Tội phạm mua bán người gia tăng

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Mai Thị Phương Hoa cho biết đã xuất hiện tình trạng mua bán thai nhi, mua bán nam giới để cưỡng bức lao động trên tàu cá

Ngày 8-5, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã chủ trì phiên giải trình về việc chấp hành pháp luật về phòng chống mua bán người.

Hơn 1.200 nạn nhân

Trình bày báo cáo tóm tắt ý kiến nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Tư pháp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa nêu báo cáo của Bộ Công an cho thấy cả nước phát hiện 440 vụ với 876 đối tượng vi phạm và 1.240 nạn nhân bị mua bán, nghi bị mua bán. Đáng lo ngại, mua bán người ở trong nước và mua bán nam giới có xu hướng tăng lên. Bên cạnh đó, đã xuất hiện tình trạng mua bán thai nhi, mua bán nam giới để cưỡng bức lao động trên tàu cá.

Đáng lo ngại hơn, ở một số nơi nổi lên tình trạng mua bán trẻ sơ sinh núp bóng tinh vi các tổ chức mang danh thiện nguyện tự phát. "Việt Nam không chỉ là nơi xuất phát tội phạm nguồn mà còn là địa bàn trung chuyển mua bán người từ một số nước trong khu vực đi nước thứ ba" - bà Hoa nói.

Thường trực Ủy ban Tư pháp đánh giá thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm mua bán người diễn ra phức tạp, ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng với tính chất, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, vô nhân đạo. Đồng thời, có sự câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng ở trong nước với nước ngoài, được thực hiện bởi các đối tượng chuyên nghiệp...

Thời gian qua xuất hiện nhiều đường dây phạm tội mua bán người với các thủ đoạn "việc nhẹ, lương cao", tổ chức cho nạn nhân vượt biên để ép buộc làm việc bất hợp pháp trên nước bạn, muốn về nước phải trả một khoản tiền chuộc lớn. Lợi dụng thủ tục đơn giản trong việc kết hôn với người nước ngoài, cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, du lịch, thăm thân nhân... để tổ chức cho nạn nhân ra nước ngoài, sau đó thu giữ giấy tờ, bán sang tay nhiều chủ để cưỡng bức lao động, cưỡng bức mại dâm... Ngoài ra, các đối tượng khác còn lợi dụng quy định về hiến - ghép tạng, tìm gặp các nạn nhân khó khăn về kinh tế có nhu cầu bán nội tạng, thương lượng mua với giá rẻ, làm giả giấy tờ, sau đó bán cho người bệnh với giá cao.

Cũng theo Ủy ban Tư pháp, cơ quan điều tra các cấp thuộc Bộ Công an đã tiến hành khởi tố 386 vụ/808 bị can. Cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng đã tiến hành khởi tố, sau đó chuyển sang cơ quan điều tra có thẩm quyền 54 vụ/68 đối tượng. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Tư pháp đánh giá số lượng các vụ phạm tội mua bán người được phát hiện, điều tra, xử lý còn ít so với thực tế.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về việc chấp hành pháp luật về phòng chống mua bán người Ảnh: Phạm Thắng

Còn nhiều khoảng trống pháp luật

Cho ý kiến tại phiên giải trình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy đặt câu hỏi về nguy cơ mua bán người qua việc kết hôn với người nước ngoài, cho con nuôi, đưa lao động đi nước ngoài...

Giải đáp chất vấn này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết có tiềm ẩn vấn đề mua bán người thông qua đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. "Vì vậy, bộ đang rà soát và sắp tới doanh nghiệp nào không đủ tiêu chí, điều kiện thì cương quyết rút giấy phép" - ông Dũng khẳng định.

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Dương Khắc Mai đánh giá một số tỉnh, thành chưa thật sự chú trọng phòng chống mua bán người trong nước. "Pháp luật hiện còn khá dễ dãi với việc kết hôn có yếu tố nước ngoài cũng như nuôi con nuôi và kiểm soát vấn đề này chưa chặt chẽ" - ông Mai nhận xét.

Trước ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi cho biết việc kết hôn có yếu tố nước ngoài luôn có nguy cơ tiềm ẩn mua bán người. "Quyền kết hôn là quyền dân sự, được Hiến pháp, pháp luật công nhận. Do vậy, cần nâng cao quản lý quan hệ hôn nhân, gia đình có yếu tố nước ngoài..." - ông Khôi nói.

Đối với vấn đề nuôi con nuôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định các quy định về nuôi con nuôi đã có đầy đủ, vấn đề là thực thi pháp luật.

Có biện pháp chống lừa đảo trên mạng

Tham gia giải trình, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết trong các vụ án liên quan mua bán người vừa qua có 744 nạn nhân là nữ, 275 nạn nhân nam, 841 nạn nhân trên 16 tuổi và 178 nạn nhân dưới 16 tuổi. Trong đó, có 19 vụ liên quan bóc lột tình dục, 132 vụ cưỡng bức lao động, 4 vụ lấy bộ phận cơ thể nạn nhân, 239 vụ vì mục đích vô nhân đạo khác.

Theo ông Nguyễn Duy Ngọc, loại tội phạm mua bán người chủ yếu lợi dụng công nghệ để thực hiện hành vi phạm tội. Để có thêm biện pháp ngăn chặn, bộ sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tiến hành xác thực tài khoản thanh toán. "Với các biện pháp trên sẽ hạn chế được vấn đề tội phạm lừa đảo, phạm tội trên không gian mạng, lợi dụng công nghệ cao dưới hình thức sim điện thoại hay thanh toán tài khoản, tiền" - Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.

Bảo Trân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/toi-pham-mua-ban-nguoi-gia-tang-20230508210003823.htm