Tội phạm ma túy diễn biến phức tạp ở địa bàn miền Nam - Tây Nguyên

Thời gian gần đây, tình hình tội phạm ma túy ở khu vực các tỉnh, thành phố miền Nam và Tây Nguyên đang diễn biến rất phức tạp. Chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng chức năng như Công an, BĐBP đã đấu tranh thành công nhiều chuyên án, vụ án, thu giữ số lượng ma túy lớn. Đáng chú ý, tội phạm ma túy ở những địa bàn nói trên có sự tham gia của nhiều đối tượng người nước ngoài, tổ chức hoạt động rất tinh vi, phức tạp.

2 đối tượng cầm đầu bị lực lượng phối hợp của Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Nam, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP và các cơ quan chức năng bắt giữ trong Chuyên án 719K. Ảnh: Phương Vy

2 đối tượng cầm đầu bị lực lượng phối hợp của Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Nam, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP và các cơ quan chức năng bắt giữ trong Chuyên án 719K. Ảnh: Phương Vy

Mở xưởng để... sản xuất ma túy

Ngày 10-9, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (C04) phối hợp với các cơ quan chức năng đã phát hiện tại huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum một công xưởng sản xuất ma túy, thu giữ trên 13 tấn tiền chất và khoảng 20 tấn máy móc, thiết bị, dụng cụ, phục vụ sản xuất trái phép chất ma túy. Một nhóm người mang quốc tịch Trung Quốc được xác định điều hành hoạt động sản xuất số lượng ma túy nói trên.

Mở rộng vụ án, lực lượng Công an tiến hành khám xét một số kho bãi liên quan tại địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Thuận, Bình Định, thu giữ 286 thùng phuy nhựa chứa hóa chất, 400 bao bột (trọng lượng mỗi bao 200kg) cùng nhiều vật dụng, công cụ chế biến ma túy.

Trung tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng C04 cho biết, đây là đường dây sản xuất ma túy xuyên quốc gia có quy mô lớn nhất từ trước đến nay bị phát hiện tại Việt Nam. Khi đường dây này bị triệt phá, Công an Trung Quốc cũng đồng thời phá án, bắt giữ 22 đối tượng có liên quan. Ngày 27-9-2019, Bộ Công an cho biết, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can 8 đối tượng. Phía Công an Trung Quốc cũng đã khởi tố bị can 18 đối tượng.

Trên tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia, các đơn vị BĐBP đã bắt giữ 60 đối tượng trong 32 vụ, thu giữ gần 150kg ma túy các loại. Quá trình thực hiện nhiệm vụ cho thấy, tình hình tội phạm vận chuyển, buôn bán, sử dụng ma túy ở khu vực phía Nam, Tây Nguyên tiếp tục diễn biến phức tạp. Phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này tinh vi hơn, quy mô hoạt động lớn hơn và tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.

Đáng lưu ý, thời gian gần đây, gia tăng tình trạng các đối tượng người nước ngoài (chủ yếu là người Trung Quốc) nhập cảnh vào Việt Nam, lợi dụng kẽ hở để sản xuất, mua bán, vận chuyển ma túy. Theo Trung tướng Phạm Văn Các, để sản xuất ma túy, nhóm người Trung Quốc vận chuyển thiết bị, máy móc, tiền chất, một số tiền chất cơ bản từ Trung Quốc sang và chỉ một phần nhỏ là phải mua ở Việt Nam. Chúng hoạt động rất tinh vi, thường thuê nhà xưởng lớn với giá cao và ngụy trang bằng việc sản xuất thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột.

Chặn đứng từ cửa ngõ biên giới

Trưa 11-9, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, lực lượng BĐBP Bình Phước và Hải quan cửa khẩu quốc tế Hoa Lư đã phát hiện, thu giữ 16kg ma túy. Qua đấu tranh, tài xế Cao Phước Minh, sinh năm 1979, tại Vĩnh Long khai nhận, số ma túy trên là do một đối tượng gửi về Việt Nam. Cũng trong ngày 11-9, Công an thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các cơ quan chức năng triệt phá đường dây ma túy xuyên quốc gia (từ Campuchia về thành phố Hồ Chí Minh), bắt giữ 7 đối tượng, thu giữ 2 khẩu súng, 21 viên đạn và 35kg ma túy các loại. Theo Công an thành phố Hồ Chí Minh, đây là đường dây chuyên lấy ma túy từ Campuchia về tiêu thụ tại các quán bar, vũ trường và các quận trên địa bàn. Cả 7 đối tượng bị bắt trong đường dây tội phạm này đều nghiện ma túy, một số đối tượng có tiền án, tiền sự.

Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng C04 cho biết, trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, trong 3 tháng cao điểm (từ tháng 6 đến tháng 9-2019), lực lượng Công an, BĐBP, Hải quan đã phối hợp bắt giữ gần 600 vụ, thu giữ 48 bánh, gần 40kg heroin, 112,74 kg và 24.239 viên ma túy tổng hợp, 13 tấn tiền chất... cùng một số đồ vật và tài sản liên quan.

Theo đánh giá của Bộ Công an Việt Nam và Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy Liên hợp quốc (UNODC), 80% số lượng ma túy vào Việt Nam là để chuyển đi nước thứ 3. Tính đến tháng 9-2019, Việt Nam đã đấu tranh, phát hiện hơn 13.000 vụ, hơn 20.000 đối tượng, thu giữ 5 tấn và hơn 500.000 viên ma túy tổng hợp, hơn 750kg heroin, 571kg cần sa khô... Trong đó, các đơn vị BĐBP chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý trên 500 vụ án ma túy với gần 800 đối tượng, thu 2.250kg ma túy các loại.

Theo báo cáo của Công an thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2018 đến nay, nổi lên là việc nhiều nhóm người Đài Loan cấu kết với các đối tượng trong nước tổ chức vận chuyển ma túy với khối lượng rất lớn từ khu vực “Tam giác vàng” qua Lào, Campuchia vào Việt Nam. Ma túy thường được tập kết tại các tỉnh giáp ranh như Bình Dương, Đồng Nai, Long An... Sau đó, bọn tội phạm sẽ tìm mọi cách chuyển về các quận, huyện ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh rồi dùng các công ty bình phong xuất đi nước thứ 3 là Philippines, Đài Loan (Trung Quốc) thông qua các cảng biển.

Từ năm 2018 đến nay, tại thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng đã phát hiện 5 vụ tàng trữ, vận chuyển ma túy số lượng lớn, thu hơn 2,1 tấn ma túy tổng hợp và hơn 300kg heroin, trong đó chủ yếu là các đối tượng người Đài Loan. Đặc biệt, trong 9 tháng qua, Công an thành phố Hồ Chí Minh đã thu giữ 1,43 tấn ma túy các loại, tăng đến 62% so với năm 2018.

Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, Phó Tư lệnh BĐBP đánh giá, tình trạng mua bán, vận chuyển, sử dụng ma túy ở các tỉnh phía Nam và trên tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia có xu hướng gia tăng. Các đối tượng ở trong nước tìm cách móc nối với các đối tượng người nước ngoài hình thành các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy xuyên quốc gia.

Trước tình hình tội phạm ma túy sẽ tiếp tục diễn biến “nóng” tại các địa bàn biên giới phía Nam, Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương cho biết, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị phải đẩy mạnh công tác quản lý địa bàn, quản lý đối tượng; tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp với các cơ quan chức năng, như Công an, Hải quan... trong phòng, chống tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy qua biên giới tại các địa phương khu vực phía Nam.

Đăng Bảy

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/toi-pham-ma-tuy-dien-bien-phuc-tap-o-dia-ban-mien-nam-tay-nguyen/