'Tôi phiên bản 4.0' của những người Việt trẻ năng động tại Mỹ

Ra đời từ năm 2018, Học viện đào tạo kỹ năng và Hướng nghiệp quốc tế (CPI) của CEO Tony Dương và những người Việt trẻ năng động đang hỗ trợ tích cực cho chiến lược tìm việc hiệu quả, cũng như nâng cao cơ hội bảo lãnh định cư cho các du học sinh Việt Nam tại Mỹ thời 4.0.

Anh Tony Dương (thứ tư, từ trái qua) cùng đồng nghiệp trong một sự kiện của CPI. (Nguồn: CPI)

Thực tế đang có hàng nghìn du học sinh Việt Nam sau khi đầu tư để được đào tạo tại Mỹ nhưng tốt nghiệp vẫn không xin được việc làm phù hợp, phải bỏ lại giấc mơ lập nghiệp quốc tế hoặc phải lựa chọn học lên tiếp để tăng khả năng xin việc.

Bởi vậy, CPI được thành lập với mục đích định hướng chiến lược ngành nghề và đào tạo kỹ năng tìm việc với mong muốn họ nâng cao năng lực cạnh tranh của bản thân trên thị trường quốc tế từ đó có thể tìm được công việc mơ mước nhằm khởi đầu sự nghiệp.

“Nắn từ gốc rễ” chứ không cố sửa từ ngọn

Qua một quá trình khảo sát và phỏng vấn chuyên sâu, Tony Dương và các thành viên nhận thấy, hầu như du học sinh Việt Nam khi qua Mỹ du học thường mắc phải những vấn đề như: thiếu định hướng, kỹ năng và chiến lược tìm việc tại thị trường tuyển dụng Mỹ hoặc trong môi trường cạnh tranh quốc tế.

Trong khi nhiều bạn bắt đầu tìm hiểu quá muộn dẫn đến thiếu kiến thức, kỹ năng chuyên ngành không đạt tiêu chuẩn tuyển dụng, nhiều bạn lại thiếu “những người dẫn đường tận tâm” hay những cố vấn nghề nghiệp có khả năng theo sát, hỗ trợ xây dựng mạng lưới trong ngành hiệu quả - công cụ đòn bẩy giúp tăng 80-85% khả năng nhận được lời hẹn phỏng vấn vào các công ty tại Mỹ.

Với định hướng cốt lõi là “Nắn từ gốc rễ" chứ không cố sửa ngọn, CEO Tony Dương đã cùng những người bạn của mình dùng kiến thức đào tạo bài bản, có phương pháp, huấn luyện chuyên sâu, giúp các em có nền tảng kỹ năng nghề nghiệp chuyên nghiệp.

Bằng kinh nghiệm làm việc trong ngành tư vấn chiến lược tại nhiều tập đoàn hàng đầu của Mỹ, Tony Dương đã trực tiếp tham gia đào tạo thành công các sinh viên Việt Nam và quốc tế. Nhiều người đã tìm được việc làm tại các công ty danh tiếng như: Facebook, Goldman Sachs, Big 4 Accounting, PwC, LEK, JP Morgan, Morgan Stanley, Deustch Bank, Etsy, Girls Who Code, CIBCBoeing, FMC, Nielsen...

Đặc biệt, theo nhận định của Tony Dương, đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy cả thế giới chuyển nhanh sang thời đại 4.0, kéo theo những thay đổi lớn về xu hướng ngành nghề, cơ hội việc làm và sự xuất hiện của các nhóm kỹ năng mới cho người lao động trong tương lai. Những bạn trẻ đang và sẽ có dự định du học và tìm việc ở Mỹ nếu không kịp thời nâng cao kỹ năng, bắt kịp những thay đổi trong bối cảnh này thì rất dễ bị tụt lại phía sau và mất năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động.

Tuy nhiên, “Các bậc phụ huynh và các em cũng đừng quá lo lắng. Thời gian này có lẽ cũng sẽ không phải lần thay đổi duy nhất mà các em phải đối mặt trong hành trình sự nghiệp. Điều quan trọng nhất chính là việc các em có thể tự rút ra những bài học cho bản thân và có những chiến lược đối mặt hiệu quả để có thể tăng cường "miễn dịch" trong những cuộc khủng hoảng như vậy”, Tony Dương chia sẻ.

Kinh nghiệm của những “Tôi phiên bản 4.0”

Mới đây, team CPI đã tổ chức một buổi hội thảo hướng nghiệp với chủ đề "Tôi phiên bản 4.0" nhằm giúp các bạn trẻ và các bậc phụ huynh có cái nhìn toàn cảnh và sâu sắc hơn về thời buổi kinh tế, việc làm trong giai đoạn đầy biến động của kỷ nguyên số hóa 4.0 như hiện nay.

Buổi chia sẻ có sự tham gia của những người Việt trẻ tài năng ở Mỹ như Văn Đinh Hồng Vũ - CEO và nhà sáng lập của Elsa, start-up được đầu tư 7 triệu USD từ Google và Trần Việt Hùng - nhà sáng lập của Got It, start-up được đầu tư hơn 20 triệu USD từ các quỹ đầu tư nổi tiếng trên thế giới như SpaceX, Tesla, Planet Labs.

CEO Văn Đinh Hồng Vũ. (Nguồn: CPI)

Đây đều là những "anh chị tiền bối", những doanh nhân thành công có thể chia sẻ góc nhìn của các nhà tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ cao và về các kiến thức và kĩ năng mới trong thời đại 4.0. Bên cạnh đó, họ còn là những người truyền cảm hứng cho đội ngũ của CPI về tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và phát triển thế hệ trẻ Việt Nam.

Văn Đinh Hồng Vũ từng là người châu Á đầu tiên làm trợ lý Tổng Giám đốc của Maersk - tập đoàn vận tải và năng lượng có chi nhánh trải khắp 136 quốc gia với 89 nghìn nhân viên; Trưởng dự án cấp cao cho Booz & Company- một trong bốn tập đoàn tư vấn đứng đầu nước Mỹ. Thế nhưng, cũng chính đam mê cải tiến giáo dục đã thôi thúc Vũ rời "vị trí trong mơ" với nhiều người để khởi nghiệp với ứng dụng học nói tiếng Anh chuẩn bản xứ với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) Elsa.

Hiện Văn Đinh Hồng Vũ và Elsa được Forbes nhắc đến trong danh sách 4 công ty sử dụng Trí tuệ nhân tạo thay đổi thế giới và lọt vào top 5 các ứng dụng A.I hàng đầu hiện nay sánh hàng cùng với Cortana của Microsoft và Google Allo của Google. Chia sẻ kinh nghiệm, chị nói: “Trong thời đại 4.0 này, không chỉ học sinh phải học kỹ năng để thích nghi mà ngay cả phụ huynh cũng nên làm phụ huynh 4.0 để định hướng cho con mình tốt hơn”.

Cũng giống như chị Văn Đinh Hồng Vũ, anh Trần Việt Hùng là một “công dân toàn cầu” đang góp phần đưa tên tuổi của người Việt trẻ đến xa hơn trên trường quốc tế. Tốt nghiệp Khoa học máy tính - Đại học Iowa, Trần Việt Hùng hiện là người Việt có tiếng ở Thung Lũng Silicon với sản phẩm Got It - nền tảng kết nối người dùng với các chuyên gia hàng đầu trên toàn cầu.

TS. Trần Việt Hùng. (Nguồn: CPI)

Theo chia sẻ của anh Hùng, ứng dụng đầu tiên dành cho lĩnh vực giáo dục của nền tảng đã giữ vị trí ứng dụng thứ 2 về giáo dục được tải nhiều nhất trên Apple App Store Mỹ, được Apple tôn vinh với rất nhiều danh hiệu khác nhau. Với nền tảng này, mọi người có thể kiếm tiền nhờ thời gian rảnh và kiến thức của mình, tương tự như Uber khai thác xe rảnh không chạy và AirBNB khai thác các phòng trống.

“Trung bình một người Mỹ trong cuộc đời thay đổi nghề nghiệp 4 lần. Có những công việc khác hoàn toàn với những gì người ta được đào tạo và có kinh nghiệm. Bởi vậy, chúng ta cần phải có tư tưởng sẵn sáng chấp nhận thay đổi”, Trần Việt Hùng nói.

Trao đổi về các chương trình hướng nghiệp của CPI, Nhi Nguyễn – một du học sinh tại Mỹ cũng cho rằng: “Chuẩn bị sớm luôn là lợi thế để đi du học sẽ đỡ vất vả. Nếu đi nhầm đường quá xa rồi thì không còn thời gian để quay lại nữa”.

Các thành viên của CPI vui mừng vì những bậc phụ huynh thời 4.0 đã trao cho họ cơ hội được đồng hành cùng gia đình và các em để vượt qua được rào cản bản thân mình và nỗ lực vươn xa trên hành trình sự nghiệp.

Hà Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/toi-phien-ban-40-cua-nhung-nguoi-viet-tre-nang-dong-tai-my-116242.html