Tội phạm đốn lậu gỗ quý hiếm ở Đài Loan

Mỗi năm, hàng trăm đối tượng đốn lậu gỗ – được gọi là 'shan laoshu' hay 'những con chuột núi' – bị bắt giữ khi chúng lén lút khai thác các loại gỗ quý của Đài Loan như gỗ bách hương Hinoki và tuyết tùng.

Do chất gỗ cứng và có mùi thơm đồng thời chống được côn trùng xâm hại cho nên những loại cây gỗ quý này được các nhà sưu tập tìm mua. Nhiều loại gỗ khai thác lậu ở vùng núi Đài Loan được bán cho những cửa hiệu phục vụ thị trường nghệ thuật điêu khắc gỗ. Để qua mặt cơ quan chức năng, bọn tội phạm thường trộn lẫn gỗ khai thác hợp pháp với gỗ lậu.

Các sản phẩm gỗ điêu khắc trong một cửa hiệu ở Sanyi.

Khoảng 60% diện tích đất ở Đài Loan được bao phủ bởi những cánh rừng với nhiều loài cây gỗ quý hiếm và lâu đời nhất thế giới cho nên chúng được luật pháp bảo vệ nghiêm ngặt. Đó cũng là căn nguyên dẫn đến nhiều vụ đấu súng như trong phim ảnh giữa cảnh sát và tội phạm khai thác lậu gỗ quý.

Cảnh sát Đài Loan thực hiện 244 vụ bắt giữ tội phạm khai thác lậu gỗ quý năm 2016 và 239 vụ năm 2017, chủ yếu tại các thành phố như Nantou (Nam Đầu), Chiayi (Gia Nghĩa) Hsinchu (Tân Trúc) và Miaoli (Miêu Lật).

Theo Frank Lin, Tổng giám đốc Cục Lâm nghiệp Đài Loan, con số những vụ bắt giữ có chiều hướng giảm dần trong thập niên qua nhờ hành động quyết liệt của cảnh sát cũng như hệ thống giám sát được tăng cường.

Tội phạm đốn gỗ lậu thường xẻ nhỏ thân cây để dễ vận chuyển ra khỏi rừng. Sau đó, cây gỗ quý được bán cho hàng trăm cửa hiệu nằm dọc trên những con phố ở Sanyi (Tam Nghĩa) thành phố Miaoli – địa phương nổi tiếng với truyền thống điêu khắc gỗ (gọi là “mudiao”) và cho ra đời hàng loạt sản phẩm có những đường nét chạm cực kỳ tinh xảo phục vụ nhu cầu sưu tập của du khách.

Gỗ nguyên liệu để chạm khắc ở Sanyi.

Điều đáng lo ngại là các nghệ sĩ và chủ cửa hàng công khai thừa nhận họ sử dụng nguồn gỗ do bọn tội phạm khai thác trái phép cung cấp. Các mẫu sản phẩm điêu khắc gỗ thường tạo hình Phật hay quả táo gỗ gọi là “guimu pingguo” được cho là đem lại may mắn cho người sở hữu! Mặc dù biết rõ hành vi tiêu thụ gỗ khai thác lậu là vi phạm pháp luật, song các chủ cửa hàng vẫn công khai quảng cáo sản phẩm.

Willy Lee, chủ một cửa hiệu sản phẫm gỗ nghệ thuật ở Sanyi phục vụ du khách trong hơn 20 năm, giải thích: “Cảnh sát khó mà biết được cửa hiệu nào sử dụng gỗ khai thác lậu mà chỉ tập trung xử lý bọn tội phạm”.

Ngoài việc tăng cường hợp tác với cảnh sát đặc nhiệm và các cơ quan điều tra cũng như quản lý nhập cư, Cục Lâm nghiệp Đài Loan đang nghiên cứu phát triển hệ thống xét nghiệm ADN để phát hiện nhanh gỗ khai thác lậu. Hệ thống được thiết kế nhằm mục đích sử dụng làm bằng chứng có sức thuyết phục mạnh trong những vụ án liên quan đến tội phạm đốn lậu cây gỗ quý hiếm.

Cục Lâm nghiệp Đài Loan cũng hy vọng chính quyền thi hành một số cải cách để khen thưởng cho những chủ cửa hiệu sản phẩm gỗ điêu khắc chỉ sử sụng nguồn nguyên liệu hợp pháp. Trên các con phố ở Sanyi, những cuộc giao dịch chỉ thực hiện hoàn toàn với tiền mặt và gỗ chỉ được đánh giá về chất lượng hơn là nguồn gốc hợp pháp hay bất hợp pháp.

Willy Lee cho biết các chủ cửa hiệu gỗ điêu khắc cũng không đòi hỏi người bán cung cấp giấy phép để chứng minh cây gỗ không xuất xứ từ bọn tội phạm đốn lậu gỗ quý.

Sanyi nổi tiếng với nghề điêu khắc gỗ truyền thống.

Li Genzheng, chuyên gia ưu tú của Đảng Xanh (Green Party) và lãnh đạo tổ chức phi chính phủ (NGO) bảo vệ môi trường Citizens of the Eearth Taiwan (CET), bình luận: “Chính quyền cần thiết lập hệ thống kiểm soát nguồn gốc xuất xứ mọi sản phẩm lưu thông trên thị trường”.

Tuy nhiên, Yang Hong-chi, Phó tổng giám đốc Cục Lâm nghiệp Đài Loan, lập luận: “Tôi cho rằng người dân Đài Loan hiểu biết nhiều về các vấn đề liên quan đến rừng. Đài Loan là quốc gia phát triển cho nên người dân luôn có sự lựa chọn khôn ngoan”. Trong khi đó, nhiều chính khách và doanh nhân ở Đài Loan thường bị buộc tội dính líu đến lĩnh vực khai thác và kinh doanh gỗ.

Năm 2017, Cục Lâm nghiệp Đài Loan hợp tác với Cục Điều tra tội phạm nước này để tiến hành các chiến dịch truy quét tội phạm đốn lậu gỗ quý hiếm. Trong cùng năm, cảnh sát phát hiện một công ty công nghệ sinh học ở thị trấn Oingtung (Bình Đông) miền cực nam Đài Loan sản xuất thảo dược từ cây băng phiến khai thác lậu.

Một chiến dịch ở Taichung (Đài Trung) dẫn đến 5 vụ bắt giữ số gỗ lậu trị giá đến 100 triệu Tân Đài tệ (khoảng 3,28 triệu USD). Loại cây gỗ bách Hinoki, tuyết tùng hương và băng phiến nằm trong danh sách các loài bị đe dọa của Liên hiệp Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đặt trụ sở tại thành phố Gland (Thụy Sĩ).

Diên San (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/toi-pham-don-lau-go-quy-hiem-o-dai-loan-503768/