'Tôi tin Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ thu hồi Quyết định số 1584'

Theo nguyên Chánh văn phòng Đảng-Đoàn Tổng Liên đoàn: 'Mô hình tự chủ đại học thành công như Trường Đại học Tôn Đức Thắng không thể phá sản được'.

LTS: Ngày 16/10/2019, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, công nhận chức vụ, cho thôi chức vụ, từ chức, miễn nhiệm, điều động, biệt phái, luân chuyển đối với cán bộ trong tổ chức Công đoàn.

Tuy nhiên, ngay sau khi Quyết định này có hiệu lực thì nhiều chuyên gia cho rằng Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ có nhiều nội dung trái với chủ trương về tự chủ đại học và Luật số 34/2018/QH14.

Trước vấn đề này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hoạch - Chánh văn phòng Đảng-Đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từ tháng 8/2010 đến tháng 10/2016.

Trân trọng gửi tới độc giả cuộc trao đổi này. Phóng viên: Trường Đại học Tôn Đức Thắng đang là một mô hình tự chủ đại học thành công được đánh giá cao, hoàn toàn không xin ngân sách nhà nước về cả chi thường xuyên lẫn chi đầu tư phát triển. Theo ông, đâu là những nguyên nhân chính giúp Trường làm được điều này trong khi nhiều trường khác được trao quyền tự chủ vẫn phụ thuộc vào ngân sách? Ông Nguyễn Mạnh Hoạch: Tôi có dịp gắn bó, theo dõi Trường Đại học Tôn Đức Thắng trong rất nhiều năm, và theo tôi hiện nay, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đúng là đại học đẹp nhất; môi trường và điều kiện học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, làm việc hiện đại, tốt nhất Việt Nam.

Uy tín và sự ảnh hưởng của Trường Đại học Tôn Đức Thắng trên thế giới ngày càng cao.

Tháng 8/2019, ARWU (Academic Ranking of World Universities) công bố kết quả xếp hạng những đại học tốt nhất năm 2020, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đứng số 1 Việt Nam và thứ 901-1000 thế giới.

Ngày 27/11/2019, Việt Nam có 8 cơ sở giáo dục đại học lọt top 500 đại học tốt nhất châu Á theo xếp hạng của QS Asia University Rankings 2020. Trong bảng này, Trường Đại học Tôn Đức Thắng có một số chỉ số trội hơn hẳn so với hai Đại học Quốc gia như số bài báo/giảng viên, chỉ số trích dẫn/bài báo, mạng lưới nghiên cứu quốc tế, giảng viên người nước ngoài, sinh viên trao đổi trong nước và sinh viên trao đổi nước ngoài...

Thư viện của trường Đại học Tôn Đức Thắng đã kết nối với 9.000 thư viện của các trường đại học trên thế giới (Ảnh: tdt.edu.vn)

Trường Đại học Tôn Đức Thắng mới thành lập được 22 năm, tự chủ hoàn toàn, không nhận đồng kinh phí nào từ Nhà nước, từ Tổ chức Công đoàn về cả chi thường xuyên lẫn chi đầu tư phát triển; nhưng đã được xếp vào đại học tốt nhất của của cả 3 bảng (ARWU, THE IMPACT và QS).

Trường Đại học Tôn Đức Thắng đạt được kỳ tích như trên, theo tôi có nhiều nguyên nhân, trong đó có 04 nguyên nhân căn bản sau:

Một là, ngay từ đầu, nhất là từ năm 2007 đến nay, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã có một tập thể lãnh đạo đồng tâm, nhất trí; đặc biệt chia sẻ cùng nhau mục tiêu trở thành đại học nghiên cứu tinh hoa của thế giới; Lãnh đạo nhà trường thì trong sạch, minh bạch, quản trị công bằng; và nhất là coi hiệu quả là tiêu chí quan trọng nhất của công việc. Những điều tưởng chừng là lý thuyết, nhưng đã được vận hành đúng, chính xác tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Tất cả đã quyết định thành công của Trường trong hơn 1 thập niên qua.

Hai là, ngay từ đầu, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã xác định đúng đắn từng mục tiêu xây dựng và phát triển. Từ đó, hằng năm họ đã đề ra kế hoạch và các giải pháp thực hiện chi tiết, cụ thể, hiệu quả trên cơ sở của kế hoạch phát triển trung hạn (5 năm), dài hạn (30 năm và sau đó); và thực tế Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã đạt được kết quả sớm hơn cả dự kiến của kế hoạch.

Ba là, lãnh đạo Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã áp dụng đầy đủ, đúng quy định của cơ chế tự chủ từ chủ trương đúng đắn của Đảng, pháp luật, quy định của Nhà nước.

Đó là, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;

Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập;

Nghị quyết 14/2005/NQ-CP, ngày 2/11/2005, của Chính phủ về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2005-2020;

Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đổi với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017; Nghị quyết 89/NQ-CP, ngày 10/10/2016, của Chính phủ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học được Quốc hội thông qua ngày 19/11/2018 (Luật số 34/2018/QH14, ngày 16/10/2019),...

Bốn là, các quy chế, quy định về tất cả các mặt hoạt động của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, trách nhiệm và quyền hạn của lãnh đạo Trường, của viên chức, giảng viên, người lao đông, người học đều rõ ràng, minh bạch, công khai; các chế tài đều cụ thể, công bằng, không thiên vị, không có ngoại lệ.

Đảng viên, viên chức đa số tuyệt đối là gương mẫu, nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng hơn nhân viên. Các chế độ về vật chất, tinh thần đối với viên chức, giảng viên, người lao động luôn được bảo đảm, đúng quy định, bảo đảm công bằng.

Từ đó đã tạo được sự tự giác làm việc với tinh thần phụng sự, làm hết việc chất lượng cao, chứ không làm hết giờ; và đoàn kết nhất trí, đồng lòng của tất cả thành viên xây dựng và phát triển Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Cơ chế tự chủ đại học đóng góp như thế nào cho thành công này? Phải chăng Quyết định số 1445/QĐ-TLĐ ngày 25/10/2010 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam chính là một trong những tiền đề cho Trường Đại học Tôn Đức Thắng tự chủ thực sự, đang tiến nhanh đến mục tiêu trở thành đại học tinh hoa?

Ông Nguyễn Mạnh Hoạch: Cơ chế tự chủ đại học thực sự rất quan trọng trong việc xây dựng và phát triển các trường đại học công. Tự chủ đại học là sự tự chủ về tổ chức, lao động, tài chính, chuyên môn. Nó buộc Nhà trường phải sáng tạo, chủ động, năng động trong lãnh đạo, quản lý và điều hành, nhất là người đứng đầu.

Nếu tập thể lãnh đạo của bất kỳ trường đại học nào có tâm trong sáng, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm; không cầu an cho bản thân; cùng với cơ chế tự chủ thì nhất định sẽ thành công.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng, dù nguồn thu hạn chế, với việc quản trị hoạt động hiệu quả cao và chủ trương tiết kiệm mọi chỗ, mọi nơi để tích lũy, Trường đã phát huy sự năng động, chủ động do cơ chế mang đến, cùng với sự quyết tâm, đoàn kết thống nhất nội bộ, coi trọng kết quả cụ thể, kiên quyết thắt chặt chi tiêu, tổ chức bộ máy tinh, gọn; triển khai nguyên tắc lấy hiệu quả làm thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong mọi hoạt động với cơ chế tự chủ đã đạt được kỳ tích. Đúng là, nếu không có cơ chế tự chủ thì Trường Đại học Tôn Đức Thắng không có được kết quả như ngày nay.

Với nguyên tắc của Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch, Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (Tổng Liên đoàn) những năm trước đây (từ năm 2016 trở về trước): tất cả mọi hoạt động đều hướng về cơ sở, các quy định của Tổng Liên đoàn phải tạo điều kiện tốt nhất, có lợi cao nhất cho người lao động, công đoàn cơ sở, các cấp công đoàn và các đơn vị trực thuộc, trong đó có Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Chính vì vậy, việc ban hành Quyết định số 1445/QĐ-TLĐ ngày 25/10/2010 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn là góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho Trường Đại học Tôn Đức Thắng phát triển. Sau đó, Quyết định rất quan trọng của Chính phủ tác động rất lớn đến sự phát triển tiếp theo của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, đó là Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 29/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Tôn Đức Thắng giai đoạn 2015 - 2017 (Quyết định này, đến nay, vẫn còn hiệu lực, vì chưa có quy định nào của cấp có thẩm quyền phủ định).

Trường Đại học Tôn Đức Thắng trở thành trường đại học tinh hoa của thế giới là niềm tự hào của Tổ chức Công đoàn Việt Nam nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung. Do đó, lãnh đạo, trước hết là Đảng đoàn, Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn luôn luôn ủng hộ và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các đơn vị sự nghiệp công lập (các cơ quan báo, tạp chí, nhà xuất bản, viện nghiên cứu, các trường đại học…) trực thuộc Tổng Liên đoàn ổn định phát triển. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là lương tâm của lãnh đạo Tổng Liên đoàn.

Mô hình tự chủ của Trường Đại học Tôn Đức Thắng chính là cơ sở thực tiễn để Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đổi với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017, đây cũng là trường hợp đầu tiên thực hiện hài hòa cơ chế chủ quản mà Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2010 đã đặt ra.

Sau khi Quốc hội chính thức pháp điển hóa bằng Luật số 34/2018/QH14, ngày 16/10/2019, Tổng liên đoàn ban hành Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ thay thế quy định nói trên (Quyết định 1445/QĐ-TLĐ) với nhiều nội dung trái với Luật số 34/2018/QH14 về thẩm quyền của Hội đồng trường và quyền tự chủ đại học. Nếu văn bản này không được thu hồi, có thể dẫn đến sự phá sản của một mô hình tự chủ đại học thành công như Trường Đại học Tôn Đức Thắng, ông có nhận xét gì về điều này?

Ông Nguyễn Mạnh Hoạch: Đúng thế. Thông tin về một đại học công lập hoàn toàn tự túc tài chính từ khi thành lập đến nay và rất thành công đã đến với Chính phủ và Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã vinh dự được lựa chọn báo cáo điển hình trước Hội nghị giao ban của Chính phủ về kinh nghiệm xây dựng và quản lý thành công trường đại học công lập theo mô hình tự chủ, hoàn toàn không sử dụng ngân sách nhà nước vào tháng 08/2014.

Đây là minh chứng thực tiễn để Chính phủ quyết định ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 – 2017; làm cơ sở cho các đại học công khác làm tự chủ theo.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng là trường đại học đầu tiên của Việt Nam thực hiện hài hòa, chủ động cơ chế chủ quản mà Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2010 đã đặt ra.

Tổng Liên đoàn là cơ quan Trung ương của Tổ chức Công đoàn Việt Nam. Các văn bản của Tổng Liên đoàn ban hành là các văn bản quy phạm pháp luật.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hoạch, nếu Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ không được thu hồi, có thể dẫn đến sự phá sản của một mô hình tự chủ đại học thành công như Trường Đại học Tôn Đức Thắng

Do đó, Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch, Thường trực Đoàn Chủ tịch, những năm trước đây (từ năm 2016 trở về trước) khi ban hành các văn bản phải đảm bảo nguyên tắc:

Không được trái với các chủ trương, đường lối, quy định của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật; không trái với các luật đang có hiêụ̣ lực; tuân thủ đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Bảo đảm tính minh bạch; bảo đảm tính khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, dễ tiếp cận, dễ thực hiện; bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; bảo đảm yêu cầu cải cách thủ tục hành chính; bảo đảm công khai, dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình xây dựng, ban hành; tạo điều kiện tốt nhất, có lợi cao nhất cho người lao động, công đoàn cơ sở, các cấp công đoàn và các đơn vị trực thuộc.

Quy định số 1445/QĐ-TLĐ được ban hành trong giai đoạn đó; cho nên đã đảm bảo đầy đủ nguyên tắc trên, được các cấp Công đoàn cả nước tiếp nhận và triển khai thực hiện rất thuận lợi; không có gì bị mâu thuẫn, khó khăn.

Đúng là thời gian gần đây, việc ban hành văn bản, quy định của Tổng Liên đoàn có vấn đề cả về chất lượng cũng như tính thống nhất của văn bản của Tổng Liên đoàn với các văn bản pháp luật trong hệ thống pháp luật của Nhà nước.

Tự chủ đại học thế nào khi quyết định của cơ quan chủ quản đè lên Luật?

Ví dụ, có nhiều văn bản đã ban hành, sau đó phải đính chính. Như chỉ trong 04 ngày, Tổng Liên đoàn phải ban hành 02 văn bản đính chính (số 1315/TLĐ ngày 19/8/2019 về việc đính chính Quyết định phê duyệt Đề án phát động Cuộc vận động “CBCCVC (Cán bộ công chức viên chức - PV) nói không với tiêu cực”; và số 1340/TLĐ ngày 23/08/2019 V/v đính chính Kế hoạch số 61/KH-TLĐ ngày 28/6/2019 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam). Nhiều văn bản khác đọc rất khó hiểu.

Việc Tổng liên đoàn ban hành Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ thay thế Quyết định số 1445/QĐ-TLĐ với nhiều nội dung trái với Luật số 34/2019/QH14 về thẩm quyền của Hội đồng trường và quyền tự chủ đại học đã được Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chỉ ra; và phân tích sâu sắc tại Văn bản số 188/HH-NC và PTCS ngày 25/11/2019; và đã được công khai trên dư luận thông tin đại chúng. Tôi xin phép không nhắc lại.

Ngoài ra, Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ của Tổng Liên đoàn, ngoài việc trái với các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, Luật số 34/2018/QH14, ngày 16/10/2019, còn vi phạm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Luật số 80/2015/QH13 ngày 22/6/2015).

Về nguyên nhân, tôi không thể hiểu được. Trình độ của cán bộ, công chức của các ban Tổng Liên đoàn có nhiều tiến sĩ, đa số là thạc sĩ, được đào tạo bài bản. Có lẽ nguyên nhân chính, theo tôi, là việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; và việc đưa ý chí cá nhân vào công việc.

Trong các thành viên của Đảng đoàn, Thường trực Đoàn Chủ tịch, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn còn nhiều người thông minh; và chắc họ sẽ cho thu hồi. Vì Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ của Tổng Liên đoàn (cơ quan Trung ương của Công đoàn Việt Nam – Đoàn thể chính trị - xã hội, đại diện cho giai cấp công nhân và người lao động Việt Nam, chịu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản) mà trái với các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, pháp Luật Nhà nước thì không thể nào tồn tại.

Bản thân những văn bản qui phạm pháp luật dưới Luật mà trái với Luật thì tự thân nó không có giá trị.

Mô hình tự chủ đại học thành công như Trường Đại học Tôn Đức Thắng không thể phá sản được. Hiện nay các trường đại học công lập khác đang nín thở, chờ xem Đảng và nhà nước có ủng hộ tự chủ hay không trong vấn đề thực hiện Luật 34/2018/QH14 giữa Tổng Liên đoàn và Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Theo tôi, mô hình tự chủ vô cùng thành công này có được phát triển, nhân rộng ra nhiều trường đại học của Việt Nam hay không sẽ phụ thuộc lớn vào Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật số 34/2018/QH14 và Nghị quyết của Đảng Khóa 13. Chúng ta hãy cùng chờ!.

Trân trọng cảm ơn ông.

Thùy Linh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/toi-tin-tong-lien-doan-lao-dong-viet-nam-se-thu-hoi-quyet-dinh-so-1584-post205024.gd