Giám đốc Nhịp cầu sức khỏe:: 'Tôi rất đau đớn khi thấy Hội luật gia nhận tài trợ của Hiệp hội rượu bia'

Chia sẻ rằng 'rất đau đớn khi biết Hội Luật gia nhận kinh phí của Hiệp hội rượu bia để tổ chức hội thảo tham khảo ý kiến xây dựng Luật phòng chống tác hại của rượu bia', Giám đốc Nhịp cầu sức khỏe đề nghị cần quy định rõ ngành công nghiệp nào không được phép tài trợ.

 Ths, bác sĩ Phạm Hoàng Anh

Ths, bác sĩ Phạm Hoàng Anh

Tiền mua bia rượu đủ nuôi sống 21 triệu người

Theo bác sĩ Phạm Hoành Anh, Giám đốc tổ chức Nhịp cầu sức khỏe (Helth Bridge Canada tại Việt Nam), chi phí tiêu thụ bia của Việt Nam khoảng 3,4 tỷ USD/năm, gần bằng 3% số thu ngân sách (2015: 3,4 tỷ lít bia, chưa kể 70 triệu lít rượu công nghiệp & hàng trăm triệu lít rượu thủ công).

Trong khi đó, nghiên cứu thực trạng tình hình mắc bệnh ung thư và chi phí điều trị một số bệnh ung thư phổ biến do PGS.TS. Nguyễn Văn Thuấn và cộng sự thực hiện cho thấy, tổng chi phí trực tiếp của 6 bệnh ung thư mà rượu bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính là 25.789 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chi phí Y tế trực tiếp nói trên chưa kể đến chi phí nuôi dưỡng & chăm sóc bệnh nhân mắc rối loạn tâm thần do rượu rất cao (500.000 - 1.000.000đ/ngày), gây gánh nặng kinh tế rất lớn cho gia đình và xã hội.

Cùng với đó, hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm tới khoảng 5.000 tỷ đồng trong năm 2017.

Tại gia đình, các thành viên ở các hộ có người uống rượu bia thường xuyên ít được đầu tư về dinh dưỡng, chăm sóc y tế và giáo dục so với thành viên các hộ không có người uống rượu bia.

Theo bac sĩ Hoàng Anh, chi trên đầu người cho giáo dục và y tế ở các hộ nghèo có người sử dụng rượu bia chỉ bằng 48% và 60% so với hộ không có người sử dụng rượu bia.

Bác sĩ Hoàng Anh lấy ví dụ: Với chi trung bình cho rượu bia là 733.058 đồng/hộ, tổng chi tiêu cho rượu bia của Việt Nam là 16.372 tỷ đồng. Tổng số tiền này có thể mua 1.770.000 tấn gạo (giá năm 2010), đủ để nuôi sống gần 21 triệu người/năm.

Hoặc nếu số tiền mua rượu bia được dùng mua xe máy, thì có thêm 12,5% hộ nghèo hiện chưa có xe máy được sử dụng phương tiện đi lại phổ biến này.

“Liên quan của sử dụng rượu bia và đói nghèo là rất rõ ràng. Tiêu dùng rượu bia làm giảm ngân sách hộ gia đình, đặc biệt là hộ gia đình nghèo, giảm ngân sách chi cho giáo dục, dinh dưỡng và sức khỏe. Điều đó dẫn đến hạn chế khả năng tái tạo sức lao động chất lượng cao, làm mất đi khả năng tìm đến những công việc có hiệu quả kinh tế cao và do đó, tiếp tục duy trì tình trạng đói nghèo.” – bác sĩ Phạm Hoàng Anh nhấn mạnh.

Bố uống 2 cốc rượu/5 ngày, con không được 1 cốc sữa 1 năm

Đau xót hơn khi bà Hoàng Anh dẫn chứng: Trong khi những người uống rượu bia ở các gia đình sống dưới ngưỡng nghèo uống 2 cốc rượu bia/5 ngày thì trẻ em trong các gia đình này uống chưa đến 1 cốc sữa/năm. Nếu số tiền mua rượu bia ở các gia đình này được dùng mua sữa thì trẻ em sẽ được uống 1 cốc sữa/3 ngày thay vì ít hơn 1 cốc sữa/năm.

Dẫn định nghĩa của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hộ gia đình được phân loại là hộ nghèo khi chi tiêu trên đầu người ít hơn 4.800.000đ/năm, bác sĩ Hoàng Anh cho biết, nếu không tính chi tiêu cho rượu bia vào tổng chi tiêu của hộ gia đình thì theo định nghĩa của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ có thêm 90.568 hộ nghèo.

Cũng phân tích về khía cạnh kinh tế, bác sĩ Hoàng Anh cho biết, gần 70% người trưởng thành đã phải chịu một hoặc một số tác hại về sức khỏe thể chất, tinh thần, thời gian lao động, tổn thất tiền bạc, của cải… từ việc uống rượu bia của những người xung quanh.

“Rượu bia làm tăng chi phí các loại bệnh nguy hiểm, bệnh mãn tính kéo dài suốt đời như tai biến, tai nạn giao thông không chỉ cho bản thân và cho cả những người khác. Đặc biệt, nếu họ không chết mà bị thương tật thì chi phí xã hội và chi phí của hộ gia đình cho những người này là rất khó khăn. Tất cả những cái đó đóng góp vào việc duy trì nghèo đói trong hộ gia đình, tăng chi phí của xã hội.” – bác sĩ Hoàng Anh nhấn mạnh.

Không chỉ gây hại về mặt kinh tế, 14% gia đình có trẻ đã chịu ít nhất 1 trong 5 tác hại như: Bị người uống rượu bia đánh đập; phải chứng kiến bạo lực trong gia đình; bị bỏ mặc; thiếu sự chăm sóc bảo vệ của người lớn; gia đình không còn tiền để chi cho các nhu cầu thiết yếu cho trẻ do thành viên hộ gia đình sử dụng rượu bia gây ra.

“Ở những hộ gia đình nghèo thì yếu tố nghèo đói lại là nguy cơ dẫn đến việc sử dụng rượu bia sớm trong tương lai. Đây là một vòng xoắn khó thoát khỏi. “ – bà Hoàng Anh nói them.

“Thả cửa” cho quảng cáo, tài trợ: Hậu quả khôn lường

Theo bác sĩ Phạm Hoành Anh, ban hành Luật phòng chống tác hại của rượu bia với các biện pháp kiểm soát mạnh đã được chứng minh hiệu quả bằng cách tăng thuế, hạn chế quảng cáo, hạn chế sự tiếp cận của rượu bia.

“Nếu cứ tiếp tục thả cửa cho quảng cáo bia thì tình trạng còn nghiêm trọng hơn rất nhiều vì chi phí cho quảng cáo của ngành công nghiệp rượu bia rất lớn, đến hàng nghìn tỉ mỗi năm. Trong khi đó, điều khoản trong dự thảo luật liên quan đến quản lý quảng cáo đang có nguy cơ bị làm yếu đi, chỉ định quản lý chặt chẽ quảng cáo rượu trên 5% độ cồn. Trong khi đó, phần lớn bia là dưới 5% độ cồn nên nếu không được kiểm soát quảng cáo tốt thì hậu quả không chỉ ở việc sử dụng bia mà toàn bộ việc sử dụng rượu bia khác cũng gia tăng.” – bác sĩ Hoàng Anh nhấn mạnh.

Bà Hoàng Anh cũng chia sẻ rằng, vấn đề tài trợ khiến bà rất lo lắng.

“Nếu chúng ta quản lý quảng cáo thì họ sẽ thông qua tài trợ. Cái đáng ngại lớn nhất là tài trợ cho các tổ chức tham vấn về chính sách. Điều này rất nguy hiểm.” – bà Hoàng Anh nói.

Giám đốc Tổ chức Nhịp cầu sức khỏe (Helth Bridge) tại Việt Nam dẫn ra một ví dụ: “Tôi rất đau đớn khi biết hội luật gia nhận kinh phí của hiệp hội rượu bia để tổ chức hội thảo tham khảo ý kiến xây dựng Luật phòng chống tác hại của rượu bia. Nếu đã nhận tiền của họ, chúng ta rất khó làm việc một cách khách quan. Họ còn ký cam kết là hỗ trợ về mặt luật pháp cho ngành công nghiệp rượu bia nữa. Tất nhiên, Hội Luật gia có quyền làm như vậy, nhưng tôi nghĩ rằng, khi họ làm như vậy, tiếng nói của họ sẽ khó mà công bằng và người dân sẽ chịu thiệt thòi rất nhiều”

Vì thế, bác sĩ Hoàng Anh cho rằng Luật cần kiểm soát cả vấn đề tài trợ. “Những ngành công nghiệp nào không được phép tài trợ cần phải quy định rõ ràng, nếu không thì hậu quả rất khó lường” - bác sĩ Hoàng Anh cảnh báo.

Lo ngại của bác sĩ Hoàng Anh là hoàn toàn có cơ sở khi tại buổi tọa đàm do Hội Luật gia Việt Nam phối hợp cùng Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức bàn về dự thảo luật này, GS. TS. Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam đã nói: “Nếu dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, các hoạt động thể thao, văn hóa được tài trợ bởi các công ty bia rượu cũng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Điều này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới phát triển du lịch, kinh tế xã hội ở Việt Nam”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó Chủ tịch Thường trực VBA cho rằng, việc cấm/giới hạn quảng cáo, tài trợ cần đi đối với phân tích chi phí/lợi ích toàn diện về tác động kinh tế của các đề xuất - ảnh hưởng tới kinh tế, du lịch và ngân sách Nhà nước.

Cả hai vị Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam chỉ lo lắng cho doanh nghiệp mà hoàn toàn không có một chữ nào nhắc đến tác hại của rượu bia đối với xã hội và người dân.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201809/giam-doc-nhip-cau-suc-khoe-toi-rat-dau-don-khi-thay-hoi-luat-gia-nhan-tai-tro-cua-hiep-hoi-ruou-bia-613416/