'Tôi năm lần bảy lượt thuyết phục gia đình để Nam tiến'

Không thể thay đổi quan điểm của người thân về chuyện Nam tiến, tôi quyết định giấu kín dự định chuyển vào TP.HCM làm việc với cả nhà.

"Chúc mừng cô cả! Thế là mẹ yên tâm rồi, chỉ sợ cô lông bông thôi".

Tôi nhận được tin nhắn từ mẹ ngay khi báo tin mình đã vượt qua vòng phỏng vấn, chính thức thử việc cho vị trí nhân viên chính thức sau một năm cộng tác với công ty. Ít lâu sau, hàng loạt cuộc điện thoại, tin nhắn chúc mừng từ người thân, bạn bè cũng dồn dập ập đến.

Trước những lời động viên ấy, tôi vừa vui sướng khi nỗ lực được đền đáp, vừa thấy lo lắng vì đang giấu giếm một bí mật lớn: Tôi phải chuyển vào TP.HCM làm việc nếu nhận vị trí này.

Ở tuổi 22, tôi quyết định Nam tiến nhưng giữ bí mật với gia đình. Ảnh: Getty.

Thực ra, tôi luôn ấp ủ mong muốn được bắt đầu cuộc sống mới ở một thành phố lạ, gây dựng sự nghiệp riêng và không phụ thuộc vào gia đình. Kể từ năm cuối đại học, tôi đã ôm giấc mơ Nam tiến và nỗ lực để có cơ hội này.

Thế nhưng, hễ tỏ ý chuyển ra ngoài sống tự lập, tôi lập tức bị gia đình gạt bỏ, quở trách. "Hà Nội đâu thiếu việc làm mà con phải tới nơi khác lập nghiệp? Con gái thủ đô chưa chồng con, ra ngoài sống thì còn ra thể thống gì?".

Vì vậy, tôi quyết định giấu gia đình chuyện xin việc trong TP.HCM và nói với cả nhà mình sẽ vào miền Nam 2 tháng thử việc. Tôi tin khoảng thời gian này đủ để người thân quen với việc vắng bóng con gái, vừa cho tôi cơ hội thử sức.

2 tháng thử thách

Tháng 3/2021, tôi lần thứ 2 đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Lần đầu tiên là vào tháng 1, khi tôi tới TP.HCM cho chuyến du lịch dài ngày. Lần này, tôi chọn gắn bó với thành phố này với tư cách cư dân, không còn là du khách như trước.

Hoàng Lê, cô bạn đại học, là người đón tôi từ sân bay về nơi ở mới ở quận Bình Thạnh. Vài năm trước, Lê vào nam học tập và quyết định ở lại lâu dài vì tình yêu với nơi này.

Hơn thế, cô cũng là người thứ 3 nghe tôi chia sẻ về ý định vào TP.HCM làm việc và chủ động đề nghị ở chung trong khoảng thời gian "2 tháng thử thách" sắp tới.

Tôi lập tức đồng ý dọn vào sống chung cùng bạn học cũ vì muốn có người bầu bạn cho bớt cô đơn, đồng thời dễ dàng làm quen với thành phố này hơn.

Cuộc sống ở TP.HCM không xô bồ, nhộn nhạo như lời đồn mà luôn nhộn nhịp, tràn đầy sức sống. Ảnh: Phạm Ngôn.

Việc đầu tiên hai đứa phải làm khi trở thành bạn cùng nhà là dọn dẹp phòng ốc, sắm sửa đồ đạc cần thiết. Sau đó, Lê chở tôi đi một vòng qua các quận trung tâm để trải nghiệm lối sống tấp nập, náo nức ở TP.HCM.

Khác với tiết trời "ẩm ương" của Hà Nội, nơi này chỉ có hai trạng thái: nắng gắt hoặc mưa lớn. Chúng tôi rong ruổi trên những cung đường rộng lớn rồi lách vào các hẻm nhỏ, từ quận 1 qua quận 10 để khám phá những món ăn vặt nức tiếng Sài thành.

Trong ấn tượng của tôi, nơi đây chẳng hề xô bồ, nhộn nhạo như lời đồn mà luôn nhộn nhịp, đầy sức sống.

"Sài Gòn không tệ chút nào ha?", Lê quay sang nói với tôi khi hai đứa ngồi cà phê gần Nhà thờ Đức Bà. Và tôi hoàn toàn đồng ý với điều đó.

Sống tự lập không dễ

Thế nhưng, sống tự lập chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Vài tuần sau khi sống ở TP.HCM, những khó khăn dần xuất hiện, khiến tôi nhận ra bản thân quá nhỏ bé so với thành phố này.

Dù mới chuyển vào miền nam, công việc không cho phép tôi có thêm thời gian làm quen với môi trường mới mà phải lập tức vào guồng làm việc.

Từ 7h tới 17h, thậm chí có những ca trực khuya, tôi thường xuyên gắn chặt lấy chiếc laptop. Cuộc sống của tôi nay là những cung đường từ nhà tới công ty, từ công ty về nhà, đôi khi bẻ lái tới quán cà phê quen thuộc.

Cuộc sống của tôi nay là những cung đường từ nhà tới công ty, từ công ty về nhà. Ảnh: Wired.

Bên cạnh đó, thay vì có người thân san sẻ như trước, nay tôi phải một mình quán xuyến mọi việc. Chuyện nấu cơm, rửa bát, quét nhà nay trở nên khó khăn hơn do phải cân đối thời gian đi làm.

Với một người chưa từng sống tự lập như tôi, chuyện nhỏ cũng có thể trở thành chuyện lớn khi chập chững học cách tự tổ chức cuộc sống.

Đôi lúc, áp lực công việc và những vấn đề phát sinh ở nhà khiến tôi cảm thấy chán nản, mệt mỏi. Dù vậy, tôi chẳng thể chia sẻ cùng ai do chỉ có duy nhất một người bạn ở TP.HCM, càng không dám hé lời than khổ với bố mẹ vì sợ làm họ lo lắng.

Cuối tháng 4 vừa qua, bác gái quyết định sẽ tranh thủ tới thăm tôi nhân chuyến công tác. Gặp lại người thân sau một tháng, tôi nửa vui mừng, nửa lo âu không biết người nhà sẽ phản ứng thế nào khi nghe dự định ở lại Sài thành của tôi.

"Với mức lương hiện tại của con, ở lại TP.HCM có đáng hay không? Gia đình, bạn bè con đều ở Hà Nội, con có chắc sống một mình ở đây được không?", bác gái khuyên nhủ.

Quyết định

Thời hạn 2 tháng thử việc sắp kết thúc, tôi cũng sắp phải nói thật với người nhà về ý định ở lại đây sinh sống và làm việc.

Cuối cùng, tôi vẫn kiên định ở lại TP.HCM với mong muốn bắt đầu cuộc sống mới cho riêng mình. Ảnh: Phạm Ngôn.

Dù gặp nhiều trắc trở, tôi chưa bao giờ muốn quay về Hà Nội, tiếp tục sống dựa vào gia đình như trước.

Ở tuổi 22, tôi đang có cơ hội phát triển sự nghiệp và bản thân, kiếm được đủ tiền để nuôi sống chính mình. Tôi cũng dần thích nghi với cuộc sống tấp nập, hối hả ở TP.HCM và làm quen với nhiều người bạn mới.

Những lý do trên càng khiến tôi tin tưởng vào quyết định Nam tiến của mình. Chuyến đi này không chỉ có ý nghĩa về mặt công việc, mà còn giúp tôi nhận ra nhiều hơn về giá trị của bản thân.

Ngày 4/5, tôi xin nghỉ phép một tuần, đặt vé về Hà Nội để nói chuyện với gia đình.

Tuy nhiên, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ý định về nhà buộc phải hủy bỏ.

Sau khi chọn hủy vé máy bay, tôi bèn nhắn tin cho mẹ, úp mở về việc ở lại thành phố này ít lâu nữa.

Dường như, mẹ cũng hiểu được điều tôi muốn nói.

"Dịch bệnh căng thẳng, con đừng về vội. Khi nào về, mẹ con mình nói chuyện nghiêm túc sau. Giữ sức khỏe, mẹ tin con".

Trang Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/toi-nam-lan-bay-luot-thuyet-phuc-gia-dinh-de-nam-tien-post1214390.html