Tôi sẽ đợi em

Cây dẻ

Thuở bé ai cũng có một bạch mã hoàng tử cho riêng mình, tôi cũng thế. Ở khu tập thể của tôi, dường như khi ấy chỉ có mỗi tôi là một cô bé con nên dường như có được sự yêu thương từ cả khu. Tôi sống với ông bà vì ba mẹ tôi mất trong một chuyến đi đánh hàng xa, sau lần đó ông bà đưa tôi lên phố và từ đó tôi sống trong khu tập thể ấy.

Khu tập thể nom như một quần thể bao bọc lấy nhau hệt như sự gắn kết của những con người nơi đây, cũng đoàn kết và ở bên nhau như thế. Vì không có bạn bè đồng trang lứa nên hầu như mỗi khi rảnh rỗi tôi chỉ biết qua nhà hàng xóm chơi, và cũng ở nơi đó, tôi đã gặp anh. Anh lớn hơn tôi ước chừng mười tuổi và đang là sinh viên. Những lúc rảnh rỗi anh vẫn thường được ông bà nhờ chăm tôi, anh dễ mến, hòa đồng và hoạt ngôn nên rất được ông bà thương và anh cũng chăm tôi rất khéo.

- Lớn lên, em nhất định sẽ lấy anh?

- Haha, con nít bây giờ hay nói thế với người lớn nhỉ?

- Không, chúng chỉ nói thế với người mình thích.

Anh đẩy nhẹ gọng kính trên sống mũi và mái tóc bay nhẹ nhàng phất phơ theo gió, anh gõ nhẹ lên mũi tôi âu yếm: Em còn bé lắm bé con ơi.

Vì ông bà tôi đã già nên dường như không thể chạy theo nổi một đứa trẻ hiếu động như tôi lên xuống cầu thang, chỉ có anh là cùng tôi chạy trên những năm tháng dài ấy, dài như khoảng thời gian chúng tôi quen biết nhau và sự định hình ngày một lớn của anh trong tôi. Anh dạy cho tôi những bài học trên trường, cũng là người tập tôi từng con chữ, sự dịu dàng của anh gần như là cách để tôi hình thành nên tính cách của mình.

Anh ở trên phố trọ học một mình, vì bố mẹ anh mất sớm, anh tự làm tự học, nên dường như ở đâu đó anh hiểu được sự mất mát của tôi, anh dường như luôn đi trước một bước trong những nỗi buồn của tôi. Chỉ cần tôi tủi thân một chút là dường như anh đã cảm nhận được và lập tức an ủi tôi ngay. Anh cũng là một người rất hoạt bát, có lẽ do đúng chuyên ngành hướng dẫn viên du lịch của anh, khu tập thể tôi ở hầu như là người già, và anh đều rất được lòng.

Anh xem các cô chú trong khu tập thể như cha mẹ của mình nên thương lắm. Những khi không đi học hay đi tour thì anh vẫn thường làm các chương trình để các ông bà đàn hát cuối tuần, dường như nụ cười không bao giờ vắng trên môi anh.

Năm tôi mười tám, tôi vào đại học. Tôi học đúng chuyên ngành của anh, phải nói sức ảnh hưởng của anh lên tôi rất lớn, và tôi cũng muốn được như anh, có thể mang đến niềm vui cho mọi người cũng như rất thích những câu chuyện, những vùng đất mới mà mỗi khi anh đi tour về kể cho tôi. Khi ấy, anh đã ngấp nghé ba mươi, sự từng trải của anh lại một lần nữa mang đến những lời khuyên cho một cô gái mới lớn với muôn vàn câu hỏi vào đời. Anh như một người anh trai, lại cả một người bạn thân, và cả một bến đỗ để tôi dựa vào. Và mỗi khi cho tôi một lời khuyên nào đó xong anh vẫn luôn ghẹo tôi: Em còn bé lắm bé con ơi.

Bẵng đi ít lâu đột nhiên anh hỏi tôi:

- Nếu anh nói anh sắp xa em rồi em có tin không?

- Tin, tin chứ. Haha, anh mà rời xa em được thì chắc anh đã đi cả mười năm trước rồi, khi ấy em quấy anh hơn giờ nữa.

Anh chỉ bật cười ra rả như mọi lúc anh đùa. Độ gần đây anh hay thường lui tới các bệnh viện làm công tác từ thiện với giúp đỡ những người già neo đơn, tôi cũng hay đi theo anh vì tôi thích những công tác thiện nguyện như vậy. Nhưng điều mà tôi không thể ngờ đến là anh đột ngột nhập viện và ra đi vào một buổi trưa nắng gắt. Ngay cả lúc anh nhập viện tôi vẫn chỉ nghĩ đó là một cơn ốm thoáng qua, vì trong bộ dạng nhợt nhạt anh vẫn xoa đầu tôi: Anh không sao đâu bé con. Anh sẽ mau khỏe thôi.

Ngày anh ra đi tôi tìm sự lãng quên niềm đau bằng việc học đại học nơi thành phố khác. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, ký ức về anh trở thành một mảng màu rất đẹp mà đôi khi tôi không muốn chạm vào để không phải nhớ đến một người đã từng quan trọng với mình.

Nhiều năm sau, tôi quay lại thăm khu tập thể cũ, căn phòng nhỏ nơi anh ở đã có người khác thuê, nhưng đồ đạc của anh thì vẫn còn dưới kho, vì không ai nhận… Đột nhiên, tôi tìm thấy một cuốn nhật ký nhỏ, đã bám bụi theo thời gian, cuốn nhật ký đó có những ký ức vắn tắt mà anh viết vào, ký ức nào cũng có tên tôi trong đó. Cuốn nhật ký trải dài theo nhiều tháng năm, cuối mỗi trang luôn có một dòng rất nhỏ.

“Em còn bé lắm, nhưng… tôi sẽ đợi em”.

LÊ HỨA HUYỀN TRÂN

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/van-hoa-nghe-thuat/202306/toi-se-doi-em-980789/