Tội phạm về tham nhũng chức vụ tăng nhiều nhất

Báo cáo của VKSND Tối cao cho biết, trong năm 2022, tội phạm về tham nhũng chức vụ tăng nhiều nhất, đã khởi tố mới 405 vụ, tăng 110 vụ, chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý đất đai.

19 người bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng

Sáng 9/9, Ủy ban Tư pháp họp phiên toàn thể.

Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022, Chính phủ nhấn mạnh, năm 2022, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã sâu sát, quyết liệt, chỉ đạo toàn diện.

Chính phủ cho biết, trong kỳ đã có hơn 542 nghìn người thực hiện kê khai tài sản, thu nhập. Đến nay đã có 7.662 người được xác minh tài sản, thu nhập, qua xác minh có 74 người kê khai chưa đúng quy định, đã chấn chỉnh, kiểm điểm theo đúng quy định.

Về xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, năm 2022 có 19 người bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó xử lý hình sự 10 người, cách chức 1 người, cảnh cáo 5 người và khiển trách 3 người.

Chính phủ cũng cho biết, các cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã thụ lý điều tra 637 vụ án, 1.366 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó khởi tố mới 389 vụ, 847 bị can (tăng 107 vụ, 311 bị can so với cùng kỳ).

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng có mặt còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu.

Các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực có tính chất phức tạp, nhiều vụ rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; đối tượng phạm tội tham nhũng thường là người có chức vụ quyền hạn nên có kiến thức, kinh nghiệm, mối quan hệ rộng; tội phạm thường xảy ra trước đó đã lâu, qua nhiều lần kiểm tra, thanh tra mới phát hiện nên nhiều nội dung sai phạm đã được các đối tượng hợp thức hóa, tiêu hủy tài liệu, chứng cứ…gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong phát hiện, điều tra, xử lý.

Chính phủ cũng cho rằng, vấn đề thu nhập, cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức còn khó khăn, một bộ phận thiếu tu dưỡng, rèn luyện, chưa được giám sát thường xuyên nên tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp chưa được ngăn chặn.

Năm 2023, Chính phủ cho biết, sẽ triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng theo kế hoạch và chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng…

Chính phủ kiến nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội tăng hoạt động chất vấn, giám sát chuyên đề về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật trên lĩnh vực kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là lĩnh vực đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…

Thủ đoạn tinh vi, phức tạp

Báo cáo công tác của Viện trưởng VKSND Tối cao cho biết, năm 2022, các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, sở hữu và môi trường giảm nhiều nhất. Đáng lưu ý, đã khởi tố, điều tra nhiều hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý thị trường chứng khoán, với thủ đoạn tinh vi, phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nhà đầu tư, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, chứng khoán Việt Nam và hành vi phát hành trái phiếu trái quy định nhằm chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn.

Tội phạm về tham nhũng chức vụ tăng nhiều nhất, đã khởi tố mới 405 vụ, tăng 110 vụ, chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý đất đai.

Điển hình như, vụ án Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm về tội thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần chứng khoán BOS và các công ty có liên quan.

Vụ án Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng đồng phạm đã có hành vi gian dối, sử dụng 3 công ty thành viên phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá hơn 10 nghìn tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.

Viện kiểm sát cũng cho biết, một số loại tội phạm có số vụ khởi tố mới tăng như: tội phạm về tham nhũng chức vụ tăng nhiều nhất, đã khởi tố mới 405 vụ, tăng 110 vụ, chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý đất đai.

Bên cạnh đó là nhiều vụ án trong lĩnh vực y tế, điển hình là vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối lộ, nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Việt Á và các địa phương.

Trong lĩnh vực giáo dục, ngoại giao điển hình như vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay giải cứu đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước, nhằm trục lợi cá nhân xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và các đơn vị liên quan...

Về công tác thi hành Luật Đặc xá, Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ trình Chủ tịch nước ký quyết định đặc xá cho 3.026 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù, 3 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, 6 người đang được hoãn chấp hành án phạt tù. Bộ Quốc phòng cũng đã thành lập Ban chỉ đạo về đặc xá, ban hành mẫu biểu và hướng dẫn thực hiện. Kết quả có 13 phạm nhân đủ điều kiện đề nghị đặc xá. Bộ Quốc phòng giúp việc cho thành viên hội đồng tư vấn đặc xá đã thẩm tra 3.117 hồ sơ theo đúng trình tự, thủ tục hướng dẫn. Hiện nay, Bộ Quốc phòng đang triển khai thực hiện quyết định đặc xá của Chủ tịch nước năm 2022.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/toi-pham-ve-tham-nhung-chuc-vu-tang-nhieu-nhat-post1468194.tpo