưới 05 tiêu chí. Cả nước vẫn còn 1.922 xã đạt dưới 10 tiêu chí. Các tiêu chí thiết yếu phản ánh chất lượng cuộc sống của người dân và điều kiện hạ tầng, y tế, văn hóa, giáo dục chưa đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, điều kiện, chất lượng cuộc sống của người dân có nhiều khó khăn, sinh kế thiếu bền vững, dễ bị tổn thương trước những tác động của môi trường; và hầu hết những xã này đều nằm ở những địa phương có xuất phát điểm thấp, khu vực biên giới, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, đây là những vị trí hết sức quan trọng về AN-QP của quốc gia, là “phên, giậu” ở biên cươg của đất nước.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, mặc dù trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đối với các địa phương gặp nhiều khó khăn và đã ban hành nhiều cơ chế chính sách, tập trung nhiều nguồn lực hỗ trợ, nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tế, cũng như cải thiện điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân ở các thôn, bản, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Mặt khác, mặc dù được ngân sách Trung ương ưu tiên bố trí nhưng đầu tư trong xây dựng NTM tại các xã vùng sâu, vùng xa vẫn còn nặng tính phân bổ bình quân, dàn đều, hầu hết tập trung vào các công trình cấp xã nhưng do thiếu vốn nên các công trình đầu tư manh mún, thiếu hiệu quả. Nhiều công trình dở dang nên không thể đưa vào sử dụng và phục vụ nhu cầu của người dân. Nhiều thôn, bản khó khăn, hẻo lánh vùng xa, vùng cao hầu như chưa được hưởng lợi từ chương trình xây dựng NTM.

Chính vì vậy, thu nhập của người dân còn rất thấp (nhiều xã đạt bình quân 7-8 triệu đồng/người/năm, chỉ bằng 1/4 bình quân cả nước), thiếu mô hình sản xuất bền vững, chưa phát huy được nội lực và điều kiện đặc thù tại chỗ, thiếu tính kết nối thành các vùng nguyên liệu sản xuất theo chuỗi.

Phấn đấu cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí

Tại Hội nghị, các địa phương cũng đã chia sẻ cách thức tiếp cận mới, sáng tạo về xây dựng NTM tại các thôn, bản, ấp trong bối cảnh nguồn lực đầu tư còn hạn chế mà địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa trải rộng, lại có địa hình chia cắt, phức tạp. Theo đó, thay vì tập trung đầu tư để hình thành các xã NTM ở vùng cao, các địa phương trên đã chuyển hướng đầu tư cho các thôn, bản, ấp đạt các tiêu chí cơ bản của NTM, trực tiếp tác động tới sinh hoạt, đời sống của từng hộ gia đình ở các bản, ấp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ giao Bộ NN&PTNT chủ trì, khẩn trương tổ chức làm việc với các tỉnh còn nhiều xã dưới 5 tiêu chí để kịp thời có biện pháp tháo gỡ, cũng như đề xuất giải pháp chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ và phấn đấu hoàn thành mục tiêu không còn xã dưới 5 tiêu chí xong trước tháng 6/2019.

Đại diện UBND tỉnh Thanh Hóa chia sẻ, sau 5 năm triển khai thực hiện, với cách tiếp cận sáng tạo và phù hợp, xây dựng NTM cấp thôn, bản đã tạo được nền tảng, sự lan tỏa sâu rộng và đạt được những kết quả nổi trội cả về số lượng và chất. Điều đáng ghi nhận là, thông qua thực hiện, tư duy sản xuất hàng hóa của người dân được thay đổi; thu nhập của người dân từng bước được nâng lên, so với khi triển khai tăng 2,5-3 lần, tỷ lệ hộ nghèo giảm tương ứng 4-5 lần, điển hình có những thôn không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người 45-50 triệu đồng/năm. Đến nay, toàn tỉnh đã có 1 huyện, 244 xã (42,6%) đạt chuẩn NTM; riêng khu vực miền núi của tỉnh đã có 38 xã và 392 thôn, bản đạt chuẩn NTM. Theo đà đó, Thanh Hóa đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, có 20% tương ứng với 450 thôn, bản miền núi, trên 60% số xã và 5 huyện đạt chuẩn NTM. Thanh Hóa cũng là tỉnh đầu tiên của cả nước ban hành bộ tiêu chí riêng của tỉnh về thôn, bản NTM.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ hoan nghênh các tỉnh như: Hà Giang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An,... xuất phát từ thực tiễn đã chủ động kịp thời ban hành và triển khai có hiệu quả chính sách xây dựng NTM, bố trí nguồn lực để hỗ trợ xây dựng NTM, đã ban hành bộ tiêu chí công nhận thôn, bản, ấp đạt chuẩn NTM, góp phần từng bước hỗ trợ hoàn thành các tiêu chí xã NTM. Bước đầu thu được những kết quả tích cực, được người dân đồng tình, ủng hộ, đây là một hướng đi đúng đắn, cách làm sáng tạo, vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách của Trung ương để áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT phối hợp với các Bộ, ngành địa phương xây dựng Đề án “Hỗ trợ thôn, bản, ấp thuộc các xã khó khăn khu vực biên giới, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng NTM gắn với giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018-2020”, tập trung cho các xã đang đạt dưới 10 tiêu chí trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong quý III/2018.Mục tiêu của Đề án là góp phần hoàn thành mục tiêu phấn đấu cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí và trực tiếp cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần cho người dân tại các thôn của các xã khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo vào năm 2020.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành Trung ương có liên quan chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với UBND các tỉnh nghiên cứu, có phương án lồng ghép nguồn lực của các chương trình, dự án triển khai trên cùng địa bàn để tập trung đầu tư cho các thôn, bản thực hiện các mục tiêu của Đề án. Cụ thể: Tập đoàn Điện lực (Bộ Công Thương) đẩy nhanh tiến độ “phủ sáng” các xã, thôn, bản, phấn đấu đến năm 2020 đạt mục tiêu 100% hộ dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa được sử dụng điện lưới quốc gia; Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện để người dân vùng khó khăn được vay vốn để sản xuất, kinh doanh góp phần tạo sinh kế và nâng cao thu nhập…

Phó Thủ tướng lưu ý, đối với các tỉnh không thuộc phạm vi Đề án đề nghị chủ động vận dụng các nội dung và cơ chế, chính sách của Đề án để áp dụng hỗ trợ các thôn, bản thuộc các xã dưới 10 tiêu chí phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, làm cơ sở để triển khai và nhân rộng.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết thêm, mục tiêu của Đề án là góp phần hoàn thành mục tiêu phấn đấu cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí. Các thôn, bản, ấp đạt được các mục tiêu: Có mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả gắn với liên kết vùng nguyên liệu hoặc mô hình phát triển làng văn hóa du lịch cộng đồng, mô hình mỗi làng một sản phẩm; phấn đấu 50% thôn, bản ấp trong phạm vi Đề án được công nhận hoàn thành tiêu chí NTM cấp thôn, bản do UBND nhân dân cấp tỉnh ban hành...

Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/toi-nam-2020-phan-dau-100-ho-dan-nong-thon-vung-sau-vung-xa-duoc-su-dung-dien-luoi-quoc-gia-106545.html