'Tôi tin tôi có thể 2019' - Cuộc gặp của những diễn ngôn

'Tôi tin tôi có thể 2019: Cuộc gặp của những diễn ngôn' mở ra một không gian gặp gỡ của những góc nhìn, quan điểm và cách tiếp cận vấn đề khác nhau. Sự kiện tổ chức tại Hà Nội trong các ngày 24,25,26/5.

Nhà báo Tạ Bích Loan cùng các khách mời trong buổi tọa đàm.

Nhà báo Tạ Bích Loan cùng các khách mời trong buổi tọa đàm.

Chiều 24/5 tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Tràng Tiền, Hà Nội) đã diễn ra lễ khai mạc chương trình "Tôi tin tôi có thể 2019" và tọa đàm "Cuộc gặp của những diễn ngôn".

“Tôi tin tôi có thể 2019”: Cuộc gặp của các diễn ngôn” là một giao điểm đầy thú vị và thách thức. Diễn ngôn về người dân tộc thiểu số mà chúng ta thường thấy trên truyền thông đang tạo ra một cách nhìn, cách mô tả của người ngoài cuộc. "Cuộc gặp của những diễn ngôn” 2019 mở ra không gian để chính các dân tộc tự kể câu chuyện của mình, giúp cắt nghĩa cho các thực hành văn hóa, cho những tri thức được tích lũy và cho các hệ giá trị của mỗi cộng đồng.

Đây là dịp những con người từ nhiều dân tộc khác nhau chia sẻ về niềm tin mà mỗi dân tộc có, những giá trị bao đời mỗi tộc người hằng mang theo, những thế giới quan khác và những sự thật cùng tồn tại trong cuộc sống này. Cuộc gặp của diễn ngôn chính là cuộc gặp của tri thức và sự chia sẻ.

“Ngày xưa, vẫn có người giàu và người nghèo và họ gọi đó là người có của và người ít của, là người khỏe và người yếu. Người khỏe thì giúp người yếu, người khỏe là người đi trước thì cần ngoảnh lại giúp cho người yếu - người đi sau. Như là mình đi qua sông, người đi trước sẽ giúp người đi sau biết đặt chân vào đâu để đi cho vững mà tới được bờ bên kia. Người đi trước ở đây không chỉ là người có của, mà còn là những người có kinh nghiệm hơn, như ông bà, cha mẹ của mình, truyền đạt lại cho mình kiến thức, kinh nghiệm.

Một tiết mục tại buổi tọa đàm.

Ngày xưa, người Pakoh mình có từ “tơn ngưng” cũng có nghĩa là ỷ lại. Đây là từ mọi người tránh dùng cho người khác, vì nó mang hàm ý xấu, bị gọi là “tơn ngưng” là rất xúc phạm. Chỉ dùng từ này cho người chưa hiểu, chưa biết nhưng lại được giúp đỡ quá mức, vậy là cứ ngồi đó không làm ăn gì, chỉ đợi người ta giúp mình.

Bây giờ, có từ “trông chờ ỷ lại” là từ tiếng phổ thông. Người ỷ lại là người không biết đi làm, cứ ngồi nhà, trông chờ nhà nước cấp tiền, cấp gạo, làm biếng, suốt ngày say xỉn, rượu chè. Ngược lại người không trông chờ ỷ lại là người tự lập, tự đi vay vốn nhà nước, là người không trông chờ ai. Và người trông chờ ỷ lại thì không ai muốn giúp”.

Tiết mục nói về rừng tại buổi tọa đàm.

Đó là chia sẻ của thành viên nhóm Tiên Phong tại xã Tà Rụt, huyện Đak Krông, nơi sinh sống của phần lớn cộng đồng người Pakoh tại Việt Nam. Cũng vẫn là sự khác nhau về đời sống kinh tế, nhưng những cách cắt nghĩa khác nhau, cách gọi khác nhau hay nói một cách khác là những diễn ngôn khác nhau đã tạo ra những cảm xúc khác nhau và dẫn đến những hành động khác nhau. Nếu gọi đó là người khỏe và người yếu hơn thì người khỏe muốn giúp nhưng nếu diễn ngôn là người “trông chờ ỷ lại” thì tạo ra một cảm xúc thật tiêu cực và giảm mong muốn giúp đỡ nhau.

Chương trình chi tiết:

*Thứ 7, ngày 25/5

9h00 - 16h30: Diễn đàn Thanh niên Dân tộc thiểu số “Khởi nghiệp - Cơ hội và lựa chọn” - Khởi nghiệp bền vững từ những giá trị bản địa của cộng đồng, tại 55 Quang Trung, Hà Nội.

19h00 - 21h00: Chương trình “Bản hòa ca đa sắc” - Biểu diễn tiết mục văn hóa của các dân tộc tại Phố đi bộ Hồ Gươm.

* Chủ Nhật, ngày 26/5

9h00 -11h00: Khai mạc triển lãm Đi ngược miền sáng - Câu chuyện của diễn ngôn về người Dân tộc thiểu số thông qua các tác phẩm nghệ thuật với chuỗi 2 tọa đàm và trình diễn:

Tọa đàm “Tới miền thiêng” - trò chuyện về tính thiêng trong các cộng đồng Dân tộc thiểu số tại 12 Hòa Mã, Hà Nội.

Tọa đàm “Về miền nhớ” - tìm lại giá trị cộng đồng trong đời sống của các tộc người, ở Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội.

Các tác phẩm sẽ được tiếp tục triển lãm đến hết ngày 2/6/2019 tại 12 Hòa Mã, Hà Nội.

THANH HÒA

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/toi-tin-toi-co-the-2019---cuoc-gap-cua-nhung-dien-ngon-d98144.html