Tội rửa tiền trong Bộ luật Hình sự năm 2015

Để áp dụng thống nhất và có hiệu quả trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền theo quy định tại Điều 324 BLHS năm 2015 thì cần có những hướng dẫn cụ thể về giá trị tài sản, về thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, phân biệt dấu hiệu của Tội rửa tiền với Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội...

Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định Tội rửa tiền tại Điều 324 với những sửa đổi, bổ sung về chủ thể, về các dấu hiệu xác định hành vi phạm tội (mặt khách quan của tội phạm), các tình tiết định khung hình phạt và mức hình phạt.

Ảnh minh họa

1. Chủ thể

Theo quy định tại Điều 251 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì chủ thể của Tội rửa tiền là cá nhân, là bất cứ người nào có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo luật định. Điều 324 BLHS năm 2015 đã mở rộng phạm vi chủ thể, đó là ngoài cá nhân, thì pháp nhân thương mại cũng là chủ thể của tội này. Việc đưa thêm chủ thể là pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế về thương mại, đầu tư, tài chính, ngân hàng và cũng phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa.

2. Mặt khách quan

Theo quy định tại khoản 1 Điều 324 BLHS năm 2015, thì một người phạm tội rửa tiền khi thực hiện một trong các hành vi sau đây:

- Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có;

- Sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;

- Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;

- Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có”.

Có thế thấy, Điều 324 BLHS năm 2015 đã bổ sung dấu hiệu “do mình phạm tội mà có” và sửa đổi dấu hiệu “biết rõ là do phạm tội mà có” thành “biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có” vào cấu thành của tội phạm. Việc bổ sung dấu hiệu “do mình phạm tội mà có” cho thấy người thực hiện tội phạm nguồn cũng là chủ thể của tội phạm này (tức hành vi tự rửa tiền). Như vậy, với việc sửa đổi, bổ sung dấu hiệu của hành vi khách quan quy định tại Điều 324 BLHS năm 2015, có thể xác định chủ thể của Tội rửa tiền bao hàm cả người thực hiện tội phạm nguồn (hành vi tự rửa tiền) và người không thực hiện tội phạm nguồn (là người giúp người thực hiện tội phạm nguồn che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do phạm tội mà có). Quy định mới này về Tội rửa tiền của BLHS năm 2015 cho thấy bước tiến mới trong việc tiếp cận gần hơn những quy định của quốc tế về hành vi rửa tiền.

Nếu như Điều 251 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định dấu hiệu “biết rõ tài sản là do phạm tội mà có” là dấu hiệu căn bản để quy kết hành vi phạm tội, thì Điều 324 BLHS năm 2015 đã sửa đổi thành “biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có”. Rõ ràng mức độ “biết” quy định tại Điều 324 BLHS năm 2015 thấp hơn với mức độ “biết” quy định tại Điều 251 BLHS năm 1999. Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC ngày 30/11/2011 hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và Tội rửa tiền đã có giải thích như thế nào là “biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có”. Vậy có thể căn cứ vào giải thích này để hiểu “biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có” nhưng với mức độ thấp hơn hay chỉ cần hiểu theo đúng nghĩa đơn giản của biết hoặc có cơ sở để biết tài sản đó là do người khác phạm tội mà có là đã có thể xác định có hành vi phạm tội rửa tiền hay không? Đây là một dấu hiệu quan trọng để xác định ý thức chủ quan của người phạm tội, cần có hướng dẫn cụ thể để việc áp dụng được thống nhất và có hiệu quả trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

3. Các tình tiết định khung hình phạt

Khoản 2 Điều 251 BLHS năm 1999 quy định 09 tình tiết định khung hình phạt, bao gồm: Có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội nhiều lần, có tính chất chuyên nghiệp, dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; tiền, tài sản phạm tội có giá trị lớn; thu lợi bất chính lớn; gây hậu quả nghiêm trọng; tái phạm nguy hiểm. Khoản 2 Điều 324 BLHS năm 2015 bỏ tình tiết định khung gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài ra, những tình tiết trước đây quy định mang tính định tính như “nhiều”, “lớn”, “rất lớn”, “đặc biệt lớn”, “rất nghiêm trọng”, “đặc biệt nghiêm trọng” ở khoản 2 và khoản 3 Điều 251 BLHS năm 1999, thì đã được quy định cụ thể, mang tính định lượng ở khoản 2 và khoản 3 Điều 324 BLHS năm 2015 như: Phạm tội 02 lần trở lên; tiền, tài sản phạm tội trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng...

4. Về hình phạt

- Đối với cá nhân: Mức hình phạt khởi điểm (thấp nhất) và mức hình phạt tối đa (cao nhất) của Điều 251 BLHS năm 1999 và Điều 324 BLHS năm 2015 là như nhau, đều có mức thấp nhất là từ 01 năm tù và mức cao nhất là 15 năm tù. Cả hai bộ luật đều chỉ quy định 01 loại hình phạt chính đối với Tội rửa tiền đó là hình phạt tù có thời hạn, thể hiện đường lối xử lý nghiêm khắc đối với loại tội phạm này. Ngoài ra, cũng đều quy định về hình phạt bổ sung như phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Tuy nhiên, từ khoản 2 thì mức hình phạt khởi điểm của từng khung hình phạt là khác nhau. Theo đó khoản 2 Điều 251 BLHS năm 1999 là từ 03 năm tù đến 10 năm tù, nhưng khoản 2 Điều 324 BLHS năm 2015 lại từ 05 năm tù đến 10 năm tù; khoản 3 Điều 251 BLHS năm 1999 là từ 08 năm tù đến 15 năm tù, khoản 3 Điều 324 BLHS năm 2015 lại từ 10 năm đến 15 năm tù. Như vậy, Điều 324 BLHS năm 2015 không có sự giao thoa (gối đầu) hình phạt giữa các khung hình phạt như Điều 251 BLHS năm 1999.

Ngoài ra, Điều 324 BLHS năm 2015 quy định mức hình phạt áp dụng đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội là từ 06 tháng tù đến 03 năm tù. Đây là quy định hoàn toàn mới so với Điều 251 BLHS năm 1999.

- Đối với pháp nhân thương mại: Lần đầu tiên BLHS Việt Nam truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, do đó ngoài hình phạt tiền, thì hình phạt chính và hình phạt bổ sung quy định tại khoản 6 Điều 324 BLHS năm 2015 đối với pháp nhân thương mại phạm tội này đều là những hình phạt mới. Cụ thể hình phạt chính gồm phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; hình phạt bổ sung gồm: Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn và phạt tiền (khi không áp dụng là hình phạt chính).

Ảnh minh họa

5. Một số đề xuất, kiến nghị

Nhằm áp dụng thống nhất và có hiệu quả trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử tội phạm rửa tiền theo quy định tại Điều 324 BLHS năm 2015, chúng tôi cho rằng cần phải có những hướng dẫn cụ thể những nội dung sau:

Một là, cần có khái niệm chính thức về “rửa tiền”. Có thể dựa trên những định nghĩa của FATF – Cơ quan liên chính phủ về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, giải thích của Nghị định số 74/2005/NĐ-CP ngày 07/6/2005 của Chính phủ về phòng, chống rửa tiền để đưa ra cách hiểu chung nhất, chính xác nhất và đầy đủ nhất về “rửa tiền”, chứ không chỉ mang tính liệt kê hành vi như quy định của Điều 324 BLHS năm 2015.

Hai là, khoản 1 Điều 324 BLHS năm 2015 mới chỉ quy định những hành vi được coi là phạm tội rửa tiền, mà chưa quy định khi thực hiện những hành vi này thì với số tiền, giá trị tài sản từ bao nhiêu thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là căn cứ quan trọng để Tội rửa tiền được áp dụng có hiệu quả trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Ba là, cần có hướng dẫn cụ thể tình tiết “dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt” quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 324 BLHS năm 2015. Bởi lẽ, bản chất của hành vi rửa tiền là sử dụng những thủ đoạn để che giấu tài sản do phạm tội mà có, nên cần có những ví dụ, dẫn chứng cụ thể trường hợp nào sẽ áp dụng tình tiết “dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt”.

Bốn là, theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì tài sản bao gồm: Vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; tức trong tài sản đã bao gồm có tiền. Tuy nhiên, Điều 324 BLHS năm 2015 liệt kê cả “tiền” và “tài sản”. Cần có hướng dẫn, giải thích để hiểu thống nhất “tài sản” quy định ở BLHS được hiểu như “tài sản” quy định ở Bộ luật Dân sự, việc tách “tiền” riêng ra là nhằm khẳng định tính phổ biến, chủ yếu mà nguồn thu lợi bất hợp pháp thường biểu hiện.

Năm là, cần có hướng dẫn cụ thể việc kết án một người phạm tội rửa tiền không phụ thuộc vào việc tội phạm nguồn đã bị kết án hay chưa. Việc điều tra, xét xử tội phạm nguồn và tội phạm rửa tiền có thể tiến hành chung trong một vụ án, sẽ giúp làm rõ tính chất, mức độ nguy hiểm của các hành vi phạm tội. Thực tiễn cho thấy, quá trình điều tra hành vi tham ô tài sản của Giang Kim Đ, Cơ quan điều tra đã xác định được hành vi rửa tiền của bố Giang Kim Đ là Giang Văn H, nên đã khởi tố bị can đối với H. Sau đó, Tòa án các cấp đã xét xử Giang Kim Đ và Giang Kim H trong cùng một vụ án.

Sáu là, cần có những hướng dẫn giải thích để có thể phân biệt được dấu hiệu của Tội rửa tiền với Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (Điều 250) và Tội che giấu tội phạm (Điều 389)./.

(Trích bài viết: “Tội rửa tiền trong Bộ luật Hình sự năm 2015” của tác giả Trịnh Thị Minh Trang, Vụ Giám đốc kiểm tra I, TAND tối cao và tác giả Trần Long Hân, Cơ quan điều tra VKSND tối cao. Tạp chí Kiểm sát số 15/2018).

TCKS số 15/2018

Nguồn Kiểm Sát: http://kiemsat.vn/toi-rua-tien-trong-bo-luat-hinh-su-nam-2015-51273.html